Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2024

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Chiều 25/12, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị tổng kết công tác tư pháp năm 2023, đánh giá kết quả công tác giữa nhiệm kỳ và triển khai công tác năm 2024, định hướng nhiệm vụ công tác đến hết nhiệm kỳ 2021-2026 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với 64 điểm cầu. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang dự và chỉ đạo hội nghị.

Cùng dự tại điểm cầu Trung ương có đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương. Dự tại điểm cầu Bắc Giang có đồng chí Phan Thế Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang.

Theo báo cáo tại hội nghị, kết quả công tác năm 2023 trên hầu hết các lĩnh vực của Bộ, ngành Tư pháp đều tăng so với cùng kỳ năm 2022, trong đó, có một số lĩnh vực công tác đạt kết quả nổi bật như: Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật được các Bộ, ngành quan tâm, chú trọng triển khai quyết liệt, đạt được nhiều kết quả tích cực; công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm phap luật (VBQPPL) được thực hiện kịp thời với khối lượng công việc lớn, góp phần đảm bảo tính thống nhất, công khai, minh bạch, khả thi của hệ thống pháp luật; việc tham gia ý kiến pháp lý cùng với Chính phủ, chính quyền các cấp trong phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) ngày càng được đánh giá cao; công tác truyền thông, phổ biến về chính sách, pháp luật, hòa giải ở cơ sở được tổ chức thực hiện hiệu quả; Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử được xây dựng, vận hành hiệu quả, duy trì kết nối, chia sẻ thông suốt với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Năm 2023, các cơ quan THADS đã thi hành xong 575.667 việc, tăng 36.377 việc (tăng 6,75%) so với cùng kỳ năm 2022; đạt tỷ lệ 83,24% (tăng 0,74%) so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn 0,74% so với chỉ tiêu được giao. Về tiền: Đã thi hành xong hơn 89.505 tỷ đồng, tăng 14.264 tỷ đồng (tăng 18,96%) so với cùng kỳ năm 2022; đạt tỷ lệ 46,44% (tăng 1,03%) so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn 0,94% so với chỉ tiêu được giao.

Công tác thi hành án dân sự (THADS) đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay. Thể chế trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp tiếp tục được hoàn thiện đáp ứng yêu cầu phòng chống tham nhũng, tiêu cực và quản lý nhà nước. Công tác trợ giúp pháp lý (TGPL) có nhiều kết quả ấn tượng, nhất là việc thiết lập cơ chế trực TGPL trong điều tra hình sự trên toàn quốc, số vụ việc TGPL tố tụng cao nhất từ trước đến nay. Những kết quả nêu trên tiếp tục đóng góp quan trọng vào phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội của đất nước và của từng địa phương.

Công tác tư pháp từ đầu nhiệm kỳ đến nay đạt nhiều kết quả nổi bật. Trong đó, hệ thống pháp luật của nước ta tiếp tục được hoàn thiện; kịp thời thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng. Chất lượng hệ thống pháp luật có nhiều chuyển biến tích cực, cơ bản đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ; tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật được nâng cao; quy trình xây dựng VBQPPL tiếp tục được đổi mới. Công tác kiểm tra, rà soát VBQPPL và pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật đạt được nhiều kết quả ấn tượng. Công tác thi hành pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật và xử lý vi phạm hành chính tiếp tục được quan tâm, đạt được nhiều kết quả tích cực; công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) tiếp tục được đổi mới. Tổ chức bộ máy, đội ngũ công chức Hệ thống THADS được củng cố, kiện toàn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo hướng chuyên nghiệp; kết quả thi hành án hằng năm đều tăng, đạt và vượt chỉ tiêu được giao. Tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các cơ quan THADS đã thi hành xong 1.609.462 việc, với trên 211.073 tỷ đồng. Kết quả thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, đã thi hành xong hơn 6.856 việc, với hơn 40.488 tỷ đồng.

Định hướng công tác đến hết nhiệm kỳ, Bộ Tư pháp cho biết, sẽ tiếp tục kế thừa, phát huy những kết quả đạt được của Bộ, ngành Tư pháp trong tham mưu xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thi hành pháp luật trong những năm qua. Tiếp tục tham mưu thực hiện đảm bảo tiến độ, chất lượng định hướng xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm của Quốc hội; tập trung nghiên cứu, hoàn thiện thể chế trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ, ngành Tư pháp. Nâng cao hơn nữa chất lượng công tác thẩm định, kiểm tra, rà soát VBQPPL. Tích cực, chủ động phòng ngừa và tăng cường năng lực giải quyết tranh chấp, khiếu nại trong hoạt động đầu tư quốc tế. Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy của Bộ Tư pháp, các tổ chức pháp chế và các cơ quan tư pháp địa phương. Tiếp tục đổi mới công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đặt ra.

Tăng cường, đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Bộ, ngành Tư pháp. Nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô đào tạo của các cơ sở đào tạo thuộc Bộ nhằm bổ sung nguồn nhân lực pháp luật, tư pháp có năng lực, trình độ cao, đáp ứng yêu cầu của xã hội. Tập trung, đẩy mạnh hoạt động đầu tư công; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Năm 2024, Bộ Tư pháp cũng xác định một số nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp thực hiện.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ghi nhận và biểu dương những kết quả ngành Tư pháp đạt được trong năm 2023 và kết quả công tác giữa nhiệm kỳ 2021-2026. Đồng chí đề nghị ngành Tư pháp thời gian tới tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, tiếp tục xây dựng thể chế kịp thời và có chất lượng. Đề xuất sửa đổi Luật ban hành VBQPPL; sửa đổi, tính toán Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; thẩm định các đề nghị, dự án, dự thảo trình Quốc hội sớm. 

Bên cạnh đó, tích cực, chủ động tham mưu cho Chính phủ trong giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế và thực hiện tốt công tác hợp tác quốc tế về xây dựng pháp luật; thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương, đa phương trong đó chú trọng hiệu quả hợp tác với các đối tác láng giềng, truyền thống và hữu nghị. Thực hiện tốt quản lý nhà nước về hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp, nhất là các hoạt động hợp tác trong xây dựng pháp luật; tiếp tục hoàn thiện thể chế trong công tác xây dựng ngành, đưa pháp luật vào cuộc sống.

Tại tỉnh Bắc Giang, năm 2023, các mặt công tác tư pháp đã được UBND tỉnh triển khai tổ chức thực hiện theo đúng chỉ đạo của Bộ Tư pháp, Tỉnh ủy và hoàn thành đúng tiến độ, kế hoạch đề ra. Nhiều mặt công tác tư pháp đạt chất lượng, hiệu quả tốt. Các nhiệm vụ trọng tâm được tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện, việc điều hành tiếp tục được đổi mới theo hướng sâu sát, cụ thể, toàn diện và kịp thời. Trong năm, Sở Tư pháp chủ động tiến hành kiểm tra công tác PBGDPL đối với 10 huyện, thành phố và 10 xã, phường, thị trấn trên địa bàn các huyện, thành phố; chủ động ban hành văn bản định hướng nội dung tuyên truyền PBGDPL hàng quý; tổ chức 7 Hội nghị PBGDPL; phối hợp với các cơ quan, đơn vị địa phương thực hiện 21 cuộc tuyên truyền pháp luật; thực hiện 12 chuyên mục “Pháp luật và cuộc sống” để tuyên truyền; tổ chức biên soạn 11 loại tài liệu PBGDPL năm 2023; cập nhật, đăng tải 440 tin, bài giới thiệu văn bản pháp luật mới trên Cổng thông tin điện tử Sở Tư pháp, 440 tin trên chuyên mục “Thông tin pháp luật về phòng chống tham nhũng, tiêu cực” của Cổng thông tin điện tử PBGDPL tỉnh, hơn 200 tin, bài trên Zalo phổ biến pháp luật tỉnh; đăng tải 01 dự thảo văn bản QPPL lấy ý kiến, 56 văn bản QPPL trên Hệ thống Thông tin pháp luật tỉnh Bắc Giang.

 

Diệu Hoa

Trung bình (0 Bình chọn)