Ngành Nông nghiệp triển khai nhiệm vụ năm 2016

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Ngày 05/01, Bộ Nông nghiệp & PTNT tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết thực hiện Kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn năm 2015 và đánh giá 05 năm (2011-2015); triển khai nhiệm vụ, kế hoạch năm 2016 và 5 năm (2016- 2020). Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp& PTNT Cao Đức Phát đồng chủ trì hội nghị. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thái chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thái chủ trì hội nghị tại điểm cầu Bắc Giang. Ảnh: BGP/Nguyễn Miền.

Giai đoạn 2011- 2015, trong bối cảnh chịu nhiều tác động bất lợi của thời tiết, khí hậu và thị trường tiêu thụ, song nhờ sự chỉ đạo sâu sát, kịp thời và sự lỗ lực của bộ, ngành, địa phương, toàn ngành Nông nghiệp đã vượt qua khó khăn đạt và vượt mức kế hoạch đề ra, góp phần phát triển kinh tế, ổn định chính trị và đảm bảo an sinh xã hội của cả nước. Bình quân cả giai đoạn 2011- 2015, tốc độ tăng trưởng GDP của ngành đạt 3,13%; năm 2015 giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha đất trồng trọt đạt khoảng 83 triệu đồng/ha; cả nước có 15 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó có 1.478 xã đạt chuẩn nông thôn mới; bình quân mỗi xã đạt 12,9 tiêu chí, tăng 2,9 tiêu chí so với năm 2014; tỷ lệ hộ nghèo nông thôn (theo chuẩn nghèo mới) còn 9,3% và các huyện nghèo 30a khoảng 30%, giảm bình quân 1,5% so với năm 2014. Thu nhập của người dân nông thôn năm 2015 tăng khoảng 2 lần so với năm 2010. Nhiều địa phương đã tạo được chuyển biến rõ nét trong việc lựa chọn cây, con chủ lực để tập trung đầu tư phát triển; tổ chức liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất nguyên liệu, chế biến và tiêu thụ với quy mô lớn; chú trọng quy hoạch và phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương đều nhất trí cao với các nội dung báo cáo tổng kết của Bộ Nông nghiệp & PTNN và Kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2016- 2020. Trước thực trạng khả năng cạnh tranh của một số nông sản chưa cao, mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của các địa phương có giá bán thấp so với sản phẩm cùng loại của các nước cạnh tranh, Chương trình xây dựng nông thôn mới tuy đạt được nhiều kết quả tích cực song phát triển chưa đồng đều, đời sống của một số bộ phận nông dân còn gặp nhiều khó khăn…, nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ và Bộ Nông nghiệp & PTNT cần tiếp tục đổi mới cơ chế chính sách thúc đẩy tái cơ cấu, hỗ trợ phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh thực hiện ứng dụng công nghệ, ưu tiên phát triển các mô hình tiết kiệm nước nhằm ứng phó hiệu quả biến đổi khí hậu; xây dựng chế tài xử phạt nghiêm khắc đối với các hành vi buôn bán vật tư nông nghiệp và thuốc bảo vệ thực vật không rõ nguồn gốc xuất xứ; có chính sách hỗ trợ và nâng cao năng lực cho các hợp tác xã để đẩy mạnh liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân; tiếp tục có các chương trình nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp tại các xã về đích nông thôn mới; đầu tư có trọng điểm đối với các sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao nhằm tạo chuỗi liên kết trong bao tiêu sản phẩm, thực hiện hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp; tạo điều kiện cho các tỉnh tiếp cận gần hơn đối với hợp tác quốc tế…

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ghi nhận và đánh giá cao những cố gắng, nỗ lực của ngành Nông nghiệp trong thời gian qua. Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước tập trung vào hoàn thiện thể chế, cơ chế, chiến lược quy hoạch phát triển ngành Nông nghiệp theo tinh thần hội nhập và phát triển, tạo bước đột phá quan trọng trong phát triển nông nghiệp. 

Thực hiện rà soát, thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Bộ Nông nghiệp & PTNT phối hợp với Bộ Công Thương, tiếp tục có cơ chế chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư về các huyện, xã nhằm tiếp tục giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.

Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp cũng cần đẩy mạnh tái cơ cấu ngành; có nhiều chính sách ưu tiên nhằm thúc đẩy mối liên hệ giữa nhà sản xuất, nhà khoa học và doanh nghiệp, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm để đẩy mạnh sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam; nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất đa dạng, quy mô lớn, chất lượng cao; tập trung chỉ đạo hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; chủ động các biện pháp nhằm ứng phó hiệu quả của biến đổi khí hậu./.

Trung bình (0 Bình chọn)