Nén tâm nhang dâng lên tượng đài bất tử

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Những ngày cuối tháng 6, đoàn công tác của tỉnh Bắc Giang dâng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn và Nghĩa trang Đường 9 (Quảng Trị). Đó là tình cảm, trách nhiệm của cán bộ, nhân dân Bắc Giang tri ân, tưởng nhớ công lao của các anh hùng liệt sĩ, trong số đó có gần một nghìn liệt sĩ tỉnh Hà Bắc cũ (nay là tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh).
Thắp hương trên mộ liệt sĩ người Bắc Giang tại Nghĩa trang Trường Sơn.

Thiêng liêng, nghĩa tình

Tháng 6, đường Hồ Chí Minh (còn gọi đường Trường Sơn) nhộn nhịp hơn bởi những đoàn người khắp nơi về với mảnh đất “thiêng” từng chìm trong mưa bom, bão đạn một thời, thắp nén hương thơm tưởng nhớ những người con ưu tú đã hy sinh cho độc lập, tự do của dân tộc. Trong đoàn người ấy, có đoàn đại biểu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bắc Giang. 

Bước vào Nghĩa trang Trường Sơn, ai cũng xúc động khi chứng kiến hàng hàng, lớp lớp bia mộ trắng dưới rừng thông xanh ngắt. Trong khói hương nghi ngút và tiếng nhạc "Hồn tử sĩ", tất cả đều rưng rưng kính cẩn cầu nguyện cho anh linh các chiến sĩ được siêu thoát. 

Ông Hồ Tất Ái, Trưởng Ban Quản lý Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn cho biết: Nghĩa trang Trường Sơn tọa lạc trên đồi Bến Tắt thuộc xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh. Từ cuối năm 1974, những mộ liệt sĩ đã được quy tập về đây. Phần lớn các chiến sĩ ngã xuống ở tuổi mười tám, đôi mươi, nhiều người còn chưa có người yêu. 

Họ là những anh bộ đội, những cô thanh niên xung phong tuổi đời phơi phới lên đường ra trận theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Nghĩa trang rộng gần 40 ha với hơn 10 nghìn mộ liệt sĩ được chia thành từng cụm tỉnh, TP. Kể từ ngày xây dựng đến nay, Nghĩa trang Trường Sơn đã ba lần nâng cấp, cải tạo.

Nghĩa trang Trường Sơn, Đường 9 và Thành cổ Quảng trị mãi là những tượng đài thiêng liêng, bất tử, là niềm tự hào của dân tộc. Ở đây, đâu đó vẫn còn những bia mộ chưa có tên nhưng tên các anh đã hòa vào tên đất nước để các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau ghi nhớ không quên.

Khu nghĩa trang dành cho những người con yêu dấu của Hà Bắc nằm tại đây có 675 mộ liệt sĩ, trong đó Bắc Giang có 414 liệt sĩ. Tại khu vực này, sau khi dâng hương, hoa trước Nhà tưởng niệm, Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Hải nói với các thành viên đoàn chú ý thật kỹ và thắp hương sao cho không bỏ sót phần mộ nào. 

Bà Leo Thị Lịch, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh đã không cầm nổi nước mắt khi thấy mộ của hai người chú tại đây, đó là liệt sĩ Leo Văn Tài, thôn Cảnh, xã Nam Dương và Leo Văn Vòng, xã Nghĩa Hồ (Lục Ngạn). Tiếc rằng, do chiến tranh hoặc sự nhầm lẫn trong quá trình làm hồ sơ, tên liệt sĩ Leo Văn Tài lại khắc nhầm là Liệu Văn Tài...

Nghẹn ngào tình đồng đội

Từ nghĩa trang Trường Sơn, chúng tôi ngược lên Nghĩa trang Đường 9, nơi đây là một vùng đồi, cách trung tâm thị xã Đông Hà (Quảng Trị) gần 6 km. Chiến tranh đã lùi xa, rừng Trường Sơn đã xanh thắm trở lại, những trận địa năm xưa giờ là làng bản yên bình. Ký ức đau thương, bi tráng vẫn còn đó trong lòng biết bao thế hệ những người lính Cụ Hồ. Nghĩa trang Đường 9 - nơi yên nghỉ của hàng nghìn liệt sĩ, trong đó Hà Bắc có 128 người.

Từng là chiến sĩ của Sư đoàn 308, trực tiếp chiến đấu tại chiến trường Quảng trị năm xưa, nay về thăm chiến trường cũ, ông Nguyễn Xuân Khởi, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh không khỏi xúc động bởi nơi đó có biết bao đồng đội đã chiến đấu, hy sinh để bảo vệ Tổ quốc. Ông nhỏ nhẹ: Trước đây khu đồi quanh Nghĩa trang Đường 9 đâu nhiều cây cối xanh tốt như bây giờ. Dãy Trường Sơn vời vợi từng hứng bao bom đạn nay đã bạt ngàn xanh mướt. 

Đến trước mộ liệt sĩ Ngô Huy Cảnh, đơn vị F308 (Sư đoàn 308), quê ở xã Đại Thành (Hiệp Hòa), hy sinh ngày 12 - 2 - 1971, cựu chiến binh Nguyễn Xuân Khởi bồi hồi: "Chỉ nhìn tên đơn vị F308 là biết ngay đồng đội tôi, Sư đoàn có quá nhiều người đã hy sinh tại mảnh đất này. Còn nhớ, lúc đó tôi là Trung đội trưởng, Chính trị viên Đại đội với quân hàm Thiếu úy. Nhiều trận đánh ác liệt quá, có hôm sáng nhận quân từ 15 đến 30 đồng chí, hôm sau lại mang xác ra, thật xót xa. Trong túi áo mỗi người đều có một lọ thuốc để một mẩu giấy ghi tên, địa chỉ vào đó. Tuy vậy có người bị bom, đạn sát thương thân thể không còn nguyên vẹn, nhiều liệt sĩ vẫn chưa biết tên". 

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh thả vòng hoa tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ trên sông Thạch Hãn (Quảng Trị).

Được biết, hằng năm Hội Cựu chiến binh tỉnh đều phát động xây dựng quỹ giúp hội viên vươn lên. Riêng 6 tháng đầu năm nay đã xóa được hơn 100 nhà dột, nhà tạm cho hội viên. Dịp 27- 7 này, Hội vận động làm được 15 nhà tình nghĩa tặng thân nhân liệt sĩ và thương binh. Quản trang Nghĩa trang Đường 9, ông Hoàng Trí thông tin với đoàn, do xây dựng từ lâu, chưa được duy tu nên chữ trên nhiều bia, mộ đã bị mờ cần khắc phục. 

Nhân đây, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp duy tu, khắc phục sớm tình trạng trên. Cũng trên mảnh đất Quảng Trị, đoàn lãnh đạo, cán bộ chủ chốt tỉnh đã dâng hương Thành cổ Quảng trị - nơi diễn ra trận chiến ác liệt 81 ngày đêm, thả những vòng hoa tươi tri ân các anh hùng liệt sĩ trên sông Thạch Hãn.

Nghĩa trang Trường Sơn, Đường 9 và Thành cổ Quảng trị mãi là những tượng đài thiêng liêng, bất tử, là niềm tự hào của dân tộc. Nơi đây cũng là cội nguồn cho những cuộc hành hương ngược dòng lịch sử cho những ai muốn chiêm nghiệm lẽ sống và sự hy sinh. Ở đây, đâu đó vẫn còn những bia mộ chưa có tên nhưng tên các anh đã hòa vào tên đất nước để các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau ghi nhớ không quên.

Trung bình (0 Bình chọn)