Nâng cao hiệu quả sản xuất lúa nhờ “ ba giảm, ba tăng”.

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Thực hiện Chủ trương của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường triển khai chương trình “ba giảm, ba tăng”, vụ mùa năm nay, lần đầu tiên Chi cục Bảo vệ Thực vật (BVTV) tỉnh xây dựng thí điểm hai mô hình canh tác lúa theo chương trình “b

Trước đây, bà con nông dân chủ yếu canh tác lúa theo kinh nghiệm nên có một số hạn chế như chi phí giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật còn nhiều...do vậy hiệu quả sản xuất thấp, ảnh hưởng tới môi trường và sức khoẻ con người. Để khắc phục tình trạng này, những năm gần đây, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo các tỉnh tích cực hướng dẫn nông dân áp dụng chương trình “ba giảm, ba tăng”  vào thâm canh lúa. Nội dụng của chương trình là nhấn mạnh đến sự cần thiết của “ba giảm” là giảm giống, giảm phân bón (đạm) dư thừa và giảm thuốc bảo vệ thực vật nhằm mục tiêu: tăng năng suất, hiệu quả kinh tế và sức khoẻ cộng đồng.

 

 Trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, vụ mùa năm nay, lần đầu tiên Chi cục BVTV tỉnh xây dựng thí điểm hai mô hình thâm canh lúa KD18 và N46 theo chương trình “ba giảm, ba tăng” tại thôn Tân Sơn, xã Tân Dĩnh (Lạng Giang) và thôn Hưng Thịnh, xã Tư Mại (Yên Dũng) với quy mô 20 ha. Theo đó, mỗi thửa ruộng trình diễn được chia làm hai phần, trong đó một phần là ruộng đối chứng áp dụng biện pháp canh tác cũ (cấy nhiều dảnh với mật độ 45-50 khóm/m2 , không bón lót phân NPK mà chỉ bón phân NPK ở  thời kỳ thúc lúa đẻ nhánh, thúc đón đòng và nuôi đòng). Ruộng thực nghiệm áp dụng tổng hợp các biện pháp kỹ thuật “ba giảm”:  giảm giống bằng cách cấy mạ non (7-10 ngày); cấy ít dảnh (1-2 dảnh/khóm) với mật độ 20-25 khóm/m2; giảm phân bón: bón lót phân NPK, không bón phân NPK ở thời kỳ lúa đẻ nhánh mà chỉ bón đạm (bón sớm sau khi cấy 7-8 ngày)  và ở thời kỳ lúa đón đòng chỉ bón kali, thời kỳ thúc nuôi đòng không bón NPK;  giảm phun thuốc bảo vệ thực vật từ 2-3 lần. Để mô hình đạt hiệu quả cao, Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh còn hướng dẫn nông dân kết hợp bón thêm chế phẩm sinh học EM hoặc vôi bột để đẩy mạnh quá trình phân huỷ của gốc rạ vụ trước, tăng độ tơi xốp cho đất, hạn chế hiện tượng nghẹt rễ lúa. Kết quả thực tế sản xuất cho thấy, so với  mô hình đối chứng, mô hình thâm canh lúa theo chương trình “ba giảm, ba tăng”, cây lúa kháng được một số loại sâu bệnh phổ biến như sâu cuốn lá nhỏ, bệnh khô vằn, đen lép hạt và sinh trưởng phát triển mạnh, đẻ nhánh nhanh, số dảnh/khóm, số bông/khóm, số hạt chắc/bông cao. Năng suất lúa N46 bình quân đạt 220kg/sào, lúa KD18 đạt 260 kg/sào, tăng từ 20- 40kg so với canh tác lúa theo kinh nghiệm trước đây. Đáng lưu ý là áp dụng phương pháp  “bagiảm, ba tăng”, mỗi sào lúa giảm được gần  03 kg thóc giống,  28kg đạm, 2,5 lần phun thuốc bảo vệ thực vật. Chị Nguyễn Thị Lựu, thôn Tân Sơn, xã Tân Dĩnh (Lạng Giang) cho biết: “Năm nay, gia đình tôi cấy 1 sào lúa theo chương trình “ ba giảm, ba tăng” , năng suất đạt 260 kg/sào. Do áp dụng phương pháp canh tác mới nên đã giảm được gần 300.000 đồng chi phí về giống, đạm và thuốc bảo vệ thực vật. Trong năm tới, gia đình tôi sẽ mở rộng diện tích cấy lúa theo phương này  lên 4 sào”. Cũng như gia đình chị Lựu, từ hiệu quả của mô hình “ba giảm, ba tăng” trên cây lúa ở vụ mùa năm nay, nhiều  hộ dân ở xã Tư Mại (Yên Dũng) cũng dự kiến mở rộng diện tích thâm canh lúa theo phương pháp này trong thời gian tới.

 

          Thành công của mô hình “ba giảm, ba tăng” tại huyện Lạng Giang và Yên Dũng đã góp phần giúp nông dân từng bước tiếp cận với kỹ thuật thâm canh lúa theo phương pháp mới. Tuy nhiên, để nhân rộng mô hình cơ quan chuyên môn khuyến cáo nông dân nên canh tác lúa ở những chân ruộng chủ động được tưới tiêu.  Từ mô hình thí điểm này,  trong năm tới, Chi cục BVTV tỉnh sẽ tiếp tục xây dựng 28 mô hình trình diễn  “ba giảm, ba tăng” tại 7 huyện trọng điểm về lúa trong hai vụ lúa xuân và mùa với quy mô  từ ba-5 ha/mô hình, đồng thời hướng dẫn các huyện thành lập ban chỉ đạo “ba giảm, ba tăng để tăng cường tuyên truyền, phổ biến kỹ thuật canh tác lúa cho nông dân”.

 

                                                                                                

Trung bình (0 Bình chọn)