Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật lao động: Tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người lao động.

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Nhằm bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giữa các bên trong quan hệ lao động, ngày 29/11/2006, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XI đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật lao động(BLLĐ).

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLLĐ  tập trung sửa đổi, bổ sung Chương XIV, Bộ Luật lao động năm 2002 về giải quyết tranh chấp lao động.   Theo đó, việc tiến hành giải quyết các tranh chấp lao động được tiến hành theo  nguyên tắc: Thương lượng trực tiếp, tự dàn xếp và tự quyết định của 2 bên tranh chấp tại nơi phát sinh tranh chấp; Thông qua hòa giải, trọng tài trên cơ sở tôn trọng quyền và lợi ích của 2 bên, tôn trọng lợi ích chung của xã hội và tuân theo pháp luật; Giải quyết công khai, khách quan, kịp thời, nhanh chóng và đúng luật, có sự tham gia của đại diện người lao động và đại diện người sử dụng lao động trong quá trình giải quyết tranh chấp.

Trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động, 2 bên có các quyền và nghĩa vụ như: Trực tiếp hoặc thông qua người đại diện tham gia quá trình giải quyết; Rút đơn hoặc thay đổi nội dung tranh chấp; Yêu cầu thay người trực tiếp tiến hành giải quyết tranh chấp nếu có lý do chính đáng cho rằng người đó không thể bảo đảm tính khách quan, công bằng trong việc giải quyết tranh chấp; Cung cấp đầy đủ tài liệu chứng cứ theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức giải quyết tranh chấp lao động; Nghiêm chỉnh chấp hành các thỏa thuận đã đạt được, biên bản hòa giải thành, quyết định đã có hiệu lực của cơ quan, tổ chức giải quyết tranh chấp lao động, bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực của Toà án nhân dân. 

Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể bao gồm: Hội động hòa giải lao động cơ sở hoặc hòa giải viên lao động; Toàn án nhân dân; Chủ tịch UBND cấp huyện. Trong đó, Chủ tịch UBND cấp huyện có quyền tiến hành giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn yêu cầu giải quyết.

Điểm mới cơ bản cuả Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLLĐ là các quy định về đình công và giải quyết đình công, bao gồm: Khái niệm, điều kiện để phát sinh quyền đình công của người lao động; trình tự, thủ tục phải tiến hành khi tổ chức đình công; quyền của hai bên; những hành vi bị cấm trước, trong và sau khi đình công; các trường hợp không được đình công; đình công bất hợp pháp. Trong đó,  một số các quy định về đình công được kế thừa như quy định không được đình công ở một số doanh nghiệp cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công ích và doanh nghiệp thiết yếu cho nền kinh tế quốc dân hoặc an ninh, quốc phòng. Đình công được coi là bất hợp  pháp trong trường hợp không phát sinh từ tranh chấp lao động tập thể; không do những người lao động trong cùng một doanh nghiệp tiến hành hoặc tiến hành tại doanh nghiệp không được đình công …  

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLLĐ có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2007. Những quy định về việc giải quyết các cuộc đình công của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các tranh chấp lao động ngày 11 tháng 4 năm 1996 hết hiệu lực kể từ ngày này./.

Trung bình (0 Bình chọn)