|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết

Cổng làng Thổ Hà

Làng nằm ở tả ngạn sông Cầu, chỗ khúc quanh đẹp nhất của dòng sông thơ mộng. Đất, sông đã tạo nên làng và cũng chính khúc quanh này đã tạo cho Thổ Hà cái thế đắc địa. Ngay từ thủa lập làng, người dân Thổ Hà đã biết quy hoạch làng xóm, chọn nghề thích hợp để tận dụng, khai thác nhiều nhất lợi thế mà thiên nhiên ban tặng. Làng được quy hoạch dựa trên hai trục chính: Trục dọc và trục ngang. Trục dọc là con đường chạy thẳng từ cổng làng tới bến đò tam bảo. Trên trục dọc này tiền nhân đã xây dựng cả một quần thể các công trình kiến trúc quang trọng nhất của làng, đó là: Đình, Chùa, Nghè, Cổng làng và trước kia là cả Từ Chỉ. Trục ngang của làng là con đường chạy dọc ven sông, dài hơn cây số, từ đỉnh đầu làng tới cuối làng, trên trục ngang này chia đều đặn ra các ngõ nhỏ dài hơn trăm mét. Các ngõ này vuông góc với đường trục, có chiều rộng chỉ hơn mét, hai bên xây cao bằng mảnh gốm vỡ, có chỗ còn được xếp bằng tiểu, vại hao. Một màu đỏ của thứ gạch cũ kĩ đã mòn vẹt, trơ ra thần thái của những bước chân thời gian, ngõ nhỏ heo hút, tường xếp chằn chặn một thứ sành nâu đen bóng. Khách đến nơi đây thường có ấn tượng đặc biệt với những ngõ xóm hun hút đẹp một vẻ cổ kính, hoài niệm mà lại dân dã, lắng đọng.

Những ngõ xóm hun hút đẹp một vẻ cổ kính

Những ngõ xóm hun hút đẹp một vẻ cổ kính
 

Thổ Hà thu hút khách du lịch ở sự cổ kính với hệ thống cổng làng, cổng nhà đậm cổ. Cổng lớn nằm ở ngay đầu làng phía trước đình, bên tả là hồ nước rộng, bên hữu có cây đa hàng trăm năm tuổi, đây là những nét rất đặc trưng mang đậm dấu ấn văn hóa của cư dân đồng bằng Bắc Bộ với hình ảnh cổng làng, cây đa, bến nước, sân đình cùng với những vòm cổng, những khu miếu thờ, từ chỉ, đình, chùa... Tại làng Thổ Hà, những vòm cổng, khu miếu thờ, ngôi đình, ngôi chùa, từ chỉ những ngôi nhà cổ hàng trăm năm vẫn còn hiện hữu và hằn in dấu vết thời gian. Thổ Hà nổi tiếng với những kiến trúc cổ kính từ nhà cửa đến cổng làng, khu giếng cổ đều được làm bằng gạch nung và sành đắp nổi không tráng men, đặc biệt nơi đây còn hiện hữu ngôi chùa cổ kính và ngôi đình bề thế - một kiệt tác của kiến trúc cổ truyền Việt Nam.

Ngôi đình Thổ Hà được khởi dựng cách đây hơn 300 năm. Đình thờ thành hoàng là Lão Tử và tổ sư nghề gốm Đào Trí Tiến. Đình Thổ Hà là ngôi đình cổ thứ 2 ở Bắc Giang (sau đình Lỗ Hạnh là ngôi đình cổ được tạo dựng năm 1576), đình được xây dựng vào thời Lê Chính Hoà (1686). Đình có quy mô lớn, kết cấu kiến trúc tương đối hoàn chỉnh. Các mảng chạm khắc trên kiến trúc thể hiện phong cách thời Lê trung hưng rõ nét, độc đáo. Đề tài thể hiện trên các cấu kiện kiến trúc chủ yếu là "tứ linh", "tứ quý" hoa lá cách điệu, chim thú và con người. Con rồng ở đình Thổ Hà được chạm ở nhiều bộ phận: đầu dư, bẩy, kẻ, cốn, ván nong, câu đầu với các đề tài rồng ổ, rồng mẹ cõng rồng con, rồng vờn thiếu nữ… Ngoài các cấu kiện kiến trúc cổ, hiện đình còn lưu giữ được 9 tấm bia cổ, qua những thư tịch cổ, bia đá cổ đã là những minh chứng cho sự cổ kính của ngôi đình. Bởi vậy không ngẫu nhiên mà các nhà khoa học lại coi đình Thổ Hà là một bông hoa về nghệ thuật kiến trúc cổ Việt Nam. Năm 1962 đình Thổ Hà đã được Nhà nước xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa.

Đình Thổ Hà

Chùa Thổ Hà
 

So với Đình, Chùa có kiến trúc đơn giản hơn và cũng có tuổi đời cao hơn. Có tài liệu nói Chùa được xây dựng năm 1653. Tuy nhiên, trên lưng rồng đá ở hiên ghi năm mua rồng đá là 1584 tức Chùa đã có cách đây hơn 400 năm. Không cầu kỳ, sinh động trong kiến trúc và điêu khắc gỗ nhưng quy mô của Chùa khiến ta ngạc nhiên về sự bề thế của hai Tam Bảo, các hành lang, trung đường. Hiện trong chùa còn 18 pho tượng ở Tam bảo thượng và 26 pho tượng ở Tam bảo hạ là tượng cổ, mỗi pho tượng cổ đều là những kiệt tác của nghệ thuật nặn, điêu khắc và đúc tượng của các nghệ nhân xưa

Văn chỉ làng Thổ Hà được xây dựng vào thế kỷ XVII (theo tấm bia còn lưu giữ thì được xây dựng vào năm Vĩnh Thịnh thứ 5, năm 1680) thờ Khổng Tử, Tứ Phối, 72 vị tiên hiền…, nơi đây được coi là cái nôi của nền học thức Thổ Hà. Đây cũng là địa điểm thu hút khá đông du khách đến tham quan, nhất là vào mùa thi cử, các sĩ tử đều đến đây thắp hương, lễ bái với tấm lòng thành kính. Năm 1994, Văn Chỉ được Nhà nước xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa.

 

Ngoài nghề gốm, làng còn phát triển nghề tráng bánh đa nem, tráng mỳ

Ngoài nghề gốm, làng còn phát triển nghề tráng bánh đa nem, tráng mỳ

Đặc biệt, làng Thổ Hà không có ruộng, chỉ có đất thổ cư với diện tích 20ha, dân số gần 3.800 người. Với điều kiện tự nhiên, xã hội như thế nên ngay từ thuở lập làng người dân ở đây đã chọn cho mình một nghề thích hợp để khai thác được nhiều lợi thế. Nghề được chọn chính là nghề gốm. Chính nghề gốm đã làm nên một Thổ Hà sầm uất và danh tiếng. Làng là trung tâm gốm quan trọng nhất của đồng bằng Bắc Bộ trong suốt mấy trăm năm, bên cạnh Phù Lãng và Bát Tràng. Gốm Thổ Hà xưa không dùng men, cái thứ đất dẻo kỳ diệu ấy được nung cho đến tự chảy men ra, bám trên bề mặt đồ gốm một màu nâu óng, mượt như nhung, mát lịm. Làng chỉ làm đồ gốm gia dụng, những chum vại, tiểu sành, chĩnh chõ nổi tiếng một thời. Bề mặt đồ gốm tím sẫm, đanh lại, gõ kêu như đánh vào thép nguội. Những mảnh gốm xưa còn sót lại trên các bức tường vẫn nguyên hình vẹn trạng, chính thế mà hồn gốm như còn đọng mãi. Cùng với nghề gốm, nghề tráng bánh đa nem, tráng mỳ, bánh đa và cả nấu rượu, làm bánh kẹo, dịch vụ cũng đã phát triển ở Thổ Hà nên làng thường được gọi là "làng đa nghề". Các nghề này đã tạo nên một diện mạo mới cho làng, qua đó mới thấy sức lao động cần cù, sáng tạo không bờ bến của nhân dân nơi đây.

Là một làng nghề truyền thống trù phú trong suốt mấy trăm năm nên nơi đây cũng có sự giao thoa nhiều nét văn hoá đặc sắc của các vùng miền trong cả nước. Trong đó, đặc sắc nhất là các lễ hội với nhiều hoạt động văn hoá truyền thống như: hát tuồng cổ, hát quan họ, chơi cờ tướng, chọi gà, bóng bàn…

Vẻ đẹp cổ kính với những khu kiến trúc cổ, làng cổ, văn hoá đặc sắc cùng với những nghề truyền thống in đậm hồn quê Thổ Hà đã và đang là một địa chỉ quen thuộc và hấp dẫn du khách trong và ngoài nước đến tham quan./.

Trung bình (0 Bình chọn)