Lâm sản ngoài gỗ - cây hàng hoá nhiều triển vọng ở Bắc Giang.

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Bắc Giang là một tỉnh có khá nhiều diện tích đất lâm nghiệp nên việc đưa các loại cây lâm sản ngoài gỗ vào trồng là hoàn toàn phù hợp. Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 30.000 ha cây lâm sản ngoài gỗ. Trong đó, diện tích rừng tự nhiên khoảng 25.000 ha, chủ yế

 

Trong vài năm trở lại đây, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã chủ trương mở rộng và phát triển thêm các mô hình  cây lâm sản ngoài gỗ  có giá trị kinh tế cao như tre măng Bát độ, song mây, trám ghép, kim tiền thảo, ba kích, hương bài, gừng trâu... với diện tích lên đến 5.000 ha. Đặc biệt, từ năm 2004 đến nay, Viện kinh tế sinh thái (Bộ NN&PTNT) đã giúp đỡ nông dân ở 2 xã Tuấn Đạo, Bồng Am huyện Sơn Động triển khai Dự án hỗ trợ chuyên ngành với tất cả 12 loại cây lâm sản ngoài gỗ.

Cho đến thời điểm này có khá nhiều mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Điển hình là mô hình trồng măng tre Bát độ, triển khai từ năm 2000 đến nay, với quy mô 150 ha. Thực tế cho thấy bình quân mỗi ha thu được khoảng 40 tấn măng tươi/năm với giá bán như hiện nay là 3.000đ/kg thì doanh thu đạt được khoảng 120 triệu đồng/ha. Ngoài ra, còn chưa tính tiền bán cành giống và những thân cây già loại thải để bán cho các cơ sở chế biến bột giấy.

Đối với vùng được hưởng lợi từ Dự án lâm sản ngoài gỗ, nông dân tham gia mô hình còn được cán bộ kỹ thuật ngành nông nghiệp hướng dẫn quy trình kỹ thuật phù hợp với điều kiện sản xuất thực tế tại địa phương. Dự án còn lựa chọn những hộ có nguyện vọng, đảm bảo đủ các tiêu chí chung, có trách nhiệm khi tham gia thực hiện mô hình và được thăm quan học tập  kinh nghiệm sản xuất ở một số tỉnh trong cả nước. Từ đó giúp người dân nâng cao được nhận thức về giá trị lợi ích kinh tế của từng đối tượng cây trồng, nắm bắt được các thông tin khả năng cung cầu về sản phẩm lâm sản ngoài gỗ. Sau thời gian triển khai, đến nay đã có gần 200 hộ vùng dự án tham gia thực hiện mô hình với tổng diện tích 34 ha. Cũng tại huyện Sơn Động còn xây dựng được một số vườn ươm cung cấp cây giống tại chỗ cho nông dân, xây dựng mô hình vườn bảo tồn cây thuốc nam tại Trạm y tế xã Bồng Am. Riêng đối với mô hình trồng gừng trâu xuất khẩu, từ tháng 3 năm 2005 đến nay đã cung ứng cho các hộ dân được 5,5 tấn giống để sản xuất. Thông qua dự án lâm sản ngoài gỗ  đã tác động mạnh tới cán bộ và nhân dân trong vùng dự án, góp phần làm thay đổi nhận thức của bà con các dân tộc trong việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất.

Hiện nay, việc tiêu thụ các sản phẩm lâm sản ngoài gỗ trên địa bàn Bắc Giang diễn ra khá thuận lợi. Nhiều thương nhân ở các tỉnh Thái Bình, Hà Tây đã đến tận các thôn bản ở vùng sâu vùng xa của tỉnh để thu mua sản phẩm. Có khá nhiều nông hộ trở nên khá giả từ các cây trồng lâm sản ngoài gỗ. Theo anh Hoàng Văn Toản, Chủ nhiệm HTX dịch vụ và thu mua cây dược liệu huyện Yên Dũng cho biết: mỗi năm, HTX tiêu thụ cho nông dân trên địa bàn tỉnh khoảng 500 tấn sản phẩm từ các loại cây kim tiền thảo, ích mẫu, nhân trần. Vào thời điểm cuối năm 2005 thị trường sản phẩm kim tiền thảo đang sốt với giá 1kg khô lên đến 15.000đ (bình thường giá 6000đ/kg là nông dân đã có lãi). Ở các xã Tân Mỹ (Yên Dũng),  Hồng Thái (Việt Yên), bà con có kinh nghiệm sản xuất nên mỗi sào cây kim tiền thảo ở thời điểm giá thấp nhất cũng cho thu nhập khoảng 1,5 triệu đồng, trong khi đó, chi phí đầu tư chỉ hết hơn 100.000 đồng/sào. Ngoài ra, vẫn sản xuất được 1 vụ đông.

Trước ích lợi kinh tế từ cây lâm sản ngoài gỗ, thiết nghĩ trong thời gian tới, việc quy hoạch và định hướng các vùng sản xuất tạo thành các trung tâm tiêu thụ hàng hoá tại các huyện, thành phố trong tỉnh là rất cần thiết. Hiện tại, trên địa bàn Bắc Giang, các sản phẩm về lâm sản ngoài gỗ cung vẫn không đủ cầu - đó cũng là tín hiệu vui để khuyến khích nông dân yên tâm đầu tư mở rộng sản xuất./.

Trung bình (0 Bình chọn)