Khu di tích lịch sử văn hóa Yên Thế

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Khu di tích lịch sử văn hóa cuộc khởi nghĩa Yên Thế nằm trên địa bàn thị trấn Cầu Gồ, trung tâm huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang. Là khu căn cứ cuộc khởi nghĩa của nhân dân Yên Thế những năm 1884 – 1913. Hiện nay Khu di tích lịch sử văn hóa cuộc khởi nghĩa Yên Thế đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Nằm trên một ngọn đồi cao là đền Thề, nơi nghĩa quân cắt máu ăn thề làm lễ xuất quân đánh Pháp. Trong đền có tượng thủ lĩnh nghĩa quân Hoàng Hoa Thám. Phía sau đền Thề là Nhà trưng bày các hình ảnh và hiện vật của cuộc khởi nghĩa như súng kíp, đạn, gươm, mã tấu... cùng các đồ dùng sinh hoạt như mâm đồng, bình lọ, ấm, chén uống nước... của nghĩa quân. Trước sân nhà trưng bày là tượng đài lãnh tụ nghĩa quân Hoàng Hoa Thám và câu nói nổi tiếng của ông: " Chúng tôi gắn bó với phong tục của đất nước chúng tôi. Chúng tôi không bao giờ từ bỏ phong tục ấy dù có phải hy sinh cả tính mạng " .
Đối diện với đền Thề là đồn Phồn Xương, có bức tường thành dài đắp bằng đất và hàng lỗ châu mai. Đồn được Hoàng Hoa Thám cho xây dựng năm 1892, trấn giữ con đường độc đạo đi vào căn cứ nghĩa quân. Trước đồn là một hồ nước để bảo vệ mặt tiền đồn. Phía sau đồn nay còn di tích doanh trại, chiến lũy của nghĩa quân. Gần đồn Phồn Xương có phố Bà Ba, trước kia chính là nơi ở của vợ ba Hoàng Hoa Thám, bà Đặng Thị Nho còn gọi là bà Ba Cẩn cũng là một tướng tài của nghĩa quân. Nơi đây còn ngôi mộ của bà Hoàng Thị Thế, con gái của Hoàng Hoa Thám.
Hoàng Hoa Thám (còn gọi là Đề Thám), còn nhỏ tên là Trương Văn Nghĩa, người gốc làng Dị Chế, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Sau di cư lên Sơn Tây, Hà Tây (nay thuộc Hà Nội), rồi đến Yên Thế, Bắc Giang. Ông sinh khoảng năm 1859 (về năm sinh của Hoàng Hoa Thám vẫn còn nhiều tranh cãi, có tài liệu cho rằng ông sinh năm 1845 hay 1846), trong một gia đình nhà nho. Cha là Trương Văn Thân, một sĩ phu có lòng yêu nước, thương dân. Mẹ là Lương Thị Minh.

Hoàng Hoa Thám

Hoàng Hoa Thám
Ông là người có dáng vóc con nhà võ, nhưng rất hiền lành, nói năng từ tốn, nhỏ nhẹ. Do có sức mạnh phi thường nên Đề Thám có thể một mình đánh lại hàng trung đội địch.
Bình luận về sự nghiệp của Đề Thám, Hênêcon một sĩ quan Pháp từng tham gia chống khởi nghĩa Yên Thế chứng kiến sự kiện đương thời đã viết: "Khi mặt đất phủ đầy bóng tối đã ló ra dấu tích của ông và đồn Hữu Nhuế, tôi cảm thấy mình đang bay bổng cùng với huyền thoại về một con người anh hùng và chắc chắn sẽ sáng mãi với các thế hệ người Việt Nam..."
Cuộc khởi nghĩa Yên Thế nổ ra năm 1884, năm thực dân Pháp đem quân xâm chiếm Bắc Kỳ lần thứ hai. Chúng lần lượt đánh chiếm các tỉnh lân cận Hà Nội và cả Hà Nội, rồi sau đó đem quân tấn công đánh chiếm thành Bắc Ninh, dùng nơi đây làm bàn đạp tấn công đánh chiếm phủ Lạng Thương.
Cuộc tấn công của quân Pháp vào đất Bắc Giang ngày nay diễn ra vào ngày 15/3/1884. Chúng chia làm hai đạo quân: một đạo đánh vào phủ Lạng Thương để mở đường tấn công lên phía Lạng Sơn. Một đạo tiến quân đánh chiếm Yên Thế để mở đường tấn công lên chiếm Thái Nguyên.

Nghĩa quân Yên Thế

Nghĩa quân Yên Thế
Quân Pháp đã chiếm được thành Tỉnh Đạo đóng trên đất Yên Thế vào ngày 15 tháng 3, sau đó ngày 16 tháng 3 chúng tiếp tục tiến về phía Thái Nguyên, nhưng chúng đã bị nghĩa quân Yên Thế phục kích ở Đức Lâm gây thiệt hại nặng, cuộc tiến công bị chặn đứng. Nghĩa quân Yên Thế sau khi chiến thắng đã trở về đình Hả ở làng Hả (xã Tân Trung, huyện Tân Yên ngày nay) tổ chức lễ tế cờ chính thức tuyên thề khởi nghĩa chống thực dân Pháp.
Ngót 30 năm chiến đấu, cuộc khởi nghĩa Yên Thế với những tên tuổi như Đề Thám, Bà Ba, Cả Dinh, Cả Trọng... đã ghi đậm dấu ấn trong lịch sử dân tộc. Khởi nghĩa Yên Thế trở thành cuộc khởi nghĩa nông dân lớn nhất, bền bỉ và tiêu biểu nhất cho lòng yêu nước, tinh thần quả cảm chống kẻ thù xâm lược của nhân dân ta cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.
Lễ hội Yên Thế được tổ chức chính thức lần đầu tiên vào ngày 16 tháng 03 năm 1984 (nhân kỷ niệm 100 năm cuộc khởi nghĩa Yên Thế). Từ đó đến nay, cứ đến ngày 16 tháng 3 dương lịch, lễ hội lại được tổ chức. Nội dung chính của lễ hội bao gồm các phần: lễ diễu hành; lễ dâng hương; tổ chức các trờ chơi (đặc biệt là trò đấu vật); biểu diễn văn nghệ; các môn thể thao hiện đại (bóng đá, bóng chuyền, cầu lông…). Ngoài ra còn có các chương trình lễ hội đặc biệt như: tổ chức diễu ngựa từ đình Hả - Tân Trung (Tân Yên) lên Phồn Xương, rước từ Nhã Nam vào tham dự; tổ chức tiết mục “Trai Cầu Vồng Yên Thế gặp gái Nội Duệ, Cầu Lim”, tiết mục lễ tế cờ của Hoàng Hoa Thám...

Lễ hội Yên Thế (ngày 16/3 dương lịch hàng năm)
Tượng đài Hoàng Hoa Thám được xây dựng và khánh thành vào năm 1984, như một minh chứng hào hùng về lịch sử dân tộc. Đối với mỗi người dân Bắc Giang, dư âm về quá khứ vẫn hiện hữu trong từng nhịp trống ngày hội. Hình ảnh về một Hoàng Hoa Thám anh hùng sẽ sống mãi trong từng trang sử, trong tiềm thức của mỗi người dân nơi đây./.
Trung bình (0 Bình chọn)