Khơi dậy tiềm năng làng nghề Thủ Dương (Lục Ngạn).

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Thôn Thủ Dương, xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn nằm ở phía Tây sông Lục Nam từ lâu nổi tiếng với sản phẩm mỳ gạo (còn gọi là "mỳ Chũ"). Trải qua nhiều thử thách của thị trường, đến nay mỳ Chũ vẫn khẳng định được “thương hiệu“ của mình trong văn hoá ẩm thực c

Làng nghề mỳ Thủ Dương được hình thành từ những năm 60 của thế kỷ XX, do một hộ người Hoa học từ Trung Quốc truyền lại cho dân làng. Sản phẩm mỳ được chế biến theo một quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt khá công phu, nguyên liệu làm từ gạo Bao Thai Hồng, từ đó đến nay được nhân dân làng duy trì phát triển sau nhiều năm và đã trở thành làng nghề.

Ban đầu, chế biến mỳ chủ yếu dựa theo hình thức thủ công. Sau này người dân sáng tạo đưa máy móc công nghệ tiên tiến áp dụng vào một số khâu như tráng bánh, xay bột, thái mỳ... nhưng vẫn giữ được hương vị cũng như chất lượng đặc trưng. Tuy nhiên, do chuyển đổi cơ chế, làng nghề sản xuất mỳ có lúc tưởng như mai một do trên thị trường xuất hiện nhiều loại thực phẩm hàng hóa sản xuất theo kiểu công nghiệp giá thành giảm. Với lòng nhiệt huyết, quyết giữ nghề truyền thống, một số hộ trong làng vẫn duy trì sản xuất, do vậy nghề chế biến mỳ truyền thống vẫn được gìn giữ và bảo tồn cho đến ngày nay. Mỳ Thủ Dương sản xuất 100% từ gạo theo quy trình công nghệ truyền thống, không sử dụng màu, không có hoá chất hoặc phụ gia...  rất an toàn đối với người tiêu dùng. Sản phẩm này đã dần chiếm được lòng tin của người tiêu dùng, khẳng định được chất lượng sản phẩm hàng hoá.

Hiện làng nghề Thủ Dương có gần 200 hộ tham gia làm mỳ trên tổng số 263 hộ sống trong thôn. Từ năm 2004 được sự quan tâm của Nhà nước, tỉnh đã triển khai dự án xây dựng cơ sở hạ tầng cho làng nghề với tổng số tiền hơn 4 tỷ đồng. Đặc biệt, nhờ sáng tạo đưa tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, đến nay các công đoạn chính của quy trình  đã được sử dụng bằng máy móc thay thế lao động thủ công, chính vì vậy chất lượng sản phẩm được nâng lên, tiết kiệm các chi phí như than, điện, công lao động, tăng năng suất và thu nhập cho người lao động. Theo một số hộ làm nghề, chế biến 100 kg gạo nguyên liệu thu được bình quân từ 94 - 95kg mỳ khô; 2 - 3 kg mỳ vụn. Giá bán mỳ tại cơ sở là 10.500 đồng/kg, giá mỳ vụn 4.000 đồng/kg, thu nhập được  khoảng gần 1.000.000 đồng. Sau khi trừ mọi chi phí, 01 tạ gạo cho thu lãi  210.000 đồng, tỷ suất lợi nhuận theo chi phí của hoạt động chế biến mỳ của các hộ bình quân 1,5 lần (nghĩa là các hộ bỏ ra một đồng chi phí thì thu lại một đồng rưỡi, giá trị tăng thêm so với chi phí bình quân là 0,5 lần). Mỗi ngày, làng nghề sản xuất chế biến và tiêu thụ được từ 14-15 tấn mỳ khô, lợi nhuận hơn 300 triệu đồng.

Nghề chế biến mỳ truyền thống của làng ngày càng được phát triển mạnh mẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động nông nhàn của địa phương góp phần tích cực xoá đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập, đời sống vật chất và tình thần được nâng nên các hộ đã có điều kiện mua sắm những đồ dùng đắt tiền như xe máy, ti vi, tủ lạnh, đầu tư cho con cái học hành....

Từ những thành tựu đã đạt được, để đẩy mạnh phát triển công nghiệp tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn, nâng cao hiệu quả kinh tế trong lĩnh vực sản xuất chế biến mỳ chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp như sau:

> Đổi mới công nghệ

Đẩy mạnh đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ, trang thiết bị nhằm nâng cao năng lực sản xuất chế biến của hộ gia đình nhưng vẫn giữ được nét đặc trưng của sản phẩm mỳ truyền thống. Nên đầu tư mua sắm máy móc thay thế lao động thủ công trong một số công đoạn như xay bột, tráng bánh ... 

Theo kết quả điều tra cho ta thấy hiện một số hộ đang sử dụng máy tráng mỳ công suất 60 kg gạo nguyên liệu/giờ hoặc máy xay bột công suất 40kg gạo/giờ chính vì vậy để tiết kiệm chi phí, tận dụng được hiệu suất của máy móc nâng cao hiệu quả kinh tế, các hộ cần tổ chức lại sản xuất theo hướng chuyên môn hoá, hiện đại hoá, khuyến khích hợp tác, tăng cường sự phối hợp giữa các hộ gia đình trong quá trình chế biến và tiêu thụ sản phẩm bằng một số mô hình tổ nhóm hợp tác, hợp tác xã hoặc mô hình công ty...

* Mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm sau chế biến

Đối với các hoạt động chế biến mỳ, thị trường tiêu thụ đóng vai trò quyết định đến sự tồn tại phát triển của ngành nghề chế biến cho nên cần được quan tâm củng cố các thị trường truyền thống, tìm kiếm thị trường mới thông qua các cuộc triển lãm, hội chợ và tham gia các hội chợ xuất khẩu sản phẩm, hỗ trợ cung cấp thông tin, tiếp thị, tìm kiếm thị trường, đối tác kinh doanh, tạo cơ hội cho các hộ tham gia quảng cáo, triển lãm giới thiệu sản phẩm. Các cấp, các ngành chức năng ở địa phương cần có chính sách hỗ trợ xây dựng thương hiệu và quảng bá thương hiệu sản phẩm mỳ rộng rãi trên thị trường.

* Nâng cao chất lượng sản phẩm sau chế biến

Sản phẩm mỳ sau chế biến có giữ được chất lượng tốt, thời gian bảo quản lâu, vận chuyển được đi xa, tiện lợi cho việc sử dụng cần đầu tư nghiên cứu bao bì đóng gói sao cho mẫu mã đẹp, phù hợp thị hiếu của người tiêu dùng. Cải tiến quy trình công nghệ trong một số khâu chế biến  nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm là việc làm mang tính quyết định, tạo thương hiệu, chỗ đứng của sản phẩm trên thị trường cũng như đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Khuyến khích hỗ trợ các hộ tham gia sản xuất chế biến mỳ, xây dựng thương hiệu và đăng ký bảo hộ độc quyền sản phẩn hàng hoá của mình, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến như ISO, SA 8000.. đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Tập trung trợ giúp các hộ nông dân tham gia chế biến nông sản áp dụng các tiến bộ công nghệ tiên tiến, thay đổi nền tảng sản xuất mang tính truyền thống thủ công với năng suất thấp, chất lượng không đáp ứng nhu cầu thị trường.

* Giải pháp tạo nguồn vốn cho các hộ  tham gia chế biến

Ngân hàng cần có chính sách tín dụng hợp lý, mức cho vay và thời hạn cho vay phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, đoàn thể  đứng ra tín chấp bảo lãnh cho người dân vay vốn được thuận lợi. Củng cố, mở rộng hệ thống quỹ tín dụng nhân dân nhằm huy động tốt vốn nhàn rỗi trong nhân dân, đa dạng các hình thức cho vay, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ chế biến tiếp cận được với các nguồn vốn.

* Đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở nông thôn

Đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông nông thôn nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc giao thương hàng hoá, vận  chuyển nguyên liệu cũng như vận chuyển sản phẩm sau chế biến mới. Chi phí cho vận chuyển giảm bớt sẽ làm tăng hiệu quả kinh tế trong hoạt động  chế biến nông sản. Cùng với việc xây dựng hệ thống giao thông nông thôn, việc nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ thông tin liên lạc, các hoạt động dịch vụ khác góp phần đáng kể vào việc thúc đẩy sản xuất nông nghiệp nói chung và hoạt động chế biến mỳ nói riêng.

Trung bình (0 Bình chọn)