Kết quả phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Giang tháng 6 tháng đầu năm 2020

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết

Trong điều kiện khó khăn, song kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Giang vẫn đạt được kết quả quan trọng, toàn diện. Công tác xây dựng Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 được tập trung cao (Bắc Giang là một trong những địa phương có tiến độ xây dựng nhanh nhất cả nước). Kinh tế hồi phục nhanh chóng sau khi dịch bệnh được kiểm soát; tốc độ tăng trưởng nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước. Sản xuất nông nghiệp ổn định, chất lượng, giá trị các sản phẩm nông nghiệp được nâng lên; phong trào nông thôn mới đạt kết quả tích cực. Số lượng nhà đầu tư quan tâm, tìm hiểu đến tỉnh tăng cao; kết quả thu hút đầu tư đạt khá. Thu ngân sách nhà nước có kết quả khích lệ, chi ngân sách đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả. Tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh; hạ tầng kinh tế xã hội tiếp tục được cải thiện. Những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý đất đai từng bước được giải quyết. Môi trường nông thôn bước đầu có chuyển biến.

Công tác phòng, chống dịch bệnh được thực hiện hiệu quả; chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân được nâng lên. Lĩnh vực giáo dục đào tạo ngày càng tiến bộ. An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân ổn định. Chính quyền địa phương hoạt động hiệu quả hơn; chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã có cải thiện. Công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân và giải quyết KNTC có chuyển biến. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; tai nạn giao thông giảm mạnh...

1. Tăng trưởng kinh tế dù thấp hơn cùng kỳ nhiều năm trước song vẫn ở mức cao so với bình quân chung cả nước, ước đạt 5,86% (đứng thứ 8 toàn quốc); trong đó: công nghiệp - xây dựng tăng 9,69% (công nghiệp tăng 9,6%, xây dựng tăng 10,22%); dịch vụ giảm 1,1%; nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 0,54%; thuế sản phẩm tăng 6,45%. Quy mô GRDP (giá hiện hành) ước đạt 56.360 tỷ đồng, đạt 43,8% kế hoạch.

2. Sản xuất công nghiệp có bước phục hồi từ cuối tháng 4 sau những tháng đầu năm bị gián đoạn; các khó khăn về thiếu hụt nguyên liệu đầu vào và khó khăn thị trường đầu ra, lao động, vốn... của các doanh nghiệp được tập trung tháo gỡ. Trong 6 tháng có thêm 75 doanh nghiệp mới đi vào sản xuất kinh doanh, 46 doanh nghiệp lớn vẫn giữ được sản xuất ổn định, song cũng có 124 doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động hoặc thu hẹp sản xuất. Giá trị sản xuất công nghiệp dù có mức tăng thấp hơn cùng kỳ các năm trước song vẫn đạt 9,3%; quy mô giá trị sản xuất (giá hiện hành) 6 tháng đầu năm 2020 ước đạt 115.000 tỷ đồng, bằng 41,8% kế hoạch.

3. Xây dựng tăng trưởng khá do việc huy động nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đẩy mạnh; tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án đầu tư nhất là các dự án trọng điểm về giao thông, đô thị, dịch vụ,....Giá trị sản xuất toàn ngành (giá so sánh 2010) ước đạt 10.210 tỷ đồng, tăng 10,2% cùng kỳ.

4. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn đạt được một số kết quả tích cực khi đối mặt với khó khăn kép từ dịch Covid - 19 và dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Giá trị sản xuất toàn ngành (giá so sánh 2010) ước đạt 10.135 tỷ đồng, tăng 0,4% so với cùng kỳ. Cơ cấu các loại cây trồng được chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng diện tích các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Sản lượng lương thực có hạt đạt 329.320 tấn, bằng 52,1% kế hoạch; sản lượng vải thiều ước đạt 160 nghìn tấn, tăng 6,4% so với cùng kỳ; trong đó, vải sớm 45 nghìn tấn, tăng 16%.

Chăn nuôi tiếp tục chuyển biến rõ nét về tổ chức sản xuất theo hướng trang trại, tập trung theo chuỗi khép kín, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến. Đàn vật nuôi phát triển ổn định; đàn lợn đã dần phục hồi sau khi tỉnh công bố hết dịch tả lợn châu Phi. Sản xuất thủy sản phát triển đúng hướng. Công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ phát triển rừng được quan tâm, có chuyển biến tích cực.

Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đạt kết quả cao; dự kiến đến hết tháng 6, có thêm huyện Tân Yên sẽ được công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới và có 14/23 xã về đích nông thôn mới.

5. Dịch bệnh đã ảnh hưởng nặng nề đến hầu hết các ngành dịch vụ; một số lĩnh vực giảm mạnh như: bán buôn bán lẻ, giảm 10,8%, dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 29,6%, vận tải kho bãi giảm 15,7%....; một số lĩnh vực vẫn duy trì được tốc độ tăng, song mức tăng thấp hơn cùng kỳ như: Hoạt động kinh doanh bất động sản, tăng 3,4%; thông tin truyền thông tăng 5,4%; hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm tăng 7,1%... Giá trị sản xuất ngành dịch vụ (giá so sánh 2010) đạt 11.110 tỷ đồng, giảm 3,4% so với cùng kỳ, bằng 44,1% kế hoạch.

Công tác quản lý thị trường, các hoạt động thương mại được tập trung cao; trong thời điểm chống dịch không có hiện tượng thiếu hàng, tăng giá đột biến gây bất ổn thị trường. Hoạt động xúc tiến thương mại tiếp tục được tăng cường với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả; trong đó đã tổ chức thành công Hội nghị trực tuyến về tiêu thụ Vải thiều tại 62 điểm cầu trong nước và quốc tế, thu hút hơn 2.000 người tham gia. Vải thiều hiện được tiêu thụ khá thuận lợi, giá trị quả vải tiếp tục được nâng lên, giá bán ổn định ở mức khoảng 35.000 đồng/kg.

Giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp trong tỉnh ước đạt 4.385 triệu USD, tăng 48,3% so với cùng kỳ, đạt 46,2% kế hoạch; nhập khẩu đạt 4.320 triệu USD, tăng 47%, đạt 47% kế hoạch. Các hoạt động kinh tế từng bước phục hồi và tăng khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp, dư nợ tín dụng tăng trưởng trở lại đạt mức 1,4%.

6. Thu ngân sách nhà nước cao hơn cùng kỳ. Tổng thu ngân sách ước đạt 5.145 tỷ đồng, bằng 50,5% dự toán, tăng 3,4% cùng kỳ; có 11/16 chỉ tiêu, khu vực thu nội địa đạt trên 50% dự toán. Công tác điều hành chi NSNN 6 tháng đầu năm đảm bảo theo đúng dự toán, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ; tổng chi ước đạt 8.455 tỷ đồng, bằng 49,3% dự toán năm, tăng 16,7% so cùng kỳ.

7. Đầu tư phát triển: Các chính sách ưu đãi, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh được đẩy mạnh đã khơi thông nguồn vốn, tạo động lực cho phát triển. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 22.230 tỷ đồng, tăng 10,5% so cùng kỳ, bằng 34,3% kế hoạch.

7.1. Các biện pháp đẩy nhanh vốn đầu tư công được triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả; tiến độ các dự án đầu tư đạt khá, đóng vai trò quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhất là trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách gặp khó khăn do dịch bệnh. Tổng kế hoạch vốn đầu tư công tính đến tháng 6/2020 là 7.594 tỷ đồng; trong đó vốn do tỉnh quản lý 7.265 tỷ đồng. Trong điều kiện khó khăn, song tiến độ thực hiện và giải ngân tương đương với cùng kỳ năm 2019; ước đến 30/6/2020, giá trị khối lượng thực hiện đạt 2.825 tỷ đồng, bằng 38,8%; giải ngân đạt 2.440 tỷ đồng, bằng 33,5% kế hoạch. .

7.2. Thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp đạt kết quả khá tích cực. Tính đến 31/5/2020, toàn tỉnh đã thu hút được gần 700 triệu USD vốn đầu tư quy đổi, bằng 89% so với cùng kỳ (tính riêng tổng vốn đầu tư FDI của tỉnh xếp thứ 9 toàn quốc); có 514 doanh nghiệp được thành lập mới tăng 6%. Thu hút được một số dự án lớn, có công nghệ hiện đại như: dự án Thành lập nhà máy Shunsin Việt Nam, vốn đầu tư 100 triệu USD sản xuất linh kiện điện tử sản phẩm chủ yếu là môđun thu phát quang học; dự án Nhà máy sản xuất hợp kim Powerway Việt Nam, vốn đầu tư 50 triệu USD chuyên sản xuất hợp kim đặc chủng dạng thanh, sợi, dải sử dụng trong lĩnh vực hàng không, không gian, vũ trụ...

8. Công tác quản lý tài nguyên và môi trường có tiến bộ. Những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý đất đai từng bước được giải quyết. Công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được tập trung đạt kết quả khá. Nhận thức về bảo vệ môi trường, quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước tiếp tục được nâng lên. Các biện pháp huy động toàn dân tập trung thu gom, xử lý triệt để rác thải ra môi trường theo tinh thần chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy được triển khai đồng bộ, quyết liệt; tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn bước đầu có chuyển biến. Công tác quản lý khai thác khoáng sản, đặc biệt là khai thác đất san lấp mặt bằng và khai thác cát, sỏi lòng sông được tăng cường, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm.

9. Các hoạt động giáo dục được tập trung đảm bảo vừa phòng, chống dịch vừa bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm học 2019-2020. Các hình thức dạy học qua truyền hình, trực tuyến và các hình thức khác bảo đảm học sinh “không đến trường nhưng không dừng học” được triển khai đa dạng, đáp ứng yêu cầu thực tế. Chất lượng giáo dục của tỉnh được duy trì trong tốp dẫn đầu cả nước.

10. Công tác y tế, chăm sóc sức khoẻ nhân dân được tập trung cao; công tác phòng chống dịch Covid - 19 được thực hiện hiệu quả. UBND tỉnh đã ban hành nhiều kế hoạch, văn bản chỉ đạo thực hiện đồng bộ, toàn diện các giải pháp phòng chống dịch bệnh như: tuyên truyền, giám sát, cách ly, tiêu độc, khử trùng, thành lập Bệnh viện dã chiến, các khu cách ly tập trung tại các huyện, thành phố, bảo đảm vật tư, trang thiết bị y tế, đảm bảo nguồn tài chính, sử dụng ngân sách dự phòng cho công tác phòng chống dịch... Nhờ có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác phòng chống dịch bệnh đã đạt được kết quả quan trọng; đến nay trên địa bàn tỉnh chưa có trường hợp mắc dịch Covid -19.

Hệ thống y tế tiếp tục được củng cố; đã thực hiện sáp nhập, tổ chức lại trạm y tế xã, phường, thị trấn từ 230 trạm còn 209 trạm. Tính đến tháng 6/2020, tỷ lệ số xã, phường, thị trấn đạt bộ tiêu chí Quốc gia về y tế đạt 99,5%. Chất lượng công tác khám chữa bệnh được nâng lên. Công tác đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm có nhiều chuyển biến.

11. Công tác văn hóa, thể thao được tập trung chỉ đạo; đã tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT chào mừng kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/2) và mừng Xuân Canh Tý 2020 và các ngày lễ lớn. Các hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch và công tác tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử được tăng cường quản lý. Phong trào thể dục, thể thao tiếp tục phát triển đảm bảo an toàn, ứng phó với dịch bệnh. Công tác thông tin, tuyên truyền có sự kiểm soát chặt chẽ, cung cấp đầy đủ, kịp thời tạo sự đồng thuận cao trong thực hiện chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

12. Các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật được quan tâm hơn; chất lượng đề tài, dự án hiệu quả hơn, phù hợp với điều kiện thực tiễn ở địa phương. Hoạt động đánh giá, thẩm định và chuyển giao công nghệ được tăng cường thực hiện đúng quy duy định, đảm bảo yêu cầu, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp. Các hoạt động quảng bá và xác lập quyền sở hữu công nghiệp, củng cố và phát triển các thương hiệu sản phẩm được tăng cường. Công tác quản lý đo lường, tiêu chuẩn, chất lượng được đẩy mạnh góp phần tạo môi trường kinh doanh bình đẳng và đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.

13. Chế độ chính sách đối với người có công, hoạt động đền ơn đáp nghĩa được duy trì thực hiện tốt; công tác giảm nghèo, bảo trợ xã hội được thực hiện hiệu quả. Tập trung chỉ đạo thực hiện hoàn thành chỉ tiêu giảm nghèo năm 2020 và không để các hộ gia đình người có công với cách mạng tái nghèo, phát sinh nghèo. Công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về lao động được đẩy mạnh, vừa tạo điều kiện thuận lợi, khắc phục những khó khăn về lao động cho doanh nghiệp, song cũng xử lý nghiêm các vi phạm; 6 tháng đầu năm đã tạo việc làm cho 14.500 lao động, giảm 12,7% so với cùng kỳ đạt 46,8% kế hoạch. Các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid -19 được thực hiện kịp thời, công khai, minh bạch, đúng đối tượng. Tính đến ngày 10/6/2020, 10/10 huyện, thành phố đã chi trả cho 246.763 người với số tiền 240 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 98,5%.

Công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT đạt kết quả cao. Tính đến hết tháng 5, Bắc Giang là địa phương duy nhất của cả nước có số đối tượng tham gia BHXH bắt buộc tăng so với năm 2019 (tăng 3.825 người).

14. Công tác cải cách hành chính tiếp tục được đẩy mạnh; thủ tục hành chính thường xuyên được rà soát; cơ chế một cửa, một cửa điện tử hiện đại liên thông được nhân rộng. UBND tỉnh đã phê duyệt danh mục 55 dịch vụ công trực tuyến tích hợp từ Cổng dịch vụ công của tỉnh lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Chỉ số hiệu quả hành chính công cấp tỉnh (PAPI) và chỉ số cải cách hành chính (Par Index) được duy trì. Hoàn thành thực hiện sắp xếp giảm 21 đơn vị hành chính cấp xã (đến nay toàn tỉnh còn 209 xã, phường, thị trấn) theo kế hoạch. Các địa phương được sáp nhập đã nhanh chóng ổn định tổ chức, đi vào hoạt động hiệu quả. Công tác thanh tra, kiểm tra công vụ được tăng cường đã từng bước tạo chuyển biến về ý thức tổ chức kỷ luật, kỷ cương trong thực thi nhiệm vụ. Công tác đào tạo, bồi dưỡng có đổi mới, chất lượng công chức cấp xã được cải thiện.

15. Công tác thanh tra, chống tham nhũng được chú trọng; tổ chức tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo có chuyển biến tích cực. Kịp thời điều chỉnh, tạm dừng các cuộc thanh tra, kiểm tra, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trước tác động của dịch Covid - 19. Hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra được nâng lên; qua thanh tra phát hiện sai phạm với tổng số tiền 15,7 tỷ đồng và 644.678m2 đất các loại; thu hồi về ngân sách nhà nước gần 06 tỷ đồng; xử lý hành chính đối với 07 tập thể, 134 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra 02 vụ việc.

Số lượt công dân đến tiếp dân thường xuyên và tiếp dân định kỳ giảm so với cùng kỳ năm trước; các vụ việc đã được các cấp, các ngành tiếp nhận, xử lý và tập trung giải quyết ngay từ khi mới phát sinh; trình tự, thủ tục giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo được đảm bảo; một số vụ việc khiếu kiện đông người, phức tạp được tập trung chỉ đạo giải quyết.

16. Công tác quốc phòng, an ninh được triển khai đồng bộ, toàn diện; chủ động quản lý, nắm tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tập trung giải quyết các điểm mâu thuẫn, tranh chấp, khiếu kiện, nhất là các điểm liên quan đến bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, thu hồi đất triển khai các dự án, tranh chấp đất lâm nghiệp tại một số địa phương. Thực hiện hiệu quả các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm. Hoàn thành việc bố trí Công an chính quy tại 100% các xã, thị trấn, góp phần làm nòng cốt trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, nắm bắt tình hình, giải quyết vụ việc ngay từ cơ sở. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Tai nạn giao thông giảm mạnh trên cả 3 tiêu chí. 6 tháng, xảy ra 145 vụ tai nạn giao thông, giảm 28,9%, làm chết 86 người, giảm 14,8%, bị thương 79 người, giảm 43,4%.

 

Trung bình (0 Bình chọn)