Hướng đi mới cho cây vải thiều ở Lục Ngạn.

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Chưa có năm nào, vải thiều lại có sản lượng lớn như năm nay. Toàn tỉnh ước đạt 221 nghìn tấn, trong đó huyện Lục Ngạn chiếm khoảng 2/3 sản lượng. Gíá vải thiều giảm mạnh so với năm trước nhưng loại vải đẹp, an toàn vẫn được giá cao. Đây là hướng đi mới nh

Thuận lợi trong tiêu thụ

Với việc tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách, an ninh trật tự, an toàn giao thông của chính quyền địa phương, sau gần hai tháng thu hoạch, vải thiều đã cơ bản tiêu thụ hết. Tại Lục Ngạn, theo tính toán của các cơ quan chuyên môn thì vải thiều bán tươi chiếm khoảng 45-50% sản lượng toàn huyện. Trong đó chủ yếu là tiêu thụ ở thị trường phía Nam và Trung Quốc qua cửa khẩu Lào Cai. Mặc dù, chi phí vận chuyển, ngày công lao động và đặc biệt là giá thùng xốp tăng đột biến (từ 29 nghìn đồng/hộp lên 44 nghìn đồng/hộp), song, giá bán vải thiều tươi tại Lục Ngạn vẫn đạt trung bình 2,5 nghìn đồng/kg. Giá vải đẹp 3.500-4.000 đồng/kg. Vào những ngày cuối vụ, khi sản lượng vải thiều chỉ còn khoảng 5-10% thì giá lên 4,5 đến 5 nghìn đồng/kg. So với năm 2006, năm nay giá vải thiều giảm hơn một nửa nhưng nhiều người dân cho rằng mức giá trên là có thể chấp nhận được. Lượng vải thiều còn lại được người dân sấy khô bằng các phương pháp thủ công. Ông Lưu Xuân Hoà, Phó Chủ tịch Hội làm vườn huyện cho biết sấy khô được thực hiện chủ yếu ở khu vực vùng sâu, vùng xa và tại các hộ có sản lượng vải thiều lớn (từ 20 tấn trở lên). Phương pháp sấy thủ công, đốt bằng than bùn. Có hộ sử dụng phương pháp sấy treo nhưng công suất thấp nên không phổ biến rộng. Gía vải sấy khô năm nay đạt khoảng 9 nghìn đồng/kg. 

Tuy nhiên, để xuất khẩu sang các thị trường ngoài Trung Quốc vẫn là điều khó khăn đối với vải thiều trong tỉnh. Theo ông Chu Văn Báo, Trưởng phòng Kinh tế - UBND huyện Lục Ngạn cho biết chỉ có Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Bắc Giang xuất khẩu được 200 tấn vải tươi và khoảng 4 nghìn tấn sản phẩm vải thiều sang các nước Mỹ, Pháp, Hàn Quốc, còn lại hầu như không có đơn vị nào làm được điều đó. Đặc biệt, vải thiều xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường chính ngạch hầu như không có.

Vải thiều “sạch” lên ngôi

Năm nay, Lục Ngạn đưa vào thử nghiệm mô hình sản xuất vải thiều an toàn với diện tích 150 ha. Đây được coi là bước đi nhằm xây dựng thương hiệu cho vải thiều Lục Ngạn, tạo sức cạnh tranh của sản phẩm. Vải thiều an toàn của Lục Ngạn được đóng trong các túi ni-lông, có nhãn hiệu,  xuất xứ rõ ràng đã thực sự mang lại ấn tượng tốt cho các khách hàng. Phòng Kinh tế - UBND huyện khuyến cáo bà con chỉ đóng hộp đối với loại vải thiều có chất lượng cao, quả đẹp, không đưa vào các loại vải thiều mẫu mã xấu, chất lượng kém. Chính vì vậy, loại vải thiều này được tiêu thụ mạnh trên thị trường ngoài huyện với giá cao hơn từ 2-2,5 nghìn đồng/kg so với các sản phẩm vải thiều khác. Còn tại Lục Ngạn, giá cao hơn khoảng 500 đồng/kg. Anh Đinh Văn Tuấn, thôn Cầu Cao, xã Quý Sơn cho biết: “Chăm sóc vải thiều theo quy trình sản xuất an toàn giúp chúng tôi giảm được chi phí đầu vào do được bón phân, đạm hợp lý, giảm số lần phun thuốc bảo vệ thực vật”. Bên cạnh đó, các khu vực trồng vải thiều ở xã Quý Sơn, Tân Quang, Giáp Sơn, Hồng Giang… dù không nằm trong diện sản xuất vải thiều an toàn nhưng do được chăm sóc tốt nên giá vải cũng khá cao, trung bình từ 3.000 đồng/kg trở lên. Điều này cho thấy, nếu được chăm sóc tốt thì vải thiều vẫn  được giá. Ngược lại, đối với các khu vực ở vùng sâu, vùng xa, do không  thuận lợi cho việc canh tác vải thiều, thiếu nước, kỹ thuật chăm sóc không cao, điều kiện đi lại khó khăn… nên giá rẻ.

Định hướng cho những năm sau

 Rất nhiều người ở Lục Ngạn nhận định giá vải thiều năm tới sẽ cao mà nguyên nhân chính bắt nguồn từ giá vải thiều xuống thấp trong năm nay. Bởi vì với giá vải thiều thấp nên có thể tại các vùng điều kiện tự nhiên không thuận lợi nhiều hộ nông dân sẽ chuyển sang trồng các cây khác có hiệu quả hơn, hoặc bỏ không chăm sóc đối với cây vải thiều. Do đó, nếu người trồng vải Lục Ngạn quan tâm đầu tư chăm sóc tốt cho cây vải thì khả năng giành thắng lợi cho năm sau rất lớn. Bởi vậy, ngay sau khi thu hoạch xong, huyện Lục Ngạn đã khuyến cáo nông dân tiếp tục đầu tư chăm sóc, tỉa cành tạo tán cho vải, chuẩn bị những điều kiện cần thiết nhằm nâng cao năng suất, chất lượng vải thiều năm sau. Bên cạnh đó, huyện Lục Ngạn chủ trương tiếp tục mở rộng diện tích vải an toàn lên khoảng 1 nghìn ha, đồng thời tiến hành cấp chứng nhận xuất xứ cho vải thiều Lục Ngạn, nhằm nâng cao thương hiệu, tăng giá trị cho quả vải thiều./.

Trung bình (0 Bình chọn)