Họp thẩm định Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Chiều 21/12, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì phiên họp của Hội đồng thẩm định Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc (TDMNPB) thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ô Pích chủ trì hội nghị. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các sở, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và Công an tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ô Pích chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang.

Vùng TDMNPB là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước; cửa ngõ phía Tây và phía Bắc của quốc gia có vai trò quyết định đối với môi trường sinh thái của cả vùng Bắc Bộ. Đây là vùng “phên dậu” và “lá phổi” của Tổ quốc, là an toàn khu, “cái nôi” của cách mạng Việt Nam, là vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển nhanh và bền vững, tài nguyên thiên nhiên đa dạng và phong phú; có nhiều di sản văn hóa đặc sắc, nhất là của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội đã thể hiện rõ khát vọng, ý chí và quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước và chính quyền, Nhân dân và đồng bào các dân tộc trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Để đạt được những mục tiêu đó, đòi hỏi vùng phải có bước chuyển mạnh mẽ trong việc sắp xếp, phân bố không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh phù hợp với tiềm năng và lợi thế của vùng, gắn với phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Điều này đặt ra vấn đề phải lập mới quy hoạch vùng TDMNPB thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để đồng bộ hóa các quy hoạch đã và đang thực hiện trong vùng và đưa ra định hướng, chiến lược, giải pháp tổng thể thực hiện mục tiêu, chiến lược đã đề ra.

Quy hoạch đặt ra mục tiêu đến năm 2030, vùng TDMNPB là vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện, trên cơ sở tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng liên kết nội vùng và với vùng Thủ đô Hà Nội; phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo và năng lượng; nông nghiệp giá trị cao, hữu cơ, đặc sản; kinh tế cửa khẩu, du lịch; bảo vệ, khôi phục rừng, nhất là rừng đầu nguồn; đẩy mạnh trồng rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững; khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên, khoáng sản; bảo vệ môi trường, an ninh sinh thái và an ninh nguồn nước. Một số tỉnh nằm trong nhóm các tỉnh phát triển khá của cả nước; bản sắc văn hóa các dân tộc được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được cải thiện và nâng cao; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc.  

Tầm nhìn đến 2050, vùng TDMNPB phát triển xanh, bền vững và toàn diện; là hình mẫu phát triển xanh của cả nước, trong đó có khoảng 50% số tỉnh nằm trong nhóm các tỉnh phát triển khá trong cả nước; bản sắc văn hóa các dân tộc được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng cao; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc.

Cấu trúc bốn tiểu vùng, năm hành lang kinh tế chính.

Dựa trên các mục tiêu và bộ tiêu chí cụ thể, bốn tiểu vùng và năm hành lang phát triển chính được xác định. Tiểu vùng 1 (tiểu vùng phía Tây gồm 3 tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên) gắn với hành lang Điện Biên - Sơn La - Hòa Bình - Hà Nội; giữ vai trò là khu vực trưởng xanh. Tiểu vùng 2 (tiểu vùng Tây Bắc gồm 6 tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Tuyên Quang, Hà Giang, Lai Châu) gắn với hành lang Lào Cai - Yên Bái -Phú Thọ - Hà Nội - Hải Phòng và hành lang Hà Giang - Tuyên Quang - Phú Thọ; có vai trò quan trọng trong kết nối giao thương kinh tế, văn hóa với Vân Nam và các tỉnh phía Tây, Tây Nam Trung Quốc và với các nước ASEAN. Tiểu vùng 3 (tiểu vùng Đông Bắc gồm 3 tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng) gắn với hành lang Cao Bằng - Bắc Kạn - Thái Nguyên - Hà Nội; vừa có cực tăng trưởng lớn, trung tâm của cả vùng, vừa có vai trò, ý nghĩa lịch sử, cội nguồn, gắn với đường Hồ Chí Minh. Tiểu vùng 4 (tiểu vùng phía Đông gồm 2 tỉnh Bắc Giang và Lạng Sơn) gắn với hành lang Lạng Sơn - Bắc Giang - Hà Nội; vừa có cực tăng trưởng lớn, trung tâm của vùng, vừa có trò quan trọng trong kết nối giao thương kinh tế, văn hóa với Quảng Tây và các tỉnh phía Tây, Tây Nam Trung Quốc và với các nước ASEAN. Định hướng phát triển cả Bắc Giang và Lạng Sơn trở thành các cực tăng trưởng của cả vùng TDMNPB.

Tại Phiên họp, Hội đồng thẩm định đã nghe Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tóm tắt về các nội dung chính của Quy hoạch vùng TDMNPB thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; nghe nhận xét, ý kiến phản biện của các chuyên gia, ý kiến tham gia của các thành viên Hội đồng thẩm định, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đối với quy hoạch.

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh xây dựng Quy hoạch vùng TDMNPB cần nghiên cứu, khảo sát kỹ các vấn đề nổi bật của vùng; xác định, nhận diện tài nguyên, vị thế, tiềm năng để tối đa hóa ưu điểm của vùng, khai thác song song với bảo tồn; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đồng bộ, đảm bảo quốc phòng, an ninh của các địa phương và của vùng; hướng tới xây dựng vùng TDMNPB phát triển xanh, bền vững và toàn diện.

Phó Thủ tướng Chính phủ giao Cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định tiếp thu tối đa ý kiến để chỉnh sửa, hoàn thiện, xin ý kiến các thành viên Hội đồng trước khi trình cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt Quy hoạch vùng TDMNPB thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050./.

Thảo My

Trung bình (0 Bình chọn)