Họp khẩn về công tác phòng, chống cơn bão số 3

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Sáng ngày 18/8, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp trực tuyến về công tác phòng, chống cơn bão số 3 với các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Linh chủ trì tại điểm cầu Bắc Giang. Cùng dự có các thành viên Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiến cứu nạn tỉnh, lãnh đạo một số sở, ban, ngành liên quan.
Quang cảnh tại điểm cầu Bắc Giang. Ảnh: BGP/Nguyễn Miền.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, 7 giờ sáng nay (18/8), bão số 3 đang mạnh cấp 8, giật cấp 10 đến cấp 11 và vẫn chưa đi vào Vịnh Bắc Bộ. Hiện bão còn cách bờ biển Quảng Ninh - Hải Phòng khoảng 320 - 350km. Đây là cơn bão khó lường, có nhiều khác biệt với bão số 1 vừa qua, hoàn lưu bão rộng trên 200 km nên phạm vi ảnh hưởng của bão là rất rộng. Dự báo khi vào bờ, lốc xoáy bão số 3 sẽ ít hơn bão số 1 nhưng gió giật mạnh hơn, ở cấp 12-14. Bắt đầu từ đêm nay, hoàn lưu bão sẽ gây mưa lớn trải khắp các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nghệ An, lượng mưa 100 - 200mm và đến sáng mai (19/8), chậm nhất là trưa mai sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh miền Bắc. Toàn bộ khu vực Bắc Bộ ngày mai sẽ có mưa lớn.

Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương cho biết thêm, bão số 3 có xu hướng di chuyển chậm, tốc độ từ 10 - 15km/giờ, hoàn lưu bão rộng với bán kính 200 km, nhiều khả năng bão vào Vịnh Bắc Bộ rồi mạnh lên. Khi bão số 3 đổ bộ vào Việt Nam, gió từ cấp 10 đến cấp 11, gió giật cấp 12 đến cấp 14. Ngày mai (19/8), bão vào bờ, có khả năng gây mưa lớn diện rộng với lượng mưa 200 - 300mm. Mưa lớn cũng có thể xảy ra ở địa bàn tỉnh Bắc Giang trong 1 đến 2 ngày tới, nguy cơ gây lũ quét, sạt lở đất đối với các địa bàn miền núi như: Sơn Động, Yên Thế, Lục Ngạn, Lục Nam và gây ngập úng vùng thấp trũng.

Do mưa lũ kéo dài nên khu vực Bắc Bộ có khoảng 13 hồ chứa nước bị xung yếu, tập trung các tỉnh: Bắc Giang, Quảng Ninh, Điện Biên, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang… Vì vậy, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT các địa phương này cần khẩn trương khắc phục, chủ động tiêu thoát nước đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp khẩn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các Bộ, ngành liên quan cần phối hợp với các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống bão số 3. UBND các tỉnh, thành phố trong vùng bị ảnh hưởng bão theo dõi chặt chẽ diễn biến của hoàn lưu bão. Phối hợp với các cơ quan tuyên truyền trên địa bàn thường xuyên cập nhập thông tin, diễn biến của bão số 3 để hướng dẫn người dân tự chủ động trong phòng, chống bão lũ, xử lý tình huống theo phương châm 4 tại chỗ, không để xảy ra các trường hợp bị động, bất ngờ, gây thiệt hại về người và tài sản.

Các địa phương cũng cần chủ động đánh giá nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp của bão đến địa phương mình nhằm có biện pháp phòng, chống kịp thời. Phối hợp với các lực lượng vũ trang trên địa bàn tổ chức tuần tra, kiểm soát, tập trung bảo vệ hành lang an toàn giao thông, hệ thống điện và có giải pháp sơ tán người, tài sản tại các vùng xung yếu khi cần thiết, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân, doanh nghiệp.

Trước tình hình mưa bão đang đến gần, các địa phương cũng cần phải có biện pháp cụ thể để tiêu thoát nước cho sản xuất nông nghiệp và tránh ngập úng ở vùng đô thị. Căn cứ vào tình hình mưa bão, các địa phương có thể chủ động cho học sinh nghỉ học nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão gây ra.

Hướng di chuyển của cơn bão số 3.

Để đối phó với cơn bão số 3, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Linh chỉ đạo các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh cần tăng cường các giải pháp phòng, chống bão và nguy cơ lũ lụt, sạt lở đất do bão gây ra, nhất là các huyện Sơn Động, Lục Nam, Lục Ngạn, Yên Thế.

Sở Nông nghiệp và PTNT cần tiếp tục các giải pháp nhằm hạ mực nước tại các hồ đập xuống mức an toàn nhất; quan tâm phòng, chống ngập úng lúa, hoa màu; triển khai từng nhiệm vụ cụ thể đến các cơ quan, đơn vị liên quan để khắc phục kịp thời khi có sự cố xảy ra.

Sở Giao thông vận tải cần phải đảm bảo các phương án tối ưu nhằm ứng cứu kịp thời tình trạng sạt lở đường, đảm bảo giao thông được thông suốt trong mùa mưa bão. Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các sở, đơn vị và cơ quan báo chí địa phương thông tin kịp thời, chính xác về tình hình mưa bão đến người dân để người dân chủ động phòng, chống. Đồng thời có biện pháp tiêu úng tại các khu công nghiệp và đô thị. Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương phải có mặt và đảm bảo được quân số túc trực để ứng phó kịp thời với bão số 3 nhằm  triển khai các phương án phòng, chống bão hiệu quả, tránh thiệt hại do bão gây ra trên địa bàn tỉnh./.

Trung bình (0 Bình chọn)