Hội thảo khoa học tổng kết thực tiễn công tác tổ chức Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Bắc Giang

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Sáng 31/7, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (KH&KT) tỉnh Bắc Giang tổ chức Hội thảo khoa học tổng kết thực tiễn công tác tổ chức Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Bắc Giang từ năm 2010 đến nay. Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội KH&KT tỉnh Nguyễn Hồng Sơn chủ trì hội thảo.

Đến dự có Giám đốc Quỹ Hỗ trợ sáng tạo Kỹ thuật Việt Nam (Vifotec) Nguyễn Xuân Tiến; đại diện Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và một số ngành thành viên Ban Tổ chức.

Toàn cảnh hội thảo.

Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng được liên ngành Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) và một số bộ, ngành liên quan phối hợp tổ chức. Cuộc thi đã trải qua 20 năm và được triển khai toàn quốc từ năm 2003 sau ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Tại Bắc Giang, Cuộc thi được UBND tỉnh chỉ đạo với sự tham gia của 7 cơ quan gồm Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh, Tỉnh Đoàn, các Sở KH&CN, GD&ĐT, Tài chính; Báo Bắc Giang, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh. Đến năm 2023, Cuộc thi đã 19 lần được tổ chức và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Số lượng, chất lượng mô hình, giải pháp tham gia Cuộc thi ngày càng tốt hơn, qua đó khơi gợi được phong trào, niềm say mê khoa học của thanh thiếu niên, nhi đồng, góp phần thực hiện chủ trương chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất của người học với phương châm "Học đi đôi với hành"; lý luận gắn liền với thực tiễn…

Thời gian qua, Ban Tổ chức Cuộc thi cấp tỉnh đã thành lập các hội đồng giám khảo (vòng sơ khảo và chung khảo) cho từng lần; các thành viên hội đồng giám khảo là các nhà khoa học, nhà quản lý có chuyên môn sâu, kinh nghiệm, uy tín tham gia. Hoạt động của hội đồng được tiến hành công khai, minh bạch, quá trình đánh giá diễn ra công tâm, khách quan, khoa học và chính xác, do đó trong 14 năm qua không có trường hợp khiếu nại về kết quả đánh giá Cuộc thi. Cụ thể, giai đoạn từ 2010-2023, Ban Tổ chức Cuộc thi cấp tỉnh đã nhận được 1.506 giải pháp tham dự trên 5 lĩnh vực, lựa chọn được tổng số 369 giải pháp có chất lượng để trao giải, trong đó có 1 giải đặc biệt 20 giải Nhất, 40 giải Nhì, 84 giải Ba và 224 giải Khuyến khích.

Giám đốc Quỹ Hỗ trợ sáng tạo Kỹ thuật Việt Nam Nguyễn Xuân Tiến đóng góp về những định hướng nâng cao chất lượng
Cuộc thi cấp địa phương trong giai đoạn tiếp theo.

Tuy nhiên, quá trình tổ chức Cuộc thi còn bộc lộ những hạn chế, khó khăn như: Số lượng, chất lượng mô hình còn hạn chế; mô hình, cách thức tổ chức dần bộc lộ sự lạc hậu; mức độ vào cuộc của một số đơn vị còn chưa cao; chưa có cơ chế hỗ trợ hoàn thiện đi đến sản phẩm cuối cùng để có thể thương mại nhân rộng mô hình đoạt giải Cuộc thi…

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận một số nội dung như: Kinh nghiệm chỉ đạo, tổ chức Cuộc thi của Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam, những định hướng nâng cao chất lượng Cuộc thi cấp địa phương trong giai đoạn tiếp theo; những giải pháp để tác giả đạt giải Cuộc thi các cấp tiếp cận các nguồn lực hỗ trợ nhằm hoàn thiện và nhân rộng mô hình; nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động, tổ chức các hoạt động bổ trợ của các cấp bộ Đoàn, Đội trong tỉnh về Cuộc thi...

 Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội KH&KT tỉnh Nguyễn Hồng Sơn phát biểu kết luận hội thảo

Để nâng cao chất lượng tổ chức Cuộc thi, trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội KH&KT tỉnh Nguyễn Hồng Sơn đề nghị cơ quan thường trực, Ban Tổ chức và các cơ quan tham gia thành viên Ban Tổ chức Cuộc thi các cấp tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, cấp ủy, chính quyền địa phương cụ thể hóa cơ chế, chính sách của Trung ương, từ đó hoàn thiện, tạo ra cơ chế mới, phù hợp, cụ thể để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức Cuộc thi.

Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền trên mạng xã hội, sử dụng rộng rãi mã QR Code, đổi mới công tác truyền thông để tất cả các đối tượng quan tâm đến Cuộc thi đều có thể tiếp cận thông tin kịp thời và nhanh nhất. Công tác chỉ đạo, kiểm tra cần phải được tiến hành thường xuyên, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho cơ sở. Tăng cường tổ chức các hoạt động bổ trợ như hoạt động STEM (một hình thức giáo dục mới hướng đến kinh tế tri thức với sự kết hợp của 04 lĩnh vực gồm: Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học), các hoạt động ngoại khóa… để làm tiền đề cho các hoạt động sáng tạo; từ đó sẽ có nhiều ý tưởng được hình thành và mô hình được tạo ra, góp phần nâng cao chất lượng Cuộc thi.

Đồng chí đề nghị Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo kỹ thuật Việt Nam, Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam phối hợp với các bộ, ban, ngành, đoàn thể chức năng trong việc công nhận kết quả tham gia Cuộc thi làm cơ sở để ưu đãi trong việc tuyển sinh để tác giả có thêm động lực. Quan tâm tập huấn, tổ chức các hội thảo để trao đổi về nghiệp vụ, hướng dẫn chuyên môn về Cuộc thi cho cán bộ tham mưu Cuộc thi cấp tỉnh và các bộ, ngành. Đánh giá tổng kết thực tiễn để đề xuất những hình thức tổ chức mới hấp dẫn, hiệu quả hơn; giới thiệu chuyên gia để tham gia tư vấn, hỗ trợ tác giả hoàn thiện mô hình./.

Thu Hằng

 

 

Trung bình (0 Bình chọn)