Hội thảo giới thiệu công nghệ, thiết bị bảo quản, chế biến nông lâm, thủy hải sản và thực phẩm

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Sáng 02/11, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (KH&KT) tỉnh Bắc Giang tổ chức Hội thảo khoa học “Giới thiệu công nghệ, thiết bị bảo quản, chế biến nông lâm, thủy hải sản và thực phẩm”. Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT Vũ Tấn Phú và GS.TS Nguyễn Thế Mịch - Đại Học Bách Khoa đồng chủ trì hội thảo.

Cùng tham dự có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương liên quan và các chuyên gia đầu ngành của một số đại học, trường đại học tiêu biểu.

Các đại biểu tham dự hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT Vũ Tấn Phú cho biết tỉnh Bắc Giang có nhiều tiềm năng, lợi thế trong phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản; đã hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn. Tuy nhiên, nhìn chung quy mô sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún; tỷ lệ cơ giới hóa, công nghệ cao còn thấp. Năng suất, chất lượng sản phẩm không cao, sản xuất chưa gắn kết được với chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu. Việc đổi mới công nghệ trong bảo quản, chế biến nông lâm, thủy hải sản và thực phẩm nhằm nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng cho các sản phẩm là yêu cầu rất bức thiết đối với Bắc Giang hiện nay.

Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT khẳng định hội thảo sẽ giới thiệu một số công nghệ lạnh, thiết bị sấy tiên tiến, công nghệ chế biến đã được nghiên cứu và áp dụng trong lĩnh vực chế biến nông lâm, thủy hải sản và thực phẩm, góp phần ứng dụng khoa học và công nghệ vào hoạt động sản xuất nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng cho các sản phẩm của nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Tại hội thảo, các đại biểu được nghe các chuyên gia đầu ngành của một số đại học, trường đại học tiêu biểu trình bày, giới thiệu công nghệ, thiết bị bảo quản, chế biến nông lâm, thủy hải sản và thực phẩm: Công nghệ JEVA ứng dụng chế biến nông sản di động và thông minh, sản xuất các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu vào các thị trường khó tính; một số công nghệ và thiết bị sấy tiên tiến ứng dụng vào sản xuất thực phẩm; công nghệ tách nước và xử lý khí thải độc hại, ô nhiễm môi trường trong chế biến nông sản, thủy hải sản, thực phẩm và trong các nhà máy công nghiệp; công nghệ, thiết bị chế biến nông sản như thực phẩm gạo mì, cà phê, hạt điều,…

PGS.TS. Nguyễn Minh Tân, Trường Hóa - Khoa học Sự sống, Đại học Bách khoa Hà Nội giới thiệu về Công nghệ JEVA.

Nổi bật là công nghệ JEVA - công nghệ cô đặc dịch mẫn cảm nhiệt tại nhiệt độ và áp suất thường, tạo ra được sản phẩm có chất lượng tốt, giữ được hương vị tự nhiên của nước quả. Công nghệ JEVA có thể cô đặc nước quả thông qua phương pháp tách nước từ dịch quả tại nhiệt độ thấp, giữ được các vitamin, chất khoáng và hương vị tự nhiên của nguyên liệu, đạt chất lượng xuất khẩu vào các thị trường khó tính châu Âu, Mỹ, Nhật… Ngoài ra, sản phẩm nước quả cô đặc được sản xuất từ công nghệ JEVA có nồng độ chất khô cao, giảm thể tích vận chuyển, bảo quản ở nhiệt độ thường trong thời gian dài mà không cần dùng chất bảo quản. Đồng thời, các tính năng đặc biệt của hệ thống thiết bị giúp tăng được hiệu quả sản xuất, không lệ thuộc vào mùa vụ, có thể vận hành hệ thống quanh năm mà không gây ra các tác động bất lợi cho môi trường.

Nhờ những đặc điểm trên, công nghệ JEVA rất thích hợp để áp dụng tại các cơ sở chế biến rau quả tại Việt Nam với quy mô nhỏ, không có nguồn nguyên liệu ổn định.

Sau khi nghe giới thiệu, các đại biểu đã thảo luận, trao đổi thêm về các công nghệ, thiết bị bảo quản, chế biến nông lâm, thủy hải sản và thực phẩm; trải nghiệm thực tế sản phẩm ứng dụng các công nghệ và thiết bị trên./.

Thảo My

Trung bình (0 Bình chọn)