Tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trong Đề án 06

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Chiều 21/12, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc (4 cấp) sơ kết 02 năm thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 (Đề án 06). Hội nghị được trực tuyến đến các bộ, ngành và 63 địa phương trên toàn quốc.

Dự và chủ trì hội nghị có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số; Đại tướng Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Tổ trưởng Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang. Dự hội nghị có lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương và thành viên Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ.

Tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang, đồng chí Lê Ánh Dương - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Cùng dự có Đại tá Nguyễn Quốc Toản - Giám đốc Công an tỉnh, các thành viên Tổ công tác Đề án 06 tỉnh; đại diện lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh. Hội nghị được kết nối tới điểm cầu 10 huyện, thành phố và 209 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

Thủ tướng Chính phủ phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh nguồn: vov.vn.

Phát biểu khai mạc hội nghị, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đây là Đề án có sự chỉ đạo và thực hiện quyết liệt với quyết tâm cao, vì chuyển đổi số là công việc rất khó khăn, chưa có tiền lệ, nếu không có quyết tâm chính trị cao, hành động quyết liệt thì khó có thể đạt được kết quả.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, một trong những điểm sáng của chuyển đổi số ở nước ta trong 2 năm qua là Đề án 06. Qua 2 năm thực hiện Đề án 06 đã thu được những kết quả bước đầu tích cực, được người dân, doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, qua đó góp phần thay đổi phương thức quản lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả trong quản lý công dân, phát triển KT-XH; góp phần hạn chế tiêu cực, “tham nhũng vặt”; tiết kiệm thời gian, công sức của người dân; tạo nền tảng quan trọng để triển khai dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp, góp phần đẩy mạnh phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu cùng thảo luận, phân tích, đánh giá thực chất tình hình, có minh chứng bằng số liệu cụ thể những kết quả đạt được trong 2 năm qua. Đồng thời, chia sẻ những kinh nghiệm hay, bài học quý, cách làm sáng tạo của đơn vị, địa phương mình; thẳng thắn chỉ rõ những nội dung còn chậm tiến độ; những vấn đề còn có khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách và quá trình triển khai thực hiện và đề xuất các giải pháp trọng tâm trong thời gian tới; chỉ rõ trách nhiệm, nhiệm vụ của Chính phủ, bộ, ngành, địa phương cũng như các quan điểm mới trong triển khai Đề án 06.

Quang cảnh tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang.

Báo cáo sơ kết 2 năm triển khai Đề án 06, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc - Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ cho biết, trong 2 năm qua, với sự chỉ đạo quyết tâm, quyết liệt và sự sáng tạo, bản lĩnh trong tổ chức thực hiện, các mục tiêu cơ bản của Đề án 06 cơ bản đạt được.

Nhận thức, hành động của các cấp, các ngành và Nhân dân về chuyển đổi số nói chung, thực hiện Đề án 06 nói riêng có sự chuyển biến tích cực; các cấp, các ngành và địa phương đã nhìn nhận rõ hơn về thực trạng hạ tầng, nhân lực, dữ liệu, an ninh an toàn và yêu cầu hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu thực hiện Đề án 06. Niềm tin vào thành công của chuyển đổi số quốc gia được nâng lên.

Nhiều tiện ích từ dữ liễu dân cư, căn cước công dân, định danh điện tử đã được cung cấp, người dân và xã hội được thụ hưởng ngày càng tốt hơn như: 38/53 dịch vụ công thiết yếu liên quan đến người dân đã được cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Trong đó có 36 dịch vụ công được thực hiện toàn trình (người dân có thể thực hiện bất cứ thời điểm nào, nơi nào, không phải tiếp xúc trực tiếp với cơ quan nhà nước, cắt giảm giấy tờ, chi phí đi lại), điển hình như: Thông báo lưu trú (tỷ lệ 97%) với hơn 6.317.600 lượt người dân thực hiện khai báo lưu trú trực tuyến, không phải đến cơ quan công an; có trên 2.027.690 thí sinh thực hiện đăng ký thi trực tuyến, giúp người dân không phải mua hồ sơ giấy, rút ngắn thời gian xét tuyển, cha mẹ học sinh không phải nghỉ làm, giảm ùn tắc giao thông; cấp hộ chiếu phổ thông giảm chi phí chuẩn bị hồ sơ do tái sử dụng thông tin dân cư, dữ liệu của hệ thống căn cước công dân (CCCD)…

Các giải pháp triển khai KT-XH tiếp tục được đẩy mạnh góp phần trực tiếp vào phát triển kinh tế và nâng cao hiệu quả quản trị xã hội như: Hoàn thành giải pháp sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trên các lĩnh vực y tế, giáo dục, tài chính,…

Đối với các cơ quan Nhà nước, Đề án 06 đã góp phàn thay đổi phương thức quản lý công dân từ thủ công, sử dụng giấy tờ sang phương thức quản lý kiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin. Nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính chính xác trong quản lý thông tin cơ bản của công dân giữa các bộ, ngành, địa phương. Tiết kiệm thời gian, công sức, cơ sở vật chất trong xây dựng và vận hành các cơ sở dữ liệu chuyên ngành.

Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế được quan tâm chỉ đạo, đôn đốc quyết liệt, qua đó đã hoàn thành 5/5 văn bản pháp luật theo lộ trình Đề án 06. Đồng thời sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản liên quan góp phần tạo hành lang pháp lý  cho việc chuyển đổi các mặt hoạt động của xã hội và cơ quan Nhà nước từ thủ công sang ứng dụng công nghệ hiện đại.

Đã tạo lập và ngày càng hoàn thiện, kết nối, chia sẻ các cơ sở dữ liệu phục vụ chuyển đổi số quốc gia, hướng tới xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với hơn 105 triệu dữ liệu được bổ sung, cập nhật thường xuyên bảo đảm “đúng, đủ, sạch, sống”, đã kết nối với 16 bộ, ngành, 01 doanh nghiệp nhà nước, 3 doanh nghiệp viễn thông và 63 địa phương. Từ dữ liệu gốc dân cư đã đẩy mạnh xác thực làm sạch dữ liệu, hỗ trợ tạo lập dữ liệu của các ngành, góp phần tiết kiệm, chống lãng phí và ngày càng hoàn thiện các cơ sở dữ liệu phục vụ chuyển đổi số quốc gia.

Năm 2024, với chủ đề “Hoàn thiện hạ tầng công nghệ, số hóa, kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số”, Tổ công tác triển khai Đề án 06 đã xây dựng  81 nhiệm vụ cần thực hiện trong năm 2024, gồm 20 nhiệm vụ chung, 61 nhiệm vụ cụ thể. Trong đó, tập trung thực hiện xuyên suốt 17 nhiệm vụ từ nay đến tháng 6/2024 gồm: Hoàn thiện pháp lý triển khai các nội dung Đề án 06; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về kinh phí; đẩy mạnh ứng dụng phục vụ phát triển KT-XH; phát triển tiện ích trên VneID; dữ liệu và kết nối chia sẻ; bám sát 32 nhiệm vụ để triển khai Nghị quyết 175/NQ-CP ngày 30/10/2023 của Chính phủ phê duyệt Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia.

Tại hội nghị, các địa phương, doanh nghiệp, bộ, ngành đã báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ thực hiện Đề án 06 trong 2 năm qua; chia sẻ những kinh nghiệm hay, bài học quý, cách làm sáng tạo; nêu lên những nội dung còn chậm tiến độ, những vấn đề còn có khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách và quá trình triển khai thực hiện; đề xuất một số giải pháp trọng tâm trong thời gian tới.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh nguồn: vov.vn.

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá, qua 2 năm thực hiện Đề án 06 đã đạt được nhiều kết quả, thể hiện 6 nội dung: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo được tổ chức quyết liệt, chặt chẽ, nhận thức của toàn xã hội ngày càng nâng cao; công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách được triển khai tích cực, hiệu quả. Việc triển khai dịch vụ công trực tuyến được đẩy mạnh, đem lại hiệu quả thiết thực; đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu đạt được nhiều kết quả; tạo lập nền tảng quan trọng về công dân số; công tác bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống được quan tâm. Qua đó cho thấy, việc triển khai Đề án 06 là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với điều kiện thực tế, đem lại nhiều kết quả thiết thực đến nền KT-XH của nước ta.

Nhấn mạnh, chỉ rõ 6 tồn tại, hạn chế sau 2 năm thực hiện Đề án 06, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần đề ra giải pháp, tập trung khắc phục, tháo gỡ trong thời gian tới. Đồng thời, nêu lên 3 bài học kinh nghiệm: Tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, hành động phải quyết liệt; sự chủ động, tích cực của những người đứng đầu mang tính quyết định; sự phối hợp chặt chẽ giữa bộ, ngành, địa phương, người dân, doanh nghiệp rất cần thiết.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, những nhiệm vụ sắp tới là việc khó, phức tạp nhưng vẫn phải làm và càng quyết tâm làm bằng được. Do đó, người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương cần tập trung, quyết tâm cùng lực lượng công an triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trong Đề án 06.

Từ nay đến Tết Nguyên đán 2023, Thủ tướng yêu cầu 12 địa phương còn lại sớm triển khai chi trả an sinh xã hội theo hình thức không dùng tiền mặt; triển khai cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID tại tỉnh Thừa Thiên Huế; hướng dẫn các cơ sở y tế và người dân sử dụng thông tin sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNeID.

Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương tập trung giải quyết các nhiệm vụ chậm tiến độ; triển khai các nhiệm vụ theo lộ trình, xây dựng kế hoạch triển khai Đề án 06 trong năm 2024; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao hiệu quả dịch vụ công trực tuyến; tăng cường tích hợp, chia sẻ cơ sở dữ liệu; đẩy mạnh công tác tuyên truyền...

Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ đã tặng Bằng khen cho 9 tập thể của Bộ Công an, 17 tập thể của các bộ, ngành, địa phương có thành tích trong việc thực hiện Đề án 06 của Chính phủ./.

Dương Thủy

Trung bình (0 Bình chọn)