Tổng kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Chiều 27/12, Bộ Tài chính tổ chức hội nghị tổng kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái dự và chỉ đạo hội nghị.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến kết nối với 63 tỉnh, thành phố. Dự và chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang có đồng chí Phan Thế Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Cùng dự có lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan của tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thế Tuấn chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, đến ngày 25/12/2023, thu NSNN năm 2023 đạt 1.693,5 nghìn tỷ đồng, vượt 4,5% so với dự toán; trong đó ngân sách trung ương tăng 4,6%; ngân sách địa phương tăng 4,4%. Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, ngay từ đầu năm, Bộ Tài chính đã tích cực rà soát các nguồn thu, tăng cường quản lý thu các lĩnh vực, ngành hàng, địa bàn trọng điểm, hoạt động thương mại điện tử, giao dịch xuyên biên giới, chuyển nhượng bất động sản, rà soát giá tính thuế bất động sản để sát giá thị trường,...; phấn đấu tăng thu ở các lĩnh vực, địa bàn có điều kiện để bù đắp số giảm thu do thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất.

Đáng chú ý, Bộ Tài chính đã tham mưu, đề xuất trình Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất trong năm 2023 với quy mô dự kiến khoảng 200 nghìn tỷ đồng. Đến nay đã miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất cho doanh nghiệp và người dân khoảng 193,4 nghìn tỷ đồng.

Về tổ chức điều hành chi NSNN, đến ngày 31/12, chi ước đạt khoảng 1.730 nghìn tỷ đồng, bằng 83,4% dự toán; trong đó, chi đầu tư phát triển ước đạt 79,8% dự toán Quốc hội quyết định, bằng 81,9% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tăng 144 nghìn tỷ đồng (33%) so cùng kỳ năm 2022, chi thường xuyên ước đạt 90,3% dự toán, đảm bảo chi trả kịp thời, đầy đủ các khoản nợ đến hạn, kinh phí thực hiện cải cách tiền lương từ 01/7/2023 (đã dành khoảng 470 nghìn tỷ đồng của ngân sách các cấp để thực hiện cải cách chính sách tiền lương), thực hiện các chính sách an sinh xã hội đã ban hành.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thế Tuấn phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thế Tuấn đã nêu những kết quả đạt được trong công tác quản lý, điều hành, thực hiện nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước tỉnh Bắc Giang năm 2023.

Đồng chí cho biết tỉnh xác định công tác thu ngân sách năm 2023 đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Do đó ngay từ đầu năm, tỉnh Bắc Giang đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp đảm bảo thu đúng, đủ, kịp thời các khoản thu. Cùng với đó, thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người nộp thuế; thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý thuế, tăng cường thanh tra, kiểm tra chống thất thu, trốn lậu thuế; đẩy mạnh công tác quản lý nợ đọng thuế. Tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế ở tất cả các khâu, các bộ phận, các lĩnh vực thông qua việc đổi mới phương thức, phát triển đa dạng, phong phú các hình thức tuyên truyền. Nhờ đó, tổng thu NSNN trên địa bàn tỉnh đến ngày 25/12/2023 ước đạt 16.141,4  tỷ đồng, vượt 27% dự toán do Trung ương giao; trong đó, thu nội địa 14.478 tỷ đồng, vượt 34% dự toán Trung ương giao và vượt 10,3% dự toán HĐND tỉnh giao; thu thuế xuất nhập khẩu khoảng 1.663,4 tỷ đồng, đạt 87,5% dự toán.

Tổng chi ngân sách năm 2023 cơ bản theo dự toán được giao, đáp ứng kịp thời nhu cầu các khoản chi cho con người, chi nghiệp vụ chuyên môn, chi an sinh xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh và các nhiệm vụ chi quan trọng, cấp thiết khác. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cả năm 2023 trên toàn tỉnh ước đạt 96,8% kế hoạch.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: TTXVN

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực, quyết tâm và những kết quả tích cực Bộ Tài chính đã đạt được trong năm 2023.

Phó Thủ tướng cho biết tại Hội nghị Trung ương 8 và Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV đã thông qua các chỉ tiêu, mục tiêu phát triển KT-XH của năm 2024, trong đó, tăng trưởng kinh tế 6 - 6,5%, kiểm soát lạm phát khoảng 4-4,5%, tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Phó Thủ tướng lưu ý, đây là nhiệm vụ có ý nghĩa hết sức quan trọng. Những kết quả đạt được trong năm 2024 sẽ tạo tiền đề phấn đấu hoàn thành cao nhất Kế hoạch phát triển KT-XH, tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2021-2025, chuẩn bị thế và lực để tiếp tục thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn tiếp theo.

Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính triển khai ngay kế hoạch, chương trình hành động và chỉ đạo thực hiện quyết liệt ngay từ những ngày đầu của năm 2024. Tập trung thực hiện có hiệu quả các chính sách đã ban hành và dự kiến ban hành để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy phục hồi, phát triển KT-XH và hoàn thành cao nhất các mục tiêu của Kế hoạch năm 2024 đã đề ra.

Bên cạnh đó, tiếp tục tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách tài chính ngân sách nhà nước, đẩy nhanh xây dựng Chính phủ số. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật thuế và quy định có liên quan để mở rộng cơ sở thu, các hoạt động thương mại điện tử. Tập trung làm tốt công tác quản lý thu ngân sách nhà nước, đảm bảo thu đúng, đủ, kịp thời các khoản thu phát sinh. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thu, tiếp tục mở rộng cơ sở thuế cả về đối tượng lẫn địa bàn, nhất là đối với dịch vụ ăn uống, giải trí... Tổ chức điều hành chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả; điều hành giá, kiểm soát lạm phát theo đúng mục tiêu đã đề ra; phát triển hiệu quả các thị trường tài chính, chứng khoán, bảo hiểm; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách trong thực thi công vụ.

Phó Thủ tướng đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo sát sao thực hiện các giải pháp về tài chính ngân sách đã được Quốc hội, Chính phủ quyết định và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan Thuế, Hải quan tăng cường quản lý thu, nghiêm túc thực hiện các quy định về sử dụng hóa đơn điện tử, góp phần chống thất thu, chống chuyển giá, đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính./.

Trần Khiêm

 

 

Trung bình (0 Bình chọn)