Hội nghị thường kỳ UBND tỉnh tháng 01/2022: Chăm lo Tết cho Nhân dân, tập trung triển khai nhiệm vụ ngay từ đầu năm

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Sáng ngày 21/01, đồng chí Lê Ánh Dương - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị thường kỳ tháng 01/2022 của UBND tỉnh. Cùng dự có các Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Mai Sơn, Lê Ô Pích, Phan Thế Tuấn; thành viên UBND tỉnh, cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh.
Quang cảnh hội nghị.

Theo báo cáo tại hội nghị, tình hình KT-XH của tỉnh trong tháng đầu năm 2022 tiếp tục có chuyển biển tích cực. Sản xuất công nghiệp tăng khá, các doanh nghiệp (DN) vẫn hoạt động sản xuất bình thường, tăng trưởng khả quan, đặc biệt là các DN lớn trong các khu công nghiệp và thuộc ngành sản xuất linh kiện điện tử. Chỉ số sản xuất tăng 1,9% so với tháng trước, tăng 26,9% so với cùng kỳ; giá trị sản xuất công nghiệp (giá thực tế) đạt 35.870 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ, cao nhất từ trước đến nay.

Các sản phẩm nông nghiệp được mùa, được giá, thị trường hàng hóa ổn định, đảm bảo nguồn cung phục vụ Tết Nguyên đán và các lễ hội đầu xuân 2022. Công tác phòng, chống dịch được thực hiện hiệu quả; các hoạt động chuẩn bị phục vụ Nhân dân đón Tết được chuẩn bị chu đáo. Lĩnh vực Văn hóa, đảm bảo an sinh xã hội được thực hiện tốt, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo...

Thảo luận tại hội nghị, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Dương Thanh Tùng cho biết, mặc dù đầu vụ gặp bất lợi do thời tiết song nhờ sự linh động, kịp thời hướng dẫn người dân chuyển đổi một số diện tích từ cây ưa ấm sang cây ưa lạnh nên diện tích bảo đảm, nhiều diện tích có giá trị kinh tế cao. Đối với sản xuất vụ Chiêm Xuân, ngành sớm chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch, phấn đấu gieo trồng tập trung trong tháng 2 và kết thúc trước 10/3, trừ hai huyện Sơn Động, Lục Ngạn. Đến nay, các địa phương đã chuẩn bị đủ giống, phân bón và làm đất đúng tiến độ. Cùng với đó, ngành đã chủ động xây dựng phương án bảo đảm nguồn nước, khuyến cáo người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại các khu vực khó khăn về nguồn nước. Trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp sẽ tập trung cao chỉ đạo sản xuất vụ Chiêm Xuân; hướng dẫn người dân chăm sóc cây vải thiều, chuẩn bị các điều kiện, phục vụ tổ công tác của Bộ Nông nghiệp và PTNT, hải quan Trung Quốc kiểm tra mã vùng trồng, cơ sở đóng gói.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Dương Thanh Tùng phát biểu tại hội nghị.

Về công tác phòng, chống dịch (PCD) Covid-19, Giám đốc Sở Y tế Từ Quốc Hiệu thông tin, tính từ ngày 01/01 đến nay, toàn tỉnh phát sinh hơn 3.840 ca nhiễm mới, trong đó có 75,4% đã được tiêm vắc xin. Dự báo từ nay đến Tết Nguyên đán, tình hình dịch diễn biến phức tạp hơn, xuất hiện nhiều ca bệnh trong cộng đồng, chưa rõ nguồn lây khi lượng người về quê ăn Tết gia tăng. Đặc biệt nguy cơ biến chủng Omicrom xâm nhập vào địa bàn cao. Mặc dù mức độ gây tử vong thấp song mức độ lây lan của biến chủng này lớn, nhất là đối với những người chưa được tiêm vắc xin. Để chủ động phòng ngừa, từ nay đến Tết Nguyên đán, ngành Y tế tiếp tục giám sát, phát hiện sớm người nhiễm chủng Omicrom; tập trung tiêm mũi 3 cho người trên 18 tuổi, ưu tiên công nhân trong và ngoài khu công nghiệp, tiêm mũi bổ sung cho người có bệnh nền trên 50 tuổi và hoàn thành tiêm cho trẻ em từ 12-17 tuổi. Cùng với đó, phối hợp với các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân thực hiện khai báo y tế khi trở về địa phương ăn Tết, tránh lây lan cho cộng đồng; tầm soát trọng điểm đối tượng nguy cơ cao, có biểu hiện ho, sốt để cách ly.

Cũng tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận về công tác quản lý, bình ổn thị trường, chăm lo Tết cho người nghèo, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông dịp trước, trong và sau Tết. Cụ thể, ngành Công Thương đã chỉ đạo các siêu thị, đại lý chuẩn bị lượng hàng hóa từ sớm để bảo đảm bình ổn giá và đang tập trung thực hiện tháng cao điểm kiểm soát thị trường. Về chăm lo Tết cho người nghèo, lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và xã hội cho biết, các địa phương đã cơ bản trao quà Tết cho các người có công, gia đình chính sách và hộ nghèo, song đến nay vẫn còn 4 huyện: Lục Ngạn, Lục Nam, Tân Yên và Lạng Giang chưa hoàn thành trao quà cho hộ nghèo.

Liên quan đến công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, Giám đốc Công an tỉnh Nguyễn Quốc Toản cho biết, theo quy luật, dịp này tội phạm, nhất là trộm cắp tài sản, ma túy, buôn bán hàng giả, hàng cấm sẽ gia tăng. Để ngăn chặn tình trạng này, Công an tỉnh yêu cầu công an các đơn vị, địa phương tập trung nắm bắt tình hình, thực hiện hiệu quả đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm dịp trước, trong và sau Tết. Đồng thời đề nghị, cấp ủy, chính quyền các địa phương chủ động phối hợp với lực lượng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân nêu cao cảnh giác.

Về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, lãnh đạo Sở Giao thông vận tải đề nghị, để hoàn thành mục tiêu giảm 5% tai nạn giao so với năm 2021, ngay từ đầu năm, các địa phương phải chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, xử lý vi phạm.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương phát biểu kết luận hội nghị.

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước tập trung giải quyết việc tồn đọng trước Tết, không để người dân, doanh nghiệp chờ đợi; tập trung chuẩn bị tốt các điều kiện cho kế hoạch sản xuất, kinh doanh sau Tết. Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra chấp hành, thực thi công vụ của cán bộ, công chức, người lao động các cơ quan hành chính nhà nước trong những ngày cận Tết và sau khi nghỉ Tết. Xử lý nghiêm các cơ quan, đơn vị lơ là công việc, thiếu giám sát giờ giấc, hiệu quả làm việc của cán bộ, công chức, người lao động.

Đối với lĩnh vực nông nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, dù nông sản tiêu thụ thuận lợi song một số lĩnh vực, nhất là thủy sản người dân còn gặp khó khăn. Do đó, ngành Nông nghiệp, các địa phương phải chủ động kết nối, tìm đầu ra cho sản phẩm; quan tâm phòng dịch cho đàn vật nuôi. Đối với sản xuất vải thiều, đồng chí đề nghị cần quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn người dân thực hiện nghiêm quy trình chăm sóc theo yêu cầu của các nước. Chủ động tính phương án tiêu thụ để nâng giá, đưa vải thiều đi nhiều nước hơn. Đảm bảo nguồn nước cho người dân gieo trồng, cấy, nguồn phân bón, giống cây trồng, vật nuôi kịp thời đáp ứng nhu cầu sản xuất vụ Đông Xuân. Xây dựng kế hoạch và triển khai “Tết trồng cây nhớ ơn Bác Hồ” đảm bảo trang trọng, tiết kiệm, hiệu quả. Tiếp tục phát động dưới nhiều hình thức, thực hiện hiệu quả Đề án trồng 1 tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ đề ra, đảm bảo thực chất, hiệu quả. Tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.

Về công tác PCD, đồng chí Lê Ánh Dương nhấn mạnh, dù đang trong tầm kiểm soát song xu hướng ca mắc vẫn tăng lên hằng ngày cả trong DN và cộng đồng. Ý thức PCD của người dân vẫn còn hạn chế. Vì thế, đồng chí cho rằng, xác định tiêm vắc xin là vũ khí quan trọng nhất nên thời gian tới, ngành Y tế dồn lực lượng để tiêm vắc xin mũi 3, trong đó ưu tiên công nhân, lực lượng tuyến đầu và khu tập trung đông dân; sớm bao phủ tiêm vắc xin đối với trẻ em trên 12 tuổi. Riêng trẻ em dưới 12 tuổi cần phải thận trọng, chỉ tiêm khi có sự đồng thuận cao của người dân. Ngay sau khi hoàn thành tiêm mũi 3 cần chủ động xây dựng phương án, tham mưu UBND tỉnh chuyển hướng chiến lược PCD, sớm đưa các hoạt động trở lại bình thường. Trước mắt, từ ngày 23/01 sẽ tạm dừng hoạt động của tất cả các chốt kiểm soát dịch trên địa bàn, để người dân thuận lợi về quê đón Tết.

Đối với công tác chăm lo Tết, đồng chí đề nghị các cấp, các ngành thực hiện tốt Chỉ thị của UBND tỉnh về việc chăm lo Tết cho Nhân dân theo phương châm đúng theo chỉ đạo cùa UBND tỉnh đó là vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm và phòng dịch hiệu quả. Các địa phương cần sớm hoàn thành trao quà Tết cho các đối tượng, bảo đảm không sót trường hợp nào. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tính toán để cho tổ chức các hoạt động mừng Xuân song phải bảo đảm phòng dịch; làm việc với các địa phương để tạo điều kiện cho người dân thăm, lễ chùa tại các di tích, địa điểm tín ngưỡng, tôn giáo; quan tâm chuẩn bị các điều kiện phục vụ SeaGames 31.

Về công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, các lực lượng chức năng cần làm mạnh khâu kiểm soát địa bàn, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh xử lý các hành vi vi phạm; tăng cường các tổ tuần tra, kiểm soát sau khi dỡ bỏ các chốt kiểm soát. Các địa phương giải quyết dứt điểm các tranh chấp khiếu kiện, nếu địa phương nào để người dân ra Trung ương trong dịp Tết, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố phải chịu trách nhiệm.

Cùng với đó, các ngành, địa phương cần triển khai sớm kế hoạch năm, nhất là tiến độ đầu tư xây dựng cơ bản, thu ngân sách; tháo gỡ khó khăn bồi thường, giải phóng mặt bằng nhất là các dự án trọng điểm, không để vướng mắc về mặt bằng làm chậm tiến độ dự án. Các địa phương, các ngành tập trung chỉ đạo giao quân đầu năm 2022 thật sự an toàn PCD, đủ quân. Tăng cường công tác tiếp công dân, đối thoại, giải quyết dứt điểm vụ việc; hạn chế việc công dân tụ tập đông người lên tỉnh, ra Trung ương khiếu kiện vượt cấp, nhất là dịp Tết. Hạn chế thấp nhất xảy ra tai nạn giao thông trong dịp trước, trong và sau Tết.../.

Dương Thủy

Trung bình (0 Bình chọn)