Ban Bí thư quán triệt, triển khai Chỉ thị số 23-CT/TW về bảo đảm trật tự an toàn giao thông

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Sáng 06/7, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25/5/2023 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) trong tình hình mới.
Quang cảnh đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Công an tỉnh Bắc Giang.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến từ hội trường Bộ Công an đến 63 điểm cầu trên toàn quốc với sự tham gia của hơn 35.000 đại biểu. 

Các đồng chí: Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương; Trần Lưu Quang - Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia; đại tướng Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đồng chủ trì hội nghị.

Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang có các đồng chí: Dương Văn Thái - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Lê Ánh Dương - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban ATGT tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND và đại diện các sở, ngành, đoàn thể.

Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh nguồn bocongan.gov.vn.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, ngày 25/5/2023, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 23-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo TTATGT trong tình hình mới trên cơ sở tổng kết 10 năm Chỉ thị 18-CT/TW năm 2012, bổ sung chủ trương giải pháp mới phù hợp bảo đảm ATGT trong tình hình mới, tạo sự thống nhất trong toàn quốc để tổ chức thực hiện.

Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh, công tác đảm bảo TTATGT là nhiệm vụ rất quan trọng, tác động trực tiếp đến phát triển KT-XH của đất nước, đảm bảo an ninh trật tự, an ninh con người với mục tiêu cao nhất là bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân, phục vụ phát triển KT-XH của đất nước.

Bộ trưởng nêu rõ, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kết cấu hạ tầng giao thông gắn với đảm bảo TTATGT. Trong các năm 2003, 2012, 2023, cứ mỗi 10 năm, Ban Bí thư đều có chỉ thị chỉ đạo về công tác bảo đảm ATGT. Đây là sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước đối với công tác bảo đảm TTATGT.

Qua đánh giá cho thấy, qua 10 năm triển khai Chỉ thị số 18-CT/TW của Ban Bí thư đến nay, các cấp, các ngành đã quán triệt, thực hiện nghiêm túc các chủ trương, giải pháp đã đề ra trong Chỉ thị 18-CT/TW. Trong đó đã dành nhiều nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị của toàn dân, góp phần làm chuyển biến tích cực trong đảm bảo ATGT, nhất là trong thời gian gần đây, đã có nhiều cách làm sáng tạo như kiểm soát nồng độ cồn, kiểm soát xe quá tải, quá khổ… Qua đó, ý thức chấp hành của người tham gia giao thông đã có chuyển biến rõ nét, số người chết do tai nạn giao thông (TNGT) giảm mạnh.

Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, có thể nói, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 23-CT/TW nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo TTATGT trong tình hình mới là rất kịp thời, qua đó góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong đảm bảo TTATGT, phục vụ nhiệm vụ phát triển KT-XH của đất nước.

Hội nghị nhằm tổng kết, đánh giá kết quả đạt được, những cách làm hay, sáng tạo Chỉ thị của Ban Bí thư; phân tích làm rõ những vấn đề còn tồn tại nhất là những khó khăn về pháp luật, cơ chế, chính sách, sự phối hợp, từ đó, kiến nghị các giải pháp khắc phục, góp phần nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo TTATGT trong thời gian tới. Tập trung nghiên cứu, quán triệt, triển khai nội dung Chỉ thị 23-CT/TW của Ban Bí thư, thảo luận các biện pháp để thực hiện hiệu quả mục tiêu yêu cầu của Ban Bí thư đã đề ra.

Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW, Thiếu tướng Nguyễn Văn Long - Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của các ngành, các cấp, tình hình TTATGT có những chuyển biến tích cực. Ùn tắc giao thông tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và trên các quốc lộ trọng điểm đang có xu hướng cải thiện; vi phạm về chở hàng quá tải trên đường bộ đã giảm mạnh, đặc biệt là số xe vi phạm quá tải trên 100% giảm mạnh, tình trạng xe “cơi nới” thành thùng gần như đã chấm dứt trên toàn quốc.

Qua đó, số vụ, số người chết và số người bị thương do TNGT tiếp tục giảm sâu, số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách, xe tải nặng được kiềm chế, đã góp phần bảo đảm trật tự xã hội trên các tuyến, địa bàn giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa, phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ phát triển KT-XH của đất nước giai đoạn 2013-2022. Từ năm 2012-2022, cả nước xảy ra 190.020 vụ TNGT, làm chết 76.439 người, bị thương 165.824 người; so với 10 năm trước giảm 37% số vụ, giảm 29% số người chết, giảm 44% số người bị thương.

Tuy nhiên, tình hình TTATGT còn diễn biến phức tạp. Một số cán bộ, đảng viên chưa thực sự gương mẫu, nêu gương chấp hành pháp luật về giao thông, còn tình trạng vi phạm. Nhiều trường hợp vi phạm pháp luật giao thông nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, có trường hợp sử dụng rượu, bia gây TNGT chết người, có những trường hợp có biểu hiện chống đối.

Một số bộ, ngành chưa hoàn thành nhiệm vụ Chính phủ giao tại Nghị quyết số 30/NQ-CP ban hành Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị 18-CT/TW. Công tác quản lý nhà nước về TTATGT trong một số lĩnh vực như quản lý hoạt động kinh doanh vận tải, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, quản lý kiểm định an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường của phương tiện ở một số đơn vị, địa phương còn hạn chế, thiếu hiệu quả, chậm được khắc phục và có biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực.

Việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về công tác đảm bảo TTATGT còn nhiều bất cập, không đồng bộ, thiếu tính ổn định, chưa phân định rõ ràng trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực này giữa các bộ, ngành. Việc triển khai hạ tầng giao thông một số địa bàn chưa đáp ứng yêu cầu vận tải, đi lại của người dân.

Kết quả kiềm chế và giảm TNGT chưa vững chắc, số người chết, người bị thương vẫn ở mức cao. TNGT đặc biệt nghiêm trọng trên đường bộ, đường sắt vẫn xảy ra và còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gia tăng. Ùn tắc giao thông ở các đô thị lớn diễn ra thường xuyên vào giờ cao điểm trên các tuyến quốc lộ trọng điểm, các tuyến cao tốc, cửa ngõ vào các đô thị lớn.

Tình trạng chống người thi hành công vụ trong công tác đảm bảo TTATGT diễn ra phức tạp, có xu hướng gia tăng và tính chất, mức độ nghiêm trọng, liều lĩnh, thể hiện sự coi thường pháp luật, kỷ cương, gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự của người thi hành công vụ. Chỉ tính riêng đối với lực lượng Cảnh sát giao thông đã xảy ra 362 vụ chống người thi hành công vụ, làm 4 đồng chí hy sinh, 194 đồng chí bị thương.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang quán triệt và triển khai Chỉ thị số 23-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng.
Ảnh nguồn TTXVN.

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang quán triệt và triển khai Chỉ thị số 23-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Đồng chí nhấn mạnh, để khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu quả hơn công tác bảo đảm TTATGT trong tình hình mới, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tập trung thực hiện tốt 4 mục tiêu, yêu cầu và 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đã được nêu rất cụ thể tại Chỉ thị số 23-CT/TW. 

Nhìn chung nội dung Chỉ thị số 23-CT/TW là sự kế thừa, bổ sung và phát triển những quan điểm chỉ đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT trong các giai đoạn trước đây cho phù hợp với tình hình mới; quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo về bảo đảm TTATGT trong cả 5 lĩnh vực giao thông: Đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải và hàng không.

Với mục tiêu, yêu cầu và 6 nhóm giải pháp trong Chỉ thị số 23-CT/TW, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền của các cơ quan, Chỉ thị số 23-CT/TW của Ban Bí thư cũng đã phân công rõ trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng trực thuộc Trung ương, Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự Đảng Chính phủ, MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Đảng ủy Công an Trung ương, Ban cán sự Đảng Bộ Giao thông vận tải.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị các bộ, ngành và UBND các địa phương căn cứ nội dung của Chỉ thị số 23-CT/TW và kết luận chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư tại hội nghị để tham mưu cho Ban cán sự Đảng Chính phủ, Ban Cán sự đảng các Bộ, ngành, Thành ủy, Tỉnh ủy các địa phương tổ chức thực hiện nghiêm túc.

Cùng với đó, xây dựng kế hoạch thực hiện phù hợp với đặc điểm tình hình của từng bộ, ngành, địa phương; trong đó, phân công rõ trách nhiệm và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện, góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm TTATGT trong tình hình hiện nay.

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, Tỉnh ủy, UBND, Công an các tỉnh, thành phố đã đề xuất những giải pháp nâng cao hiệu quả trong công tác đảm bảo ATGT; nêu những bài học kinh nghiệm trong công tác đảm bảo TTATGT; phát huy vai trò, trách nhiệm trong công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức toàn dân trong việc tham gia giao thông, đảm bảo TTATGT.

Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái phát biểu thảo luận tại hội nghị.

Phát biểu thảo luận tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái cho biết, trong những năm qua, Đảng bộ tỉnh Bắc Giang đã tập trung lãnh đạo, quán triệt, triển khai nghiêm túc các chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định 3 đột phá chiến lược (hoàn thiện đồng bộ thể chế; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng), Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Để thực hiện chủ trương trên, trước hết Bắc Giang xác định phải tập trung làm tốt công tác quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông với phương châm “quy hoạch phải thể hiện tư duy, tầm nhìn dài hạn”.

Với tinh thần đó, Bắc Giang đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành Trung ương để quy hoạch mạng lưới giao thông trên cả 3 lĩnh vực: đường bộ, đường thủy, đường sắt để tích hợp vào quy hoạch chung của tỉnh. Trong đó, hệ thống giao thông đối ngoại của tỉnh được quy hoạch bảo đảm tính liên thông, kết nối, thể hiện trên 4 hướng chính (kết nối với Lạng Sơn để tiếp cận cửa khẩu, thị trường Trung Quốc và vươn tới thị trường Trung Á, Châu Âu; kết nối với Hải Dương, Quảng Ninh để tiếp cận với các cảng biển; kết nối với Bắc Ninh, Hà Nội để tiếp cận sân bay và các trung tâm kinh tế lớn thuộc Vùng Thủ đô; kết nối với Thái Nguyên để tăng cường liên kết toàn Vùng trung du, miền núi phía Bắc).

Quy hoạch giao thông nội tỉnh lấy cao tốc Hà Nội - Bắc Giang - Lạng Sơn là trục động lực để phát triển các tuyến đường tỉnh, đường huyện, đường vành đai, mở ra các không gian phát triển mới. Giao thông đô thị, giao thông nông thôn được quy hoạch, định hướng phát triển bài bản, đồng bộ hơn, bảo đảm quy mô, tầm nhìn, khắc phục những hạn chế, bất cập, đặc biệt là các điểm đen về TNGT.

Để triển khai thực hiện quy hoạch, trong điều kiện nguồn lực của tỉnh còn nhiều khó khăn, tỉnh Bắc Giang đã quyết liệt siết chặt quản lý chi ngân sách, chưa đầu tư các dự án chưa thực sự cấp thiết để tập trung nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông. Nhiệm kỳ 2016-2021, huy động nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đạt khoảng 18.000 tỷ đồng. Nhiệm kỳ 2021-2025, Bắc Giang tiếp tục bố trí khoảng gần 40.000 tỷ đồng (gấp hơn 2 lần so với nhiệm kỳ trước) để tập trung đầu tư hạ tầng giao thông. Nhiều tuyến đường cũ, nhỏ hẹp, xuống cấp đã được cải tạo, mở rộng. Nhiều công trình giao thông kết nối đối nội, đối ngoại được quan tâm đầu tư xây dựng mới, để mở ra không gian, động lực phát triển mới, điển hình như: Tuyến đường vành đai IV và cầu Bắc Phú - Xuân Cẩm nối sang Sóc Sơn, Hà Nội, kết nối với cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên; tuyến ĐT293 hướng tới kết nối với các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương; công trình đường và cầu Đồng Việt kết nối với tỉnh Hải Dương và QL18; cầu Hà Bắc 2 nối sang tỉnh Bắc Ninh, kết nối với đường vành đai IV thủ đô Hà Nội; cầu Hòa Sơn kết nối với thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên...

Vừa qua, được sự quan tâm, tạo điều kiện của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, tỉnh Bắc Giang đã tập trung bố trí ngân sách địa phương đầu tư hoàn thành công trình cầu Như Nguyệt giai đoạn 2 (sau 14 tháng thi công), qua đó đã giải quyết nút thắt, điểm nghẽn về ATGT tồn tại suốt nhiều năm trên tuyến cao tốc Hà Nội - Bắc Giang.

Cùng với tập trung nguồn lực phát triển các trục giao thông chính, tỉnh Bắc Giang đặc biệt quan tâm phát triển hệ thống giao thông nông thôn. Tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ cứng hóa đường giao thông nông thôn với phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”. Chính sách phù hợp đã nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng mạnh mẽ từ Nhân dân, tạo nên "một cuộc cách mạng về xây dựng giao thông nông thôn".  Chỉ sau 2 năm thực hiện (2017-2019), toàn tỉnh đã huy động được khoảng 4.000 tỷ đồng (trong đó Nhân dân đóng góp gần 50% kinh phí, hiến hàng trăm ha đất, góp hàng chục nghìn ngày công lao động), cứng hóa được hơn 4.200 km đường giao thông nông thôn. Đến nay, cơ bản 100% các tuyến đường huyện, đường xã, đường thôn xóm trên địa bàn tỉnh đã được cứng hóa; quy mô được mở rộng và trên địa bàn tỉnh không có điểm đen về TNGT.

Cùng với đó, tỉnh đã tập trung đẩy mạnh phát triển giao thông đường thủy, đường sắt để giảm áp lực cho đường bộ, giảm chi phí vận tải, thúc đẩy phát triển vận tải đa phương thức. Phát huy lợi thế có 3 tuyến sông (Sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam), Bắc Giang đã rà soát, quy hoạch gần 20 cảng thủy và đang tập trung thu hút đầu tư triển khai thực hiện các dự án trong quy hoạch.

Bắc Giang đã rà soát và đặc biệt khai thác hiệu quả tuyến đường sắt liên vận quốc tế Hà Nội - Đồng Đăng có khả năng vận chuyển hàng hóa qua Trung Quốc. Thực hiện quy hoạch và đang tập trung thu hút đầu tư phát triển hệ thống cảng cạn ICD, trung tâm logistics quốc tế với hệ thống kho bãi hiện đại để thúc đẩy vận tải đường sắt. Vừa qua, tỉnh Bắc Giang đã được Bộ Giao thông vận tải chấp thuận chuyển ga Kép thành ga liên vận quốc tế, tạo thuận lợi thúc đẩy xuất, nhập khẩu hàng hóa của tỉnh và khu vực.

Đồng thời với việc đẩy mạnh đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, Bắc Giang luôn rất quan tâm chú trọng các biện pháp bảo đảm ATGT. Tỉnh đã chỉ đạo ưu tiên bảo đảm kinh phí, nguồn lực cho công tác quản lý, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng, hành lang giao thông; kịp thời xử lý, khắc phục các điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT. Cùng với đó, tỉnh đã bố trí kinh phí, giao Công an tỉnh chủ trì triển khai thực hiện rất hiệu quả Đề án lắp đặt camera an ninh trên phạm vi toàn tỉnh; đến nay đã lắp đặt được trên 1.000 camera (đạt 84% mục tiêu đề án), trong đó có trên 100 điểm camera giao thông, phục vụ xử lý phạt nguội và phục vụ giải quyết vụ việc về an ninh trật tự. Qua đó tạo chuyển biến tích cực, nâng cao nhận thức, ý thức của nhân dân và hiệu quả công tác bảo đảm TTATGT trên địa bàn tỉnh.

Sau nhiều năm nỗ lực, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã được quan tâm đầu tư phát triển khá đồng bộ, đa dạng; trong đó, giao thông đường bộ giữ vai trò chủ đạo và phát triển rất nhanh cả về số lượng và quy mô với trên 15.000 km đường bộ các loại. Hạ tầng giao thông “đi trước một bước” đã giúp Bắc Giang mở ra nhiều không gian, động lực phát triển mới. Giao thông phát triển giúp cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; Bắc Giang trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư, góp phần thúc đẩy KT-XH của tỉnh phát triển. Hạ tầng giao thông phát triển cũng góp phần quan trọng xây dựng, củng cố thế trận quốc phòng, an ninh liên hoàn, vững chắc; bảo đảm ATGT, giảm TNGT, đặc biệt liên tục 05 năm gần đây TNGT trên địa bàn tỉnh đều giảm trên cả 3 tiêu chí.

Những cách làm mà Bắc Giang thực hiện trong thời gian qua cũng đồng thời là những bài học kinh nghiệm để tỉnh tiếp tục đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, gắn với bảo đảm TTATGT trong thời gian tới. Quán triệt thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư, Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai nghiêm túc, hiệu quả các mục tiêu, yêu cầu và 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp Chỉ thị đã đề ra.

Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục tập trung đẩy mạnh phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông. Trọng tâm từ nay đến năm 2025, Bắc Giang sẽ phối hợp chặt chẽ với Bắc Ninh, Hải Dương, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Lạng Sơn thực hiện đầu tư các công trình giao thông kết nối liên tỉnh theo Biên bản ghi nhớ hợp tác mà tỉnh Bắc Giang đã ký kết song phương với từng tỉnh. Góp phần thúc đẩy sự phát triển của mỗi địa phương, của vùng, liên vùng, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của cả nước.

Trong điều kiện nguồn lực còn khó khăn, việc tăng cường các giải pháp huy động các nguồn lực, đặc biệt là cơ chế thu hút nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là rất cấp thiết. Tỉnh Bắc Giang đề xuất Trung ương nghiên cứu tiếp tục cho triển khai thực hiện hình thức đầu tư xây dựng - chuyển giao BT vì các hình thức đầu tư theo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư cơ bản không phù hợp với quy mô, tính chất các dự án tại địa phương. Nghiên cứu có cơ chế cho phép doanh nghiệp ứng vốn đầu tư một số công trình giao thông cấp thiết; ngân sách thực hiện bố trí để hoàn trả theo kế hoạch. Đề nghị Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu một số tuyến đường quốc lộ nhỏ có thể bàn giao về cho địa phương quản lý để địa phương có điều kiện duy tu, nâng cấp, cải tạo mở rộng đáp ứng yêu cầu giao thông cũng như đảm bảo TTATGT trên địa bàn.

Đồng chí Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương phát biểu tại hội nghị.
Ảnh nguồn TTXVN.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương ghi nhận, biểu dương những kết quả đạt được trong 10 năm thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW. Đồng chí yêu cầu cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về đảm bảo TTATGT; hoàn thiện hệ thống pháp luật, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân định rõ trách nhiệm trong quản lý nhà nước về giao thông; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về bảo đảm TTATGT; tập trung nguồn lực xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giao thông; nâng cao năng lực quản lý, điều hành, phối hợp các lực lượng trong bảo đảm TTATGT; khắc phục cơ bản ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn, trọng điểm là Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh… Các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, đơn vị tăng cường công tác tuyên truyền và phối hợp thực hiện tốt Chỉ thị 23-CT/TW.

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai lưu ý cán bộ, đảng viên, nhất là đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị càng phải gương mẫu chấp hành nghiêm, thực hiện tốt công tác đảm bảo TTATGT. Đối với cán bộ, chiến sĩ làm công tác đảm bảo TTATGT phải thực hiện nghiêm quy định pháp luật, nhằm tạo thêm niềm tin vững chắc của quần chúng Nhân dân./.

Dương Thủy

Trung bình (0 Bình chọn)