Học giả Nga nhận định về chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Putin

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Học giả Nga cho rằng chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Vladimir Putin khẳng định quan hệ đối tác chiến lược toàn diện ở mức độ cao giữa Việt Nam và LB Nga.

Học giả Nga nhận định về chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Putin- Ảnh 1.

 

Việt Nam thực sự là đối tác quan trọng của Nga ở Đông Nam Á

Nhân chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Nga Vladimir Putin đến Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Maxim Syunnerberg, Học viện các nước Á-Phi thuộc Đại học Quốc gia Moskva mang tên Lomonosov (IAAS MGU) đã trao đổi với TTXVN rằng năm 2024 đánh dấu kỷ niệm 30 năm ngày ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị giữa LB Nga và CHXHCN Việt Nam (16/6/1994 - 16/6/2024), đặt nền móng và cơ sở pháp lý cho quan hệ trong giai đoạn phát triển mới. Việt Nam thực sự là đối tác quan trọng của Nga ở Đông Nam Á và là một trong những đối tác chiến lược của Nga ở châu Á.

Một điều thú vị nữa là Sa hoàng Nikolai II (1868-1918) đã từng thăm Việt Nam khi còn là hoàng tử kế vị năm 1891. Như vậy, quan hệ giữa Việt Nam và Nga không chỉ tính từ năm 1950, thời điểm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, mà nhìn từ góc độ lịch sử, mối quan hệ song phương có bề dày hơn nhiều. Các nhà cách mạng Việt Nam, trong đó có Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã từng học ở Nga. Nga cũng không quên sự đóng góp của những chiến sĩ Việt Nam tình nguyện gia nhập Hồng quân Liên Xô chiến đấu chống phát xít Đức, bảo vệ thành phố Moskva trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại năm 1941. Rồi vai trò của Liên Xô tại Hội nghị Geneva năm 1954 khi thảo luận về ranh giới tạm phân chia hai miền Việt Nam. Sau đó, sự giúp đỡ to lớn không thể thay thế của Liên Xô dành cho Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Năm 1978, Liên Xô và Việt Nam ký kết Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác. Sau đó là thời kỳ Việt Nam hòa bình, phát triển nhanh chóng và hội nhập quốc tế sâu rộng. Điều rất vui mừng là chuyến thăm năm 2001 của Tổng thống Putin đến Việt Nam đã tạo động lực mạnh mẽ mới cho sự phát triển quan hệ giữa Việt Nam và Nga ngay từ buổi đầu của thế kỷ 21.

Chuyên gia Syunnerberg chia sẻ chuyến thăm năm 2001 rất đặc biệt đối với cá nhân ông vì lúc đó ông đang thực tập tại Việt Nam và được dự cuộc gặp của Tổng thống Putin với đại diện cựu sinh viên các trường đại học Liên Xô. Ông nhớ lại Tổng thống Putin khi đó đã rất cảm động trước sự đón tiếp trọng thị của Việt Nam. Người dân Việt Nam cũng rất ấn tượng với Tổng thống Putin. Nhà lãnh đạo Nga đã đến Việt Nam 4 lần và chuyến thăm cấp Nhà nước trong các ngày 19-20/6 này sẽ là lần thứ 5.

Thêm một lần nữa, Việt Nam là một trong những nước đầu tiên ông Putin đến thăm khi bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống mới, tương tự như chuyến thăm hồi năm 2001, diễn ra sau khi ông nhậm chức nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên. Mỗi chuyến thăm của các nguyên thủ quốc gia luôn được kỳ vọng sẽ tạo động lực mới cho quan hệ song phương. Với Việt Nam, ông Syunnerberg tin rằng động lực sẽ rất đặc biệt nhờ hình ảnh tốt đẹp và tích cực mà Tổng thống Putin đã có ở Việt Nam và trong mối quan hệ với Việt Nam.

Việt Nam hoàn toàn có khả năng mang lại những cơ hội rất lớn cho Nga ở góc độ đầu tư

Cùng quan điểm, Phó Giáo sư chuyên ngành phương Đông học thuộc Viện nghiên cứu Quốc tế, Đại học Quan hệ Quốc tế (Bộ Ngoại giao Nga) Anna Kireeva khẳng định, chuyến thăm có ý nghĩa rất lớn đối với quan hệ giữa Việt Nam và LB Nga.

Đánh giá về chương trình nghị sự của chuyến thăm, Phó Giáo sư Kireeva nhấn mạnh rằng hiện nay do bối cảnh quốc tế thay đổi, Nga chú trọng tăng cường quan hệ với các nước Nam bán cầu, đặc biệt là các nước ở châu Á, nơi Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) đóng vai trò then chốt. Vì vậy, trước hết chuyến thăm nhằm khẳng định quan hệ đối tác chiến lược toàn diện ở mức độ cao giữa Việt Nam và Nga và là sự tái khẳng định những cam kết tuân thủ các nguyên tắc phát triển quan hệ của cả hai nước.

Nội dung thứ hai của chuyến thăm là xây dựng chương trình nghị sự kinh tế, các hiệp định kinh tế, nhiệm vụ cụ thể mà cả hai bên phải đạt được và thực hiện vào năm 2030. Chuyến thăm cũng cho phép tổng kết những kết quả hai bên đã đạt được, ví dụ trong khuôn khổ khu vực thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU).

Ngoài ra, nhà nghiên cứu của Đại học Quan hệ Quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Nga chỉ ra rằng hiện là thời điểm rất quan trọng khi Nga đang tái cơ cấu quan hệ kinh tế đối ngoại. Trong đó, bà khẳng định Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, một nền kinh tế đang phát triển và hoàn toàn có khả năng mang lại những cơ hội rất lớn cho Nga ở góc độ đầu tư song phương, sản xuất, nông nghiệp, kết nối logistics, khai thác thị trường du lịch...

Ở chiều ngược lại, Nga có thể cung cấp cho Việt Nam nhiều khả năng trong lĩnh vực công nghệ số, xây dựng thành phố thông minh và cơ sở hạ tầng đô thị, nhất là khi thủ đô của LB Nga là một trong những thành phố tiên tiến nhất trên thế giới về cơ sở hạ tầng đô thị.

Phó Giáo sư Kireeva cũng phân tích một số biện pháp cụ thể nhằm phát triển mạnh mẽ hơn nữa hợp tác Nga-Việt trong nhiều lĩnh vực, mở rộng các kế hoạch hợp tác hiện có và cụ thể hóa những kế hoạch hợp tác mới.

Tăng khối lượng đầu tư lẫn nhau cũng là một điểm rất quan trọng. Để làm được điều này, bà Kireeva cho rằng nên thành lập một thể chế đặc biệt hỗ trợ hợp tác, đó có thể là một quỹ hoặc chương trình đặc biệt. Lĩnh vực hợp tác tiếp theo là giáo dục.

Theo Phó Giáo sư Nga, hai nước có thể cân nhắc hướng tới xây dựng một chương trình giáo dục chung, bao gồm hệ thống song bằng và thực tập thường xuyên hơn.

Đây là chuyến thăm Việt Nam lần thứ 5 của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia đầu tiên ông Putin tới thăm sau khi nhậm chức tổng thống nhiệm kỳ thứ 5 vào đầu tháng 5 vừa qua. Phó Giáo sư Kireeva nhấn mạnh điều này cho thấy đối với Nga, Việt Nam là đối tác quan trọng ở Đông Nam Á, cũng như khẳng định Việt Nam là ưu tiên cao hơn trong chính sách đối ngoại của Nga nói chung và không chỉ ở Đông Nam Á.

Theo Chinhphu.vn

Trung bình (0 Bình chọn)