Hiệu quả bước đầu từ các giải pháp kiềm chế lạm phát.

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Thời gian qua, các ngành, địa phương và doanh nghiệp trên địa bàn đã tích cực thực hiện nhiều biện pháp đẩy mạnh sản xuất, bình ổn thị trường, kiềm chế lạm phát.

Từ giữa tháng 4 đến nay, giá cả thị trường không còn “nóng” như những tháng trước đây, tình trạng giá một số mặt hàng “nhạy cảm” như: vật liệu xây dựng, phân bón, thức ăn chăn nuôi, lương thực thực phẩm... tăng hằng ngày không còn xảy ra. Thị trường bất động sản cũng “hạ nhiệt”. Ngay khi ở một số địa phương trong nước xảy ra tình trạng giá gạo tăng cao do sốt “ảo” thì trên địa bàn cũng không biến động mạnh. Diễn biến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của 10 nhóm hàng hoá, dịch vụ chính trên địa bàn những tháng đầu năm nay liên tục tăng cao nhưng đến nay đã giảm dần. Đáng chú ý là giá thép xây dựng, xi măng và gạch đều đã giảm so với trước đây. Hàng hoá trên thị trường vẫn bảo đảm đáp ứng nhu cầu nhân dân, không có hiện tượng đầu cơ, “găm” hàng chờ tăng giá. Bà Ong Thị Thanh, phụ trách Siêu thị Bắc Giang nhận định: “Mấy tháng qua, giá nhiều mặt hàng liên tục tăng, nhất là nhóm lương thực, thực phẩm. Giá nhà sản xuất đưa ra  cao khiến khách hàng lưỡng lự khi quyết định mua hàng, lượng hàng bán ra chậm. Hiện nay, giá các mặt hàng tương đối ổn định và ít khả năng tăng cao hơn”… 

Đó là hệ quả việc tăng cường thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát, đẩy mạnh phát triển KT-XH của Chính phủ và Chủ tịch UBND tỉnh. Nhiều ngành đã thực hiện các giải pháp tích cực như hỗ trợ kinh phí để chủ động nguồn hàng bảo đảm cho sản xuất và tiêu dùng, tăng cường quản lý thị trường không xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu; tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc, thắt chặt chính sách tín dụng cho vay đầu tư bất động sản và tiêu dùng; điều chỉnh kế hoạch đầu tư năm 2008 và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách và đặt biệt là đẩy mạnh sản xuất, tiết kiệm chi tiêu trong các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp. Trong bối cảnh lạm phát chung của cả nước, bốn tháng đầu năm nay tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh vẫn đạt khá, giá trị sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, kim ngạch xuất khẩu, thu hút đầu tư vẫn duy trì ổn định ở mức cao.

Đến nay giá cả thị trường có dấu hiệu ổn định nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ tăng cao nhất là thông tin một số mặt hàng thiết yếu như điện, than, giấy… được phép tăng giá tới đây đòi hỏi sự “vào cuộc” mạnh mẽ hơn của các cơ quan, doanh nghiệp và mỗi người dân.

Mặc dù giá cả thị trường đã chững lại nhưng hiện còn ở mức cao và một số hiệp hội, doanh nghiệp chỉ cam kết không tăng giá một số mặt hàng thiết yếu đến hết tháng 6 năm nay còn sau đó khó có thể lường hết thị trường biến động theo hướng nào. Ông Nguyễn Văn Thanh, Giám đốc Công ty xi măng Hương Sơn phản ánh: “Hơn một năm qua, chúng tôi đã hai lần tăng giá xi măng do giá điện, than, xăng dầu tăng. Mấy tháng qua giá xi măng trên thị trường biến động mạnh nhưng chúng tôi vẫn giữ giá ổn định theo cam kết với hiệp hội và Chính phủ đến tháng 6 này. Hiện nay khi các nguyên liệu sản xuất xi măng đã “rục rịch” lên giá thì sau tháng 6 xi măng cũng phải tăng theo nếu không rơi vào tình trạng thua lỗ”.

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định tình hình kinh tế thế giới cũng như trong nước còn tiềm ẩn những khó khăn, bất lợi do giá dầu và một số nguyên liệu chính như điện, than, phân bón tiếp tục tăng; sản xuất nông nghiệp trong nước đang phải đối mặt với khó khăn do dịch bệnh, thiên tai. Vì vậy để thị trường ổn định, lạm phát được đẩy lùi, kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá và bền vững, các ngành và địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn cần tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất góp phần cân đối cung cầu hàng hoá, tăng cường thu hút đầu tư, xuất khẩu. Các doanh nghiệp tích cực đổi mới công nghệ, bố trí sản xuất hợp lý theo hướng tiết kiệm chi phí, ổn định và nâng cao chất lượng sản phẩm. Các cơ quan nhà nước và các đơn vị sử dụng ngân sách nghiêm túc thực hiện việc cắt, giảm 10% chi thường xuyên, rà soát để giảm tối đa hoặc dừng việc mua sắm, chi hoạt động chưa cần thiết; kiên quyết cắt bỏ hoặc dừng triển khai các công trình kém hiệu quả, chưa cấp bách để tập trung vốn cho công trình cần thiết sớm đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả cao. Điều quan trọng là tích cực tuyên truyền, vận động mọi người thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các hoạt động để góp phần kiềm chế lạm phát đồng thời đẩy mạnh sản xuất, phát triển KT-XH.

Trung bình (0 Bình chọn)