Hiệp Hòa: Chủ động phòng ngừa, ứng phó với mưa to, gây ngập úng

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Trong ba ngày (từ 01/8 đến 03/8), trên địa bàn huyện Hiệp Hòa có mưa vừa, mưa to kéo dài, với tổng lượng mưa đạt 150mm, trong đó ngày 02/8 đạt cao nhất 89,6mm, đã làm cho khoảng 430 ha lúa, hoa màu bị ngập úng. Tập trung nhiều ở các xã: Thái Sơn, Hùng Sơn, Quang Minh, Đông Lỗ, Hợp Thịnh, Mai Đình, Châu Minh...
Các đồng chí lãnh đạo huyện Hiệp Hòa kiểm tra tình hình mưa lũ trên địa bàn.

Theo thống kê ban đầu, huyện Hiệp Hòa có khoảng 100 ha lúa, 28 ha cây màu có nguy cơ mất trắng. Diện tích lúa mới cấy bị chìm sâu trong nước, có nguy cơ phải cấy lại; một số diện tích thủy sản có nguy cơ mất trắng khi tràn bờ. Ngoài ra, mưa to đã làm 2m kênh B2 bị vỡ, 50m2 tường nhà của người dân bị đổ, 1 mái nhà của Trường tiểu học Quang Minh bị hư hỏng.

Hiện nay, nước đang rút rất chậm, do đó UBND huyện, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện, các cơ quan chuyên môn đang hướng dẫn nông dân biện pháp khắc phục; đồng thời huy động tối đa máy bơm ở các trạm bơm nhằm tiêu úng kịp thời nước vùng đệm, kênh mương nội đồng, khơi thông dòng chảy, bảo vệ sản xuất và đời sống của người dân. Phòng Nông nghiệp và PTNT tham mưu cho UBND huyện có phương án chuẩn bị giống dự phòng để nhanh chóng khôi phục sản xuất do ngập úng. Trong đó đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT cấp hỗ trợ 5 tấn giống lúa để nông dân cấy lại.

Trước tình hình mưa lũ còn diễn biến phức tạp, huyện Hiệp Hòa đã tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ tình hình mưa lũ, công trình phòng, chống lũ, bão, tổng hợp khẩn trương diễn biến đê, kè, cống, hồ đập, úng ngập và thiệt hại khác do mưa lũ gây ra. Đồng thời, kiểm tra, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện, vật tư, lương thực, thuốc men theo phương châm 4 tại chỗ để phòng trường hợp mưa lớn gây ngập úng và có những tình huống xấu có thể xảy ra; trực 24/24h, sẵn sàng xử lý các tình huống khi có yêu cầu. Bên cạnh đó, khắc phục sự cố về điện, ưu tiên cấp điện trong vùng phải tiêu úng; rà soát các khu vực ven sông, vùng trũng, có nguy cơ sạt lở, có biện pháp chủ động sơ tán dân và tài sản đến nơi an toàn khi có ngập lụt xảy ra; tổ chức tuần tra, canh gác nghiêm túc, sẵn sàng xử lý ngay từ giờ đầu các sự cố, đặc biệt các khu vực trọng điểm trên các tuyến đê tả cầu…/.

Trung bình (0 Bình chọn)