Giao lưu trực tuyến “Ngày hội của toàn dân”

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Cùng với cả nước, vào ngày 23/5 tỉnh Bắc Giang sẽ tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Cổng Thông tin điện tử tỉnh Bắc Giang đã tiếp nhận và tổng hợp các câu hỏi trực tuyến của bạn đọc về cuộc bầu cử.

Tham gia trả lời câu hỏi trực tuyến của bạn đọc có các khách mời: Ông Trần Công Thắng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, Phó Chủ tịch Ủy ban bầu cử tỉnh; ông Vũ Mạnh Hùng - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nội vụ, Phó Chủ tịch Ủy ban bầu cử tỉnh; ông Nguyễn Văn Hạnh - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Phó Trưởng Tiểu ban Tuyên truyền bầu cử tỉnh.

Ông Trần Công Thắng - Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, Phó Chủ tịch Ủy ban bầu cử tỉnh. Ảnh: BGP/Hải Huyền

 Thưa ông Trần Công Thắng, với vai trò của mình, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh tham gia vào những nội dung nào của công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử HĐND các cấp? - Bạn đọc nguyenducanh@gmail.com

Ông Trần Công Thắng - Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, Phó Chủ tịch Ủy ban bầu cử tỉnh: Xác định rõ nhiệm vụ công tác MTTQ tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của Ủy ban MTTQ các cấp năm 2021, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ đã sớm ban hành kế hoạch, các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện; đồng thời tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ mặt trận Tổ quốc từ huyện đến cơ sở và Ban công tác Mặt trận khu dân cư. Trong đó tập trung vào các nội dung như: Tham gia thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử; Tổ chức các hội nghị hiệp thương để thỏa thuận, lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; Tổ chức hội nghị lấy ý kiến và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú và nơi công tác đối với những người ửng cử; Tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử; Tuyên truyền vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia công tác bầu cử; Tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý đơn thư về bầu cử; Kiểm tra, giám sát công tác bầu cử; Biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác bầu cử.

Ông có thể chia sẻ rõ hơn về những nội dung giám sát của MTTQ trong cuộc bầu cử lần này, cũng như giải pháp nhằm phát huy tối đa hiệu quả vai trò giám sát của Mặt trận? - Bạn đọc hoanghoaithu@gmail.com

Ông Trần Công Thắng - Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, Phó Chủ tịch Ủy ban bầu cử tỉnh: Để nâng cao vai trò và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam các cấp và Nhân dân trong tham gia cuộc bầu cử theo Luật định, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát công tác bầu cử và triển khai trong hệ thống MTTQ các cấp trên địa bàn tỉnh. Công tác kiểm tra, giám sát công tác bầu cử được xác định là nội dung quan trong của MTTQ các cấp tham gia bầu cử để nắm bắt tình hình, kết quả tổ chức triển khai công tác bầu cử tại Ủy ban MTTQ các địa phương.

Qua công tác giám sát sẽ phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn triển khai công tác bầu cử ở địa phương, những vi phạm pháp luật về bầu cử (nếu có) để có biện pháp hướng dẫn khắc phục kịp thời nhằm đảm bảo cho cuộc bầu cử thực sự dân chủ, đúng luật, an toàn, tiết kiệm, thực sự là ngày hội của nhân dân.

Theo đó, những nội dung giám sát của MTTQ trong cuộc bầu cử lần này cụ thể như: Giám sát việc thành lập và hoạt động của các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương; Kiểm tra, giám sát việc giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND và việc nộp hồ sơ ứng cử của người ứng cử người được giới thiệu ứng cử; Kiểm tra, giám sát việc tổ chức lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử; Giám sát việc lập, niêm yết danh sách cử tri; Giám sát việc lập, niêm yết danh sách những người ứng cử; Kiểm tra, giám sát việc tuyên truyền, vận động bầu cử;  Giám sát trình tự bỏ phiếu, việc kiểm phiếu; Kiểm tra, giám sát việc tiếp nhận, xử lý, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh liên quan đến công tác bầu cử.

Xin ông cho biết những điểm mới của đợt bầu cử lần này? - Bạn đọc Quoctrungdo@gmail.com

Ông Trần Công Thắng - Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, Phó Chủ tịch Ủy ban bầu cử tỉnh: Đợt bầu cử lần này có nhiều điểm mới. Cụ thể, về thời gian, hội nghị hiệp thương lần thứ nhất ở mỗi cấp được tổ chức trong khoảng thời gian từ ngày 03/2/2021 đến ngày 17/2/2021 (ngày 6 Tết Âm lịch), do trùng với thời gian nghỉ Tết cổ truyền của dân tộc. Để đảm bảo kịp tiến độ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất vào ngày 04/2/2021 (ngày 23 tháng Chạp, năm Tân Sửu). Hiệp thương lần 2 xong trước ngày 19/3/2021. Hiệp thương lần 3 xong trước ngày 18/4/2021. Đối với nội dung này, kỳ bầu cử này có 3 điểm mới:

Thứ nhất, quy định về thời gian đối với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực HĐND các cấp gửi văn bản điều chỉnh cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND đến Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tổ chức hội nghị hiệp thương.

Thứ hai, danh sách giới thiệu người ứng cử trình ra hội nghị hiệp thương lần thứ hai đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội cũng như đối với người ứng cử đại biểu HĐND phải bảo đảm số dư cần thiết để hội nghị xem xét, lựa chọn lập danh sách sơ bộ.

Thứ ba, danh sách giới thiệu người ứng cử trình ra hội nghị hiệp thương lần thứ ba phải bảo đảm có số dư lớn hơn số dư quy định tại khoản 6 Điều 57 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND.

Về nội dung, trình tự dự kiến người ứng cử đại biểu HĐND cấp xã ở thôn, tổ dân phố, Trưởng ban công tác Mặt trận phối hợp với Chi hội trưởng các đoàn thể họp với Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố để dự kiến người của thôn, tổ dân phố ứng cử đại biểu HĐND cấp xã.

Về việc tổ chức hội nghị cử tri nơi công tác và nơi cư trú so với kỳ bầu cử trước, kỳ này không quy định về xác định nơi lấy ý kiến nơi cư trú của người ứng cử đang ở nhà công vụ, nhà khách, người ứng cử là sĩ quan, chiến sĩ lực lượng vũ trang.

Việc tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhận xét của cử tri kỳ này có 2 điểm mới:

Thứ nhất, trường hợp người được dự kiến giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND không đạt sự tín nhiệm của trên 50% số cử tri tham dự hội nghị cử tri nơi công tác thì Ban lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị tổ chức việc giới thiệu người khác.

Thứ hai, những trường hợp người ứng cử không đạt sự tín nhiệm của trên 50% số cử tri tham dự tại hội nghị cử tri nơi cư trú thì không đưa vào danh sách giới thiệu tại hội nghị hiệp thương lần thứ ba, trừ trường hợp đặc biệt cần báo cáo rõ để hội nghị hiệp thương xem xét, quyết định.

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND nhằm lựa chọn ra những người tiêu biểu, đại diện cho quyền và lợi ích của Nhân dân. Vậy ông đánh giá thế nào về chất lượng, tiêu chuẩn của những người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND nhiệm kỳ này? - Bạn đọc haninh@gmail.com

Ông Trần Công Thắng - Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, Phó Chủ tịch Ủy ban bầu cử tỉnh: Với quan điểm không vì cơ cấu, thành phần mà bỏ qua chất lượng đại biểu, tỉnh Bắc Giang đã tích cực triển khai quy trình các bước chặt chẽ, khách quan, minh bạch, để lựa chọn được người tiêu biểu về phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Qua ba lần hiệp thương Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã lập danh sách chính thức những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026 gồm 11 người (không bao gồm đại biểu do Trung ương giới thiệu) và 9.315 người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026.

Những người được lựa chọn ứng cử là người có đủ trình độ chuyên môn, năng lực, sức khỏe, uy tín để đảm nhiệm vai trò của người đại biểu dân cử; có mối liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến nguyện vọng của Nhân dân, được người dân tín nhiệm, tin yêu. Không giới thiệu, đưa vào danh sách ứng cử những người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, có tư tưởng cục bộ, bảo thủ, trì trệ, đang bị thanh tra, kiểm tra dấu hiệu vi phạm; người đứng đầu các cơ quan tổ chức để xảy ra vụ việc tham nhũng, lãng phí, mất đoàn kết, những người vi phạm Quy định số 126-QĐ/TW của Bộ Chính trị hoặc có vấn đề chính trị chưa được kết luận; cương quyết không để lọt những người không xứng đáng, chạy chức, chạy quyền tham gia HĐND các cấp.

Đáng chú ý là những người được giới thiệu tham gia ứng cử trong nhiệm kỳ này đều có trình độ cao, số người ứng cử đại biểu Quốc hội có trình độ đại học và trên đại học là 80%; số người ứng cử đại biểu HĐND có trình độ đại học và trên đại học tỉnh là 75%. Ngoài ra, công tác giới thiệu những người tham gia ứng cử còn đảm bảo các cơ cấu kết hợp. Trong số 11 người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu nữ 05 người (45,4%); đại biểu dân tộc thiểu số 02 người (18,1%); đại biểu trẻ tuổi (dưới 40 tuổi) 04 người (36,3%); đại biểu người ngoài Đảng 02 người (18,1%). Trong số 9.315 người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu HĐND các cấp, đại biểu là nữ 3.460 người (37,1%); đại biểu người dân tộc thiểu số 1.383 người (14,8%); đại biểu trẻ tuổi 2.888 người (31%); đại biểu ngoài Đảng 3.212 người (34,4%); đại biểu tái cử 3.369 người (52,3%).

Ông Nguyễn Văn Hạnh - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Phó Trưởng Tiểu ban Tuyên truyền bầu cử tỉnh. Ảnh: BGP/Hải Huyền

Thưa ông Nguyễn Văn Hạnh, công tác tuyên truyền bầu cử có ý nghĩa quan trọng góp phần vào sự thành công của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Thời gian qua, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã triển khai nội dung quan trọng này như thế nào, thưa ông? - Bạn đọc lenga84@gmail.com

Ông Nguyễn Văn Hạnh - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Phó Trưởng Tiểu ban Tuyên truyền bầu cử tỉnh: Quốc hội và HĐND các cấp là cơ quan quyền lực Nhà nước, đại diện cho ý chí và nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân. Chính vì vậy, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 là một sự kiện chính trị quan trọng của đất nước. Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của Ủy ban Bầu cử tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 05-KH/BTGTU, ngày 28/01/2021 về tuyên truyền cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026; chỉ đạo đưa các nội dung tuyên truyền bầu cử vào bản tin sinh hoạt chi bộ hàng tháng, định hướng công tác tuyên truyền cho các cơ quan báo chí của tỉnh, Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh hàng tháng và hội nghị giao ban báo chí Quý I/2021.

Bên cạnh đó, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy là cơ quan Thường trực của Tiểu ban Tuyên truyền bầu cử tỉnh tham mưu cho Tiểu ban xây dựng và ban hành Kế hoạch số 01/KH-TBTT, ngày 08/02/2021 về tuyên truyền cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Để tăng cường công tác tuyên truyền trong từng giai đoạn, Tiểu ban Tuyên truyền bầu cử tỉnh có văn bản chỉ đạo cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế của các địa phương, đơn vị… Thành lập 03 đoàn và tổ chức 02 đợt kiểm tra công tác tuyên truyền bầu cử tại các địa phương, đơn vị trong toàn tỉnh. Sau mỗi đợt kiểm tra đều có văn bản đánh giá kết quả, kịp thời đôn đốc, nhắc nhở tăng cường triển khai các nhiệm vụ công tác tuyên truyền ở cơ sở.

Thưa ông, để đảm bảo các nội dung tuyên truyền đầy đủ, hiệu quả, phải chăng hình thức tuyên truyền cũng cần phải phong phú, sinh động? - Bạn đọc nguyenlien07@gmail.com

Ông Nguyễn Văn Hạnh - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Phó Trưởng Tiểu ban Tuyên truyền bầu cử tỉnh: Công tác tuyên truyền được các cơ quan, địa phương, đơn vị thực hiện với nhiều hình thức, nhiều phương tiện khác nhau. Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả, công tác tuyên truyền được chỉ đạo, triển khai tập trung vào 5 hình thức:

Một là, công tác tuyên truyền thông qua việc tổ chức các hội nghị, tập huấn; in ấn, phát hành các loại tài liệu.

Hai là, công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, cơ quan báo chí của tỉnh của Trung ương

Ba là, công tác tuyên truyền trực quan, lưu động, cổ động

Bốn là, tuyên truyền thông qua việc tổ chức Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND”.

Năm là, tuyên truyền của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh (thông qua đội ngũ tuyên truyền viên, tư vấn, trợ giúp pháp luật…)

Tỉnh Bắc Giang là địa bàn rộng, có nhiều khu vực thuộc vùng sâu, vùng xa, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, vậy công tác tuyên truyền cho cuộc bầu cử được thực hiện như thế nào thưa ông? - Bạn đọc truongan@gmail.com

Ông Nguyễn Văn Hạnh - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Phó Trưởng Tiểu ban Tuyên truyền bầu cử tỉnh: Để công tác tuyên truyền được thực hiện phủ khắp tới các địa bàn trong toàn tỉnh, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng cao, vùng dân tộc thiểu số; các cơ quan tuyên truyền đã thực hiện nhiều hình thức tuyên truyền khác nhau. Trong đó công tác tuyên truyền lưu động và tuyên truyền thông qua hệ thống Đài truyền thanh được phát huy mạnh mẽ ở vùng sâu, vùng xa; nơi mà các hình thức tuyên truyền khác không phát huy được hiệu quả. Trong việc tuyên truyền bằng loa lưu động và bằng Đài truyền thanh của thôn bản, thì các nội dung tuyên truyền cũng đã được thực hiện bằng tiếng dân tộc để thuận tiện cho công tác tuyên truyền.        

Ngoài ra, công tác tuyên truyền ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn được tuyên truyền thông qua đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín trọng cộng đồng bằng hình thức đi từng nhà, thông báo các nội dung về bầu cử và ngày bầu cử để nhân dân vùng dân tộc, đồng bào thiểu số biết và thực hiện nghĩa vũ bầu cử của mình.

Ngoài những đối tương là người dân tộc, giáo dân vùng đồng bào công giáo cũng được quan tâm tuyên truyền thông qua đội ngũ chức sắc, chức việc, chùm trưởng, linh mục ở các giáo sứ trong toàn tỉnh.

Nói chung, công tác tuyên truyền đã được thực hiện thường xuyên, liên tục, phủ kín tới các đối tượng, các tầng lớp Nhân dân trong toàn tỉnh.

Ông có thể cho biết việc tuyên truyền bầu cử hiện trong thời điểm này có ý nghĩa như thế nào và đặt ra yêu cầu gì? - Bạn đọc hathu80@gmail.com

Ông Nguyễn Văn Hạnh - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Phó Trưởng Tiểu ban Tuyên truyền bầu cử tỉnh: Hiện tại các cơ quan chức năng đang thực hiện đợt cao điểm tuyên truyền về bầu cử, đây là thời điểm có ý nghĩa quan trọng, là điểm nhấn trong toàn bộ công tác tuyên truyền bầu cử kể từ khi bắt đầu thực hiện công tác tuyên truyền bầu cử đến nay.

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, trên địa bàn tỉnh số người bị nhiễm bệnh tiếp tục tăng nhanh, tính chất nghiêm trọng và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trên diện rộng. Công tác tuyên truyền bầu cử phải gắn liền với công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh.

Các cơ quan tuyên truyền phải lựa chọn, kết hợp các hình thức tuyên truyền lưu động, trực quan, trên các phương tiện thông tin đại chúng đảm bảo vừa hiệu quả trong công tác tuyên truyền bầu cử, vừa tuyên truyền phòng chống dịch bệnh trong cộng đồng, vừa phải phòng chống dịch bệnh cho chính những người làm công tác tuyên truyền. Đó là một nhiệm vụ hết sức khó khăn đối với những người trực tiếp làm công tác tuyên truyền. Nhưng các lực lượng tuyên truyền đang triển khai thực hiện nhiệm vụ với tinh thần quyết tâm cao, chống dịch như chống giặc, thực hiện thắng lợi cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Để ngày bầu cử 23/5 thực sự là ngày hội của toàn dân, vậy trong thời gian tới công tác tuyên truyền cần đẩy mạnh như thế nào, thưa ông? Bạn đọc lehau98@gmail.com

Ông Nguyễn Văn Hạnh - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Phó Trưởng Tiểu ban Tuyên truyền bầu cử tỉnh: Từ nay đến ngày bầu cử, các cơ quan tuyên truyền các cấp cần tập trung thực hiện đợt cao điểm tuyên truyền về bầu cử. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền; gắn công tác tuyên truyền phục vụ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026 với tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế tại các địa phương, đơn vị trong toàn tỉnh. Trong đó tập trung tuyên truyền một số hình thức sau:

Một là, tăng cường công tác tuyên truyền trực quan, lưu động ở cơ sở (treo băng, cờ, pa - nô, áp phích, khẩu hiệu, khẩu hiệu tường, loa lưu động…) ở các đơn vị bầu cử và các tổ bầu cử, các thôn, xóm, khu phố, trung tâm hành chính, cơ quan (trục đường quốc lộ, tỉnh lộ,…). Chú ý việc thực hiện trang trí khánh tiết khu vực bầu cử phải đúng theo quy định, đảm bảo trang trọng, tiết kiệm.

Hai là, tuyên truyền bằng hình thức nhắn tin tới các thuê bao điện thoại di động, tài khoản zalo, facebook, mạng xã hội và các trang/cổng thông tin điện tử của các địa phương, cơ quan, đơn vị.

Ba là, đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trong đó, Báo Bắc Giang ra số đặc biệt tuyên truyền và chào mừng ngày bầu cử; hệ thống Đài truyền thanh các huyện, thành phố và cơ sở tăng thời lượng phát thanh tuyên truyền bầu cử và các biện pháp quyết liệt phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Các cơ quan thành viên Tiểu Ban Tuyên truyền bầu cử tỉnh, Ủy ban bầu cử các huyện, thành phố; cơ quan thông tin đại chúng; các cơ quan, địa phương, đơn vị đảm bảo vừa làm tốt các nội dung tuyên truyền bầu cử, vừa thực hiện quyết liệt, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Ông Vũ Mạnh Hùng - Giám đốc Sở Nội vụ, Phó Chủ tịch Ủy ban bầu cử tỉnh. Ảnh: BGP/Trâm Anh

Thưa ông Vũ Mạnh Hùng, cùng với cả nước, tỉnh Bắc Giang sẽ tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 vào ngày 23/5 tới. Vậy đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị đã được tỉnh tiến hành như thế nào, thưa đồng chí? - Bạn đọc baoyennguyen@gmai.com

Ông Vũ Mạnh Hùng - Giám đốc Sở Nội vụ, Phó Chủ tịch Ủy ban bầu cử tỉnh: Trong thời gian qua, công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử được các cấp ủy Đảng, chính quyền, Ủy ban bầu cử, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội quan tâm, vào cuộc rất tích cực, đến nay khâu chuẩn bị cho ngày bầu cử 23/5/2021 đã sẵn sàng.

Trong đó, công tác tuyên truyền từ tỉnh đến cơ sở được triển khai thực hiện đồng bộ, theo kế hoạch cụ thể từng giai đoạn, phù hợp tình hình thực tiễn và tiến độ cuộc bầu cử; tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử, quyền và nghĩa vụ của công dân đến danh sách trích ngang, tiểu sử tóm tắt và chương trình hành động của các ứng cử viên qua hệ thống truyền thanh, truyền hình từ tỉnh đến cơ sở, tăng thời lượng phát sóng, đăng tải các tin bài, phóng sự. Đồng thời tập trung tuyên truyền trực quan qua hệ thống băng-rôn, khẩu hiệu, panô áp phích tại trung tâm tỉnh, huyện, xã, các trục đường giao thông chính, các khu bỏ phiếu.

Ủy ban MTTQ tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ đã tập trung cao công tác tuyên truyền đến thành viên, hội viên về các văn bản liên quan công tác bầu cử; tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri, tạo điều kiện để các ứng cử viên trình bày chương trình hành động, vận động bầu cử công bằng, dân chủ, đúng luật. Tổ chức hội nghị hướng dẫn kỹ năng, nghiệp vụ xây dựng chương trình hành động, vận động bầu cử cho các ứng cử viên tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp.

Đặc biệt, Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh phối hợp với Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức tập huấn trực tuyến toàn tỉnh với 10 điểm cầu cho 3.450 nữ ứng cử viên trong toàn tỉnh; nội dung giới thiệu về Quốc hội, HĐND; kỹ năng, phương pháp xây dựng và trình bày chương trình hành động bầu cử; xây dựng hình ảnh cá nhân... Đây là những nội dung cơ bản, kiến thức thiết thực, bổ ích, phục vụ cho các nữ ứng cử viên trong quá trình vận động bầu cử, giúp nữ ứng cử viên tự tin hơn, sẵn sàng cho các cuộc tiếp xúc cử tri, góp phần tăng tỷ lệ nữ tham gia đại biểu Quốc hội khóa XV, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Việc tổ chức tiếp xúc cử tri để những người ứng cử được thực hiện quyền vận động bầu cử, trình bày chương trình hành động,... được Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp thực hiện 374 cuộc với 34.856 cử tri tham dự đảm bảo quy định 5K của Bộ Y tế về phòng, chống dịch Covid-19. Trước diễn biến của dịch Covid-19, tiểu sử tóm tắt và chương trình hành động của các ứng cử viên chuyển sang thu âm, thu hình phát trên hệ thống đài truyền thành, truyền hình từ tỉnh đến cơ sở.

Công tác tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ được Ủy ban bầu cử tỉnh thực hiện sớm, với 8.360 thành viên Tổ bầu cử, giúp cho thành viên Tổ bầu cử hiểu rõ, nắm chắc quy trình bầu cử và kiểm phiếu kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp trên địa bàn tỉnh theo quy định.

Công tác chuẩn bị phương tiện, cơ sở vật chất phục vụ bầu cử như hòm phiếu, phiếu bầu, tài liệu, biểu mẫu, con dấu... được Ủy ban bầu cử từ tỉnh đến cơ sở chuẩn bị chu đáo, kịp thời, đáp ứng tốt yêu cầu công tác bầu cử, chuyển đến Tổ bầu cử sẵn sàng cho công tác bầu cử 23/5/2021 tới đây.

Hiện nay, dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, công tác bầu cử sẽ được triển khai như thế nào trong tình hình dịch bệnh như vậy để đảm bảo an toàn cho người dân thưa ông? - Bạn đọc lananhnguyen@gmail.com

Ông Vũ Mạnh Hùng - Giám đốc Sở Nội vụ, Phó Chủ tịch Ủy ban bầu cử tỉnh: Công tác bầu cử trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn khi diễn biến của dịch Covid-19 đang bùng phát, nhất là liên quan đến các khu công nghiệp và một số điểm đã thiết lập vùng cách ly, giãn cách xã hội một số xã, phường, thị trấn. Trước tình hình đó, ngày 14/5/2021, Ủy ban bầu cử tỉnh đã tổ chức hội nghị trực tuyến hướng dẫn kịch bản bầu cử trong điều kiện có dịch Covid-19 với 4 kịch bản do Hội đồng bầu cử quốc gia và Bộ Nội vụ hướng dẫn đến Tổ trưởng Tổ bầu cử. Cụ thể:

Đối với tổ chức bầu cử ở khu vực bỏ phiếu chung (phòng bỏ phiếu), tỉnh đã thành lập Tổ Y tế hướng dẫn nghiệp vụ phòng chống dịch; thông báo rộng rãi cử tri thực hiện nghiêm quy định 5K của Bộ Y tế; chuẩn bị các điều kiện cần thiết về phòng dịch như khẩu trang dự phòng, dung dịch khử khuẩn, găng tay, quần áo bảo hộ; vệ sinh sạch sẽ, khử khuẩn khu vực bỏ phiếu; bố trí lối vào ra 1 chiều, giữ khoảng cách giữa các cử tri; bố trí bàn kiểm tra đo thân nhiệt ngay tại cổng vào. Tiến hành đo thân nhiệt toàn bộ thành viên Tổ bầu cử và cử tri; bố trí cử tri ngồi giữ khoảng cách; đi theo hàng 1 chiều vào phòng bỏ phiếu và đi ra theo hướng dẫn của Tổ bầu cử, đảm bảo phòng chống dịch Covid-19.

Đối với tổ chức bầu cử cho người đang thực hiện cách ly tại nhà, công tác chuẩn bị như phương án 1, bổ sung thêm phân công 2 thành viên Tổ bầu cử, lực lượng công an đi cùng bảo vệ, hòm phiếu phụ, phiếu bầu, danh sách cử tri, danh sách ứng cử viên, bút, băng keo niêm phong thùng phiếu, dung dịch khử khuẩn, túi chứa rác lây nhiễm.

Thành viên Tổ bầu cử, người đi cùng trang bị quần áo bảo hộ cá nhân, khẩu trang, găng tay y tế; vận chuyển hòm phiếu, phiếu bầu, dụng cụ cần thiết phục vụ bầu cử đến từng hộ gia đình; cử tri khử khuẩn tay, đeo khẩu trang, xuất trình thẻ cử tri để nhận phiếu bầu, cử tri ghi phiếu bầu và bỏ phiếu vào thùng phiếu, Tổ bầu cử đóng dấu đã bỏ phiếu vào thẻ cử tri. Khi kết thúc, Tổ bầu cử dán kín hòm phiếu khử khuẩn bên ngoài hòm phiếu, mang hòm phiếu về khu vực bỏ phiếu chung để kiểm, khi mở hòm phiếu lấy bình xịt khuẩn khử khuẩn phiếu bầu, dùng găng tay và trang phục bảo hộ để kiểm phiếu (xong việc, theo dõi sức khỏe 14 ngày sau đó).

Đối với tổ chức bầu cử trong khu cách ly tập trung hoặc nơi thực hiện cách ly, phong tỏa thực hiện như phương án 2 nêu trên, ngoài thành viên Tổ bầu cử, bổ sung thêm thành viên là người đang làm nhiệm vụ trong khu cách ly, phong tỏa (tổ chức bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ), trường hợp có đông cử tri có thể thành lập bổ sung khu bỏ phiếu riêng; bố trí khu vực bỏ phiếu theo sơ đồ cụ thể, đi theo 1 chiều, kẻ vạch để giữ khoảng cách an toàn 2m, bố trí 1 bàn phát phiếu, vị trí để hòm phiếu, 1 bàn đóng dấu đã bỏ phiếu cho cử tri.

Thành viên Tổ bầu cử mặc trong phục bảo hộ cá nhân cấp độ 5, găng tay, khẩu trang, kính chắn giọt bắn; vận chuyển hòm phiếu phụ, phiếu bầu, bút viết, danh sách cử tri, danh sách người ứng cử, dụng cụ cần thiết phục vụ bầu cử..; cử tri đeo khẩu trang, di chuyển theo 1 hàng, giữ khoảng cách an toàn 2m; cử tri di chuyển đến bàn phát phiếu rửa tay khử khuẩn, trình thẻ cử tri để nhận phiếu bầu, di chuyển đến bàn ghi phiếu, bỏ phiếu vào thùng phiếu, di chuyển đến bàn số 4 để thành viên Tổ bầu cử đóng dấu “đã bỏ phiếu” vào mặt trước của thẻ cử tri, cử tri di chuyển về nhà hoặc phòng.

Khi bỏ phiếu xong, thành viên Tổ bầu cử khử khuẩn toàn bộ khu vực bỏ phiếu, (dán kín, niêm phong) di chuyển hòm phiếu về khu vực bỏ phiếu để kiểm phiếu, khử khuẩn bên ngoài hòm phiếu, khi mở hòm phiếu lấy bình xịt khuẩn khử khuẩn phiếu bầu, dùng găng tay và trang phục bảo hộ để kiểm phiếu (xong việc, theo dõi sức khỏe 14 ngày sau đó). Trường hợp có nguy cơ lây nhiễm cao, hết giờ, thành viên Tổ bầu cử có thể kiểm phiếu, gửi kết quả ra ngoài.

Đối với bầu cử tại Bệnh viện, cơ sở y tế đang điều trị bệnh nhân Covid-19 thực hiện như phương án 3 nêu trên (tổ chức bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ), trường hợp có đông cử tri có thể thành lập bổ sung khu bỏ phiếu riêng; bố trí khu vực bỏ phiếu theo sơ đồ cụ thể, đi theo 1 chiều, kẻ vạch để giữ khoảng cách an toàn 2m, bố trí 1 bàn phát phiếu, vị trí để hòm phiếu, 1 bàn đóng dấu đã bỏ phiếu cho cử tri. Thực hiện nghiêm ngặt quy định 5K của Bộ Y tế. Trường hợp có số lượng cử tri đông có thể thành lập khu vực bỏ phiếu riêng để đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19.

Thành viên Tổ bầu cử mặc trong phục bảo hộ cá nhân cấp độ 5, găng tay, khẩu trang, kính chắn giọt bắn; vận chuyển hòm phiếu phụ, phiếu bầu, bút viết, danh sách cử tri, danh sách người ứng cử, dụng cụ cần thiết phục vụ bầu cử..; nhân viên y tế trong khu điều trị hướng dẫn cử tri thực hiện bầu cử; cử tri đeo khẩu trang, di chuyển theo 1 hàng, giữ khoảng cách an toàn 2m; cử tri di chuyển đến bàn phát phiếu rửa tay khử khuẩn, trình thẻ cử tri để nhận phiếu bầu, di chuyển đến bàn ghi phiếu, bỏ phiếu vào thùng phiếu, di chuyển đến bàn số 4 để thành viên Tổ bầu cử đóng dấu “đã bỏ phiếu” vào mặt trước của thẻ cử tri, cử tri di chuyển về phòng.

Khi bỏ phiếu xong, thành viên Tổ bầu cử rà soát lại danh sách cử tri, khử khuẩn toàn bộ khu vực bỏ phiếu; dán kín, niêm phong hòm phiếu, khử khuẩn bên ngoài hòm phiếu, di chuyển hòm phiếu về khu vực bỏ phiếu để kiểm phiếu, tiếp tục khử khuẩn bên ngoài hòm phiếu, khi mở hòm phiếu lấy bình xịt khuẩn khử khuẩn phiếu bầu, dùng găng tay và trang phục bảo hộ để kiểm phiếu (xong việc, theo dõi sức khỏe 14 ngày sau đó). Trường hợp có nguy cơ lây nhiễm cao, hết giờ, thành viên Tổ bầu cử có thể kiểm phiếu, gửi kết quả ra ngoài.

Vậy trường hợp cử tri đi bỏ phiếu đang phải điều trị bệnh Covid-19 hoặc đang phải cách ly y tế thì có được bỏ phiếu không và hình thức bỏ phiếu như thế nào thưa ông? - Bạn đọc Bichngocnguyen@gmail.com

Ông Vũ Mạnh Hùng - Giám đốc Sở Nội vụ, Phó Chủ tịch Ủy ban bầu cử tỉnh: Trường hợp cử tri đang điều trị bệnh Covid-19, được UBND cấp xã nơi đã lập danh sách cử tri chuyển danh sách cử tri đến UBND cấp xã nơi có cơ sở điều trị bổ sung hoặc thủ trưởng đơn vị Y tế, tính đến trước 24 giờ trước giờ bỏ phiếu có trách nhiệm rà soát, lập danh sách cử tri để chuyển sang UBND cấp xã để bổ sung danh sách cử tri bầu cử 2 cấp Quốc hội và HĐND tỉnh. Hình thức, quy trình bỏ phiếu như bước 4 nêu tại câu 2 trên.

Ông có lưu ý, lời khuyên nào đối với cử tri khi tham gia các cuộc tiếp xúc và nhất là ngày 23/5 tới để đảm bảo ngày bầu cử thực sự là ngày hội của toàn dân? - Bạn đọc thaomy@gmail.com

Ông Vũ Mạnh Hùng - Giám đốc Sở Nội vụ, Phó Chủ tịch Ủy ban bầu cử tỉnh: Để đảm bảo cuộc bầu cử diễn ra an toàn, đúng luật, đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19, Ủy ban bầu cử tỉnh đề nghị thành viên tổ chức phụ trách bầu cử, cử tri cần tuân thủ các quy trình sau:

Thành viên Tổ bầu cử, cử tri thực hiện nghiêm ngặt quy trình 5K của Bộ Y tế;

Cử tri tuân thủ theo hướng dẫn của thành viên Tổ bầu cử về di chuyển theo hàng, 1 chiều, giữ khoảng cách trong suốt quá trình bầu cử.

Cử tri lựa chọn, bầu người đại diện cho mình tại Quốc hội và HĐND các cấp đảm bảo dân chủ, khách quan, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân.

Cử tri tự mình đi bầu cử. Khi đến phòng bỏ phiếu, cử tri xuất trình Thẻ cử tri để được nhận phiếu bầu. Cử tri đọc kỹ tên những người ứng cử trên phiếu bầu. Nếu cử tri không tín nhiệm người ứng cử nào thì gạch ngang cả họ và tên người ứng cử đó (gạch đè lên hàng chữ họ và tên người ứng cử); không khoanh tròn; không được đánh dấu trên phiếu bầu; không được viết thêm, không được ghi tên người ngoài danh sách ứng cử vào phiếu bầu; không bầu quá số đại biểu được ấn định trong phiếu bầu; không để nguyên phiếu bầu đối với phiếu bầu có số dư người ứng cử (không gạch tên người ứng cử nào) hoặc gạch tất cả người ứng cử trong phiếu bầu.

Xin trân trọng cảm ơn các ông đã tham gia Chương trình./.

BGP

  

Trung bình (0 Bình chọn)