Gạo Việt Nam đứng trước thời cơ lớn

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Dự báo năm sau, thế giới thiếu 5 triệu tấn gạo. Trong khi, Ấn Độ có khả năng duy trì hạn chế xuất khẩu gạo. Đây sẽ là cơ hội cho xuất khẩu gạo nước ta tiếp tục thuận lợi.

Thêm vào đó, một số quốc gia nhập khẩu gạo truyền thống của Việt Nam như Indonesia, Philippines đều có nhu cầu tăng lượng nhập khẩu gạo.

Philippines hiện chiếm khoảng 35% thị phần gạo Việt Nam xuất khẩu. Năm 2023, lượng gạo xuất khẩu sang quốc gia này ước đạt 2,7 triệu tấn, tương ứng 1,5 tỷ USD. Xếp sau là Indonesia, Trung Quốc và các quốc gia châu Phi.

Cục Chất lượng - Chế biến và Phát triển thị trường dự báo năm sau, sản lượng gạo toàn cầu có thể đạt kỷ lục gần 520 triệu tấn, vừa bằng với mức tiêu thụ. Tuy nhiên do lượng gạo tồn kho toàn cầu giảm, chỉ còn hơn 160 triệu tấn nên đây là thời cơ lớn cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam.

Gạo Việt Nam đứng trước thời cơ lớn - Ảnh 1.

Ngành nông nghiệp Việt Nam sẵn sàng hợp tác với các quốc gia để ký các bản ghi nhớ về cung cấp lúa gạo trong thời gian dài. (Ảnh: TTXVN)

Thí điểm đề án thành lập liên đoàn hợp tác xã lúa gạo

Gạo là nguồn lương thực chính đối với hơn 3,5 tỷ người, tương đương một nửa dân số thế giới, và cung cấp khoảng 20% nguồn cung năng lượng trong bữa ăn toàn cầu. Nắm bắt đây là cơ hội để phát triển bền vững một ngành hàng chủ lực, Liên minh hợp tác xã Việt Nam vừa đề xuất thí điểm thành lập và hoạt động Liên đoàn Hợp tác xã (HTX) lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Tại hội thảo tham vấn các ban ngành, kinh nghiệm quốc tế, nhiều bất cập đã được chỉ ra khi chuỗi sản xuất và tiêu thụ lúa gạo đang thiếu minh bạch và liên kết. Có thời điểm nông dân lãi, doanh nghiệp lỗ và ngược lại. Kết quả thu nhập của nông dân không ổn định và Việt Nam cũng chưa có nhiều doanh nghiệp lớn đủ tầm chi phối thị trường.

Trên cơ sở bản dự thảo Liên minh HTX Việt Nam đưa ra, các bên cho rằng khi xác định Liên đoàn HTX lúa gạo là mô hình kinh tế, cần có hành lang pháp lý rõ ràng gắn với Luật Hợp tác xã.

Theo Liên minh HTX Việt Nam, hiện ĐBSCL có 3.256 HTX, trong đó có 2.888 HTX nông nghiệp. Các HTX đang cung ứng 80 - 90% sản lượng lúa gạo của khu vực này, việc có một liên đoàn gắn kết toàn bộ, tạo một khối thống nhất và đảm bảo lợi nhuận cho các bên là rất cần thiết.

Dự kiến trụ sở Liên đoàn HTX lúa gạo vùng ĐBSCL sẽ đặt tại An Giang. Xuất phát điểm sẽ có 20 - 25 HTX của 13 tỉnh tham gia thành viên sáng lập, trong quá trình phát triển sẽ có lộ trình thu hút thêm thành viên. Từ thí điểm, nếu thành công có thể nhân rộng mô hình Liên đoàn HTX sang các lĩnh vực khác như chăn nuôi, thủy sản, rau quả ...

Triển khai đề án 1 triệu ha lúa phát thải thấp

Đề xuất thí điểm thành lập liên đoàn lúa gạo vùng ĐBSCL, thành lập Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam đã cho thấy những nỗ lực của các bên trong hành trình tiến tới chuẩn hóa và chuyên nghiệp hóa chuỗi giá trị lúa gạo, để đón đầu cơ hội năm 2024. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng dự kiến thành lập Ban chỉ đạo đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp ngay trong tháng này.

Đầu tháng 1 năm sau, Bộ sẽ triển khai hướng dẫn 12 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long về kỹ thuật, chủ trương đầu tư cho đề án phù hợp với từng địa phương; tập trung các nhiệm vụ trước mắt như nghiên cứu thí điểm mua bán tín chỉ carbon từ lúa, nâng cấp cơ sở hạ tầng, giao thông, logistics phục vụ đề án, đẩy mạnh truyền thông để người dân hiểu và thấy được lợi ích đề án mang lại.

Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước triển khai gói tín dụng hỗ trợ các HTX, doanh nghiệp tham gia đề án.

Theo tính toán, mỗi năm Việt Nam còn dư khoảng 13 - 14 triệu tấn lúa, tương đương hơn 7 triệu tấn gạo. Do đó, ngành nông nghiệp Việt Nam sẵn sàng hợp tác với các quốc gia để ký các bản ghi nhớ về cung cấp lúa gạo trong thời gian dài. Việc đặt hàng trước bằng biên bản ghi nhớ sẽ giúp Việt Nam có thêm động lực để xây dựng những vùng nguyên liệu chuyên canh phục vụ xuất khẩu.

Theo https://vtv.vn/

Trung bình (0 Bình chọn)