Du lịch Việt Nam thích ứng để phát triển bền vững

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Theo đánh giá của Tổ chức Du lịch Thế giới, Việt Nam là một trong 20 quốc gia có tiềm năng lớn nhất về du lịch.

Ngày 15/3 là ngày tròn 2 năm Việt Nam mở cửa trở lại du lịch quốc tế sau 3 năm đóng băng vì COVID-19. Du lịch đã đạt được những bước phục hồi đáng ghi nhận trong bối cảnh ngành du lịch thế giới còn đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, nhờ những đổi mới trong xây dựng thể chế, chính sách, tiếp tục hiện thực hóa mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Năm 2023, lượng khách du lịch quốc tế đã phục hồi 70% so với năm 2019. 2 tháng đầu năm nay, Việt Nam đón 3 triệu lượt khách, tương đương so với trước đại dịch. Trong 2 năm, Thủ tướng Chính Phủ đã chủ trì 3 Hội nghị du lịch toàn quốc, ban hành nhiều Nghị quyết, chỉ thị đẩy nhanh tốc độ phục hồi du lịch. Đột phá là nới lỏng chính sách thị thực, nâng thời hạn lưu trú của khách quốc tế lên 45 ngày. Hiện chính sách này đang tiếp tục được đề xuất cởi mở hơn nữa.

Ông Mario Mendis - Chủ tịch Tiểu ban Du lịch, Nhà hàng, Khách sạn - Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu cho biết: "Tôi đánh giá cao những bước tiến của Việt Nam trong chính sách thị thực. Việt Nam có thể trở thành điểm đến dài ngày hơn với khách châu Âu, đồng nghĩa du lịch sẽ có cơ hội đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế".

Theo các chuyên gia, cần tiếp tục khơi thông các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong các chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch. TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh chỉ rõ nhận thức thì làm sao có một chính sách biết thúc đẩy sự đột phá, tiên phong, tạo điều kiện cho những doanh nghiệp nhỏ và vừa phải có những chính sách để cho họ phát triển. Tính liên kết trong du lịch cũng cần phải bền chặt hơn, tránh tình trạng mạnh ai nấy làm, gây ra sức ép về giá đặc biệt trong mùa cao điểm.

Du lịch thích ứng để phát triển bền vững  - Ảnh 1.

Chỉ thị 08 của Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ, cần tái khởi động Ban chỉ đạo quốc gia về Du lịch để thống nhất chiến lược phát triển của ngành cả trong ngắn và dài hạn.

Ông Nguyễn Trùng Khánh - Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam nói: "Để xử lý và giải quyết những vấn đề khó khăn, vướng mắc mang tính chất liên ngành. Thứ hai thông qua các hoạt động của Ban chỉ đạo Nhà nước về du lịch, chúng ta có những chỉ đạo điều phối , hoạt động liên kết hợp tác, đặc biệt liên kết vùng và liên kết giữa các bộ ngành".

Theo đánh giá của Tổ chức Du lịch Thế giới, Việt Nam là một trong 20 quốc gia có tiềm năng lớn nhất về du lịch. Năm 2024, Việt Nam đặt mục tiêu đón 17-18 triệu lượt khách, bằng với năm 2019.

Theo https://vtv.vn/

Trung bình (0 Bình chọn)