Diện mạo nông thôn mới trên quê hương Lục Nam

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Sau gần 13 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MQTG) xây dựng nông thôn mới (XDNTM), từ một huyện miền núi với rất nhiều khó khăn khi bắt đầu triển khai thực hiện, đến nay Lục Nam (Bắc Giang) đã đạt được những thành quả quan trọng và khá toàn diện trên các lĩnh vực, làm thay đổi căn bản diện mạo nông thôn.
Sức sống mới, diện mạo mới trên quê hương Lục Nam.

Thay đổi diện mạo từ xây dựng nông thôn mới

Lục Nam từ một huyện miền núi với rất nhiều khó khăn khi bắt đầu triển khai thực hiện chương trình XDNTM (bình quân đạt 7,56 tiêu chí/xã, thu nhập thấp đạt 15 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn cao chiếm 22,17%, có 4 xã đặc biệt khó khăn).

Sau gần 13 năm thực hiện Chương trình MTQG XDNTM, đến nay Lục Nam đã đạt những thành quả quan trọng và khá toàn diện trên các lĩnh vực, làm thay đổi căn bản diện mạo nông thôn: Đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được nâng lên rõ rệt; an sinh xã hội được đảm bảo; văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực; hạ tầng và thiết chế nông thôn được đầu tư khá đồng bộ; hệ thống chính trị được tăng cường; quốc phòng, an ninh được giữ vững.

Trên địa bàn huyện, hệ thống kết cấu KT-XH được quan tâm đầu tư xây dựng theo quy hoạch, diện mạo đô thị, nông thôn có nhiều khởi sắc. Nhiều dự án được triển khai thực hiện và đưa vào sử dụng như ĐT293, các cụm công nghiệp, trụ sở các xã, đường giao thông nông thôn... đã làm thay đổi toàn diện khu vực nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế.

Sản xuất nông nghiệp đạt nhiều thành tựu, hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Nhiều nông sản có thương hiệu và thị trường tiêu thụ, nhiều sản phẩm đã tạo niềm tin cho người tiêu dùng như: Na dai Lục Nam, Nhãn muộn Lục Sơn, Trà Hoa Vàng, Bưởi Mai Sưu, Dứa Bảo Sơn... tạo thuận lợi cho tiêu thụ sản phẩm.

Các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục phát triển toàn diện, quy chế dân chủ cơ sở được thực hiện tốt; an ninh trật tự xã hội được tăng cường và ổn định; hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, các giá trị văn hóa truyền thống được duy trì và phát huy.

Đường vào thôn Kỳ Sơn, xã Nghĩa Phương.

Sau quá trình nỗ lực thực hiện Chương trình XDNTM, đến nay, huyện có 23/23 xã đạt chuẩn NTM (trong đó có 4 xã đặc biệt khó khăn), 3 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (chiếm 13,04% tổng số xã), 14 thôn NTM kiểu mẫu, 2 thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh, hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện NTM, diện mạo nông thôn thay đổi rõ rệt, đời sống người dân không ngừng được nâng cao. Với những kết quả đạt được trong XDNTM, vừa qua Thủ tướng Chính phủ vừa Quyết định công nhận huyện Lục Nam đạt chuẩn NTM năm 2023.

Chương trình XDNTM đã được cả hệ thống chính trị vào cuộc, huy động tốt nội lực và sức mạnh toàn dân, Lục Nam từ một huyện miền núi, khó khăn đã từng bước trở thành huyện phát triển khá của tỉnh. Những xã NTM, NTM nâng cao, thôn NTM kiểu mẫu, cùng với diện mạo đô thị ngày càng đổi mới, hiện đại đã tạo nên sức sống mới, diện mạo mới trên quê hương Lục Nam.

Giải pháp hiệu quả xây dựng nông thôn mới

Có được những thành quả trong XDNTM là do các cấp ủy, chính quyền huyện Lục Nam luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên sâu sát, quyết liệt, sự tham gia tích cực của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và người dân.

Huyện đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền để Nhân dân nhận thức đúng mục đích, ý nghĩa của XDNTM, từ đó đồng thuận cùng chính quyền XDNTM. Đồng thời xác định rõ người dân là chủ thể để XDNTM và đối tượng hưởng lợi chính là cộng đồng dân cư khu vực nông thôn, nhà nước chỉ đóng vai trò định hướng, chỉ đạo và có cơ chế hỗ trợ một phần. Phát huy tốt vai trò của Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội. Phối hợp với các lực lượng quân đội trên địa bàn làm công tác dân vận, giúp các xã XDNTM.

Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, đặc biệt công khai minh bạch rõ các nguồn vốn để Nhân dân được biết và chủ động tham gia đóng góp, thực hiện tốt vai trò giám sát của cộng đồng. Đồng thời phát huy tinh thần sáng tạo của Nhân dân, khuyến khích, huy động tối đa sự hỗ trợ, đóng góp của doanh nghiệp, cá nhân tạo nguồn lực thực hiện XDNTM; thực hiện tốt phong trào “Toàn dân chung sức XDNTM” để khích lệ mọi tầng lớp Nhân dân tham gia hiến đất, tài sản và đóng góp công sức, kinh phí... XDNTM.

Bên cạnh đó, huyện chú trọng xây dựng và đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nòng cốt ở các cấp, nhất là đội ngũ cán bộ cơ sở, cán bộ chuyên trách NTM, bí thư chi bộ, trưởng thôn. Thường xuyên kiểm tra, giám sát trong XDNTM, coi đây là việc làm thường xuyên, liên tục. Kịp thời biểu dương, nhân rộng những tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu, cách làm hay, sáng tạo trong tham gia XDNTM.

Nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới

Sau khi được công nhận huyện đạt chuẩn NTM, huyện Lục Nam tiếp tục triển khai Chương trình gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hóa, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững. Đẩy mạnh thực hiện XDNTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Xây dựng hạ tầng KT-XH nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, bảo đảm quốc phòng, an ninh, củng cố hệ thống chính trị cơ sở. Tạo tiền đề đưa huyện Lục Nam trở thành huyện khá của tỉnh.

Thôn Thanh Sơn, xã Đông Phú đạt chuẩn thôn nông thôn mới kiểu mẫu.

Huyện đặt mục tiêu xây dựng kế hoạch thực hiện Bộ tiêu chí huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025 trong thời gian tới. Phấn đấu đến năm 2025, có 5 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (xã Bảo Đài, Đông Phú, Đông Hưng, Yên Sơn, Thanh Lâm), đạt 21,7%; có thêm từ 7-10 thôn đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu, nâng tổng số thôn NTM kiểu mẫu đạt 25-30 thôn. Các xã đã đạt chuẩn duy trì các tiêu chí đã đạt theo Bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021-2025, tập trung nâng cao chất lượng tiêu chí môi trường, tổ chức sản xuất, ANTT. Các công trình hạ tầng thiết yếu (giao thông, điện, nước, trường học, trạm y tế) được xây dựng, duy tu, bảo dưỡng đảm bảo tính kết nối, liên thông và đảm bảo cho phát triển KT-XH của huyện.

Tiếp tục phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, trọng tâm sản xuất ứng dụng công nghệ cao theo hình thức liên kết; xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm nông nghiệp gắn với uy tín doanh nghiệp, Hợp tác xã; thực hiện hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (mỗi năm có từ 2-3 sản phẩm được xếp hạng Chương trình OCOP) và khuyến khích doanh nghiệp, Hợp tác xã đầu tư vào nông nghiệp. Tốc độ tăng trưởng lĩnh vực nông nghiệp bình quân 4-6%/năm, giá trị sản phẩm trên 1 ha đất nông nghiệp năm 2025 đạt 130 triệu đồng.

Nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn, đến hết năm 2025 thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 68 triệu đông/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2%, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 80%. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế trên 99%. Có 100% trường học đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Đẩy mạnh phát triển du lịch, dịch vụ gắn với phát huy tiềm năng, khơi dậy các giá trị văn hóa truyền thống; góp phần thúc đẩy KT-XH phát triển.

Để thực hiện hoàn thành các mục tiêu trên, trong thời gian tới huyện Lục Nam tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức để mọi người dân hiểu và có trách nhiệm trong việc XDNTM và tiêu chí NTM nâng cao trong giai đoạn mới. Tập trung phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần người dân nông thôn. Đồng thời bảo vệ môi trường và cảnh quan nông thôn. Phát triển giáo dục, y tế, văn hóa, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; giữ gìn ANTT, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn./.

An Nhiên

 

 

 

 

Trung bình (0 Bình chọn)