Công điện hỏa tốc phòng chống cơn bão số 3 của Chủ tịch UBND tỉnh

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Ngày 18/8/2016, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang có công điện hỏa tốc gửi các sở, cơ quan thuộc UBND tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão - Tìm kiếm cứu nạn, Bộ Chỉ huy quân sự, Công an tỉnh, Báo Bắc Giang, Đài PT&TH tỉnh, Điện lực Bắc Giang, UBND các huyện, thành phố. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương triển khai các nhiệm vụ chủ động đối phó với diễn biến của bão, nhằm hạn chế những thiệt hại do bão gây ra.

Công điện nêu rõ: Theo Trung tâm dự báo KTTV Trung ương dự báo hồi 04h00’ ngày 18/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,8 độ Vĩ Bắc; 112,2 độ Kinh Đông, trên vùng biên phía Tây Nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10-11. Dự báo trong 24 giờ tới, bão số 3 di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10-15km. Đến 04 giờ ngày 19/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,5 độ Vĩ Bắc; 108,6 độ Kinh Đông, trên vùng biển Bắc Vịnh Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 11-13 và còn tiếp tục mạnh thêm. Khu vực tỉnh Bắc Giang từ chiều tối và đêm nay (18/8) đến ngày (20/8) xuất hiện đợt mưa lớn diện rộng. Lượng mưa dự báo từ 100-200mm, có nơi trên 200mm, nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi và ngập úng ở vùng trũng.

Để chủ động đối phó với diễn biến của bão, nhằm hạn chế những thiệt hại do bão gây ra, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng Sở, cơ quan thuộc UBND tỉnh, Ban chỉ huy Phòng, chống lụt bão - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh khẩn trương triển khai các nhiệm vụ sau:

1. Tạm dừng các cuộc họp, hội nghị để tập trung chỉ đạo ứng phó với bão, lũ; theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão để chỉ đạo, đối phó kịp thời, chính xác, hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão gây ra; bố trí lực lượng trực tại cơ quan 24/24 giờ để kịp thời nắm bắt thông tin chỉ đạo và xử lý khi có tình huống xảy ra.        

2. Rà soát, kiểm tra các trọng điểm xung yếu trên các hệ thống đê sông, hồ đập, các công trình đang thi công để có phương án xử lý đảm bảo an toàn. Chuẩn bị các lực lượng, vật tư, phương tiện, thiết bị tại chỗ để sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xấu xảy ra.

3. Các huyện, thành phố thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến bão số 3, tình hình mưa lũ và nguy cơ thiên tai trên địa bàn; kịp thời bổ sung phương án phòng chống, đặc biệt tại các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, lũ ống, những vùng ven sông, suối, vùng thấp trũng dễ bị chia cắt khi có lũ; đối với các huyện vùng núi phải chủ động xây dựng phương án sơ tán ra khỏi khu vực nguy hiểm (đặc biệt các hộ dân sau đập xung yếu, các đập có mực nước xấp xỉ từ 100% dung tích thiết kế và vùng ven sông, suối có nguy cơ sạt lở cao). Thông báo kịp thời đến các cấp chính quyền, thôn, bản và người dân, nhất là các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng dễ bị xảy ra sạt lở đất, lũ quét để chủ động các biện pháp phòng tránh.

- Phân công lãnh đạo và các cơ quan chức năng xuống các địa phương, vị trí xung yếu để trực tiếp chỉ đạo khi có tình huống xảy ra. Kiểm tra cụ thể công tác 04 tại chỗ, chú trọng tích trữ lương thực, nhu yếu phẩm, phương tiện cứu nạn đề phòng trường hợp mưa lũ lớn gây ra chia cắt dài ngày. Chủ động bơm tiêu chống úng, ngập bảo vệ lúa, rau màu, thủy sản và các các khu, cụm công nghiệp.

- Bố trí lãnh đạo và các phòng, ban chức năng tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ diễn biến cơn bão, tình hình mưa lũ và thiệt hại trên địa bàn; thường xuyên liên lạc, báo cáo về Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh.

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các Công ty TNHH một thành viên KTCTTL, các đơn vị chuyên môn triển khai phương án tiêu úng, xả tràn thoát lũ bảo đảm an toàn cho các công trình hồ, đập, khu công nghiệp, diện tích lúa, rau màu và nhân dân vùng hạ du.

2. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh thông báo cho các lực lượng quân đội trên địa bàn theo phương án hiệp đồng chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng cơ động xử lý các tình huống khi có yêu cầu.

3. Công an tỉnh chủ đông lực lượng, phương tiện phối hợp với các địa phương tham gia ứng cứu, khắc phục hậu quả và đảm bảo an ninh trật tự khi xảy ra thiên tai.

4. Các ngành Giao thông vận tải, Thông tin và Truyền thông, Điện lực tỉnh xây dựng phương án để chủ động khắc phục kịp thời các sự cố thuộc ngành quản lý do mưa bão, đảm bảo giao thông, thông tin liên lạc thông suốt, không để mất điện trên diện rộng và trong thời gian dài ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của nhân dân.

5. Các đồng chí thành viên Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh theo địa bàn được phân công kiểm tra, chỉ đạo các địa phương khẩn trương triển khai thực hiện các phương án phòng, chống bão, lũ; duy trì lực lượng thường trực tìm kiếm cứu nạn đế xử lý khi có yêu cầu.

6. Báo Bắc Giang, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh thường xuyên thông báo diễn biến của cơn bão, tình hình mưa lũ cho các cấp, các ngành và nhân dân biết để chủ động phòng tránh.

Xem chi tiết công điện tại đây.

Trung bình (0 Bình chọn)