Công bố Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Ngày 24/5, tại tỉnh Phú Thọ đã diễn ra Hội nghị Hội đồng điều phối Trung du và miền núi phía Bắc lần thứ ba. Trong khuôn khổ hội nghị, Quy hoạch vùng trung du và miền núi phía bắc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được công bố. Đồng chí Trần Lưu Quang - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Trung du và miền núi phía Bắc chủ trì hội nghị.

Dự hội nghị có lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; đại diện lãnh đạo 14 tỉnh khu vực Trung du và miền núi phía Bắc gồm: Bắc Giang, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Hòa Bình, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Phú Thọ. Đồng chí Phan Thế Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã tham dự hội nghị.

Đồng chí Trần Lưu Quang - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Trung du và miền núi phía Bắc chủ trì hội nghị.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng công bố Quyết định 369/QĐ-TTg ngày 04/5/2024 phê duyệt Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo Quy hoạch, phạm vi, ranh giới lập quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc bao gồm toàn bộ lãnh thổ đất liền của 14 tỉnh: Bắc Giang, Cao Bằng, Điện Biên, Bắc Kạn, Hà Giang, Hòa Bình, Lạng Sơn, Lai Châu, Lào Cai, Phú Thọ, Sơn La, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Bái.

Quy hoạch đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, vùng Trung du và miền núi phía Bắc trở thành vùng có thu nhập trung bình cao, một số tỉnh nằm trong nhóm các tỉnh phát triển khá của cả nước, tiệm cận với ngưỡng thu nhập cao. Đến năm 2050, vùng Trung du và miền núi phía Bắc phát triển bền vững, toàn diện, là hình mẫu phát triển xanh của cả nước, có tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt khoảng 7,5 - 8%/năm, thu nhập bình quân đầu người khoảng 15.000 - 18.000 USD, chỉ số phát triển con người (HDI) đạt trên 0,75, đời sống của người dân hạnh phúc, quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc.

Vùng sẽ tập trung phát triển kết cấu hạ tầng, ưu tiên phát triển hệ thống giao thông kết nối với Thủ đô Hà Nội, vùng đồng bằng sông Hồng, tiểu vùng Bắc Trung Bộ và với Trung Quốc, Lào nhằm tháo gỡ một trong những nút thắt phát triển lớn nhất là năng lực kết nối giao thông, bao gồm cả trục dọc và trục ngang.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn tham dự hội nghị.

Về phương hướng phát triển lĩnh vực công nghiệp, Quy hoạch đặt mục tiêu xây dựng Thái Nguyên, Lào Cai trở thành trung tâm luyện kim; Bắc Giang, Thái Nguyên, Phú Thọ trở thành trung tâm cơ khí, điện tử có trình độ cao; Bắc Giang trở thành trung tâm sản xuất chất bán dẫn, công nghiệp hỗ trợ; các sản phẩm hóa chất cơ bản, hóa dược chủ yếu tập trung tại Phú Thọ, Lào Cai và Bắc Giang.

Về nông nghiệp, hình thành các vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp tập trung với quy mô thích hợp gắn với chế biến, thị trường trong và ngoài nước; đưa Thái Nguyên trở thành trung tâm chế biến chè trong khi Lai Châu trở thành trung tâm chế biến mắc ca.

Phát triển vùng cây ăn quả, cây đặc sản chủ yếu tại Bắc Giang, Sơn La, Tuyên Quang, Hòa Bình, Phú Thọ; vùng quế, hồi chủ yếu tại Lạng Sơn, Yên Bái, Lào Cai và Cao Bằng. Vùng trồng rau màu, hoa ôn đới chất lượng cao tập trung tại các địa bàn có điều kiện, khí hậu đặc thù như Lào Cai, Sơn La và Lai Châu; xây dựng Sơn La trở thành trung tâm chế biến nông sản của khu vực Tây Bắc…

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang trao Quyết định Quy hoạch cho các địa phương.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trao Quyết định Quy hoạch
và tặng hoa chúc mừng các địa phương.

Tại hội nghị, các đại biểu thảo luận về việc triển khai Quy hoạch vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó tập trung đề xuất một số cơ chế, chính sách đặc thù để các tỉnh trong vùng hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông liên vùng, phát triển kinh tế rừng, thị trường tín chỉ các-bon.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh để triển khai có hiệu quả Quy hoạch vùng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các bộ, ngành, địa phương cần phổ biến bản Quy hoạch vùng một cách rộng rãi, công khai, minh bạch tới người dân, doanh nghiệp các thành phần kinh tế trong và ngoài nước nhằm thu hút sự tham gia của các bên liên quan một cách hiệu quả nhất. Cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tăng cường phối hợp giữa các bộ ngành, địa phương; phá bỏ tư duy cục bộ trước hết là trong việc triển khai thực hiện chương trình dự án có vai trò vùng.

Bên cạnh đó, phải đổi mới tư duy, phát huy sự năng động, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành của từng bộ, ngành và địa phương, từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại kinh tế vùng theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; phát triển mạnh công nghiệp chế biến, chế tạo và năng lượng; nông nghiệp giá trị cao, ứng dụng công nghệ hiện đại, hữu cơ, đặc sản; kinh tế cửa khẩu, du lịch, kinh tế rừng gắn với bảo vệ và phát triển rừng.

Tập trung nguồn lực thực hiện 04 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá đã đặt ra tại Quy hoạch, trong đó ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối vùng, liên vùng và quốc tế. Tập trung xây dựng và nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu kinh tế cửa khẩu, khu công nghiệp, khu thương mại tự do xuyên biên giới, tăng cường liên kết hình thành các chuỗi đô thị gắn với phát triển vành đai công nghiệp - đô thị - dịch vụ, các hành lang và vành đai kinh tế và các khu vực động lực phát triển./.

BGP

Trung bình (0 Bình chọn)