Cổ kính chùa Bổ Đà

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết

 

Chùa Bổ Đà nằm ở phía Bắc chân núi Phượng Hoàng thuộc thôn Thượng Lát, xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên (Bắc Giang), cách Hà Nội 40km về hướng Bắc, theo Quốc lộ 1A; cách thành phố Bắc Giang 20km về hướng Tây Nam. Chùa Bổ Đà còn có tên gọi là chùa Quan Âm hay còn gọi tắt là chùa Bổ được khởi dựng từ thời nhà Lý (thế kỷ XI), đến thời Vua Lê Dụ Tông (thế kỷ XVIII) thì được mở mang bề thế.

Bổ Đà có gốc là từ Hán Việt Phổ Đà, vốn có nghĩa là Phật- Bụt. Với ý nghĩa ấy, danh thắng Bổ Đà là nơi phong cảnh đẹp gắn liền với đạo Phật, tích Phật. Chùa thờ Thạch Linh thần tướng và Trúc Lâm Tam Tổ (gồm Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang). Quần thể chùa Bổ Đà là một tập hợp di tích gồm chùa chính Tứ Ân Tự (nằm sườn núi)) cùng hai đền thờ Đức Thánh Hoá và Thạch Tướng Đại Vương (ở trên đỉnh núi). Chùa có diện tích chừng 5ha, chia thành nội tự, vườn chùa, vườn tháp. Khu vườn chùa sum xuê hoa quả bốn mùa, Xung quanh chùa là hào sâu . Sau hào là cây cối bao quanh chùa.

Chùa Bổ Đà có kiến trúc “nội thông ngoại bế” tức là bên trong thì thông nhau nhưng bên ngoài thì tạo thành hàng rào, tạo vẻ u tịch, thanh vắng, linh thiêng. Kiểu kiến trúc này rất khác biệt với lối kiến trúc trong các ngôi cổ tự ở Bắc bộ. Chùa Bổ Đà không chú trọng sự nguy nga, tráng lệ mà quan tâm tới sự liên hoàn, thoáng đạt hướng tới sự thanh tịnh của cảnh giới nhà Phật. Hiện tại, hệ thống chùa gồm 18 toà ngang dãy dọc với gần một trăm gian liên hoàn, bố cục kiến trúc hài hoà được xây dựng bằng các loại chất liệu gạch nung, ngói, tiểu sành, tường đất... Điểm đặc biệt ở đây là nhiều bức tường được xây bằng tiểu sành rất độc đáo. Xung quanh chùa là vườn cây cổ thụ làm cho cảnh sắc thêm phần thâm nghiêm, u tịch.

Ngoài ra, chùa còn có một vuờn tháp cổ, nơi tàng lưu xá lị, tro cốt nhục thân của các vị tăng ni, với gần 100 ngôi tháp, trải qua bom đạn chiến tranh nhưng vườn tháp chùa Bổ Đà vẫn còn khá nguyên vẹn. Vườn tháp chùa Bổ Đà được đánh giá là đẹp và lớn nhất Việt Nam, hiếm thấy nơi nào khác trên đất nước ta. Và nay trở thành vườn tháp cổ lớn nhất trong các cổ tự Việt Nam.

Khu vườn tháp cổ của tăng ni dòng thiền Lâm Tế còn 97 ngôi tháp. Trong 97 ngôi tháp này có chúa xá lị, tro của của 1214 nhà sư tu hành. Đặc biệt, có ngôi tháp an táng tới 26 nhà sư. Họ đều là anh em cùng sơn môn, cùng tu một thầy, quý mến nhau muốn khi được về nơi tịch diệt vẫn được nằm cạnh nhau. Bao quanh vườn tháp, nhà chùa đã dùng đá núi, gạch chỉ và đất thó tạo nên bức trường thành để giữ gìn yên tĩnh giấc ngủ ngàn thu cho các những nhà tu hành đắc đạo...

Cùng với chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Bổ Đà là trung tâm Phật giáo lớn của Bắc Giang thuộc thiền phái Trúc Lâm. Nơi đây có tượng thờ Trúc Lâm tam tổ (gồm Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang), vì thế tại đây các vị tổ sư khai trường thuyết pháp đào tạo nhiều tăng đồ. Về đây, ta sẽ được chiêm ngưỡng tượng thờ Trúc Lâm Tam Tổ (gồm Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang). Nhưng một điều đặc biệt nhất mà không ai có thể bỏ qua khi đến thăm chùa là được vào kho xem bộ kinh Phật cổ khắc trên gỗ.

Hiện nay Chùa Bổ Đà còn lưu giữ bộ kinh Phật khắc trên gỗ thị cổ nhất Việt Nam. Di Phật học đặc biệt này được xếp trên 8 chiếc giá, mỗi giá có 4 tập sách kinh bằng 240 tấm ván gỗ hợp thành, tất cả có khoảng 2000 tấm. Mỗi tấm gỗ dùng để khắc kinh dài trung bình là 50cm, rộng 25cm và dày khoảng 2,5cm. Kinh được khắc nối bằng những nét chữ Hán đầy tinh xảo, chưa hề có dấu hiệu mai một nét chữ bởi thời gian.

Theo vị hoà thượng trụ trì tại chùa thì bộ kinh được hình thành xuất phát từ ý tưởng của các vị tổ sư, đồng thời cũng là những người xây dựng ra ngôi chùa này (vào đầu thế kỷ XVIII) muốn có một bộ kinh để truyền dạy đạo Phật, đồng thời là một di vật Phật học đặc biệt để lại cho đời sau. Bộ kinh mang những tư tưởng của hai dòng Phật giáo lớn nhất Châu Á xưa là Ấn Độ và Trung Hoa.

Đặc biệt, bộ kinh khắc gỗ này có nói đến những đặc trưng của Phật giáo Trung Hoa khi được truyền vào Việt Nam với 3 tông phái (Thiền tông, Tịnh độ tông và Mật tông). Trọng tâm của bộ kinh nói đến nỗi khổ của con người và sự giải thoát. Trong đó tiêu biểu nhất là Tứ Diệu Đế - 4 chân lý kỳ diệu của đạo Phật, gồm: Khổ Đế (chân lý về bản chất của nỗi khổ), Nhân Đế (là chân lý về nguyên nhân làm phát sinh của nỗi khổ), Diệt Đế (là chân lý về cảnh giới để diệt cái khổ) và Đạo Đế (chân lý về 8 con đường diệt khổ hay con gọi là bát chính đạo).

Bộ kinh Phật bằng gỗ này còn nói đến cõi niết bàn, những vòng luân hồi chuyển kiếp của một đời người, giải thích thế nào là sự tu nhân tích đức, cõi vô vi... Bộ kinh cũng thể hiện những tư tưởng của Phật giáo Việt Nam, đặc biệt là có sự ảnh hưởng của dòng Phật giáo thiền phái Trúc Lâm Tam Tổ (do Vua Trần Nhân Tông 1258-1308 sáng lập ra ở Yên Tử - Quảng Ninh). Phái Trúc Lâm này sau đó được Pháp Loa và Huyền Quang phát triển và cực thịnh ở nước ta hồi thế kỷ XIV-XV...

Hàng năm vào ngày 16, 17, 18 tháng 2 âm lịch Lễ hội Bổ Đà được tổ chức với sự tham dự của nhiều du khách gần xa, trước là vãn cảnh chùa sau là cầu xin sức khoẻ và may mắn cả năm. Nhiều người tâm niệm rằng, đầu năm đi chùa Hương lấy phúc, lộc cả năm, nhưng nếu vì chuyện gì đó không đến được chùa Hương thì tới Bổ Đà. Có lẽ chính vì vậy mà tại chùa có câu ca dao "Bắc Bổ Đà, Nam Hương Tích", có nghĩa ở phía Bắc có chùa Bổ Đà, phía Nam có chùa Hương Tích. Nói theo ngôn ngữ thuần tuý Phật giáo thì đây là hai đạo tràng Quán Thế Âm vào hạng nhất.

Phạm vi không gian của lễ hội chùa Bổ Đà có hệ thống ba đền thờ Thạch Linh Thần Tướng như đền Hạ, đền Trung và đền Thượng trải dài khoảng 2000m dọc núi Bổ Đà thuộc địa phận hai thôn Hạ Lát và Thượng Lát, xã Tiên Sơn. Hệ thống hai chùa thờ Phật là chùa Quan Âm (chùa Bổ Đà) và chùa Tứ Ân. Các di tích như: đền Hạ, đền Trung, đền Thượng, chùa Quan Am, chùa Tứ Ân, chùa Cao, chùa Khám, chùa Linh Chi, đình Thượng Lát, đình Hạ Lát, chùa Thạch Long, chùa Vân Sơn, chùa Núi Đất, chùa Núi Lùn, đền Can Vang, đình Ngự… nằm xen lẫn trong hệ thống thiết chế của lễ hội Bổ Đà. Tất cả các di tích ở quần thể lễ hội Bổ Đà trong những ngày hội đều mở cửa, cắm cờ đại, cờ ngũ hành rực rỡ. Trên núi, dưới làng đều dập dìu những tốp người áo quần đẹp đẽ, đủ màu sắc về đây trẩy hội. Yếu tố tín ngưỡng dân gian và yếu tố Phật giáo với những đặc điểm riêng biệt, truyền tích xuất phát riêng, nhưng lại hòa quyện vào nhau tạo nên cảnh sắc tươi đẹp cho toàn vùng, được duy trì trong suốt nhiều thế kỷ, đây là một vẻ đẹp độc đáo của lễ hội Bổ Đà. Cũng tại mùa lễ hội những liền anh, liền chị của làng các quan họ trong vùng lại gặp gỡ, giao duyên, khoe sắc khoe tài, cất lên những làn điệu dân ca quan họ mượt mà, đằm thắm thấm đượm hồn quê.

Bốn bề phong cảnh lạ thay

Bồng Lai kia cũng thế này mà thôi./.

 

* Một số hình ảnh về Chùa Bổ Đà

 

Lối vào Chùa

Lối vào Chùa

Những bức Tường xây bằng đất rêu phong

Những bức Tường xây bằng đất rêu phong

Nét độc đáo là nhiều bức tường được xây bằng tiểu sành

Nét độc đáo là nhiều bức tường được xây bằng tiểu sành

Một góc Vườn Tháp cổ

Một góc Vườn Tháp cổ
Trung bình (0 Bình chọn)