Chuyển động trong sản xuất nông nghiệp hàng hoá ở Yên Dũng.

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Khai thác thế mạnh về địa hình, trình độ canh tác của nông dân, nắm bắt nhu cầu của thị trường, giai đoạn 2006-2010, huyện Yên Dũng tập trung phát triển lúa thơm, khoai tây, bò lai zêbu và thuỷ sản. Đó là định hướng chính mà chương trình sản xuất nông ngh

Là huyện trọng điểm về nông nghiệp, nhiều năm Yên Dũng dẫn đầu toàn tỉnh về năng suất lúa. Bình quân lương thực ở một số xã có điều kiện canh tác thuận lợi đã đạt gần 1tấn/người/năm. Khi an ninh lương thực được bảo đảm, một phần sản lượng lúa được bán ra thị trường. Tuy nhiên, với lúa thuần, lúa lai thông thường, do chất lượng gạo thấp nên giá bán chỉ ở mức “khiêm tốn”. Lời lãi từ cây lúa không cao. Từ thực tế ấy, không ít nông dân đã chuyển đổi từ lúa sang cây trồng khác nhưng lại gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ, kỹ thuật canh tác. Tại Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX tổ chức vào cuối năm 2005, huyện Yên Dũng đề ra định hướng mới trong phát triển cây lương thực. Đó là xây dựng vùng lúa hàng hoá với cơ cấu là những giống lúa thơm như Hương Thơm số 1, Bắc Thơm số 7, Nghi hương 2308, LT2....

Khi nắm bắt được những điều kiện thuận lợi về thị trường, huyện Yên Dũng đã có những chính sách  “tạo đà” cho lúa thơm phát triển như trợ giá về giống, về ni-lông che phủ cho mạ. Và một nỗ lực khác là huyện đã tìm được “đầu mối” cung ứng giống bảo đảm chất lượng, đưa giống về tận tay nông dân, không để bà con tự mua giống trôi nổi từ nhiều nguồn khác dẫn tới không kiểm soát được chất lượng. Vì hiệu quả kinh tế cao nên lúa thơm đã nhanh chóng được nông dân tiếp nhận. Trong năm 2006, năm đầu thực hiện chương trình sản xuất nông nghiệp hàng hoá giai đoạn 2006-2010, toàn huyện đã cấy 634 ha lúa thơm, tập trung ở các xã Tư Mại, Tân Mỹ, Nham Sơn..., trong khi những năm trước đó, lúa thơm chỉ được gieo cấy rải rác tại một số điểm với quy mô diện tích nhỏ. Đến năm 2010, Yên Dũng phấn đấu đạt được diện tích 2.000ha lúa thơm.

Nếu như ở một số huyện, thành phố khác, diện tích cây khoai tây một vài năm gần đây có xu hướng giảm thì trong cơ cấu cây trồng vụ đông của Yên Dũng, đó vẫn là cây trồng chính. Ưu điểm của khoai tây là thời vụ trồng không gấp rút, tạo điều kiện cho nông dân “rải vụ” khi trồng cây vụ đông đồng thời có thị trường và giá cả ổn định. Khắc phục những hạn chế trong khâu giống và khâu bảo quản, từ tháng 7, Yên Dũng đã chủ động ký kết mua 75 tấn giống khoai tây Hà Lan, khoai tây Đức theo đăng ký của các xã. Ngoài ra, vụ đông này cũng là vụ đầu tiên, huyện triển khai mô hình trồng khoai tây nguyên chủng với quy mô 8 ha, xây dựng 2 kho lạnh bảo quản khoai tây theo dự án của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh. Đến nay, toàn huyện đã trồng được hơn 500 ha khoai tây/700 ha theo kế hoạch. Trong đó, diện tích khoai giống mới cấp nguyên chủng và xác nhận gần 100 ha được trồng thành vùng tập trung với quy mô từ 3-5ha. Đây cũng là vụ đầu tiên, diện tích khoai tây giống mới ở Yên Dũng đạt đến con số này. Những vùng khoai giống cùng hệ thống kho lạnh đang được xây dựng trên địa bàn là tiền đề để những năm tới, Yên Dũng nâng cao chất lượng và mở rộng diện tích khoai tây.

Sản xuất nông nghiệp muốn phát triển ổn định cần chú trọng cả trồng trọt và chăn nuôi. Hai ngành này có sự hỗ trợ tích cực cho nhau để nông dân tạo được thế đứng “vững vàng” về kinh tế. Từ nhiều năm nay, Yên Dũng là nơi có đàn bò lai zêbu phát triển mạnh. Nhờ những chính sách hỗ trợ của tỉnh cùng với  đội ngũ dẫn tinh viên “đều tay”, lợi thế về diện tích chăn thả, số lượng bò lai ở Yên Dũng không ngừng tăng. Năm 2006, tỷ lệ đàn bò lai chiếm hơn 50% trong tổng đàn bò, tăng 10% so với năm 2005. Đối với sản xuất thuỷ sản, khai thác tiềm năng của vùng ruộng trũng, trong năm nay, song song với việc hỗ trợ xây dựng hạ tầng cho những mô hình chuyển đổi có diện tích lớn với mức 1 triệu đồng/ha, huyện Yên Dũng còn triển khai chương trình trợ giá cá giống mới với số lượng gần 600.000 con. Dự kiến, trong thời gian tới, Yên Dũng sẽ xây dựng dự án nuôi cá thịt thâm canh để nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế từ thuỷ sản.          

Trong thời gian còn lại của kế hoạch 5 năm (2006-2010), huyện Yên Dũng tiếp tục tăng mức đầu tư cho nông nghiệp. Trong đó chú trọng tiếp cận với những công nghệ mới trong bảo quản nông sản; xây dựng các vùng cây trồng chất lượng cao, bảo đảm an toàn dịch bệnh cho vật nuôi./.

Trung bình (0 Bình chọn)