Chuyện kể bên cầu Sông Thương

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Ngày 30/4/1975, đại thắng mùa xuân đã làm thất bại hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược và ách thống trị thực dân mới của đế quốc Mỹ ở miền Nam, giải phóng hoàn toàn miền Nam, kết thúc vẻ vang cuộc chiến tranh cứu nước lâu dài nhất, khó khăn nhất và vĩ đại nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của nhân dân ta. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thể hiện sâu sắc sức mạnh của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Bắc Giang tự hào đã đóng góp rất nhiều sức người, sức của vào thắng lợi vĩ đại đó. Nhân kỷ niệm 40 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4 (1975-2015), Cổng TTĐT tỉnh Bắc Giang trân trọng giới thiệu câu chuyện về Bắc Giang anh hùng trong một thời đạn bom…


Cầu Bắc Giang hôm nay

Sông Thương hiền hòa đôi dòng trong đục đã quen thuộc với biết bao thế hệ người dân Bắc Giang. Cây cầu sắt bình dị nối đôi bờ từ lâu cũng đã trở thành biểu tượng của thành phố bên sông này. Nhưng thử hỏi, trong dòng người hối hả tấp nập qua lại liệu có bao nhiêu người biết rằng nơi đây đã có một thời oanh liệt, một thời máu lửa với biết bao người đã ngã xuống để giữ được cây cầu huyết mạch giao thông đã từng được coi là "Hàm Rồng thứ hai trên miền Bắc". 


Mang nỗi băn khoăn này, tôi đến một vài trường phổ thông trên địa bàn thành phố Bắc Giang.


- Em có biết câu chuyện quân và dân Bắc Giang chiến đấu bảo vệ cầu Sông Thương trong những năm chống Mỹ cứu nước không?


Trước câu hỏi tưởng chừng đơn giản đó, các em học sinh cũng như các thầy, cô giáo đều cười và lắc đầu.


Vâng! Nhiều bạn trẻ hôm nay không biết được những câu chuyện đã cách xa gần 50 năm. Thế nhưng, với những người đã từng chiến đấu bảo vệ cầu Sông Thương và thị xã Bắc Giang ngày ấy, những câu chuyện đó là bài hùng ca không thể nào quên.


Từ cuốn nhật ký chiến trường…


Tại bảo tàng Bắc Giang, trong số những kỷ vật về một thời máu lửa, oanh liệt chống giặc Mỹ có cuốn nhật ký của ông Trịnh Đức Duy- nguyên trung đội trưởng Ra đa -Trung đoàn 216, thuộc sư đoàn phòng không Hà Bắc, nay là sư đoàn 365. Trong chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, trung đoàn 216 trực tiếp chiến đấu, bảo vệ cầu Phủ Lạng Thương (nay là cầu Bắc Giang, thường gọi là cầu Sông Thương). Cuốn nhật ký có hơn 70 trang miêu tả chi tiết diễn biến từng trận chiến đấu ác liệt, chứa đựng những tâm tư, tình cảm của người viết về chiếc cầu huyết mạch này. Hiển hiện lên qua những dòng chữ không chỉ là sự ác liệt của chiến tranh mà còn là lòng nhiệt huyết tuổi trẻ ở một người lính như Trịnh Đức Duy và của cả một thế hệ đã kinh qua cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước...


Ông Trịnh Đức Duy kể chuyện bảo vệ cầu Sông Thương


Cầu Sông Thương là trọng điểm đánh phá của máy bay Mỹ trong chiến tranh phá hoại miền Bắc từ năm 1965 đến năm 1972. Đây là cầu nối quan trọng nhất trên tuyến đường huyết mạch từ phía Bắc vào Hà Nội bằng cả đường bộ và đường sắt. Vũ khí, khí tài hạng nặng, xe tăng, tên lửa, pháo đạn, thuốc men và cả lương thực, thực phẩm từ các nước bạn bè XHCN của ta chuyển sang qua thị xã Bắc Giang chi viện cho chiến trường miền Nam và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Do vậy, cắt được cầu Sông Thương cũng là cắt được đường dạ dày đi khắp cơ thể, cắt được con đường huyết mạch, độc đạo quan trọng nhất từ cả phe XHCN, đặc biệt là Liên Xô, Trung Quốc sang nước ta. Nó không đơn thuần là con đường huyết mạch của Việt Nam mà là của cả một phe đối địch với Mỹ. Bởi vậy, cầu Sông Thương là điểm nóng bỏng thường xuyên, nhất là trong suốt hơn 800 ngày đêm của những năm 1965, 1966, 1967.


Bằng các loại máy bay siêu âm thế hệ mới nhất như F4, F105, F111 và sau này là pháo đài bay B52; các loại bom hiện đại như bom từ trường, bom bi, bom khoan…,  giặc Mỹ dùng đủ mọi thủ đoạn xảo quyệt đánh phá cầu Sông Thương và cả những điểm khác của thị xã Bắc Giang. Có thời gian, chúng đánh cả ngày lẫn đêm, có ngày chúng đánh 3 đến 4 trận. Trong suốt 2 thời kỳ địch đánh phá ác liệt, thị xã Bắc Giang là một trong 5 thành phố, thị xã trên miền Bắc bị địch hủy diệt hoàn toàn. Nhiều người dân Bắc Giang thời ấy không thể quên hình ảnh tàn phá khốc liệt, tan hoang của bom đạn Mỹ… Nhưng cũng rất tự hào trước tinh thần lạc quan cách mạng của người dân thị xã.


Đáp trả sự hung bạo của bọn giặc trời, qua 2 cuộc chiến tranh phá hoại, gần 1 nghìn ngày đêm bão lửa, 18 máy bay Mỹ đã phải vùi thây nơi đây, nhiều phi công Mỹ bị bắt sống cúi đầu nhục nhã khuất phục trước ý chí ngoan cường của quân và dân Bắc Giang. Cầu Sông Thương vẫn nối nhịp đôi bờ, giữ vững huyết mạch giao thông đảm bảo cho những chuyến xe, những chuyến tàu chuyên chở hàng vạn tấn hàng hóa chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến. Nhà máy đạm Hà Bắc vẫn ổn định nhịp sản xuất phục vụ những cánh đồng 5 tấn.


Gần 50 năm đã qua, những dấu tích của bom đạn khốc liệt ngày ấy đã không còn, nhưng trong cuốn nhật ký đã sờn ố vì thời gian vẫn còn lưu giữ
những chi tiết sinh động chứa đựng sự hào hùng, anh dũng hiện lên rất thật, rất rõ.


Trong nhật ký, ông Trịnh Đức Duy viết: "…Thị xã Bắc Giang ngày 1-5-1966. Trận chiến đấu thứ 7! Gần như là quy luật về thời gian địch xuất hiện đều dẫn xác vào khoảng từ 14 giờ đến 15 giờ… Chúng xuất hiện với tốc độ rất nhanh trên 250m/giây, bay qua Hà Nội, Đáp Cầu, Bắc Giang, ra biển. Các đơn vị đều nổ súng… Sáu trận đánh trước chúng đã phải bỏ lại xác máy bay mà cầu vẫn nguyên vẹn, sừng sững, hiên ngang như những chủ nhân của nó.”

 


Trang nhật ký chiến trường của ông Trịnh Đức Duy


… đến những chủ nhân anh dũng


Những chủ nhân của cây cầu năm xưa, ông Duy cùng những đồng đội, trong buổi gặp mặt lại cùng nhau ôn lại những năm tháng hào hùng không thể nào quên ấy. Hàng trăm chiến sĩ phòng không cùng với hàng trăm dân quân tự vệ và nhân dân thị xã Bắc Giang sát cánh ngày đêm chiến đấu anh dũng bảo vệ cây cầu huyết mạch bây giờ người còn, người mất. Trong câu chuyện hôm nay, tên tuổi nhiều người vẫn được nhắc đến với sự cảm phục xen lẫn xúc động nghẹn ngào.


Ông Đặng Xuân Điệp – Nguyên Chính trị viên Đại đội 58, Trung đoàn Phòng không 216 kể: “Chúng tôi không thể quên tấm gương chiến đấu anh dũng của Ngụy Văn Chài. Anh bị thương, quần áo dính xăng cháy xém vẫn không rời trận địa, kiên cường chiến đấu đến hơi thở cuối cùng”. Còn ông Nguyễn Trí Trung thì không giấu nổi xúc động khi kể về tấm gương đảng viên trẻ Đỗ Cao Sáu bị thương rất nặng, nằm trên tay đồng đội còn thều thào dặn lại: “Tôi còn mấy đồng trong túi nhờ đóng đảng phí hộ”.

Đó là những đồng tiền nhuốm máu đào cách mạng, rất tiếc đã không ai giữ được để làm kỷ vật. Đó cũng là lời nói sau cùng của một cuộc đời – thật thiêng liêng biết bao. Đồng đội vẫn luôn nhớ đến anh cùng với bao người đã đổ máu vì Tổ quốc.


Trong ký ức của những pháo thủ bảo vệ Bắc Giang ngày ấy vẫn hiện lên hình ảnh các cô dân quân từ Nam Hồng – Hà Vị, Thanh Mai, Đa Mai, Mỹ Độ, Vĩnh Ninh… tươi tắn vui vẻ đều đặn mang lá ngụy trang, giẻ lau pháo vào các trận địa đầy hiểm nguy không một chút lo sợ, ngại ngần. Các mẹ vẫn gánh bún, gánh bánh vào trận địa ngay cả khi bom bi nổ chậm chưa hết, bình thản như về với những đứa con mình. Đó chính là chủ nghĩa anh hùng cách mạng của quân dân thị xã Bắc Giang những năm chống Mỹ.


Hôm nay, nhiều người vẫn nhắc đến cô Trung đội trưởng nữ dân quân Nguyễn Thị Nga cùng chị em dân quân Nam Hồng tuổi mười tám, đôi mươi hăng hái trên trận địa năm nào. Người nữ trung đội trưởng 5 năm liền là chiến sĩ thi đua, 3 năm chiến sĩ quyết thắng. Trung đội nữ dân quân Nam Hồng hơn 50 tay súng 7 năm liền được tuyên dương danh hiệu đơn vị quyết thắng, được tặng thưởng Huân chương chiến công hạng ba vì những chiến công ngang tầm dũng sĩ. Và gần 50 năm sau, cô Nga cùng những cô dân quân năm nào đã thành bà nội, bà ngoại. Thời gian có thể bào mòn nhiều thứ, nhưng hồi ức về những ngày sục sôi căm hờn giặc Mỹ và tinh thần quả cảm bất chấp hiểm nguy, tất cả để chiến thắng giặc Mỹ xâm lược vẫn rõ ràng trong tâm trí mỗi người.

 


Những nữ dân quân tay súng, tay cày đảm đang


Làng Vĩnh Ninh - làng lúa, làng hoa của thị xã Bắc Giang trong thời kỳ chống Mỹ là một lòng chảo. Xung quanh làng có bốn trận địa pháo cao xạ bảo vệ thị xã Bắc Giang, trọng điểm là cầu Sông Thương, bến cảng, Nhà máy đạm Hà Bắc và ga Bắc Giang. Làng có đại đội dân quân trên 60 người hiệp đồng chiến đấu với các trận địa pháo, trong đó có trung đội nữ dân quân cũng anh dũng không kém gì trung đội nữ dân quân Nam Hồng.


Những cô gái vẫn còn ở cái tuổi ăn chưa no lo chưa tới, chưa từng qua lớp giáo dục về chủ nghĩa yêu nước, về lý tưởng cách mạng mà vẫn hiên ngang dưới làn bom đạn kẻ thù, tận lực với việc cứu thương, tải thương, nuôi quân, tiếp đạn, san lấp hố bom, và nhiều lúc thay thế vị trí pháo thủ hy sinh. Tinh thần chiến đấu quả cảm và hy sinh anh dũng của họ có thể sánh ngang những cô gái Nam Ngạn – Hàm Rồng Thanh Hóa, Đồng Lộc – Hà Tĩnh, Ngư Thủy – Quảng Bình.


Hôm nay, vẫn trên mảnh đất từng hứng chịu bom đạn giặc Mỹ, tại sân nhà khang trang ở tổ dân phố Vĩnh Ninh, phường Hoàng Văn Thụ - TPBG, bà Nguyễn Thị Nâng cùng với những đồng đội trong trung đội nữ dân quân Vĩnh Ninh năm nào kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện các bà đã từng kể không biết bao lần, nhưng cảm xúc vẫn dâng trào theo những trận chiến đấu mà trung đội tham gia.

 


Bà Nguyễn Thị Nâng và những nữ dân quân anh dũng năm xưa


Thực hiện khẩu hiệu “Tay cày, tay súng”, “địch đánh ngày, ta làm đêm”, những nữ dân quân ngoài giờ trực chiến lại cùng nhân dân đẩy mạnh sản xuất với phong trào “3 sẵn sàng”, “3 đảm đang” biến những cánh đồng bom đạn chồng chất thành cánh đồng thâm canh thắng Mỹ với năng suất 5 – 6 tấn/ha.


Thật đáng khâm phục khi chỉ trong vài ngày đầu triển khai thế trận đánh Mỹ, lực lượng dân quân tự vệ và nhân dân thị xã Bắc Giang đã cùng với cán bộ chiến sĩ Trung đoàn phòng không 216 xây dựng hệ thống trận địa, công sự, hầm hào nối liền các khẩu đội pháo với hàng chục nghìn mét khối đất, hàng tấn lá ngụy trang. Sự gắn bó máu thịt của đơn vị bộ đội phòng không với nhân dân thị xã Bắc Giang đã tô thắm thêm truyền thống đoàn kết hiệp đồng chiến đấu quân dân và thể hiện sinh động bức tranh chiến tranh nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Cảm mến nhau vì lòng dũng cảm và sự gắn bó máu thịt, đã có hàng chục chiến sĩ phòng không ngoan cường nên duyên cùng những nữ dân quân anh dũng, đảm đang như vợ chồng ông Nguyễn Trí Trung và bà Phạm Thị Thuận.


Mẹ chiến sĩ bên Sông Thương


Ở đâu có mẹ ở đó là quê hương. Với nhiều pháo thủ bảo vệ thị xã Bắc Giang ngày ấy, nơi đây đã trở thành quê hương thứ hai, nơi có những bà mẹ chiến sĩ thức thâu đêm vá áo cho bộ đội. Những làng Thành, làng Vẽ, Nam Hồng – Thọ Xương, Vĩnh Ninh, Mỹ Độ, Đa Mai đều có hội mẹ chiến sĩ. Các mẹ đã giúp đỡ, động viên cán bộ, chiến sĩ bám địa bàn, trận địa, chiến đấu kiên cường, dũng cảm tiêu diệt máy bay địch để bảo vệ bầu trời, mặt đất Bắc Giang. Cha đi đánh giặc nơi chiến trường, mẹ ở hậu phương đảm đang tay súng tay cày và đùm bọc, yêu thương những đứa con chiến sĩ như chính ruột thịt của mình. Ông Trịnh Đức Duy bồi hồi nhớ lại: “Các mẹ gánh bún, bánh ra trận địa cho bộ đội giữa lúc giặc đánh cầu. Các mẹ đi trước, bom nổ phía sau. Các mẹ đi bên phải, bom nổ bên trái. Có lúc chúng tôi ăn bún, ăn phải cả viên bi trong đó”


Xã Đa Mai bên Sông Thương nổi tiếng với sản vật bún, bánh. Những năm tháng gian khổ chống Mỹ, bún bánh Đa Mai được các mẹ làm rồi gánh ra trận địa đủ cho các chiến sĩ no lòng tiếp tục chiến đấu. Hàng nghìn manh áo bộ đội bị rách được các mẹ cặm cụi sớm hôm vá lại cho lành bằng tình thương người mẹ làm ấm lòng người mặc. Mẹ còn chăm sóc các thương binh, chăm lo các phần mộ liệt sĩ. Chuyện kể về các mẹ đẹp như huyền thoại để nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý viết lên lời ngợi ca cảm phục, kính yêu: "Đời mẹ nghèo trông áo rách, áo rách nên thương. Các con ra đi đã mấy chiến trường mang theo cả tình thương của mẹ "(Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa)
.

Giờ đây, các mẹ chiến sĩ năm xưa đều đã về cõi vĩnh hằng. Ngôi nhà đơn sơ các mẹ ở vẫn còn đó, tấm áo mẹ vá năm xưa vẫn được nhiều người gìn giữ, tình thương của mẹ vẫn nâng bước những cựu chiến binh vững vàng trong thời đại mới, tên tuổi của các mẹ như mẹ Nãi, mẹ Khôi, mẹ Liên … vẫn được nhắc đến như trong muôn vàn câu chuyện kể về người mẹ Việt Nam- rất bình dị nhưng cũng rất đỗi anh hùng.

 


“…mang theo cả tình thương của Mẹ”


Cầu Sông Thương chỉ dài 171 mét nhưng giặc Mỹ đã sử dụng tới 1.040 lượt máy bay đánh phá ác liệt, ném hơn 1.300 bom phá, gần 900 quả bom phát quang, bom sát thương cùng hàng chục nghìn bom bi. Song cầu của chúng ta chỉ bị gãy có 2 lần vào ngày 5/5/1966 và ngày 19/12/1972. Những con số ấy cho thấy cuộc chiến đấu bảo vệ cầu Sông Thương diễn ra vô cùng quyết liệt, nhưng cũng là chiến công thật diệu kỳ. Chiến công ấy đã được đồng chí Nguyễn Quyết – Chính ủy Quân khu 3 tuyên dương trong Hội nghị thi đua quyết thắng của Quân khu năm 1968: “Cầu Bắc Giang là cầu Hàm Rồng thứ hai của Quân khu 3”. Sau đó nhiều người vẫn quen gọi là cầu Hàm Rồng Hà Bắc. Cây cầu tưởng chừng vô tri đã trở thành người bạn gắn bó máu thịt với những người bảo vệ cầu. Và nỗi đau khi cầu bị bom Mỹ tàn phá cũng không kém lúc đồng chí, đồng đội của mình ngã xuống. Có lần cầu bị đánh gãy một nhịp, cả đơn vị buồn không ai ăn được cơm. Tình cảm đẹp đẽ ấy cũng chính là trách nhiệm chính trị của bộ đội Cụ Hồ khi biết quên mình, sống vì cái chung lớn lao.


Để giữ được cây cầu vững vàng dưới mưa bom của kẻ thù, 94 cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn Phòng không 216 đã anh dũng hy sinh, hàng trăm người mang thương tật suốt đời, chưa kể rất nhiều những dân quân, tự vệ, và cả dân thường bị thương vong.

 


Cầu Sông Thương từng được mệnh danh là “Hàm Rồng thứ 2 của Miền Bắc”


Đau đáu chờ biểu tượng tri ân những “người bảo vệ”


Khu vực dọc theo con đường Vương Văn Trà bây giờ trước kia vốn là những trận địa pháo phòng không bảo vệ cầu Sông Thương. Tại nơi đây, nhiều đồng đội của ông Duy đã ngã xuống, trong đó có trận cả khẩu đội 5 người bị bom Mỹ dội trúng.


Nhân dân thị xã Bắc Giang – cầu Sông Thương – và Trung đoàn phòng không 216 là 3 dữ kiện quyết định làm nên huyền thoại Hàm Rồng thứ 2 trên miền Bắc, làm nên thị xã Bắc Giang anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Hào khí Xương Giang đã được phát huy trong thời đại Hồ Chí Minh. Tự hào vì điều đó, đã bao lần đến thăm lại trận địa xưa, thăm lại bến sông cùng cây cầu huyền thoại đã từng gắn bó máu thịt với sinh mệnh của biết bao chiến sĩ, đã bao lần nhìn dòng sông và trời xanh yên bình, cũng là bấy nhiêu lần ông Duy cảm thấy trăn trở, day dứt, ngậm ngùi vì những điều chưa được thực hiện để tri ân những liệt sĩ đã hy sinh vì Phủ Lạng Thương – thị xã Bắc Giang xưa và thành phố Bắc Giang hôm nay. Hơn thế, cùng với quân và dân Bắc Giang, những anh hùng liệt sĩ ấy đã góp phần quan trọng làm nên thắng lợi của toàn dân tộc, giành lại độc lập tự do cho Tổ quốc.


Đã nhiều lần, người CCB phòng không thay mặt Ban liên lạc Cựu quân nhân Trung đoàn 216 gửi tờ trình về việc xây dựng tượng đài chiến thắng không quân Mỹ bên cầu Sông Thương đến UBND tỉnh và UBND TP. Bắc Giang. Thế nhưng, những đề nghị của ông và đồng đội không thấy hồi âm. Ông Nguyễn Thanh Quất- lão thành cách mạng – Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Bắc cũng đã 2 lần gửi thư tay cho Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Giang và Thường trực Thành ủy, UBND TP. Bắc Giang với nội dung tương tự. Trong đó nhấn mạnh: “Chiến đấu bảo vệ cầu - ga - cảng Bắc Giang là thành tích đặc biệt xuất sắc. Thị xã Bắc Giang đã được Đảng, Nhà nước phong tặng Anh hùng LLVTND rất xứng đáng phải được xây dựng một tượng đài hoành tráng ở đầu cầu của thành phố anh hùng. Đó là đòi hỏi của lịch sử, của quân và dân Bắc Giang, cũng là đòi hỏi của các liệt sĩ”. Thế nhưng, trong sự mong ngóng kéo dài gần chục năm của nhiều người, một biểu tượng chiến thắng không quân Mỹ nho nhỏ như ở thị trấn Kép huyện Lạng Giang vẫn chưa thành hiện thực.

 


Ông Trịnh Đức Duy và nỗi niềm tri ân đồng đội


Trước đây, mỗi dịp giáp Tết Nguyên đán, ông Duy lại đến từng nơi những người đồng đội đã hy sinh để thắp nén hương tưởng nhớ, an ủi các anh yên nghỉ. Nhưng giờ đây, trận địa xưa đã thành nhà, thành trụ sở, cũng không còn chỗ để ông làm cái nghĩa cử ấy nữa. Nhân ngày thương binh liệt sĩ, ông Duy lại đến bến sông  xưa, nơi ông cùng đồng đội đau đáu mong muốn đặt một tượng đài hay chỉ cần một tấm bia ghi danh liệt sĩ bảo vệ cầu Sông Thương. Ông đành thắp nén hương thơm nơi bờ sông và cầu xin các anh gắng chờ.


Dòng sông Thương còn đấy, bến sông Thương còn kia, di tích chiến thắng Xương Giang trở thành di tích quốc gia đặc biệt, bên cầu Sông Thương anh hùng đã có cầu Xương Giang, cầu Mỹ Độ hiện đại. Tin tưởng thành phố Bắc Giang ngày càng xứng tầm một thành phố hiện đại nhưng không thể quên Phủ Lạng Thương lịch sử. Với niềm tin ấy, chúng tôi đã tìm được câu trả lời đáp ứng sự chờ đợi của ông Duy và đồng đội. Ông Trần Minh Hà – Phó Chủ tịch UBND thành phố Bắc Giang cho biết: “Thành phố Bắc Giang đã triển khai việc xây dựng tượng đài để ghi nhận công lao của quân và dân thành phố. Tượng đài dự kiến sẽ xây dựng ở phía Bắc cầu Bắc Giang.”


Năm xưa, sau khi k
ết thúc thắng lợi 10 năm kháng chiến chống quân Minh, Lý Tử Tấn, người cùng với Nguyễn Trãi giúp việc mưu sĩ cho Lê Lợi đã làm bài Xương Giang phú (tức bài phú về Sông Thương) với tấm lòng, tâm hồn, tư thế một trí thức - nhà văn - chiến sĩ trực tiếp góp phần làm nên chiến thắng của đất nước. Trong niềm vui khôn xiết đến với những chiến sĩ bảo vệ cầu Phủ Lạng Thương – cầu Sông Thương, tôi chợt nhớ lại câu thơ xao xuyến lòng người trong bài phú:


“Ấy Xương Giang một sông hình đẹp
Mà dấu thơm muôn thuở còn truyền...


Vâng! Dấu thơm của hào khí Xương Giang xưa, và dấu thơm của ý chí dũng cảm, kiên cường, bất khuất, tất cả để chiến thắng giặc Mỹ xâm lược trong chiến đấu bảo vệ cầu Sông Thương, bảo vệ mảnh đất Bắc Giang thân yêu sẽ vẫn mãi còn lưu truyền cho hôm nay và mai sau./.


* Độc giả có thể xem Phim tài liệu “Chuyện kể bên cầu Sông Thương” trong “Chuyên mục Video” trên Cổng TTĐT tỉnh Bắc Giang.

 

Trung bình (0 Bình chọn)