Chuyển biến trong hoạt động xuất khẩu ở Bắc Giang.

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Những thuận lợi trong thời gian qua đã tạo chuyển biến mạnh mẽ trong xuất khẩu của tỉnh Bắc Giang. Đến nay, có thể khẳng định mục tiêu đạt 100 triệu USD kim ngạch xuất khẩu trong năm sẽ về đích sớm.

Mặc dù giá dầu thô, giá vàng liên tục tăng cao, đồng đô la Mỹ giảm giá và thị trường chứng khoán thế giới biến động khó lường nhưng hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn vẫn có sự chuyển biến vượt bậc. Theo ước tính của Sở Thương mại – Du lịch, 10 tháng đầu năm 2007, kim ngạch xuất khẩu của các DN toàn tỉnh đã đạt gần 94 triệu USD, tương đương với 94% kế hoạch năm nay. Cuối năm,  nhu cầu tiêu dùng, mua sắm hàng hoá phục vụ dịp Giáng sinh và Tết dương lịch tại hầu hết thị trường các nước đều tăng mạnh. Do đó, theo dự tính, kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh sẽ sớm hoàn thành mục tiêu đạt 100 triệu USD trong tháng 11 năm nay. Với đà tăng trưởng này, mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 120 triệu USD vào năm 2010 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI có thể sẽ hoàn thành trong năm tới.

Nhìn vào kết quả xuất khẩu hàng hoá năm nay cho thấy sự vươn lên của các DN có vốn đầu tư nước ngoài như Công ty Quốc tế VietPan-Pacific, Công ty TNHH Công nghệ Samwoo Việt Nam, Công ty liên doanh Flexcon… Chỉ tính riêng các DN có vốn đầu tư nước ngoài đã đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 55,2 triệu USD, chiếm khoảng 60% kim ngạch xuất khẩu cả tỉnh. Đặc biệt, Công ty TNHH Công nghệ Samwoo đã đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 511 nghìn USD, gấp 8 lần so với cùng kỳ năm trước. Công ty Quốc tế VietPan-Pacific cũng vượt qua Công ty cổ phần May Bắc Giang để trở thành đơn vị dẫn đầu toàn tỉnh về kim ngạch xuất khẩu với hơn 29 triệu USD, tăng hơn 3,5 lần so với cùng kỳ, vượt gần gấp đôi kế hoạch cả năm 2007. Về cơ cấu ngành hàng, dệt may đã vượt qua ngưỡng 80 triệu USD, tăng 17% so với kế hoạch cả năm để khẳng định vai trò chủ lực trong chiến lược đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá của tỉnh. Ngoài ra, các mặt hàng khác như nông sản chế biến, sản phẩm nhựa, hàng điện tử, thuốc lá sợi… cũng có bước tăng trưởng khá.

Có thể thấy rằng việc Việt Nam gia nhập WTO đã mở ra cơ hội lớn cho xuất khẩu. Các DN có điều kiện tiếp cận sâu, rộng với các thị trường trên thế giới, được đối xử công bằng, minh bạch khi tham gia thị trường chung. Đặc biệt là mặt hàng dệt may, mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh, nhờ bãi bỏ cơ chế hạn ngạch đã tạo điều kiện thuận lợi xâm nhập thị trường thế giới. Việc thành lập và đi vào hoạt động Chi cục Hải quan quản lý các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đã tạo điều kiện thuận lợi cho các DN đẩy mạnh xuất khẩu. Những nỗ lực của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương trong việc hoàn thiện cơ sở vật chất, cải thiện môi trường đầu tư, cải cách các thủ tục hành chính, hỗ trợ và tôn vinh các DN… cũng là yếu tố không nhỏ tác động đến tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của kim ngạch xuất khẩu. Ngoài ra, sau quá trình cổ phần hoá, các DN đã thích nghi dần với cơ chế thị trường và môi trường kinh doanh toàn cầu, tích cực đầu tư trang thiết bị, công nghệ hiện đại, nâng cao năng lực quản lý, năng lực sản xuất cho đơn vị. Nhiều DN mới đi vào hoạt động nhưng đã có bước tăng trưởng mạnh về kim ngạch xuất khẩu như Công ty liên doanh Flexcon, Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm xuất khẩu G-O-C, Công ty TNHH Phương Đông (Việt Yên)… Thị trường xuất khẩu đã được mở rộng tới nhiều khu vực trên thế giới. Đáng chú ý nhất là việc Công ty cổ phần May Bắc Giang trở thành một trong những đơn vị xuất khẩu hàng dệt may lớn nhất cả nước vào thị trường Hàn Quốc. Lần đầu tiên, các mặt hàng rau quả chế biến như dưa chuột dầm dấm, cà chua bi… “made in Bắc Giang” đã không chỉ có mặt ở những thị trường truyền thống như Nga, Đông Âu… mà đã xâm nhập vào thị trường khó tính nhất trong lĩnh vực này là Nhật Bản. Tuy số lượng xuất khẩu ban đầu sang thị trường này chưa lớn, nhưng khi đã vào được thị trường Nhật Bản thì coi như chúng ta đã tạo được uy tín để tiếp cận với các thị trường khác trên thế giới.

Cùng với sự nỗ lực của các DN, tỉnh ta cũng sẽ có nhiều thay đổi trong chính sách khuyến khích xuất khẩu thời gian tới. Theo quy định khi gia nhập WTO, các nước không được hỗ trợ xuất khẩu thông qua các biện pháp tài chính như thưởng xuất khẩu, hỗ trợ lãi suất vay vốn ngân hàng… nhưng vẫn cho phép có các chính sách hỗ trợ như hỗ trợ xúc tiến thương mại, tham gia các hội chợ, triển lãm quốc tế, phát triển cơ sở hạ tầng… Do đó, tỉnh Bắc Giang đang có kế hoạch chuyển đổi Quỹ hỗ trợ xuất khẩu thành Quỹ xúc tiến thương mại. Dự kiến trong thời gian tới sẽ dành khoảng 1 tỷ đồng từ Quỹ này phục vụ công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, mở các lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN.  Đây chắc chắn sẽ là động lực không nhỏ tạo bước tiến mới trong hoạt động xuất khẩu của tỉnh thời gian tới./.

Trung bình (0 Bình chọn)