Chương trình Tọa đàm “Xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm 2020”

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Nhằm cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ, chính xác về tình hình xúc tiến, tiêu thụ vải thiều năm 2020 đến đông đảo nhân dân và các doanh nghiệp trong và ngoài nước, Cổng Thông tin điện tử tỉnh Bắc Giang phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Bắc Giang tổ chức Chương trình Tọa đàm với chủ đề “Xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm 2020”.

Tham gia Chương trình Tọa đàm có các ông: Nguyễn Văn Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương, Lê Bá Thành - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, La Văn Nam - Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn

Ông Nguyễn Văn Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương trao đổi tại Chương trình Tọa đàm. Ảnh: BGP/Nguyễn Miền

MC: Thưa ông Nguyễn Văn Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương, xin ông cho biết: Với vai trò là cơ quan chủ trì các hoạt động xúc tiến tiêu thụ vải thiều của tỉnh, Sở Công Thương nhận định gì về thị trường tiêu thụ vải thiều năm nay và Sở đã có những hoạt động cụ thể như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Phương: Năm nay, trước bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, Sở Công Thương đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch xúc tiến tiêu thụ vải thiều theo 3 phương án (3 kịch bản), tương ứng với từng cấp độ của dịch bệnh Covid-19. Trong đó, có kịch bản ứng phó với tình huống xấu nhất, đó là dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, vải thiều của Bắc Giang không xuất khẩu được, phải tập trung chế biến, tiêu thụ ở thị trường trong nước.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, dịch Covid-19 đã được khống chế, các hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu đang bắt đầu phục hồi, cửa khẩu Trung Quốc và một số nước đã mở cửa trở lại. Vì vậy, Bắc Giang triển khai kích hoạt kịch bản: tiêu thụ trong nước 50% tổng sản lượng và xuất khẩu 50% (khoảng 80.000 tấn). Qua đây, Bắc Giang tiếp tục khẳng định Bắc Giang tôn trọng tất cả các loại thị trường (cả trong nước và xuất khẩu).

Đối với thị trường trong nước, Bắc Giang đã sớm kết nối với hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại, các chợ đầu mối để tổ chức đưa vải thiều của Bắc Giang vào hệ thống phân phối (bán buôn, bán lẻ).

Đối với thị trường xuất khẩu, Bắc Giang tiếp tục khai thác các thị trường tiềm năng như Mỹ, Úc, EU, Malaysia, Thái Lan và đặc biệt là thị trường truyền thống Trung Quốc. Bên cạnh đó, tích cực kết nối, mở rộng sang thị trường mới như: Nhật Bản, Singapore, Ấn Độ và các nước Trung Đông…

Để đẩy mạnh công tác xúc tiến, tiêu thụ vải thiều, tỉnh đã tổ chức xúc tiến trực tuyến, kết nối tiêu thụ vải thiều sang Singapore và Ấn Độ vào cuối tháng 5. Ngày 06/6 vừa qua, tỉnh cũng đã tổ chức rất thành công hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều tới 62 điểm cầu trên tất cả các tỉnh, thành phố trong nước và 4 điểm cầu tại Trung Quốc.

Đồng thời, tỉnh cũng đã xây dựng và khai trương Sàn giao dịch trực tuyến vải thiều Bắc Giang, đây là Sàn giao dịch thương mại điện tử đầu tiên và duy nhất cho một loại sản phẩm.

Ông La Văn Nam - Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết, Lục Ngạn luôn tạo mọi điều kiện, hỗ trợ tốt nhất cho các doanh nghiệp, thương nhân đến mua vải thiều. Ảnh: BGP/Nguyễn Miền

MC: Thưa ông La Văn Nam - Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, năm nay huyện Lục Ngạn có kế hoạch hỗ trợ sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ vải thiều như thế nào?

Ông La Văn Nam: Lường trước những khó khăn của tình hình dịch bệnh Covid-19, ngay từ đầu năm 2020, UBND huyện Lục Ngạn đã sớm xây dựng kế hoạch chi tiết, tập trung vào sản xuất, chăm sóc để nâng cao chất lượng sản phẩm trái vải thiều. Huyện chủ động phối hợp tốt với Sở Công Thương trong công tác xúc tiến tiêu thụ vải thiều, nhất là công tác xúc tiến thương mại; tổ chức thành công hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm 2020 với sự tham gia của 62 điểm cầu trong cả nước và 4 điểm cầu tại Trung Quốc.

Bên cạnh đó, huyện luôn tạo mọi điều kiện, hỗ trợ tốt nhất cho các doanh nghiệp, thương nhân đến mua vải thiều tại các địa phương trên địa bàn huyện; đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự và nguồn vốn hỗ trợ doanh nghiệp cùng các hoạt động phụ trợ khác phục vụ cho công tác tiêu thụ vải thiều.

Ngoài ra, huyện cũng rất quan tâm đến thị trường khó tính để liên kết với các doanh nghiệp nhằm sản xuất vải thiều một cách tốt nhất.

Ông Lê Bá Thành - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT khẳng định chất lượng vải thiều Bắc Giang đáp ứng được toàn bộ
các thị trường, kể cả thị trường khó tính nhất. Ảnh: BGP/Nguyễn Miền

MC: Vải thiều Bắc Giang, nhất là vải thiều Lục Ngạn có tiếng là quả to, mẫu mã đẹp, vỏ mỏng, cùi dày, thơm ngon, bổ dưỡng. Thưa ông Lê Bá Thành - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, ông đánh giá thế nào về chất lượng vải thiều năm nay?

Ông Lê Bá Thành: Bắc Giang có lợi thế về điều kiện tự nhiên, khí hậu để phát triển nông nghiệp, đặc biệt là cây ăn quả, nhất là vải thiều. Vì vậy, Bắc Giang có vùng trồng vải thiều lớn nhất cả nước, chất lượng vải thiều của Bắc Giang cũng được đánh giá cao nhất.

Thực hiện chủ trương của tỉnh nhằm tiếp tục khai thác hiệu quả các thế mạnh, tiềm năng, thông qua phát huy các lợi thế gắn với việc tối đa hóa chất lượng sản phẩm để nâng cao hiệu quả kinh tế. Trong những năm qua, ngành nông nghiệp Bắc Giang đã tập trung cao cho công tác chỉ đạo áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc, để nâng cao giá trị, chất lượng của cây vải thiều. Sở Nông nghiệp và PTNT thường xuyên áp dụng những kỹ thuật mới để phổ biến cho bà con nông dân trồng vải. Do đó, chất lượng vải thiều của Bắc Giang cho thấy năm sau luôn tốt hơn năm trước.

Năm 2020, trước bối cảnh của dịch Covid-19, cùng với thời tiết không được thuận lợi, mưa lớn vào dịp Tết, rét nàng Bân vào đầu tháng 4 và các yếu tố cực đoan khác của thời tiết đã làm ảnh hưởng đến việc ra hoa, đậu quả của vải thiều. Cùng với đó, tình hình dịch bệnh Covid-19 gây áp lực tâm lý cho người nông dân trong sản xuất vải thiều.

Tuy nhiên, Sở Nông nghiệp và PTNT vẫn xác định mục tiêu là phải hướng dẫn người nông dân chăm sóc tốt cho vải thiều, để vải thiều đạt được tiêu chuẩn, chất lượng đáp ứng các yêu cầu của các thị trường.

Cụ thể, ngay từ đầu năm, Sở Nông nghiệp và PTNT đã ứng dụng khoa học kỹ thuật cũng như các quy trình sản xuất nghiêm ngặt của các thị trường khó tính để hướng dẫn bà con nông dân chăm sóc vải thiều theo đúng quy trình.

Vì vậy, đến thời điểm này, có thể khẳng định chất lượng vải thiều Bắc Giang năm nay cao hơn tất cả các năm trước và đáp ứng được toàn bộ các thị trường, kể cả thị trường khó tính nhất là Mỹ, Nhật Bản, EU...

Vải thiều Lục Ngạn được đóng gói cẩn thận phục vụ cho xuất khẩu. Ảnh minh họa: BGP

MCVậy ngành Nông nghiệp tỉnh đã quan tâm chỉ đạo sản xuất vải thiều đảm bảo chất lượng, sản lượng và các tiêu chuẩn, yêu cầu phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu như thế nào, thưa ông?

Ông Lê Bá Thành: Có thể nói, thị trường tiêu thụ vải thiều của Bắc Giang rất tiềm năng, ngoài thị trường nội địa với gần 100 triệu dân; chúng ta có thị trường Trung Quốc là thị trường truyền thống trong tiêu thụ vải thiều nói riêng và mặt hàng nông sản của tỉnh nói chung. Bên cạnh đó, chúng ta có một chuỗi các thị trường tiềm năng, đó là thị trường ASEAN, EU, Mỹ, Úc…

Cuối năm 2019, chúng ta được mở rộng sang thị trường Nhật Bản - đây là thị trường rất tiềm năng đối với mặt hàng vải thiều của Bắc Giang. Vì vậy, để xuất khẩu được vải thiều sang các thị trường khó tính này, yêu cầu đặt ra cho ngành Nông nghiệp là làm thế nào để tổ chức sản xuất đáp ứng được thị trường khó tính này.

Trước những yêu cầu khắt khe đặt ra, Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của tỉnh, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của từng địa phương, nắm chắc từng quy trình sản xuất của từng thị trường. Vì mỗi một thị trường lại yêu cầu một quy trình sản xuất khác nhau. Ngay cả thị trường Trung Quốc được coi là thị trường dễ tính nhất của quả vải thiều Bắc Giang song trước rào cản kỹ thuật hiện nay, thị trường này cũng yêu cầu rất khắt khe đối với quả vải thiều.

Do đó, các cơ quan chuyên môn của Sở Nông nghiệp và PTNT cũng phải nắm rất chắc các quy trình kỹ thuật của từng thị trường, để phối hợp với các phòng, đơn vị chuyên môn của từng địa phương tập trung phổ biến cho người dân quy trình chăm sóc vải thiều đáp ứng yêu cầu của từng thị trường.

Đến nay, các tiêu chuẩn test là hoàn toàn đảm bảo. Cụ thể là, trong năm 2020 này, tỉnh có 14.300 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap đủ cho xuất khẩu; hơn 15.000 ha với 149 mã vùng đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc; 218 ha với 19 mã vùng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Úc; 80 ha để được chứng nhận tiêu chuẩn Global Gap, đáp ứng cho thị trường EU.

Trong năm nay, Sở Nông nghiệp và PTNT cũng đã triển khai kế hoạch sản xuất 50 ha để sản xuất cho thị trường Nhật Bản. Song thực tế chúng ta đã sản xuất được 103 ha, ước sản lượng 600 tấn để phục vụ cho thị trường Nhật Bản. Qua kiểm tra, test thử, chúng ta có thể khẳng định chất lượng vải thiều của Bắc Giang hoàn toàn đảm bảo cho yêu cầu của thị trường Nhật Bản và tất cả các thị trường khó tính khác.

Có thể khẳng định rằng, năm nay chúng ta tổ chức sản xuất khá chặt chẽ, đảm bảo từng khâu, từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển của quả vải đáp ứng yêu cầu của từng thị trường. Chúng ta đang chủ động sản xuất gắn với an toàn sinh học và hệ sinh thái khác; hướng tới sản xuất hữu cơ nhằm bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ người sản xuất và nâng cao giá trị của quả vải, tạo hướng đi bền vững cho người nông dân.

MC: Thưa ông La Văn Nam, huyện Lục Ngạn là địa bàn trọng điểm sản xuất vải thiều, được nhiều người coi là “thủ phủ” hay “kinh đô” vải thiều. Vậy để vải thiều bảo đảm tiêu chuẩn tiêu thụ trong nước, đặc biệt là xuất khẩu sang thị trường khó tính, xây dựng được thương hiệu thì công tác chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các nhà vườn trên địa bàn huyện đã được thực hiện như thế nào?

Ông La Văn Nam: Huyện Lục Ngạn đã chỉ đạo các phòng, đơn vị  chuyên môn tổ chức giám sát, kiểm tra và hướng dẫn, chỉ đạo người nông dân tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap và các mã vùng trồng được các thị trường khó tính cấp như: Mỹ, Nhật Bản, Châu Âu đặt hàng. Cùng với đó, huyện cũng thành lập Ban chỉ đạo cho sản xuất vải thiều.

Riêng đối với các mã vùng trồng vải để xuất khẩu sang các thị trường khó tính, huyện đã thành lập một bộ phận chuyên môn, mỗi một nhà vườn thành lập ít nhất 2 cán bộ chuyên môn để thường xuyên giám sát, theo dõi, kiểm tra hàng ngày, đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình về kỹ thuật chăm sóc vải thiều, bao gồm: Thuốc bảo vệ thực vật đúng chủng loại, thời gian phun thuốc, thời gian bón thúc cho vải… Qua quá trình triển khai, giám sát đến nay đã cho thấy chất lượng quả vải năm nay tốt nhất so với các năm trước.

MC: Thưa ông Nguyễn Văn Phương, những năm gần đây, thị trường tiêu thụ vải thiều của tỉnh Bắc Giang ngày càng được mở rộng cả trong và ngoài nước. Tuy nhiên, thị trường xuất khẩu vẫn chủ yếu sang Trung Quốc qua cửa khẩu của hai tỉnh Lạng Sơn và Lào Cai. Hiện nay, các cửa khẩu đã mở cửa trở lại và hơn 300 thương nhân Trung Quốc đăng ký đến Lục Ngạn thu mua vải thiều. Vậy, tỉnh đã có những biện pháp gì để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các thương nhân thu mua vải thiều?

Ông Nguyễn Văn Phương cho biết công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại được Sở Công Thương
triển khai tích cực. Ảnh: BGP/Nguyễn Miền

Ông Nguyễn Văn Phương: Bắc Giang cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các thương nhân trong và ngoài nước đến thu mua, tiêu thụ vải thiều. Để tạo điều kiện thuận lợi cho thương nhân nước ngoài đến Bắc Giang thu mua, tiêu thụ vải thiều, UBND tỉnh đã gửi văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ và Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an cho phép gần 400 thương nhân Trung Quốc đã đăng ký, được nhập cảnh vào Việt Nam và đến Bắc Giang để thu mua, tiêu thụ vải thiều. Đồng thời, cho phép các chuyên gia kiểm dịch thực vật của Nhật Bản được nhập cảnh để thực hiện công tác giám sát quy trình xử lý vải thiều, đảm bảo đúng tiêu chuẩn xuất khẩu sang Nhật Bản.

Đến nay, chuyên gia Nhật Bản đã đến Bắc Giang và có hơn 100 thương nhân Trung Quốc đã được huyện Lục Ngạn phối hợp với CDC Bắc Giang đón từ cửa khẩu Hữu Nghị - Lạng Sơn về các Khách sạn tại Lục Ngạn để thực hiện các biện pháp cách ly, kiểm tra y tế theo quy định. Bắc Giang hỗ trợ tiền ăn cho các thương nhân Trung Quốc trong thời gian cách ly 14 ngày.  

Ngay từ đầu mùa vụ, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành đơn giản hóa các thủ tục hành chính như: Thủ tục đăng ký tạm trú, tạm vắng, thủ tục vay vốn, rút tiền, chuyển tiền… để tạo điều kiện thuận lợi cho các thương nhân thu mua, chế biến, tiêu thụ vải thiều. Chỉ đạo các địa phương, doanh nghiệp làm tốt công tác chuẩn bị: kho, bãi tập kết, các điểm cân, chuẩn bị đủ lượng thùng xốp, đá cây, bao bì để phục vụ cho việc bao gói, bảo quản, vận chuyển vải thiều; đồng thời đã chỉ đạo các lực lượng chức năng xây dựng phương án đảm bảo các điều kiện về an ninh, trật tự, an toàn giao thông… 

Tỉnh cũng đã trao đổi, làm việc với UBND các tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai và Hải quan các cửa khẩu Lạng Sơn, Lào Cai để tạo điều kiện cho việc vận chuyển, thông quan được nhanh chóng, thuận lợi.

MC: Bên cạnh thị trường chính Trung Quốc thì các thị trường xuất khẩu của vải thiều Bắc Giang trong năm 2020 như: Nhật Bản, Hoa Kỳ, Úc, Châu Âu và các nước khác ra sao, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Phương: Nhằm đa dạng hóa thị trường tiêu thụ vải thiều, ngoài việc đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường truyền thống Trung Quốc, Bắc Giang tiếp tục khai thác các thị trường tiềm năng như: Mỹ, Úc, EU, Malaysia, Thái Lan và các thị trường mới như: Nhật Bản, Singapore, Ấn Độ và các nước Trung Đông…

Để đạt được mục tiêu xuất khẩu 80.000 tấn vải, Bắc Giang đã phối hợp với Bộ Công Thương mà trực tiếp là Cục Xúc tiến thương mại, Vụ Thị trường Châu Á - Châu Phi, Vụ Thị trường Châu Âu - Châu Mỹ, các Thương vụ, Tham tán thương mại tại các nước, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại. UBND tỉnh tổ chức tốt các hội nghị xúc tiến trực tuyến, kết nối giao thương trực tuyến, để qua đó giúp các doanh nghiệp, các thương nhân kinh doanh hoa quả, trái cây kết nối, đẩy mạnh xuất khẩu quả vải của Bắc Giang sang thị trường các nước.

Tại hội nghị trực tuyến ngày 06/6/2020 vừa qua, ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương đã có bài phát biểu chỉ đạo các cục, vụ, viện của Bộ Công Thương. Các Thương vụ, Tham tán thương mại đã được Bộ cử sang các nước, tích cực phối hợp, hỗ trợ Bắc Giang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá để người tiêu dùng trên thế giới biết được đặc tính, giá trị dinh dưỡng của quả vải. Qua đó kết nối, đẩy mạnh giao dịch xuất khẩu, từng bước tăng sản lượng và giá trị quả vải Bắc Giang trên thị trường quốc tế, đặc biệt là các thị trường quan trọng và mới nổi như Trung Quốc, Singapore, Úc, Nhật Bản…

MC: Trước khó khăn chung do dịch bệnh Covid-19, tỉnh đã xây dựng kế hoạch xúc tiến, tiêu thụ vải thiều và chuẩn bị kỹ các kịch bản để ứng biến kịp thời với thị trường. Vậy ông đánh giá như thế nào về thị trường nội địa, giải pháp khai thác tối đa thị trường này là gì?

Ông Nguyễn Văn Phương: Xác định thị trường nội địa (với gần 100 triệu dân) là thị trường lớn và có tính ổn định cao, nó sẽ là thị trường “cứu cánh” trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Vì vậy, Bắc Giang đã sớm phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương); Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), làm việc với Tập đoàn Central Group, Mega Market, Aeon, Saigon.cop và các doanh nghiệp/HTX/Ban Quản lý các chợ đầu mối hoa quả... để bàn giải pháp đưa sản phẩm vải thiều của Bắc Giang vào các kênh phân phối (bán buôn, bán lẻ).

Đến nay, vải thiều của Bắc Giang đã được tiêu thụ trong hệ thống Trung tâm TM, siêu thị lớn như: Co.opmart, Happro, BigC… và đã tiêu thụ với sản lượng lớn tại các chợ đầu mối hoa quả tại TP Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai...

Để khai thác tối đa thị trường nội địa, Sở Công Thương đã trao đổi, đề nghị hệ thống cơ quan ngành dọc (đó là Sở Công Thương các tỉnh, thành phố) chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại tổ chức các chương trình kết nối, giới thiệu, cung cấp danh sách, thông tin, địa chỉ của các thương nhân kinh doanh hoa quả, trái cây để các thương nhân liên hệ, trao đổi, mua bán, tiêu thụ vải thiều; đồng thời làm đầu mối hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các thương nhân kết nối, thu mua, tiêu thụ vải thiều và trao đổi, mua bán hàng hóa hai chiều.  

Hiện nay, Sở Công Thương đang kết nối, làm việc với các đơn vị kinh doanh du lịch, lữ hành để đưa sản phẩm vải thiều vào tiêu thụ tại hệ thống các nhà hàng, khách sạn, các khu, điểm du lịch trên cả nước; trong đó, chú trọng tổ chức giới thiệu, trưng bày và bán sản phẩm vải thiều chất lượng cao trong các nhà hàng, khách sạn, sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch.

Bên cạnh đó, tỉnh Bắc Giang luôn khuyến khích, tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã đẩy mạnh chế biến vải thiều dưới các hình thức: đóng hộp, ép nước, sấy khô… để từng bước nâng cao giá trị quả vải.

Theo ông Lê Bá Thành - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, để tạo ra các chuỗi sản phẩm giá trị,
cần gắn kết được giữa người nông dân với doanh nghiệp. Ảnh: BGP/Nguyễn Miền

MC: Thưa ông Lê Bá Thành, nhằm nâng cao giá trị của vải thiều, ngoài việc xúc tiến tiêu thụ vải thiều tươi, chúng ta có những giải pháp gì để mời gọi các doanh nghiệp, các tổ chức, đơn vị sản xuất, kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp trong và ngoài tỉnh quan tâm chế biến và tiêu thụ vải thiều cũng như các mặt hàng nông sản của địa phương để tạo hướng đi bền vững cho người nông dân?

Ông Lê Bá Thành: Bắc Giang có nhiều lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, tài nguyên, nguồn nhân lực để sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang vẫn còn mang tính chất mạnh mún, nhỏ lẻ. Ngay như trên địa bàn huyện Lục Ngạn, diện tích cây ăn quả khoảng 28.000 ha nhưng có tới khoảng 50.000 hộ dân sản xuất cây ăn quả, như vậy đủ cho thấy diện tích còn manh mún.

Vì vậy, vai trò của doanh nghiệp tham gia vào sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông sản trong tỉnh là rất quan trọng. Qua đó, sẽ góp phần vừa giải quyết vấn đề manh mún, đồng thời tạo liên kết sản xuất để đảm bảo đủ năng lực vươn tới các thị trường tiềm năng, mang lại hiệu quả kinh tế và đảm bảo được tiêu thụ nông sản bền vững cho người nông dân.

Muốn làm được điều này, chúng ta cần phải tập trung tháo gỡ những nút thắt để doanh nghiệp và nhà nông được tiếp cận gần hơn. Vì vậy, điều đầu tiên chúng ta phải làm đó là thực hiện tốt việc áp dụng và chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Qua đó, dần thay đổi tư duy của người nông dân. Liên kết trong sản xuất nông nghiệp cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình, không nên làm tùy tiện, làm theo cách nghĩ của cá nhân gây ảnh hưởng đến chất lượng của sản phẩm nông sản.

Tiếp đến, cần phải quan tâm đến đổi mới tổ chức sản xuất, vì các hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ thì chất lượng sản phẩm không đồng đều, dẫn tới lãng phí nhiều nguồn lực đi kèm. Chúng ta phải đẩy mạnh đổi mới sản xuất bằng việc thành lập các tổ hợp tác, đặc biệt là các mô hình hợp tác xã. Các mô hình mới này muốn triển khai hiệu quả, phải đi vào thực chất, có đầy đủ năng lực quản lý, cách quản trị, nguồn nhân lực… để tránh gây lãng phí trong sản xuất, tạo ra sức cạnh tranh cho sản phẩm. Cùng với đó, phải tạo được cầu nối với các doanh nghiệp, phải đưa các sản phẩm đến gần hơn với doanh nghiệp, để từ đó nâng cao giá trị sản phẩm tạo hướng đi bền vững.

Bên cạnh đó, chúng ta cần tiếp tục quan tâm đến việc sơ chế, đóng gói sản phẩm. Hiện nay, chúng ta có khoảng 288 cơ sở đóng gói, nhưng duy nhất chỉ có một cơ sở đóng gói đang được hoàn thiện mới đảm bảo được yêu cầu phục vụ cho xuất khẩu đến thị trường EU, Nhật Bản và các nước khác. Cơ sở mới đang trong quá trình kiểm tra hoàn thiện. Rõ ràng, có sản phẩm tốt chưa đủ mà cần phải có sản phẩm chất lượng đem lại giá trị gia tăng cho người sản xuất. Vì vậy, đòi hỏi chúng ta phải đầu tư cao cho việc hoàn hoàn thiện tổ chức lại các cơ sở sơ chế, đóng gói để đảm bảo các tiêu chuẩn xuất khẩu của các thị trường như: EU, Nhật Bản, Mỹ,… trong thời gian tới.

Cùng với đó, chúng ta phải tạo cơ chế, chính sách thuận lợi để mời gọi các doanh nghiệp vào đầu tư. Trong đó, tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính từ cấp cơ sở, nhất là vấn đề về đất đai, thủ tục hành chính… để các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp được tiếp cận nhanh, an toàn, hiệu quả.

Vì đầu tư vào nông nghiệp rủi ro rất cao, nên chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nông nghiệp cần một nguồn vốn lớn và phải được triển khai hiệu quả hơn. Do sản xuất nông nghiệp có tính mùa vụ nên việc sử dụng nguồn vốn hỗ trợ nếu tuân thủ theo các quy trình thì sẽ bị chậm. Vì vậy, trong thời gian tới, để tạo ra các chuỗi sản phẩm giá trị, gắn kết được giữ người nông dân với doanh nghiệp, chúng ta phải làm tốt từ khâu xác định các chuỗi giá trị. Khó khăn ở chỗ nào chúng ta phải có kinh phí hỗ trợ ở chỗ đó, có như vậy sản xuất mới mang tính bền vững.

Theo ông La Văn Nam, công tác bảo quản vải thiều tươi cũng như chế biến các sản phẩm từ vải thiều
được huyện Lục Ngạn coi trọng triển khai. Ảnh: BGP/Nguyễn Miền

MC: Còn với huyện Lục Ngạn, công tác bảo quản vải thiều tươi cũng như chế biến các sản phẩm từ vải thiều được huyện triển khai như thế nào, thưa ông La Văn Nam?

Ông La Văn Nam: Chúng tôi xác định công tác bảo quản vải thiều tươi cũng như chế biến các sản phẩm từ vải thiều là khâu quan trọng, để đảm bảo cho chất lượng quả vải đến với các bạn hàng được tốt nhất. Cụ thể, chúng tôi đã tích cực phối hợp với các Cục, Viện của Trung ương và đặc biệt là Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Khoa học và Công nghệ để nghiên cứu, ứng dụng các biện pháp bảo quản sản phẩm như: Phương pháp màng bao gói khí quyển biến đổi, công nghệ ứng dụng công nghệ CAS của Nhật Bản… để giữ nguyên được cấu trúc, hương vị, màu sắc, dinh dưỡng của quả vải  phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu tại các thị trường khó tính.

Cùng với đó, huyện cũng đẩy mạnh phối hợp với các nhà máy chế biến tạo sản phẩm nước ép vải, vải đóng hộp theo tiêu chuẩn Nhật Bản, Mỹ hay như vải bóc cùi, vải sấy khô để phục vụ cho thị trường xuất khẩu.

Ngoài ra, huyện cũng chỉ đạo các cơ sở sản xuất sản phẩm phụ trợ, đáp ứng đầy đủ cho nhu cầu đóng gói vải thiều xuất khẩu. Hiện nay, trên địa bàn huyện Lục Ngạn có 3 cơ sở sản xuất thùng xốp với công suất khoảng 4 triệu thùng xốp mỗi năm và 42 nhà máy sản xuất đá cây phục vụ cho mùa vải. Đến nay, các cơ sở này đang vận hành rất tốt, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu bảo quản vải thiều xuất khẩu.

MC: Lục Ngạn là một địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, vậy việc kết hợp phát triển du lịch với việc quảng bá các sản phẩm du lịch như vải thiều của địa phương được huyện triển khai như thế nào?

Ông La Văn Nam: Có thể nói, ngay từ rất sớm khi hình thành vùng cây ăn quả, huyện Lục Ngạn đã sớm xây dựng đề án phát triển miệt vườn và du lịch sinh thái miệt vườn. Để triển khai đề án này, huyện đã tích cực tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm của các địa phương trong nước. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cụ thể hóa đề án, tiến hành quy hoạch các vùng trái cây khác nhau và xây dựng các điểm du lịch để phục vụ khách tham quan, trải nghiệm. Ngoài ra, Lục Ngạn cũng đẩy mạnh phát triển du lịch tâm linh với các điểm du lịch như: Đền Am Vãi, đền Từ Hả, đền Khánh Vân… gắn với du lịch vùng hồ như: Cấm Sơn, Khuôn Thần…

Nhằm thu hút khách tham quan, du lịch đến với Lục Ngạn, UBND huyện cũng thường xuyên kết hợp tổ chức các sự kiện trong năm gắn với mùa thu hoạch của từng loại trái cây trong vùng. Do vậy, mặc dù mới triển khai song mỗi năm Lục Ngạn thu hút hàng vạn khách du lịch đến tham quan và trải nghiệm tại các vườn cây ăn quả. Qua đó, tạo sự gắn kết, thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao chất lượng vải thiều Lục Ngạn. Ảnh: BGP/Dương Thủy

MC: Thưa ông Nguyễn Văn Phương, ở những vụ trước đã từng xảy ra tình trạng người dân trồng vải bị thương lái ép cấp, ép giá. Vậy, trong vụ thu hoạch năm nay, Sở Công Thương có những biện pháp cũng như khuyến cáo gì để tránh tình trạng đó?

Ông Nguyễn Văn Phương: Để chống gian lận thương mại và các hành vi kinh doanh trái pháp luật, gây thiệt hại cho người trồng vải, UBND tỉnh đã chỉ đạo Cục Quản lý thị trường, phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng, tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm theo pháp luật đối với trường hợp vi phạm. Trong đó chú trọng kiểm tra, xử lý các hành vi ép cấp, ép giá, sử dụng phương tiện cân, đo chưa được kiểm định, gây thiếu hụt, thiệt hại cho người bán vải.

Qua chương trình này, tôi xin khuyến cáo đến bà con (người trồng vải) như sau:

Thứ nhất, khi thu hoạch vải nên phân loại phẩm cấp, quy cách theo yêu cầu của từng thị trường (Ví dụ: vải thiều bán cho thương nhân xuất khẩu phải cắt tỉa cuống theo đúng quy cách, không để cuống quá dài, bó lẫn lá, nhưng bán cho thương nhân thu mua, tiêu thụ trong nước thì bó vải phải có lá để quả vải tươi lâu và trông đẹp mắt hơn, đối với vải có mẫu mã không được đẹp thì cần phân loại và bán cho cơ sở chế biến, sấy khô).

Thứ hai, trước khi đem vải thiều đi bán nên cân trước tại nhà để khi đến điểm cân dễ dàng phát hiện có sai số, thiếu hụt hay không và nên đến các điểm cân có uy tín để bán. Trường hợp phát hiện thấy thương nhân thu mua vải ép cấp, ép giá, trừ lùi cân hoặc các hành vi gian lận khác thì báo ngay cho cơ quan Quản lý thị trường theo số điện thoại đường dây nóng (0204.3559.389 hoặc 0981.027.389) đã được thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.

* Cùng với việc chủ động thực hiện hỗ trợ người dân sản xuất, thu hoạch, tiêu thụ, xúc tiến, quảng bá, Bắc Giang đang tạo mọi điều kiện thuận lợi cho thương nhân tiêu thụ vải thiều. Hy vọng những giải pháp tích cực sẽ mang lại vụ vải thành công. Chất lượng, thương hiệu vải thiều Bắc Giang sẽ tiếp tục được khẳng định, mở rộng thị trường tiêu thụ cả trong và ngoài nước./.

Nguyễn Miền (TH)

Trung bình (0 Bình chọn)