Cải thiện và nâng cao chỉ số PAPI: Giải pháp hướng đến người dân

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Vừa qua, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc tại Việt Nam (UNDP), Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ cộng đồng (CECODES) đã công bố kết quả chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2017, tỉnh Bắc Giang nằm trong nhóm 2, nhóm trung bình cao. Cổng Thông tin điện tử tỉnh Bắc Giang đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trung Hiếu - Trưởng Ban dân chủ pháp luật, Ủy ban MTTQ tỉnh xung quanh kết quả này.
Ông Nguyễn Trung Hiếu - Trưởng Ban dân chủ pháp luật, Ủy ban MTTQ tỉnh. Ảnh: BGP/Hải Huyền

PV: Kết quả chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2017 vừa được công bố. Ông đánh giá như thế nào về tính công khai, minh bạch của Dự án PAPI?

Ông Nguyễn Trung Hiếu: Qua gần 10 năm Dự án PAPI triển khai trên địa bàn tỉnh, với chức năng của MTTQ là cầu nối kết nối hoạt động Dự án với các địa phương và Dự án điều tra xã hội học, tôi đánh giá Dự án được thực hiện hết sức khoa học, khách quan và minh bạch.

Tính khách quan được thể hiện ở khâu lựa chọn địa phương, lựa chọn danh sách người dân, khảo sát đối tượng là hoàn toàn ngẫu nhiên. Ủy ban MTTQ tỉnh cung cấp danh sách của các huyện, thành phố, Dự án lựa chọn ngẫu nhiên trên địa bàn tỉnh 3 đơn vị. Trong đó, lựa chọn 1 đơn vị trung tâm là thành phố Bắc Giang và 02 huyện (01 huyện thuộc khu vực miền núi, 01 huyện thuộc khu vực trung du).

Sau đó, Dự án lựa chọn mỗi huyện 2 xã, trong đó có 1 xã trung tâm và 1 xã bất kỳ. Sau khi lựa chọn, Ủy ban MTTQ tỉnh lập danh sách các hộ dân từ đủ 18 tuổi đến dưới 70 tuổi đang sinh sống tại địa phương.

Dự án sẽ lựa chọn ngẫu nhiên, trong 3 huyện, thành phố lựa chọn 6 xã, thị trấn. Và mỗi xã, thị trấn lựa chọn 2 thôn. Trong 12 thôn lựa chọn 20 người dân ở các lứa tuổi, giới tính khác nhau để khảo sát, đánh giá.

PV: Vậy, để cải thiện và nâng bậc chỉ số PAPI, theo ông trong thời gian tới tỉnh cần có giải pháp như thế nào?

Ông Nguyễn Trung Hiếu: Trong thời gian tới, các cấp chính quyền cần nghiêm túc đánh giá, phân tích để thấy rõ những ưu điểm, hạn chế của mình trong quá trình thực hiện cải cách hành chính ở từng nội dung, từng lĩnh vực cụ thể nhằm đề ra những giải pháp thiết thực hơn, khắc phục những hạn chế, yếu kém một cách tập trung, trọng tâm và trọng điểm. Tham khảo, học tập kinh nghiệm của địa phương khác ở khu vực và cả nước để có sự điều chỉnh phù hợp trong quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và thực hiện thành công Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011 - 2020.

Tăng cường thông tin, tuyên truyền, quán triệt ý nghĩa của việc khảo sát Dự án PAPI đến mọi người dân nhằm thu hút sự tham gia của người dân vào dự án, có như vậy mới thu được kết quả tốt trong quá trình triển khai và thực hiện.

Đồng thời, các địa phương cần tập trung thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ quan, đơn vị và ở xã, phường, thị trấn, công khai để mọi người dân nắm được, có như vậy mới cải thiện được chỉ số PAPI của tỉnh.

Tiếp tục rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính, tránh rườm rà để mọi người dân, ở các trình độ khác nhau đều nắm được, công bố danh mục các dịch vụ hành chính công bằng các hình thức khác nhau đến tận khu dân cư. Đồng thời tăng cường trách nhiệm giải trình của chính quyền, cán bộ, công chức đối với những ý kiến, kiến nghị của người dân. Đây là một trong những kênh thông tin giúp người dân nắm được những chủ trương của Đảng và Nhà nước ở địa phương, qua đó sẽ có tác động đến chất lượng khảo sát PAPI trên địa bàn.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Trung bình (0 Bình chọn)