Bước chuyển mới trong sản xuất nông nghiệp hàng hoá ở Bắc Giang.

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Năm 2007, Chương trình sản xuất nông nghiệp hàng hoá (SXNNHH) trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có những bước tiến mới. Chuyển biến đó bắt nguồn từ hàng loạt chính sách mới hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng tăng lượng nông sản có

Chương trình phát triển SXNNHH giai đoạn 2006-2010 của tỉnh đề ra mục tiêu xây dựng các vùng chuyên canh như vùng cây ăn quả, cây công nghiệp ngắn ngày, cây thực phẩm, lúa chất lượng cao; vùng chăn nuôi, thuỷ sản…. Để thực hiện Chương trình này, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chính sách cụ thể nhằm khuyến khích nông dân tập trung phát triển đối tượng vật nuôi, cây trồng có ưu thế về thị trường, phù hợp với điều kiện của tỉnh. Đó là chính sách hỗ trợ đầu tư trồng rừng kinh tế, trồng nấm, khoai tây; hỗ trợ phát triển chăn nuôi - thú y, xây dựng mô hình cải tạo vùng cây ăn quả…Ngoài ra, nhiều huyện trong tỉnh có những định hướng riêng trong việc thực hiện Chương trình SXNNHH trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh của địa phương mình. Những chính sách, định hướng mới trong Chương trình này đã tác động tích cực đến sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Nếu như năm 2006, nhiều mô hình được xây dựng với quy mô nhỏ như là sự “thăm dò” thì đến năm 2007 đã được nhân ra trên diện rộng. Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và PTNT, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành vùng sản xuất lúa chất lượng cao với diện tích khoảng 1.800 ha, tập trung ở một số huyện như Yên Dũng, Việt Yên. Các giống lúa được gieo cấy ở khu vực này chủ yếu là lúa thơm N46, LT2, HT1, có năng suất tương đương với Khang dân 18, Q5 nhưng giá thóc thương phẩm cao hơn từ 700-1.000 đồng/kg. Dự kiến, năm 2008, lúa chất lượng cao sẽ tiếp được nhân rộng tại Tân Yên, Lạng Giang và Hiệp Hoà.

Trên cơ sở đề án phát triển sản xuất nấm do UBND tỉnh phê duyệt, năm 2007, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chi gần 600 triệu đồng hỗ trợ nông dân một phần về giống, vật tư, lán trại, xây dựng cơ sở chế biến nấm tại chỗ…Bên cạnh đó, Trung tâm Giống nấm Bắc Giang đã có nhiều nỗ lực trong việc chuyển giao kỹ thuật, cung ứng giống nấm bảo đảm chất lượng, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Nhờ đó, sản xuất nấm đang được mở rộng tại nhiều huyện trong tỉnh. Lượng nguyên liệu được sử dụng trồng nấm sò, nấm mọc nhĩ, nấm mỡ năm 2007 ước đạt khoảng 1.500 tấn, tăng 3 lần so với năm ngoái…Ngoài ra, diện tích rau, quả chế biến, khoai tây chất lượng cao trên địa bàn tỉnh cũng có xu hướng tăng. Thống kê sơ bộ, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh trồng gần 700 ha rau, quả chế biến các loại, trong đó có 245 ha gấc lai, một loại cây trồng mới cho hiệu quả kinh tế cao đang được trồng đại trà trên cơ sở các hợp đồng liên kết bao tiêu sản phẩm…Cùng với trồng trọt, lĩnh vực thuỷ sản cũng thu được kết quả khả quan. Ngoài chính sách hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, năm 2007, tỉnh tiếp tục trợ cước vận chuyển giống thuỷ sản cho những xã miền núi, vùng cao; triển khai dự án ứng dụng công nghệ sản xuất giống cá rô phi đơn tính; tăng cường công tác kiểm soát chất lượng đàn cá giống. Giai đoạn 2006-2010, ngành nông nghiệp chỉ đạo phát triển mạnh mô hình HTX, trang trại nuôi cá thịt theo hướng thâm canh nhằm nâng cao năng suất thuỷ sản. Đến nay, toàn tỉnh có 43 HTX và 102 trang trại nuôi trồng thuỷ sản. Sản lượng thuỷ sản năm 2007 ước đạt hơn 15 nghìn tấn…Với giá thị trường hiện nay, mô hình nuôi cá thâm canh cho thu nhập từ 150-200 triệu đồng/ha/năm…Ngoài những chính sách chung của tỉnh, một số huyện đã xây dựng những đề án riêng dựa trên đặc thù của địa phương mình. Điển hình như huyện Lục Ngạn thực hiện đề án chăn nuôi bò thịt thâm canh; huyện Yên Thế phát triển chăn nuôi gia cầm, xây dựng thương hiệu “gà đồi”; huyện Tân Yên tập trung xây dựng vùng sản xuất gia cầm giống bảo đảm chất lượng…

Với những chính sách, định hướng phù hợp, sự nỗ lực, thống nhất giữa chính quyền các cấp và người dân, Chương trình SXNNHH giai đoạn 2006-2010 đã và đang tạo nên một diện mạo mới cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Trung bình (0 Bình chọn)