Bảo hiểm xã hội Việt Nam triển khai công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế năm 2024

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Sáng 17/01, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai công tác BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2024. Dự tại điểm cầu Trung ương có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; đại diện lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương. Dự tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang có đồng chí Mai Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT tỉnh; các thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh.
Đồng chí Mai Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang.

Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) chịu ảnh hưởng tiêu cực của hậu đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, bằng sự nỗ lực của cán bộ, nhân viên các cấp, ngành BHXH Việt Nam đã nỗ lực vươn lên đạt nhiều kết quả khả quan.

Cụ thể, trong năm 2023, tỷ lệ người tham gia BHXH đạt khoảng 39,25% so với lực lượng lao động (LLLĐ) trong độ tuổi với 18,259 triệu người, trong đó khoảng 3,92% LLLĐ trong độ tuổi tham gia BHXH tự nguyện với gần 1,83 triệu người (vượt 1,42% so với mục tiêu giai đoạn đến năm 2025). Tỷ lệ người tham gia BHYT đạt 93,307 triệu người, tăng 2,45% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm khoảng 93,35% dân số. Tỷ lệ người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đạt 31,58% LLLĐ trong độ tuổi, với 14,693 triệu người.

Trong năm 2023, số tiền thu BHXH, BHYT, BHTN đạt 472.381 tỷ đồng, tăng 8,55% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 101,41% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao. Số tiền chậm đóng chiếm 2,69% số phải thu, đây là tỷ lệ thấp nhất tính từ năm 2016 tới nay.

Các chỉ tiêu bao phủ BHXH, BHYT, BHTN cơ bản đều tăng so với năm 2022 và vượt chỉ tiêu của Chính phủ giao. Năm 2024, BHXH đặt ra mục tiêu tỷ lệ LLLĐ trong độ tuổi tham gia BHXH khoảng 42,7%. Tỷ lệ LLLĐ trong độ tuổi tham gia BHTN khoảng 34,18%. Tỷ lệ dân số tham gia BHYT khoảng 94,11%.

BHXH Việt Nam đề ra 8 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2024. Trong đó, nhấn mạnh đến phương châm hành động trong toàn ngành “Đoàn kết, kỷ cương, linh hoạt, sáng tạo, chuyên nghiệp, hiệu quả, đổi mới, phát triển, lập thành tích xuất sắc hướng tới kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập BHXH Việt Nam”.

Tại hội nghị, BHXH các tỉnh, thành phố phát biểu tham luận làm rõ thêm kết quả đạt được, các hạn chế, bài học kinh nghiệm. 

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ghi nhận và biểu dương những kết quả đạt được của ngành BHXH trong năm qua. Đồng thời nhấn mạnh, năm 2024 nền KT-XH còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Vì vậy, để tiếp tục hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2024, ngành BHXH Việt Nam cần tiếp tục duy trì sự đoàn kết, nhiệt huyết, quyết tâm; đồng thời tập trung một số nhóm giải pháp trọng tâm như: Tiếp tục bám sát chủ trương, đường lối, định hướng, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, kịp thời cụ thể hóa thành các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, chương trình, kế hoạch công tác để triển khai trong toàn ngành.

Phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật BHXH, BHYT cho phù hợp; phản ứng chính sách chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả về những vấn đề mới, khó, phức tạp, nhạy cảm. Đổi mới hơn nữa nội dung, hình thức, phương pháp truyền thông để người dân có thể tiếp cận tốt nhất mọi thông tin về BHXH, BHYT; triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển người tham gia; đôn đốc thu, giảm tiền chậm đóng; giải quyết, chi trả kịp thời, đầy đủ các quyền lợi về BHXH, BHYT, BHTN. Đẩy nhanh chuyển đổi số; hoàn thiện và kết nối hệ thống dữ liệu chuyên ngành về BHXH, BHYT; cơ sở dữ liệu Quốc gia về bảo hiểm.

UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các sở, ban, ngành, chính quyền các cấp phối hợp chặt chẽ với ngành BHXH trong việc triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn. Đưa chỉ tiêu, kế hoạch thực hiện lộ trình phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN vào nghị quyết, chương trình hành động, xác định đây là một trong những chỉ tiêu quan trọng về phát triển KT-XH của địa phương.

Tại Bắc Giang, những kết quả nổi bật trong năm qua của BHXH tỉnh đã khẳng định được vị thế và vai trò quan trọng của ngành; từng bước khẳng định chính sách BHXH, BHYT là 2 trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, đóng góp tích cực vào sự phát triển KT-XH của tỉnh. Tính đến hết ngày 31/12/2023, toàn tỉnh thu được 9.059.121 triệu đồng, đạt 103,2%, tăng 10,4%. Tổng số người tham gia BHXH trên địa bàn tỉnh là 409.749 người, tăng 6,2% so với năm 2022. Riêng BHYT, có 1.772.562 người tham gia (tăng 41.415 người = 2,57% so với cùng kỳ năm 2022), đạt 100,2% kế hoạch BHXH Việt Nam giao; đạt trên 99,26% dân số của tỉnh có thẻ BHYT, dẫn đầu cả nước. Tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN toàn tỉnh là 135.850 tỷ đồng, đạt 1,55% số phải thu, thấp hơn kế hoạch giao là 0,08%. Số tiền chậm đóng tính lãi là 105.622 triệu đồng, đạt 1,15% số phải thu, thấp hơn 1,54% so với mặt bằng chung toàn quốc (toàn quốc là 2,69%), đứng trong tốp 5 cả nước.

Diệu Hoa

Trung bình (0 Bình chọn)