Bản Anh hùng ca Điện Biên Phủ (kỳ 3)

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” ngày 7 tháng 5 năm 1954 đã đánh dấu một mốc son chói lọi của dân tộc ta chiến thắng chủ nghĩa thực dân, mở ra một trang sử mới. Đó là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Trong chiến thắng vang dội và rực rỡ ấy, cùng với tinh thần chiến đấu anh dũng của quân đội ta, còn có lòng nhiệt tình cách mạng, sự quả cảm của những dân công, TNXP một lòng vì Điện Biên Phủ. Và Bắc Giang tự hào vì có những con người như thế.

Kỳ 3: Bắc Giang với Điện Biên Phủ

 

Tại Bảo tàng Bắc Giang, những bức ảnh, tư liệu, hiện vật phản ánh một cách chân thực và khái quát nhất về Chiến dịch Điện Biên Phủ. Chúng phần nào cho thấy khí thế chiến đấu cùng những đóng góp của quân và dân Bắc Giang trong Chiến dịch lịch sử này, cũng như trong cuộc kháng chiến chín năm chống Pháp.

Là người dân thành phố Bắc Giang đến tham quan, bà Đỗ Thị Hồi kể: “Được dự chiến dịch Điện Biên Phủ mới thấy hết được lòng dân. Cả nước ta, dù người ở hậu phương hay tiền tuyến rất phấn khởi và hào hùng. Chúng tôi mới đến Yên Bái mà suốt ngày đêm lúc nào cũng có tiếng máy bay. Chúng tôi viết tâm thư, dù khó khăn đến bao nhiêu chăng nữa cũng hoàn thành tốt những công việc được giao. Và để lúc nào giải phóng Điện Biên xong, chúng tôi về giải phóng Bắc Giang”.

 

Xe đạp thồ phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ được trưng bày tại Bảo tàng Bắc Giang

Trở lại thời điểm cách nay 61 năm. Bước vào mùa Xuân năm 1954, khi Chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu, quân dân Bắc Giang càng ra sức thi đua giết giặc lập công, đóng góp sức người, sức của cho tiền tuyến với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”. Ở các vùng tạm chiếm, nhân dân tích cực đấu tranh chống địch bắt phu, bắt lính, vận động ngụy quân, ngụy quyền trở về với chính nghĩa. Lực lượng du kích ra sức đánh địch, phá đường giao thông tiếp viện của chúng, đồng thời bảo vệ các tuyến đường vận chuyển của ta. Lực lượng vũ trang trong tỉnh liên tục chủ động tiến công địch với các hình thức chiến thuật đánh phục kích, tập kích, bao vây bắn tỉa được vận dụng linh hoạt và đạt hiệu quả cao.

Ngày 13/3/1954, quân ta nổ súng đánh địch ở Điện Biên Phủ, mở đầu chiến dịch lịch sử. Trên chiến trường Bắc Giang, địch phải điều động một tiểu đoàn lên tiếp viện cho Điện Biên Phủ, số quân còn lại phần lớn trong tình trạng hoang mang dao động.

Trước tình hình diễn biến trên, Tỉnh ủy Bắc Giang yêu cầu các lực lượng vũ trang cần tranh thủ tiến công tiêu diệt sinh lực địch, bao vây các vị trí và kiềm chế pháo binh địch từ Phủ Lạng Thương bắn lên Đèo Cà. Ngày 15/3/1954, một tiểu đội trinh sát đã đánh đắm một tàu chiến, ba ca nô của địch, diệt gọn 100 tên trên đoạn sông Cầu thuộc khu vực Phả Lại. Những ngày tiếp theo, một bộ phận của Tiểu đoàn 61 và bộ đội Lục Ngạn phối hợp tập kích diệt gọn bọn tề phản động ở Từ Xuyên. Lực lượng vũ trang bố trí nhiều trận phục kích trên các đoạn đường 1A, 13B và nhiều trận vận dụng chiến thuật độn thổ (chôn quân) đánh địch, chặn đường tiếp viện của chúng đến các vị trí đang bị ta vây hãm.

Nhiều hình thức đấu tranh binh vận được thực hiện như rải truyền đơn, dán áp phích, vây bốt kết hợp với gọi loa khuyên địch ra hàng, tổ chức binh lính địch đấu tranh chống đi càn, đi tiếp viện cho chiến trường Điện Biên Phủ và đòi giải ngũ. Những cuộc đấu tranh trên đều giành được thắng lợi quan trọng, hàng nghìn lính ngụy đã trở về với nhân dân và hàng trăm lính đánh thuê người Âu – Phi đòi hồi hương.

Thắng lợi trên mặt trận đấu tranh binh vận của tỉnh Bắc Giang đã góp phần làm suy yếu và tan rã hàng ngũ địch, ngăn chặn được phần lớn sự tiếp viện của chúng cho chiến trường Điện Biên Phủ.

Với quyết tâm tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã khắc phục mọi khó khăn, trở ngại, ngày đêm dồn sức phục vụ Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Hàng vạn người từ những làng quê vùng tự do đến các vùng còn bị địch tạm chiếm đã hăng hái xung phong đi dân công phục vụ hỏa tuyến và trung tuyến. Những người không có điều kiện đi phục vụ chiến dịch thì ra sức sản xuất, góp phần cung cấp của cải vật chất cho tiền tuyến.

Để bảo vệ các tuyến đường giao thông vận tải từ hậu phương ra tiền tuyến được thông suốt, an toàn, Ban cầu, đường, phà từ tỉnh đến các địa phương được thành lập và tích cực hoạt động. Tuyến đường qua Đèo Cà (huyện Yên Thế, Bắc Giang) - Pha Đin - Điện Biên Phủ là một trong các tuyến đường vận chuyển quan trọng cho Chiến dịch Điện Biên Phủ luôn bị máy bay địch ném bom, bắn phá ác liệt trong suốt  thời gian diễn ra chiến dịch. Công nhân đội phá bom và hơn một vạn dân công của Bắc Giang trên dọc tuyến đường vận chuyển dài 20 km đã kiên cường bám trụ, dũng cảm tháo gỡ bom nổ chậm, nhanh chóng sửa lại đường, cầu, phà đảm bảo giao thông thông suốt. Dân công và thanh niên xung phong của tỉnh Bắc Giang còn được Liên Khu Việt Bắc giao nhiệm vụ làm ba đoạn đường vòng dài 25 km, tránh trọng điểm Đèo Cà. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, gian khổ nhưng anh chị em công nhân, thanh niên xung phong và dân công vẫn quyết tâm ngày đêm lao động khẩn trương, nên chỉ sau một tháng, ba đoạn đường trên đã được hoàn thành. Sau khi làm xong tuyến đường, lực lượng TNXP đã hướng dẫn cho 365 lần ô tô chở hàng và kéo pháo an toàn lên Điện Biên Phủ.

Bà Đặng Thị Phú – Cựu TNXP C231 kể: “Có khẩu hiệu của Bác “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”, chúng tôi là thanh niên đi làm trên đường này, người thì vác cây, chặt lá, người thì vác đất rải xuống đường. Sáng chúng tôi làm, chiều thì đại bác, moóc-chê, pháo sáng bắn từ Buộm lên Đèo Cà, nguy hiểm lắm”.

Ông Lưu Văn Màng, cũng là cựu TNXP C231, hiện đã hơn 80 tuổi, không giấu nổi xúc động, tiếp lời: “Anh em chúng tôi cứ trực chiến, không sợ hi sinh, sẵn sàng hi sinh để phục vụ con đường này”.

 

TNXP mở đường lên Điện Biên Phủ với quyết tâm: “Không có việc gì khó…”

Trước yêu cầu về khối lượng vận chuyển cho chiến dịch ngày càng lớn và khẩn trương, tỉnh Bắc Giang đã nhanh chóng huy động mọi lực lượng, phương tiện và khả năng sẵn sàng có của nhân dân để làm nhiệm vụ tiếp lương, tải đạn ra mặt trận phục vụ chiến đấu. Hàng vạn dân công, hàng nghìn xe đạp, gần một nghìn xe trâu, bò kéo và ngựa thồ, ngày đêm rầm rập lên đường tham gia vận tải phục vụ chiến dịch.

Từ chiến dịch Thu Đông 1952 đến Đông Xuân 1952-1953, hàng nghìn đoàn viên, thanh niên các huyện: Yên Thế, Tân Yên, Việt Yên, Lạng Giang, Yên Dũng đã tình nguyện lên chiến khu Việt Bắc tham gia các đơn vị TNXP thuộc các Đội 36, 38, 40. Đội viên TNXP trong tỉnh đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ cùng bộ đội giành nhiều chiến thắng vẻ vang.

 

Lực lượng dân công hỏa tuyến phục vụ chiến dịch Đông Xuân 1953 – 1954,
chuẩn bị cho trận quyết chiến tại Điện Biên Phủ.

Trên mặt trận ở địa phương, tỉnh thành lập 2 đại đội TNXP chống Pháp C231 và C232 với gần 500 cán bộ, đội viên dưới sự quản lý và chỉ đạo của Ty Giao thông công chính tỉnh Bắc Giang.

Số đông đội viên TNXP cắm chốt tại trọng điểm Đèo Cà thuộc xã Đồng Hưu, huyện Yên Thế, đảm nhận nhiệm vụ ứng cứu cầu, đường, phà Tân Sỏi phục vụ vận chuyển vũ khí, đạn dược do các nước XHCN viện trợ từ cửa khẩu Đồng Đăng qua Phổng Mẹt theo quốc lộ 13 qua Tân Sỏi, Bố Hạ, Đèo Cà, Bo Non lên Việt Bắc, Tây Bắc phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.

Đèo Cà là trọng điểm độc đạo, ác liệt, một bên là vực sâu, một bên sát vách núi cao. Trong 35 ngày đêm cuối chiến dịch Điện Biên Phủ, địch tập trung hoả lực "chụp" xuống Đèo Cà hơn 120 tấn bom, hơn 6.300 quả đại bác, biến nơi đây thành một "chảo lửa". Nhưng dưới làn mưa bom bão đạn của kẻ thù, TNXP C231 - C232 đã thề "Quyết tử cho Đèo Cà quyết sinh”. Đèo Cà vẫn thông tuyến để hơn 2.500 lượt ô tô chở hàng lên tiền tuyến an toàn. Đó được coi là một kỳ tích. Kỳ tích đó không chỉ là mồ hôi mà còn cả nước mắt và máu của hàng trăm TNXP đã đổ xuống, trong đó 6 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh. Cùng với những địa danh: dốc Pha Đin, đèo Lũng Lô, ngã ba Cò Nòi, cái tên Đèo Cà đã được lịch sử khắc ghi, góp phần làm rạng rỡ trang sử vàng của dân tộc.

Bà Bùi Thị Định – Cựu TNXP C231 năm nay đã hơn 80 tuổi, giọng nói không còn vang rõ nhưng vẫn chứa đựng nhiệt huyết khi nhắc lại một thời máu lửa: “Đêm chúng tôi đi lấp hố bom, ngày thì chúng tôi chặt cây ở trong rừng vác ra để chèn cho xe đi. Tôi và đồng đội có lần suýt chết vì bom nổ chậm, may có ô tô chắn quả bom”.

 

Những Cựu TNXP C231 thắp hương tưởng nhớ đồng đội đã hi sinh tại Đèo Cà.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, tỉnh Bắc Giang có gần 1.600 TNXP. Ngoài lực lượng TNXP phục vụ vận chuyển vũ khí và hàng hậu cần từ Đèo Cà lên Việt Bắc, nhiều đơn vị TNXP được giao nhiệm vụ theo đường 13 qua phà Âu Lâu (Yên Bái) sang Thượng Bằng La, Ba Khe, qua trạm T100 nhận cơ số lương thực trước khi sang đường 41 lên ngã ba Cò Nòi... Theo yêu cầu của cấp trên, tỉnh Bắc Giang còn chi viện 2 nghìn cán bộ, đội viên TNXP trong thành phần lực lượng dân công hỏa tuyến phục vụ chiến dịch Đông Xuân 1953 - 1954, chuẩn bị cho trận quyết chiến tại Điện Biên Phủ. Những địa danh thế hệ TNXP Bắc Giang đi qua mãi trở thành những địa danh bất tử: "Đèo Cà Suối Rút, Lũng Lô/ Cò Nòi, Tuần Giáo, Chợ Bờ, Pha Đin/ Để nên chiến thắng Điện Biên/ Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng".

 

Đèo Cà hôm nay

Tại chiến dịch Điện Biên Phủ, trong các đơn vị bộ đội chủ lực cũng có nhiều cán bộ, chiến sĩ là con em quê hương Bắc Giang trực tiếp tham gia chiến đấu rất mưu trí, dũng cảm và lập được nhiều thành tích xuất sắc. Bắc Giang vinh dự có 4 người con ưu tú được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đó là các anh hùng: Nguyễn Văn Ty, Lưu Viết Thoảng, Chu Văn Mùi và Trần Đình Hùng.

Về xã Cảnh Thụy, huyện Yên Dũng, chúng tôi đến thăm Anh hùng LLVTND Trần Đình Hùng. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ông là chiến sĩ Trung đoàn 36, Đại đoàn 308. Giờ đây đã 84 tuổi, ông vẫn minh mẫn kể lại cho chúng tôi nghe những ngày chiến đấu không thể nào quên. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954, khẩu đội của ông làm nhiệm vụ phòng ngự đồi 106. Địch tập trung 1 tiểu đoàn, có máy bay và pháo binh yểm trợ, tấn công lên trận địa phòng ngự của đơn vị chỉ có 1 khẩu ĐKZ và 1 tiểu đội bộ binh gồm 20 người. Bộ binh địch tiến lên, kính ngắm ĐKZ bị hỏng, ông ngắm qua nòng pháo, hô cho xạ thủ bắn, ngay phát thứ nhất đã trúng đội hình địch. Nhiều lần bọn địch xông lên đều bị pháo ĐKZ của khẩu đội Trần Đình Hùng bắn trúng đội hình, buộc phải rút lui ra xa. Pháo địch bắn ác liệt vào trận địa khẩu đội, anh em bị thương vong hết, ông đặt nòng pháo lên miệng chiến hào tiếp tục bắn. Kết quả trận địa được giữ vững, khẩu đội ĐKZ do ông chỉ huy đã bắn diệt tại chỗ 40 tên địch, phá hủy một súng cối 81 ly. Ông vui vẻ nói về cảm xúc của mình trong chiến đấu: “Chúng tôi quyết tâm chiến đấu, lúc đấy không sợ hi sinh, gian khổ. Ai nghĩ được phong anh hùng hay thế này, thế khác mà chỉ nghĩ quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh như quân đoàn thủ đô”.

 


Anh hùng LLVTND Trần Đình Hùng: “Ai nghĩ được phong Anh hùng hay thế này,
thế khác mà chỉ nghĩ: Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Với tinh thần ấy, sau 56 ngày đêm chiến đấu cực kỳ anh dũng của quân và dân ta, trong đó có quân dân Bắc Giang, chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã toàn thắng. Ta tiêu diệt và bắt sống 16.200 tên địch, bắn rơi và phá huỷ 62 máy bay, thu toàn bộ vũ khí, kho xăng, đạn dược, quân trang quân dụng. Chiến thắng vang dội ở Điện Biên Phủ đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của ta tại Hội nghị Giơnevơ, buộc Pháp phải ký Hiệp định tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam. Đồng thời đánh dấu sự sụp đổ hoàn toàn của chủ nghĩa thực dân cũ trên toàn bán đảo Đông Dương, cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước Á, Phi, Mỹ Latinh./. 

* Độc giả có thể xem Phim tài liệu “Bản Anh hùng ca Điện Biên Phủ” trong “Chuyên mục Video” trên Cổng TTĐT tỉnh Bắc Giang.

 

Trung bình (0 Bình chọn)