Bản Anh hùng ca Điện Biên Phủ (kỳ 2)

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
61 năm đã trôi qua nhưng âm hưởng của bài ca chiến thắng vẫn ngân vang. Thật tự hào khi chiến thắng Điện Biên Phủ “được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng, hay một Đống Đa trong thế kỷ XX và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc”. Điên Biên Phủ mãi làm vẻ vang dân tộc Việt Nam. Chiến thắng ấy gắn liền với tên tuổi những người con đất Việt, gắn với sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, gắn với tên tuổi Chủ tịch Hồ Chí Minh và đặc biệt gắn với tên tuổi của vị tướng huyền thoại - Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông đã có một quyết định táo bạo và khó khăn trong cuộc đời cầm quân của mình khi quyết định chuyển phương án tác chiến trong chiến dịch Điện Biên Phủ từ đánh nhanh thắng nhanh sang “đánh chắc tiến chắc”. Ông quyết định “kéo pháo ra” khi mọi lực lượng đã sẵn sàng chỉ còn chờ hiệu lệnh tiến công.

Kỳ 2: Điện Biên Phủ và bản lĩnh Võ Nguyên Giáp

Đầu tháng tư, chúng tôi cùng đoàn cựu chiến binh huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị - vùng đất anh hùng với Chiến thắng Khe Sanh vang dội trong kháng chiến chống Mỹ đến thăm di tích Mường Phăng. Cánh rừng Mường Phăng năm xưa là nơi đặt Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ. Chính tại nơi đây, Đảng ủy, Bộ chỉ huy chiến dịch, đứng đầu là Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã lãnh đạo, chỉ huy quân dân ta tiêu diệt hoàn toàn Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, đồng thời chỉ đạo các chiến trường trong cả nước lập nhiều chiến công to lớn, đưa cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 – 1954 đến thắng lợi quyết định. Mọi người đến nơi đây được thăm lán ở và làm việc của Đại tướng, lán ở và làm việc của Thiếu tướng Hoàng Văn Thái – Tham mưu trưởng chiến dịch, đường hầm xuyên núi và nhiều di tích khác, tất cả gợi nhớ về một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc. Khách tham quan khu di tích đều cảm thấy bồi hồi nhớ vị đại tướng Tổng tư lệnh chiến dịch, cảm phục trí tuệ, bản lĩnh của ông. Ông Lê Văn Hói – Chủ tịch Hội CCB huyện Hướng Hóa xúc động nói: “Chúng tôi rất xúc động được thăm hầm của Đại tướng, những con suối vẫn chảy róc rách, rừng cây vẫn như lưu dấu nguyên vẹn. Tiếc rằng Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã không còn…”

Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Bộ chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ ở và
làm việc tại cánh rừng Mường Phăng trong 105 ngày, từ ngày 31/1 đến ngày 15/5/1954.

 

Trở lại thời điểm đầu tháng Giêng năm 1954, trước khi lên đường ra mặt trận làm nhiệm vụ Bí thư Đảng ủy kiêm Tổng chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến Khuổi Tát - Định Hóa - Thái Nguyên để chào và xin ý kiến Bác. Bác hỏi Đại tướng:

- Chú đi xa như vậy, chỉ đạo các chiến trường có gì trở ngại?

Đại tướng báo cáo với Bác, chỉ có trở ngại là mặt trận Điện Biên ở xa, khi có vấn đề quan trọng và cấp thiết, khó xin ý kiến của Bác và Bộ Chính trị.

Bác thân mật nói với Đại tướng:

- Tổng Tư lệnh ra mặt trận, “Tướng quân tại ngoại”! Trao cho chú toàn quyền. Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng, không đánh.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Trước ngày 14/01/1954, trong cuộc hội ý Đảng ủy mặt trận đầu tiên ở chiến trường, ý kiến chung là cần đánh ngay trong lúc địch chưa tăng thêm quân và củng cố công sự, có khả năng chiến thắng trong vài ngày đêm. Ai nấy đều tỏ ra hân hoan với chủ trương “đánh nhanh, thắng nhanh”. Nhưng với tinh thần trách nhiệm trước sinh mệnh của hơn 40 ngàn quân tham chiến, với cương vị của người Tổng chỉ huy mặt trận, trên cơ sở tình hình đang diễn biến ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có cảm nhận nếu chọn phương án “đánh nhanh, thắng nhanh” là quá mạo hiểm.

Thời gian nổ súng tấn công Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ được quyết định là 17 giờ ngày 25/01/1954. Gần ngày nổ súng, một chiến sỹ của Đại đoàn 312 không may bị địch bắt. Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định hoãn thời gian nổ súng tiến công lại 24 tiếng đồng hồ. Từ khi giao nhiệm vụ chiến đấu cho các đơn vị đến lúc này chỉ mới mười một ngày. Nhưng thêm mỗi ngày, Đại tướng Võ Nguyên Giáp càng nhận thấy rõ là không thể “đánh nhanh” được. Đại tướng nhớ lại lời dặn của Bác Hồ trước khi lên đường ra trận và nghị quyết của Trung ương hồi đầu năm là “Chiến trường ta hẹp, người của ta không nhiều, cho nên ta chỉ được thắng không được bại, vì bại thì hết vốn!”. Càng nhớ, càng thấy gánh nặng trên đôi vai của một “tướng quân tại ngoại”. Sự đắn đo, suy tính cho việc thắng hay bại của trận quyết chiến chiến lược và cái giá phải trả bằng xương máu hy sinh của cán bộ, chiến sỹ đã khiến Đại tướng nhiều đêm không ngủ được, đặc biệt là đêm 25-1.

Đại tướng nêu lên những lý do vì sao mọi người đều lựa chọn phương án “đánh nhanh” và tìm trước lời giải đáp. Cái lý do về vấn đề tiếp tế khó khăn, không phải hoàn toàn không có cách khắc phục, mà vấn đề chính là nếu thời gian chuẩn bị kéo dài, địch sẽ tăng thêm quân, củng cố công sự sẽ làm ta mất cơ hội diệt địch. Có nhiều người cho rằng, sự xuất hiện lần đầu của lựu pháo và cao xạ đã làm cho quân địch choáng váng. Nhưng thực tế, ta chỉ có vài ngàn viên đạn, không phải là yếu tố quyết định. Đặc biệt, mọi người đều tin vào khí thế của bộ đội khi xuất quân, tin vào sức mạnh tinh thần. Điều đó hoàn toàn đúng, nhưng sức mạnh tinh thần cũng có những giới hạn. Không phải chỉ sức mạnh tinh thần cao mà lúc nào cũng chiến thắng quân địch! Và, chúng ta cũng không thể giành chiến thắng với bất kể giá nào. Hơn nữa, từ đó đến thời điểm này, tình hình địch đã thay đổi nhiều. Chúng đã củng cố công sự phòng ngự, không còn là trận địa dã chiến. Bộ đội ta phải tiến hành một trận công kiên vào một tập đoàn cứ điểm phòng ngự vững chắc chưa từng có…

 

Tổng quân uỷ họp quyết định chủ trương tác chiến tại Điện Biên Phủ

Tại cuộc họp Đảng ủy mặt trận, Đại tướng nhắc lại lời Bác Hồ trao nhiệm vụ mình trước khi lên đường: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”. Với tinh thần trách nhiệm trước Bác và Bộ Chính trị, để bảo đảm yêu cầu trận đánh chắc thắng trăm phần trăm, Đại tướng kiên trì phân tích những khó khăn của bộ đội ta chưa được bàn bạc khắc phục kỹ trước khi nổ súng. Cuối cùng, Đảng ủy đi tới nhất trí là trận đánh có thể gặp nhiều khó khăn nếu đánh nhanh ta chưa có biện pháp khắc phục, không thể bảo đảm chắc thắng như nghị quyết Bộ Chính trị đề ra và quyết định thay đổi cách đánh của một trận quyết chiến chiến lược từ phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh” đã được chuẩn bị trong thời gian khá dài, chuyển sang phương châm “đánh chắc, tiến chắc” trong thời điểm chỉ còn mấy tiếng đồng hồ nữa là đến giờ nổ súng. Đó là lúc 11 giờ trưa ngày 26/01/1954, chỉ vài giờ trước khi bộ đội ta nổ súng. Quyết định đó đã thể hiện bản lĩnh và sự quyết đoán đầy tinh thần trách nhiệm đối với lịch sử và dân tộc của một vị danh tướng dưới thời đại Hồ Chí Minh. Đồng thời đã quyết định vận mệnh tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đại tướng Lê Trọng Tấn sau này đã nhận xét: “Nếu không có thay đổi trên, cuộc kháng chiến có thể phải chậm mất 10 năm”.

 

Chuyển sang phương châm “đánh chắc, tiến chắc”

Về sau, trong hồi ức của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thổ lộ: “Ngày hôm đó, tôi đã thực hiện được một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình!”. Vâng, một quyết định thực sự khó khăn nhưng đó cũng là một quyết định sáng suốt bởi ta đã dành cho kẻ địch một bất ngờ lớn nhất là không chấp nhận một cuộc tổng giao chiến chớp nhoáng với toàn bộ lực lượng viễn chinh tinh nhuệ địch náu mình trong tập đoàn cứ điểm kiên cố. Ta quyết định tiêu diệt dần từng trung tâm đề kháng bằng cách đánh sở trường của ta, vào thời gian, địa điểm do ta lựa chọn, với thế mạnh áp đảo trong từng trận đánh, đồng thời siết chặt trận địa chiến hào, triệt nguồn tiếp tế cho tới lúc tập đoàn cứ điểm nghẹt thở. Chiếc xẻng và hàng trăm ki-lô-mét công sự được đào bằng máu, thanh danh và vận mệnh của cả một dân tộc, cộng với cách đánh và nghệ thuật quân sự tài tình đã thắng những cỗ đại bác được mệnh danh là "công cụ để đập nát đối phương".

Đại tá Giáp Văn Túc – CCB Trung đoàn 98 – Sư đoàn 316 nhớ lại: “Đánh chắc, tiến chắc nhưng vừa đánh vừa bảo vệ lực lượng ta. Muốn như thế, chúng ta đào hào từ khe núi, chúng tôi đi ra cứ theo đường hào, căn nhau cứ mỗi anh một mét, đêm nay đào thì đêm mai lại tiếp tục. Lúc đầu vào thì phải đào nằm không pháo nó bắn. Khi đào sâu rồi thì pháo nó bắn mình nằm kín người, sau dần dần thì ngồi kín người, sau thì đi kín đầu. Sau đào sát đến đồn, rồi mình dùng bộc phá phá hàng rào, mình xung phong lên chiếm.”

Ông Giáp Văn Túc: “Đánh chắc, tiến chắc nhưng vừa đánh vừa bảo vệ lực lượng ta.”

Ngày 7 tháng 5 năm 1954, lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” tung bay trên nóc hầm của tướng Đờ Cátxtơri. Hơn một vạn quân địch ở Mường Thanh kéo cờ trắng ra hàng. Quân và dân ta tháng Năm ấy lại có một chiến công lớn mừng ngày sinh Bác Hồ.

 

Quân đội Nhân dân Việt Nam phất cờ chiến thắng

PGS, TS. Nguyễn Trọng Phúc - Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhận xét: “Tài năng, đức độ và tài thao lược của Đại tướng chính là thể hiện trí tuệ Việt Nam, kết tinh được trí tuệ Việt Nam, kết tinh được tư tưởng quân sự của Chủ tịch Hồ Chí Minh và kết tinh đường lối kháng chiến đúng đắn của Đảng…”

 

Ngày nay, tên tuổi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gắn liền với chiến thắng Điện Biên Phủ và đi vào lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc ta như một điểm son sáng chói. Đó chẳng những là thắng lợi quyết định dẫn đến chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp ở Việt Nam và Đông Dương, mà còn góp phần làm sụp đổ hoàn toàn chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới. Điều đó càng chứng minh sự lãnh đạo, chỉ đạo chiến tranh cách mạng tài tình của Đảng ta, của Trung ương và Bộ Chính trị, mà trước hết là của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bác đã sáng suốt, nhìn thấy rõ phẩm chất, bản lĩnh và tài năng của từng cán bộ. Người đã vững tin ở Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người học trò xuất sắc của mình./.

* Độc giả có thể xem Phim tài liệu “Bản Anh hùng ca Điện Biên Phủ” trong “Chuyên mục Video” trên Cổng TTĐT tỉnh Bắc Giang.

Trung bình (0 Bình chọn)