Bắc Giang thực hiện đồng bộ các giải pháp, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2024

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Trong phiên buổi chiều ngày làm việc thứ 2 (12/12) kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa XIX, sau phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương đã phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan đến thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2023 và mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp năm 2024.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương phát biểu tại kỳ họp.

 Bắc Giang tiếp tục là điểm sáng trong “bức tranh” tăng trưởng của cả nước

Đánh giá về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương nhấn mạnh, năm 2023 mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng KT-XH của tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực. Những kết quả mà tỉnh đạt được rất có ý nghĩa, đều là những kết quả và thứ hạng tốt nhất từ trước đến nay. Tỉnh đã thực hiện 17/18 chỉ tiêu KT-XH chủ yếu hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh cả năm ước đạt 13,45%, gấp gần 2,5 lần bình quân chung cả nước, đứng đầu cả nước. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2022 đứng thứ 02 cả nước. Thu hút đầu tư FDI, chỉ số cải cách hành chính PAR Index, tỷ trọng kinh tế số/GRDP đứng trong top 04 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước. Nhiều sự kiện chính trị, văn hóa quan trọng được tổ chức tạo không khí phấn khởi trong nhân dân; công tác đối ngoại tiếp tục được mở rộng; quốc phòng an ninh được củng cố vững chắc. Kết quả trên là do có sự lãnh đạo sát sao của Tỉnh ủy, giám sát thường xuyên, tạo điều kiện của HĐND tỉnh; sự quyết liệt, linh hoạt, dứt khoát trong chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định năm 2024 sẽ là năm quyết định cho việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025. Với bối cảnh thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, diễn biến bất thường, không định trước, do đó đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải vào cuộc quyết liệt, sẵn sàng ứng phó với các diễn biến bất ngờ, khó lường. Trong kỳ xây dựng kế hoạch vừa rồi, UBND tỉnh đã đặt quyết tâm rất cao cho thực hiện các mục tiêu phát triển trong năm 2024.

Phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2024 đạt 14,5%

Để đảm bảo thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ năm 2024, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương nhấn mạnh UBND tỉnh sẽ tập trung vào 5 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó nhiệm vụ trọng tâm quan trọng nhất là phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 14,5% để đảm bảo đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra. 

Để thực hiện tốt mục tiêu trên, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết UBND tỉnh sẽ đề ra các giải pháp tập trung cho 4 nhóm động lực tăng trưởng.

Nhóm 1, tập trung ưu tiên cho động lực tăng trưởng chính là phát triển sản xuất công nghiệp. Bám sát, đôn đốc, hỗ trợ trực tiếp các dự án lớn đi vào hoạt động trong năm 2024. Chỉ đạo thu hút đầu tư, phấn đấu lấp đầy các khu công nghiệp Tân Hưng, Hòa Phú mở rộng giai đoạn 1. Thành lập thêm một số khu công nghiệp, cụm công nghiệp mới, tạo quỹ đất sạch cho thu hút đầu tư. Chủ động các biện pháp đảm bảo điện cho sản xuất công nghiệp; chỉ đạo ngành Điện sớm có kịch bản ứng phó với sự cố điện để bảo vệ sản xuất công nghiệp.

Nhóm 2, tạo bước bứt phát phá về dịch vụ, năm 2024, UBND tỉnh sẽ tham mưu cho BTV Tỉnh ủy có Nghị quyết chuyên đề về phát triển dịch vụ giai đoạn đến năm 2030; trong đó sẽ đề ra các chủ trương, chính sách mới; tập trung thu hút các loại hình dịch vụ cao cấp phục vụ chuyên gia và lao động nước ngoài như các dự án khu đô thị hỗn hợp, sân golf, khách sạn 4-5 sao. Song song với đó đẩy mạnh phát triển thương mại phục vụ nhân dân và công nhân; ví dụ như thu hút các Trung tâm thương mại, chợ quốc tế, siêu thị đầu mối… Chỉ đạo hoàn thành sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện và phát triển đô thị theo Nghị quyết 233 của Tỉnh ủy để tạo động lực phát triển dịch vụ. Năm 2024, UBND tỉnh sẽ quyết tâm hoàn thành sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, nhập huyện Yên Dũng vào thành phố để mở rộng không gian và động lực phát triển cho thành phố Bắc Giang, thành lập thị xã Chũ và huyện Lục Ngạn mới. Nhiệm vụ trên hoàn thành, tỉnh sẽ có 01 thành phố với địa giới rộng gấp 4 lần thành phố hiện tại, 02 thị xã mới, mở ra động lực vô cùng quan trọng cho phát triển dịch vụ của tỉnh.

Nhóm 3, nâng cao giá trị của sản phẩm nông nghiệp, xác định việc phát triển sản phẩm OCOP chính là giải pháp quan trọng để khơi dậy tiềm năng, lợi thế của các địa phương, thúc đẩy phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, góp phần nâng cao giá trị nông sản ở nông thôn, tạo việc làm, tăng thu nhập, đồng thời giảm áp lực trong việc tiêu thụ sản phẩm tươi sống. Năm 2024, UBND tỉnh khuyến khích, thực hiện tốt chính sách phát triển kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp, thực hiện tốt chính sách để khích lệ người dân phát triển sản phẩm OCOP có giá trị cao. Đây là vấn đề mà ngành nông nghiệp của tỉnh cần nghiêm túc nghiên cứu thúc đẩy trong thời gian tới. Xuất phát từ yêu cầu trên, tại kỳ họp này, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về hỗ trợ phát triển sản phẩm nông nghiệp OCOP trên địa bàn. Sau khi Nghị quyết được HĐND tỉnh đồng thuận thông qua, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các địa phương rà soát danh mục sản phẩm OCOP có tiềm năng để tập trung hỗ trợ các thủ tục từ vay vốn, đất đai, chuyển đổi số, đăng ký nhãn hiệu sản phẩm…; phân công các tổ chức, cá nhân phụ trách, hướng dẫn; rà soát thực hiện quy hoạch các vùng nguyên liệu cho phát triển sản phẩm OCOP, gắn vùng nguyên liệu với chế biến sâu và quảng bá tiêu thụ sản phẩm. Thực hiện chuyển đổi số toàn diện đối với ngành nông nghiệp. Tiếp tục tích cực hỗ trợ người nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Từng bước tạo thành hệ sinh thái giữa nông dân với hợp tác xã, doanh nghiệp và các hợp tác xã, các doanh nghiệp với nhau để cùng khai thác tối đa kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

Nhóm 4, phát huy hiệu quả cho động lực tăng trưởng truyền thống là giải ngân vốn đầu tư công và vốn 3 chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG). Xác định giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan chủ quản các CTMTQG tích cực, chủ động theo dõi, hỗ trợ, hướng dẫn địa phương, chủ đầu tư đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn CTMTQG nhằm nâng cao đời sống Nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo bền vữngTăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công; tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về đất đai, tài nguyên…; kiên quyết khắc phục tình trạng chậm tiến độ giao vốn, chậm thực hiện giải ngân vốn đầu tư công. Thường xuyên rà soát danh mục các dự án đầu tư; lập kế hoạch giải ngân chi tiết đến từng dự án và tuân thủ nghiêm kế hoạch, không để hiện tượng “đầu năm thảnh thơi, cuối năm dồn dập". Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, theo dõi, giám sát tiến độ dự án đầu tư công.

Điều hành chặt chẽ thu - chi ngân sách

Năm 2024 được dự báo tiếp tục là năm khó khăn cho công tác thu ngân sách nhà nước (NSNN), để thực hiện thắng lợi dự toán thu cân đối NSNN 16.068 tỷ đồng năm 2024, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết UBND tỉnh tiếp tục điều hành ngân sách thận trọng, nhịp nhàng giữa thu - chi, căn cứ vào khả năng thu NSNN, đảm bảo phát triển ổn định, an toàn trong thực hiện các dự án, nhiệm vụ. Đề cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ tham mưu, quản lý sử dụng NSNN. Từng bước giảm tỷ lệ chi thường xuyên trong tổng chi NSNN, tăng chi đầu tư phát triển; thực hiện triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, tinh giản biên chế, sử dụng nguồn lực hợp lý; tăng cường hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra trong quản lý và sử dụng NSNN.

Đối với khoản thu từ thuế, phí, UBND tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các cấp chính quyền, sở, ngành, địa phương đối với cơ quan Thuế. Tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ công tác chống thất thu thuế, thu hồi nợ thuế đúng, đủ, kịp thời. Đẩy mạnh chuyển đổi số, điện tử hóa trong quản lý thuế, hiện đại hóa quản lý thu ở tất cả các khâu như quản lý đăng ký, kê khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử, thực hiện phân tích rủi ro, quản lý nợ đọng thuế. Kết nối đồng bộ cơ sở dữ liệu ngành thuế với hệ thống dữ liệu của cơ quan QLNN khác để tăng cường hiệu quả quản lý nguồn thu, nhất là các nguồn thu từ đất đai, tài nguyên, khoáng sản, nguồn thu phát sinh từ các giao dịch thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số; kiểm soát chặt chẽ hoàn thuế GTGT.

Đối với thu tiền sử dụng đất, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các huyện, thành phố, Cục Thuế tỉnh tập trung đánh giá, nhận định thị trường, tình hình trên thế giới và trong nước để ngay từ tháng 01/2024 chủ động ban hành kế hoạch, triển khai đồng bộ các giải pháp. Trong đó đối với các dự án bất động sản, khu đô thị, khu dân cư được đầu tư từ nguồn vốn ngoài ngân sách cần đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ trong giao đất, xác định tiền sử dụng đất phải nộp của doanh nghiệp để thu đủ, thu kịp thời vào NSNN; xử lý quyết liệt, đảm bảo các quy định theo luật Thuế và pháp luật hiện hành đối với các doanh nghiệp, tổ chức chây ì, nợ đọng nghĩa vụ tài chính đối với NSNN. Đối với đất đấu giá do các huyện, thành phố thực hiện làm tốt công tác xây dựng giá khởi điểm, đảm bảo nguyên tắc sát với giá thị trường, phù hợp với khả năng kinh tế và nhu cầu của nhà đầu tư và nhân dân; các huyện, thành phố cần chủ động nắm bắt thị trường, tập trung tổ chức đấu giá tại các địa phương nhân dân có nhu cầu mua để ở, sử dụng. Tiếp tục phối hợp điều hành tốt công tác tổ chức các phiên đấu giá, tạo điều kiện tối đa trong khuôn khổ các quy định của pháp luật cho các nhà đầu tư và nhân dân tham gia đấu giá QSD đất.

Chỉ đạo hoàn thành Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã

Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh sau khi có Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thành lập thị xã Việt Yên và phê duyệt của Chính phủ về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025, UBND tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo tổ chức tuyên truyền, quán triệt tạo sự đồng bộ về nhận thức và hành động của cán bộ, công chức, đảng viên trong hệ thống chính trị, nhất là các đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp; tạo sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân và dư luận xã hội trong thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Chỉ đạo các huyện, thành phố khẩn trương vào cuộc, hoàn thành sắp xếp lại đơn vị hành chính trong quý III năm 2024 để ổn định tổ chức phục vụ cho đại hội đảng các cấp vào năm 2025.

Đồng thời chỉ đạo huyện Việt Yên sắp xếp tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ phù hợp đáp ứng yêu cầu quản lý của chính quyền đô thị; điều chỉnh các thủ tục hành chính liên quan thuộc các đơn vị hành chính sau khi thành lập thành lập thị xã và các phường đảm bảo sự hoạt động thống nhất, liên tục của hệ thống chính trị từ thị xã đến cơ sở; không có sự gián đoạn trong hoạt động giữa đơn vị hành chính trước và sau khi được thành lập, không làm ảnh hưởng đến đời sống, hoạt động sản xuất kinh doanh của các cá nhân, tổ chức trên địa bàn.

Phấn đấu xóa 100% nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo và hộ chính sách người có công

Năm 2024, tỉnh thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; phấn đấu xóa 100% nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo và hộ chính sách người có công. Ngay sau kỳ họp, sau khi được HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết phát triển KT-XH năm 2024, UBND tỉnh sẽ phối hợp với Ủy ban MTTQ tỉnh để xây dựng Kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện; trong đó quan trọng nhất là huy động sự vào cuộc của toàn xã hội và phát huy tinh thần tự lực của các địa phương.

Tập trung cao cho đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là chuyển đổi số

Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh cải cách hành chính nói chung và chuyển đổi số là việc mà những năm qua tỉnh Bắc Giang đã làm tốt. Tuy nhiên, trong bối cảnh ngày càng cắt giảm biên chế như hiện nay, đồng thời khối lượng công việc ngày càng lớn, yêu cầu của người dân, doanh nghiệp đòi hỏi chính quyền phải công khai, minh bạch thì cải cách hành chính, chuyển đổi số mặc dù đã tốt nhưng cần tiếp tục phải chú trọng hơn nữa.

Đối với công tác cải cách hành chính nói chung, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo toàn diện 7 mặt công tác theo quy định; tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 26-CT/TU ngày 02/6/2023 của BTV Tỉnh ủy về chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc và nâng cao trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Từ năm 2024, UBND tỉnh sẽ giao Hiệp Hội doanh nghiệp tỉnh đánh giá, chấm điểm chỉ số cải cách hành chính của các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố đảm bảo khách quan, minh bạch.

Riêng với trọng tâm về chuyển đổi số, UBND tỉnh sẽ tập trung đẩy nhanh tốc độ số hóa, tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong số hóa các quy trình, thủ tục hành chính; xây dựng, phát triển cơ sở dữ liệu dùng chung của các ngành; khai thác triệt để những tiện ích và giá trị vô hạn của chuyển đổi số trong công tác quản lý nhà nước. Tập trung nguồn lực để đầu tư xây dựng các hệ thống nền tảng số, kho dữ liệu số hiện đại phục vụ việc chia sẻ, kết nối, khai thác và phân tích dữ liệu. Đặc biệt, cần tiếp tục nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến, cung cấp dữ liệu mở, định danh điện tử và đẩy nhanh thực hiện cung cấp chữ ký số miễn phí cho nhân dân vì lợi ích thiết thực của nhân dân và doanh nghiệp. Tiếp tục đầu tư mở rộng và nâng cấp hạ tầng số hiện đại; đồng thời tăng cường hơn nữa các biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ công chức trong việc vận hành, khai thác các hệ thống chuyển đổi số trong quản lý và thực hiện nhiệm vụ./. 

Nhóm PV

Trung bình (0 Bình chọn)