Bắc Giang: Tập huấn nghiệp vụ rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Nhằm nâng cao công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, chiều 18/5, Sở Tư pháp tỉnh tổ chức hội nghị trực tuyến (3 cấp) tập huấn nghiệp vụ rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL.
Phó Giám đốc Sở Tư pháp Trương Ngọc Bích phát biểu khai mạc hội nghị.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Trương Ngọc Bích cho rằng văn bản QPPL của chính quyền địa phương có vai trò quan trọng trong công tác quản lý nhà nước, điều chỉnh những vấn đề thực tiễn, góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Tại tỉnh Bắc Giang, công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL được HĐND, UBND các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Việc tổ chức thực hiện Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2020 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP; Nghị định số 154/2020/NĐ-CP cơ bản đảm bảo kịp thời, đồng bộ, hiệu quả.

Cùng đó, hiệu quả của công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL có tác động tích cực đến công tác ban hành và hoàn thiện thể chế của địa phương, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng hệ thống pháp luật công khai, minh bạch, tạo điều kiện để người dân có thể tiếp cận được hệ thống pháp luật thuận tiện, dễ dàng.

Theo Phó Giám đốc Sở Tư pháp Trương Ngọc Bích, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL của tỉnh còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Một số cơ quan, đơn vị chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm chủ trì rà soát văn bản QPPL thuộc ngành, lĩnh vực tham mưu quản lý, do đó, chưa chủ động trong việc tham mưu thực hiện rà soát văn bản QPPL theo quy định. Tình trạng một số cơ quan thuộc UBND tỉnh tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ban hành văn bản vẫn có nội dung giao Sở Tư pháp chủ trì thực hiện rà soát văn bản QPPL thuộc ngành, lĩnh vực tham mưu quản lý; việc thực hiện rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL chưa đảm bảo nội dung, quy trình theo quy định...

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Sở Tư pháp tỉnh.

Phó Giám đốc Sở Tư pháp Trương Ngọc Bích đề nghị các cán bộ, công chức dự hội nghị tại các điểm cầu nêu cao tinh thần trách nhiệm, thẳng thắn trao đổi những vấn đề chưa rõ, những hạn chế bất cập trong hoạt động thực tiễn của cơ quan, đơn vị để cùng với báo cáo viên làm sáng tỏ những vấn đề cùng quan tâm, tích luỹ nhiều kinh nghiệm áp dụng vào thực tiễn.

Tại hội nghị, Tiến sỹ Lê Thị Uyên - Trưởng Phòng Khoa giáo Văn xã, Cục Kiểm tra văn bản QPPL, Bộ Tư pháp đã truyền đạt, trao đổi các nội dung kỹ năng nghiệp vụ chuyên sâu của công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL. Đồng thời, phân tích làm rõ những điểm mới của quy định pháp luật về công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL tại Nghị định số 154/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản QPPL, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021. Trong đó, sửa đổi, bổ sung nội dung liên quan đến 12 điều, bãi bỏ 01 điểm và 01 khoản liên quan đến công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL.

Tiến sỹ Lê Thị Uyên trao đổi với cán bộ, công chức tư pháp của các địa phương trong tỉnh.

Trao đổi tại hội nghị, đại diện cán bộ, công chức tư pháp của các địa phương trong tỉnh trình bày những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; những bất cập trong các quy định của pháp luật về công tác này và nêu ra những kiến nghị cụ thể để chất lượng của công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hoá văn bản QPPL ngày một cao hơn.

Hội nghị tập huấn nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế cung cấp những thông tin hữu ích, thiết thực cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tư pháp, trực tiếp tham mưu nhiệm vụ rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL từ cấp huyện tới cấp phường, xã. Qua đó giúp cán bộ, công chức trong tỉnh nâng cao hiệu quả công tác rà soát văn bản QPPL tại địa phương. Đồng thời, đánh giá, hoàn thiện về thể chế, xây dựng một hệ thống pháp luật minh bạch, đồng bộ, khả thi tạo bước đệm thuận lợi để thực hiện hệ thống hóa văn bản QPPL trong thời gian tới, đáp ứng được yêu cầu quản lý Nhà nước ở địa phương./.

Nguyễn Miền

Trung bình (0 Bình chọn)