Bắc Giang: Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho tiêu thụ vải thiều

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Sáng ngày 17/5, tại huyện Lục Ngạn, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức hội nghị bàn biện pháp tiêu thụ vải thiều năm 2016. Các đồng chí: Dương Văn Thái – Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Quang Tấn – Giám đốc Sở Công Thương; Nguyễn Thanh Bình – Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn đồng chủ trì hội nghị. Đến dự có đại diện lãnh đạo các tỉnh: Lạng Sơn, Hải Dương, Lào Cai, Hà Giang, Hà Nam, thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, các sở, ngành của tỉnh Bắc Giang, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Ông Trần Quang Tấn - Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang báo cáo công tác sản xuất,
các nét mới trong xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm 2016. Ảnh:BGP/Trâm Anh.

Giảm sản lượng, tăng chất lượng

Do điều kiện thời tiết không thuận lợi và chuyển đổi cơ cấu cây trồng nên  tổng diện tích vải thiều Bắc Giang năm nay khoảng 30 nghìn ha, giảm 1 nghìn ha so với năm 2015. Tổng sản lượng vải thiều toàn tỉnh ước đạt 130 nghìn tấn, giảm 65 nghìn tấn. Trong đó vải chín sớm ước đạt khoảng 23 nghìn tấn (chiếm 17,7%), vải thiều chính vụ là 107 nghìn tấn (chiếm 82,3%), tập trung ở các huyện: Lục Ngạn, Lục Nam, Tân Yên, Lạng Giang, Yên Thế và Sơn Động, trong đó sản lượng vải huyện Lục Ngạn chiếm khoảng 70 nghìn tấn.

Năm nay, công tác chỉ đạo sản xuất vải thiều được tỉnh triển khai sớm và chủ động ngay từ đầu vụ. Ông Dương Văn Thái – Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: “Tuy sản lượng vải thiều của tỉnh Bắc Giang giảm nhưng chất lượng vải thiều bình diện chung năm nay được nâng cao hơn so với các năm trước. Các cơ quan chuyên môn thường xuyên hướng dẫn quy trình, mở rộng diện tích tổ chức sản xuất theo hình thức tiên tiến, đảm bảo sản xuất vải thiều sạch, chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGap và GlobalGap”.

Riêng huyện Lục Ngạn được Mỹ cấp 15 mã vùng trồng vải với 158 ha theo tiêu chuẩn GlobalGap với chất lượng đặc biệt, được trồng, chăm sóc dưới sự giám sát chặt chẽ của cơ quan chức năng. Vùng sản xuất theo chuẩn VietGap đạt 12.560 ha, sản lượng dự kiến đạt khoảng 53 nghìn tấn đáp ứng nhu cầu sử dụng quả vải chất lượng cao.

Đa dạng thị trường tiêu thụ

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thái cho biết, để công tác tiêu thụ vải thiều Bắc Giang năm nay đạt hiệu quả cao, tỉnh Bắc Giang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, thương nhân mua, chế biến, tiêu thụ vải thiều của tỉnh. Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố. Tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm trên các phương tiện thông tin truyền thông. Tổ chức các đoàn công tác của tỉnh làm việc với các tỉnh biên giới để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình vận chuyển, xuất khẩu vải thiều qua cửa khẩu.

Bà Trần Thị Phương Lan -  Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho rằng Bắc Giang
cần tăng cường mở rộng thị trường tiêu thụ vải thiều. Ảnh:BGP/Trâm Anh.

Trao đổi, thảo luận về các giải pháp thúc đẩy tiêu thụ vải thiều Bắc Giang năm nay, ông Hoàng Anh Tuấn – Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước cho rằng Bắc Giang cần đa dạng các thị trường tiêu thụ. Ngoài các thị trường truyền thống: Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh phía Nam, năm 2016, Bắc Giang cần tiếp tục tìm kiếm, mở rộng các thị trường tiềm năng mới ở phía Bắc và các tỉnh, thành phố miền Trung.

Cùng quan điểm trên, bà Trần Thị Phương Lan -  Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội đánh giá, Trung Quốc là một thị trường tiêu thụ vải thiều lớn, tuy nhiên sự ổn định trong quá trình tiêu thụ đối với thị trường này là một thách thức không nhỏ. Do vậy, Bắc Giang cần tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, không nên quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Tuy nhiên, chất lượng vẫn là vấn đề sống còn đối với sản phẩm vải thiều, đặc biệt khi muốn xâm nhập vào các thị trường khó tính như: Mỹ, Úc, EU... Tỉnh Bắc Giang cần tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật, duy trì và mở rộng diện tích sản xuất vải theo tiêu chuẩn sạch, an toàn. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, trong đó chú trọng quảng bá về chất lượng sản phẩm để người tiêu dùng có niềm tin sử dụng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thái cam kết tỉnh Bắc Giang sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi
cho các địa phương, doanh nghiệp trong tiêu thụ vải thiều. Ảnh:BGP/Trâm Anh.

Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thái cảm ơn sự quan tâm và đóng góp ý kiến của các bộ, ngành, địa phương. Đồng thời kiến nghị các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và PTNT, Khoa học Công nghệ tạo mọi điều kiện cho tỉnh trong công tác xúc tiến tiêu thụ vải thiều, chế biến bảo quản, đảm bảo an toàn thực phẩm. Các tỉnh biên giới tạo điều kiện cho tỉnh về giao thông, kho, bến, thủ tục hành chính phục vụ xuất khẩu, thông tin về thị trường nước ngoài. Các tỉnh, thành phố, đặc biệt là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh tạo điều kiện thuận lợi trong khâu lưu thông để vải thiều Bắc Giang tiêu thụ trên địa bàn.

Các sở, ngành, huyện, phố của tỉnh, các cơ quan truyền thông tăng cường tuyên truyền, quảng bá về vải thiều, phản ánh đầy đủ, trung thực về tình hình sản xuất vải thiều. Thường xuyên nắm chắc tình hình, cập nhật thông tin các đầu mối tiêu thụ. Nghiên cứu phương pháp thu mua, chế biến, đóng gói, bảo quản gắn với tem nhãn nhằm truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hướng tới sự chuyên nghiệp, hiện đại.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thái khẳng định, với phương châm các thị trường đều có vai trò quyết định trong việc tiêu thụ vải thiều của tỉnh, Bắc Giang sẽ thực hiện nhiều biện pháp để tiếp tục mở rộng thị trường tiêu thụ, giữ vững thị trường truyền thống, tìm kiếm thị trường tiềm năng với yêu cầu, chất lượng ngày một nâng cao.

Ông Vi Công Tường – Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn: Mặc dù có nhiều hướng phát triển và tiêu thụ quả vải thiều nhưng không thể phủ nhận Trung Quốc vẫn là một thị trường lớn, do vậy cần khai thác hiệu quả thị trường này. Các doanh nghiệp, thương nhân nên thay đổi phương thức kinh doanh với thương nhân Trung Quốc từ kinh doanh bán chợ thành phương thức kinh doanh ngoại thương mua bán ràng buộc pháp lý bởi hợp đồng ngoại thương).

Thực hiện phân loại, lựa chọn hàng hóa cẩn thận, đúng quy trình từ khâu thu hoạch, đóng gói, tránh để thương nhân Trung Quốc lấy lý do ép giá.

Nên thành lập Hiệp hội doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng “vải thiều” để hỗ trợ, chủ động thống nhất trong kinh doanh. Các thương nhân, doanh nghiệp thường xuyên phối hợp cung cấp thông tin cho cơ quan hải quan và các cơ quan chức năng tại cửa khẩu để lực lượng hải quan cũng như các lực lượng liên quan có giải pháp hỗ trợ.

 

Bà Nguyễn Quỳnh Trang – Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh: Đề nghị Bắc Giang giới thiệu danh sách các thương nhân, các nhà cung cấp uy tín để thành phố Hồ Chí Minh có sự kết nối thu mua. Đồng thời 2 tỉnh, thành phố cần có sự kết nối chặt chẽ, thường xuyên trao đổi, cùng bàn các biện pháp tiêu thụ.

Đặc biệt, tỉnh Bắc Giang cần đảm bảo và cam kết sản xuất vải thiều có chất lượng tốt, an toàn, đủ sản lượng để phục vụ miền Nam, từng bước mở rộng sang thị trường miền Tây.

 

Đại diện Công ty cổ phần tiến bộ quốc tế AIC: “Việc quan tâm cả thị trường trong nước và quốc tế là hướng đi đúng của tỉnh Bắc Giang.

Công ty chúng tôi cam kết tham gia xuất khẩu vải của tỉnh trong năm 2016, trong đó duy trì bạn hàng đã có, tiếp tục tìm kiếm thêm thị trường mới.

Để đảm bảo tính khả thi của các hợp đồng đã ký kết, chúng tôi kiến nghị tỉnh nghiên cứu đảm bảo vải được rải vụ trong thời gian dài, phấn đấu vải chín sớm đạt khoảng 30%. Hỗ trợ các doanh nghiệp  đầu tư các kho lạnh để lưu trữ quả vải chưa xuất trong khoảng từ 4 đến 5 tuần.

 
 
Trung bình (0 Bình chọn)