Bắc Giang: Quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2015 của Bắc Giang đạt 57,91 điểm, xếp hạng 40/63 tỉnh, thành phố. Tuy tăng 1 bậc so với năm 2014 và được xếp trong nhóm có chất lượng điều hành kinh tế khá nhưng điều này vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của chính quyền và các doanh nghiệp.
Ông Trịnh Hữu Thắng - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Giang. Ảnh:BGP/Trâm Anh.

Yếu ở đâu?

Nếu như trước đây, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI chỉ mang tính chất tham khảo và chưa được áp dụng rộng rãi thì nay nó đã trở thành một thước đo quan trọng phản ánh môi trường kinh doanh của một địa phương. Nó đo lường và xếp hạng chất lượng điều hành kinh tế của một tỉnh, thành phố qua cảm nhận của các doanh nghiệp trên địa bàn, từ đó thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong cải thiện năng lực cạnh tranh sau khi chỉ số PCI năm 2014 được công bố, nhưng so sánh chỉ số này của Bắc Giang giữa 2 năm 2014 và 2015 thì không có sự thay đổi nhiều. Trong 10 chỉ số thành phần, Bắc Giang chỉ có 4 chỉ số tăng điểm (tiếp cận đất đai, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng) và có đến 6 chỉ số giảm điểm (chi phí gia nhập thị trường, tính minh bạch, tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động, thiết chế pháp lý).

Trong đó, chỉ số thiết chế pháp lý có mức giảm điểm mạnh nhất và cũng là chỉ số có điểm số thấp nhất trong 10 chỉ số thành phần của PCI Bắc Giang năm 2015. Có đến 40% doanh nghiệp đánh giá tòa án các cấp của tỉnh giải quyết các vụ kiện kinh tế còn chậm. Nhiều doanh nghiệp chưa tin tưởng vào các cơ quan xử lý pháp luật trong việc giải quyết các vấn đề về tranh chấp, nợ đọng... của các doanh nghiệp.

Theo ông Trịnh Hữu Thắng – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Giang, tính công khai, minh bạch trong thực hiện các thủ tục hành chính đóng vai trò quan trọng trong cải thiện môi trường đầu tư. Tuy nhiên, hiện nay, doanh nghiệp và người dân muốn nắm bắt thông tin về những thủ tục cũng như một loạt quy hoạch liên quan đến lĩnh vực muốn đầu tư là tương đối khó khăn. Chưa có một địa chỉ hay một trang thông tin chính thống nào để công khai thông tin. Nhà đầu tư rất vất vả trong quá trình tiếp cận thông tin để đưa ra những lựa chọn lĩnh vực đầu tư và phù hợp với quy hoạch.

Cùng với đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin tại bộ phận “một cửa” được đánh giá chưa tốt. Cán bộ tại bộ phận “một cửa” chưa am hiểu về chuyên môn, còn gặp nhiều lúng túng trong việc hướng dẫn cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình làm các thủ tục đầu tư, từ đó dẫn đến các doanh nghiệp phải trả chi phí gia nhập thị trường cao. Vẫn có đến hơn một nửa doanh nghiệp phản ánh tình trạng cán bộ, công chức nhũng nhiễu khi giải quyết các thủ tục cho doanh nghiệp. Cơ bản tỷ lệ các doanh nghiệp được khảo sát cho rằng cần phải trả các khoản chi phí không chính thức mới giải quyết được công việc đạt hiệu quả như mong muốn.

Môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi sẽ là động lực trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Ảnh: BGP/Trâm Anh.

Vượt qua rào cản

Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh có gần 3,5 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động. Giai đoạn 2011-2015, toàn tỉnh thu hút được khoảng 500 dự án đầu tư, trong đó có 338 dự án đầu tư trong nước và 167 dự án đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. Các doanh nghiệp hoạt động tại tỉnh đã có những đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Năm 2015, các doanh nghiệp nộp ngân sách Nhà nước trên 1,2 nghìn tỷ đồng (chiếm 35,4% tổng thu ngân sách của tỉnh). Đồng thời tạo việc làm cho trên 150 nghìn lao động, chiếm khoảng 14% tổng số lao động xã hội. Ngoài ra, các doanh nghiệp trong tỉnh còn góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng tích cực, nâng cao giá trị xuất khẩu của tỉnh. Năm 2015, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt khoảng 2,46 tỷ USD.

Với quyết tâm cải thiện mạnh mẽ môi trường thu hút đầu tư, kinh doanh, coi đây là yếu tố quyết định tới phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tới đây Tỉnh ủy Bắc Giang sẽ ban hành Nghị quyết cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh giai đoạn 2016-2020. Ông Trịnh Hữu Thắng – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư khẳng định: “Điều này thể hiện nỗ lực, quyết tâm cao của chính quyền tỉnh nhằm tạo sự nhất quán trong chỉ đạo, điều hành, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh phải là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Ngay sau khi Nghị quyết ban hành, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể phân công nhiệm vụ đến từng sở, ngành, có cơ chế kiểm soát chặt chẽ trong quá trình thực hiện để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu mà Nghị quyết đề ra”.

Điểm mấu chốt trong cải thiện môi trường đầu tư mà theo ông Thắng trước mắt cần tập trung thực hiện, đó là cải cách hành chính và tăng cường sự công khai, minh bạch trong giải quyết các công việc cho các nhà đầu tư. Trong đó, sớm hoàn thành và đưa vào hoạt động Trung tâm hành chính công cấp tỉnh để giúp các nhà đầu tư thuận lợi trong giải quyết các thủ tục hành chính có liên quan. Đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý, điều hành của các cơ quan nhà nước. Đặc biệt xây dựng, sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ có trách nhiệm, năng lực hướng dẫn cho các nhà đầu tư để giảm chi phí gia nhập thị trường, chi phí thời gian cho các nhà đầu tư. Kiên quyết xử lý nghiêm cán bộ có biểu hiện gây phiền hà, nhũng nhiễu hoặc có dư luận không tốt của các nhà đầu tư.

Ông Thắng cũng cho rằng cần thực hiện công khai các tài liệu quy hoạch, tài liệu về pháp lý, ngân sách lên trang thông tin điện tử của các sở, ngành, huyện, thành phố góp phần tăng tính minh bạch trong công tác quản lý nhà nước, giúp các nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận thông tin đối với các lĩnh vực đầu tư mà họ quan tâm cũng như đưa ra các quyết định đầu tư./.                  

Trung bình (0 Bình chọn)