Bắc Giang nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho nông dân.

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Những năm gần đây, các khu, cụm công nghiệp phát triển mạnh kéo theo diện tích đất nông nghiệp dần thu hẹp làm dôi dư một lượng lớn lao động nông thôn. Trước thực tế đó, tỉnh Bắc Giang đã đặc biệt quan tâm đầu tư cho công tác đào tạo nghề cho nông dân.

Đào tạo nghề cho người lao động tại Công ty cổ phần sứ gốm Bắc Giang.

Trước đây, cuộc sống của gia đình anh Ong Xuân Huynh ở thị trấn Neo (Yên Dũng) gặp rất nhiều khó khăn. Anh đã đi nhiều nơi, làm nhiều việc để kiếm sống nhưng chưa tìm được công việc ổn định. Trở về quê, anh luôn trăn trở phải kiếm một công việc, một nghề gì đó ổn định bởi gia đình đông người mà chỉ trông vào vài sào ruộng thì khó bảo đảm cuộc sống. Năm 2005, đang lúc chưa tìm ra hướng đi thì anh được Trung tâm dạy nghề Đức Tâm tư vấn học nghề điện theo chương trình dạy nghề ngắn hạn miễn phí đối với lao động nông thôn. Học được nghề, anh mạnh dạn mở cửa hàng sửa chữa đồ điện dân dụng ngay tại nhà, nhờ đó cuộc sống của gia đình anh từng bước được nâng lên.

Cũng như bao nông dân khác, chị Nguyễn Thị Vân, thôn Tuấn Thịnh, xã Tân Thanh (Lạng Giang) do không có nghề phụ nên quanh năm quanh quẩn với việc đồng áng. Với hơn 2 sào ruộng, vợ chồng chị chỉ làm vài ngày đã xong việc cả vụ, thời gian rảnh rỗi cũng khá nhiều. Năm 2006, để có thêm việc làm, chị Vân đã mạnh dạn theo học lớp dạy may công nghiệp miễn phí cho nông dân. Sau khi học xong, chị nhận may gia công quần, áo cho các của hàng lớn. Đến nay, chị đã xin được vào Công ty may của Hàn Quốc với mức thu nhập ngót một triệu đồng/tháng.

Đó chỉ là hai trong số hàng nghìn nông dân của tỉnh được tham gia các lớp dạy nghề và khẳng định được nghề mới có hiệu quả, gắn bó cuộc sống lâu dài của mình với nghề mới. Thực hiện chương trình dạy nghề ngắn hạn miễn phí cho lao động nông thôn, năm 2006 các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh đã đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho 8.110 lao động. Các ngành nghề được đào tạo chủ yếu là may công nghiệp, cơ khí, điện, tin học, giúp việc gia đình, thêu tranh, móc sợi, trồng trọt, chăn nuôi…. Tuy nhiên, hiện nay con số này chỉ chiếm phần nhỏ so với hàng chục nghìn hộ có nhu cầu. Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh có 25% lao động ở khu vực thành thị, 70% lao động ở nông thôn thiếu việc làm từ 2-3 tháng. Khảo sát ở một số địa phương cho thấy, thực tế không phải nông dân nào sau khi học nghề, học việc cũng phát huy được hiệu quả. Nguyên nhân chủ yếu do trình độ học vấn, tay nghề, khả năng tiếp thu nghề mới còn chậm, nhận thức về nghề mới còn hạn chế, nông dân chưa quen với tác phong công nghiệp. Bên cạnh đó, công tác dạy nghề cho nông dân trên địa bàn tỉnh  vẫn tồn tại một số hạn chế là cơ cấu ngành nghề đào tạo chưa phù hợp. Chương trình đào tạo còn chậm đổi mới để thích ứng với công nghệ và thực tiễn, nội dung đào tạo nặng về lý thuyết. Đội ngũ giáo viên dạy nghề còn thiếu so với nhu cầu. Điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ việc dạy và học của một số cơ sở dạy nghề còn cũ, lạc hậu đã ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học nghề.

Để nâng cao chất lượng dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn, hiện nay, cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, các cấp chính quyền và các ngành chức năng đang tăng cường công tác quản lý nhà nước về đào tạo nghề; xây dựng kế hoạch đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu phát triển nguồn nhân lực của từng địa phương và nhu cầu của thị trường. Ngành giáo dục – đào tạo cũng đang đẩy mạnh các biện pháp  nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên.  Toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2010 có khoảng 29 nghìn lao động được qua các lớp đào tạo nghề./.

Trung bình (0 Bình chọn)