Bắc Giang chú trọng phát triển ngành nghề nông thôn.

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Nhiều làng nghề truyền thống được khôi phục, không ít nghề mới du nhập về các địa phương giúp cho hàng nghìn nông dân có việc làm, nâng cao thu nhập. Đây cũng là bước tạo đà để Bắc Giang khơi dậy tiềm năng ngành nghề nông thôn, phát triển nhanh trên đư

Nghề làm hàng xuất khẩu “lên ngôi”

Phụ nữ dân tộc Tày ở xã Kiên Lao (Lục Ngạn) trong giờ học nghề.

Hiện nay, làng nghề chẻ tăm lụa thôn Lực, xã Tân Mỹ (Yên Dũng) không những được người dân trong nước mà còn được khách nước ngoài biết đến.  Từ lúc chỉ có một hộ làm nghề, đến nay đã phát triển thành HTX Tân Mỹ chuyên đào tạo nghề và lo đầu ra cho sản phẩm, thu hút 95% số hộ trong thôn tham gia.  Nhờ chất lượng tốt, tăm lụa Tân Mỹ là nguyên liệu tạo ra nhiều đồ vật độc đáo, tinh xảo, mang tính thẩm mỹ cao như: Mành dệt hoa văn, bình phong, tranh tre dân tộc Việt, quạt, tranh tứ bình, đèn lồng, mành dệt hoa văn… được khách hàng nước ngoài ưa chuộng. Nghề chẻ tăm lụa cho thu nhập 30-40 nghìn đồng/người/ngày là tương đối cao với lao động nông thôn.

Không chỉ riêng thôn Lực, nghề chẻ tăm lụa đang được nhân rộng trong xã và vùng lân cận như Song Khê, Nội Hoàng (Yên Dũng); Tăng Tiến (Việt Yên) thu hút khoảng 700 lao động tham gia. Trong xu thế hội nhập hiện nay, những nghề thủ công tạo ra sản phẩm chất lượng cao, tinh xảo luôn được khách hàng nước ngoài ưa chuộng nên nghề chẻ tăm lụa có tương lai sáng sủa. Qua tìm hiểu thị trường, huyện Yên Dũng đã lựa chọn nghề này để nhân rộng nhằm giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Cũng trong xu thế mở mang nghề mới có hiệu quả kinh tế cao, phù hợp lao động địa phương và sản phẩm có ưu thế trong xuất khẩu đang được nhiều địa phương quan tâm nên nghề móc sợi nhanh chóng tìm được chỗ đứng. Đến nay, nghề này đã thu hút hàng nghìn người tại Lục Ngạn, xã Dương Đức (Lạng Giang); Việt Tiến (Việt Yên), Bắc Lũng (Lục Nam)… tham gia. Nhờ ưu điểm dễ học, dễ làm, tận dụng thời gian nông nhàn và đầu ra của sản phẩm được một số HTX ký hợp đồng bao tiêu, xuất khẩu nên nghề móc sợi đang được nhiều địa phương du nhập. Ở huyện Hiệp Hoà nhiều người biết đến chị Nguyễn Thị Xiêm, xã Lương Phong. Nhờ sự năng động nắm bắt nhu cầu thị trường và nguyện vọng của người dân quê mình, người phụ nữ trẻ này đã học và mang nghề móc túi cước xuất khẩu về làng và nhân rộng toàn xã thu hút hàng trăm người làm. Sản phẩm thủ công đậm nét truyền thống dân tộc làm ra đến đâu được thu mua xuất khẩu sang các nước châu Âu. Mới đây, sản phẩm vôi tại xã Hương Vĩ (Yên Thế) cũng đã xuất ngoại, mang lại nguồn lợi lớn cho người dân nơi đây.

Bức tranh toàn cảnh

Bắc Giang hiện có 24 làng nghề truyền thống mà một số sản phẩm đã nổi tiếng tạo được uy tín trong nước. Thời gian qua, một số dự án hỗ trợ xây dựng hạ tầng làng nghề cũng như xây dựng thương hiệu sản phẩm truyền thống, đặc sản của tỉnh tạo thuận lợi cho làng nghề ngày càng phát triển. Một số làng nghề truyền thống như làng mộc Đông Thượng (Yên Dũng), mỳ Thủ Dương (Lục Ngạn), rượu làng Vân và mây tre đan Tăng Tiến (Việt Yên) mở rộng quy mô sản xuất và nâng cao uy tín. Hình thức tổ chức sản xuất tại các làng nghề cũng có sự chuyển biến phù hợp với cơ chế quản lý, thích ứng hội nhập. Bằng việc tích cực tìm hiểu, nắm bắt thị hiếu, nhu cầu người tiêu dùng, đồng thời cải tiến  mẫu mã, nâng cao chất lượng nên sản phẩm làng nghề không ngừng  vươn ra thị trường thế giới. Với khoảng 40 mẫu độc đáo, đa dạng, sản phẩm mành tăm của HTX Tăng Tiến hiện đã có mặt tại các thị trường như Nga, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... mang lại lợi ích kinh tế cao. Sự ra đời của HTX sản xuất rượu Vân Hương và những nỗ lực trong xây dựng thương hiệu, tìm thị trường đã đưa danh tiếng “Vân hương mỹ tửu” lan xa. Từ gạo nếp cái hoa vàng kết hợp loại men của 35 vị thuốc Bắc cùng bí truyền gia tộc lâu đời với thổ nhưỡng, nguồn nước địa phương đã tạo nên loại rượu độc đáo có vị cay, thơm nồng. Những sản phẩm mới liên tục ra đời như rượu Vodka, nếp ngâm hạ thổ không chỉ được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng mà không ít khách nước ngoài tìm đến tận nơi mua làm quà sau khi được thưởng thức tại các hội chợ triển lãm. Việc mang sản phẩm trưng bày tại các hội chợ và đoạt nhiều giải thưởng không chỉ khẳng định chất lượng mà còn là dịp giới thiệu sản phẩm rộng rãi cho khách hàng. Sau mỗi lần như vậy, “Vân hương mỹ tửu” lại có thêm những khách hàng mới. Đó là nguồn khích lệ để hơn 700 hộ dân địa phương vẫn “thuỷ chung” với nghề truyền thống. Gần đây, người làng nghề mộc Đông Thượng không ngừng học hỏi, nâng cao tay nghề để tạo ra một số sản phẩm có hình thức, mẫu mã “một chín, một mười” so với sản phẩm cùng loại của làng nghề Đồng Kỵ (Bắc Ninh). Điều này đã mang lại cho làng nghề nhiều hợp đồng đặt hàng, góp phần tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động…

Song hành cùng sự phát triển, nhiều nghề mới được du nhập vào tỉnh và nhanh chóng khẳng định vị thế như: mây tre giang đan, gốm sứ, gia công tóc giả, nứa cuốn sơn mài, thêu ren, làm đũa gỗ xuất khẩu… Hiện nay, ngoài các làng nghề truyền thống, Bắc Giang đã xuất hiện thêm 9 làng nghề mới và hơn 400 làng có nghề, thu hút hàng chục nghìn hộ dân tham gia. Để khuyến khích ngành nghề nông thôn phát triển, chỉ tính riêng năm 2007,ngân sách tỉnh đã dành gần 5 tỷ đồng hỗ trợ chương trình đào tạo nghề cho hơn 8 nghìn lao động nông thôn. Nhiều dự án dạy nghề ngắn hạn cho thanh niên dân tộc được thực hiện và các cơ sở dạy nghề xuất hiện ngày càng nhiều đáp ứng nhu cầu người lao động…

Hiện nay, các địa phương trong tỉnh tiếp tục khai thác tiềm năng phát triển nghề chế biến nông, lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí nhỏ và dịch vụ nông nghiệp; mở rộng và phát triển các làng nghề theo hướng hình thành các cụm sản xuất TTCN quy mô nhỏ và vừa; phát triển làng nghề gắn với hoạt động văn hoá, du lịch và bảo vệ sinh thái… Tuy vậy, để đạt được mục tiêu “mỗi làng mỗi nghề” thì các ngành, địa phương cần khuyến khích các doanh nghiệp, HTX tham gia đào tạo nghề, sản xuất và liên kết tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, cần tăng cường xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, quảng bá rộng rãi sản phẩm làng nghề hướng vào thị trường xuất khẩu. Với những nơi chưa có nghề, cần xem xét lựa chọn ngành nghề phù hợp với điều kiện, phong tục tập quán của địa phương.

Trung bình (0 Bình chọn)