Bắc Giang đảm bảo cung cầu, bình ổn thị trường dịp Tết Nguyên đán 2024

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Để phục vụ nhu cầu mua sắm của Nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, tỉnh Bắc Giang tăng cường thực hiện các giải pháp quản lý và đảm bảo cân đối cung cầu, góp phần bình ổn thị trường, bảo đảm an sinh xã hội, gắn với thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Tổng giá trị hàng hóa cung ứng phục vụ Tết trên địa bàn tỉnh Bắc Giang ước tính đạt hơn 4.200 tỷ đồng.

Đảm bảo nguồn cung hàng hóa, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân

Theo dự báo của Sở Công Thương, thị trường hàng hóa bán lẻ năm nay trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục duy trì đà tăng 2-5% so với Tết Quý Mão 2023 do nhu cầu tiêu dùng, mua sắm của người dân và nhu cầu sử dụng cho sản xuất, xây dựng cuối năm tăng cao hơn theo thường lệ. Để phục vụ nhu cầu của người dân, tổng giá trị hàng hóa cung ứng phục vụ Tết trên địa bàn tỉnh ước tính đạt hơn 4.200 tỷ đồng.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, sản lượng nông sản, thực phẩm cung ứng ra thị trường dịp Tết sẽ đáp ứng đủ nhu cầu của người dân trong tỉnh và cung cấp cho thị trường các tỉnh, thành phố lân cận như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn,… Cụ thể, rau, củ quả 200 nghìn tấn; lợn 44,7 nghìn tấn; gia cầm các loại 32,5 nghìn tấn; thịt bò 1,6 nghìn tấn; trứng gia cầm 69 nghìn quả; thủy sản các loại 14,2 nghìn tấn...

Để đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường, Giám đốc Sở Công Thương Trần Quang Tấn cho biết ngay từ tháng 11/2023, Sở đã triển khai kế hoạch thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, trong đó tập trung cao vào công tác dự báo tình hình, kích cầu tiêu dùng, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa.

Nhằm kích cầu thị trường tiêu dùng trên địa bàn, đẩy mạnh hoạt động sản xuất và kinh doanh, Sở Công Thương đã triển khai Chương trình “Tuần lễ thương mại điện tử quốc gia và Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam - Online Friday 2023” (từ ngày 27/11/2023 đến hết ngày 03/12/2023); 60 giờ ngày mua sắm trực tuyến (từ 0h00’ ngày 01/12/2023 đến 12h00’ ngày 03/12/2023) thu hút hàng chục nghìn người tham gia mua sắm, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa. Dịp Tết Nguyên đán, Sở tiếp tục đẩy mạnh triển khai các hoạt động thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhằm hỗ trợ, thúc đẩy tiêu thụ, lưu thông hàng hóa trong nước sản xuất.

Bên cạnh đó, định hướng, khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ, chuẩn bị tốt nguồn hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân trên địa bàn tỉnh trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Hàng hóa phải đảm bảo chất lượng, được niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Các đơn vị, cửa hàng kinh doanh hàng Tết phải đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường phòng chống cháy nổ và an ninh trật tự.

Gian hàng bày bán các sản phẩm Việt Nam phục vụ Tết Giáp Thìn 2024 tại Siêu thị Co.opmart (TP Bắc Giang).

Theo quan sát thực tế tại Siêu thị Co.opmart (TP Bắc Giang), hiện lượng hàng hóa phục vụ dịp Tết Giáp Thìn 2024 tại siêu thị đang rất phong phú, dồi dào với đủ chủng loại, mẫu mã bắt mắt. Chia sẻ với phóng viên, ông Trịnh Ngọc Hoài Thương - Giám đốc Siêu thị Co.opmart Bắc Giang cho biết, nhằm thực hiện nhiệm vụ bình ổn giá cả thị trường trong giai đoạn cao điểm cuối năm, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong 3 tháng trước, trong và sau Tết, Siêu thị Co.opmart Bắc Giang đã triển khai dự trữ nguồn hàng hóa thiết yếu ngay từ giữa năm 2023 với cơ cấu hàng Việt Nam đạt hơn 95%. Tổng giá trị nguồn hàng thiết yếu phục vụ Tết hơn 15 tỷ đồng, tăng khoảng 20-30% so với Tết năm trước và tăng khoảng 50% tùy theo nhóm hàng so với tháng kinh doanh bình thường. Phần lớn ngân sách ưu tiên cho trữ lượng các nhóm hàng bình ổn thị trường gồm: gạo, đường, dầu ăn, thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản,… còn lại dành cho các mặt hàng thực phẩm, phi thực phẩm khác và các loại đặc sản Tết.

Ngay từ giữa tháng 12/2023, Siêu thị Co.opmart Bắc Giang đã triển khai chương trình Tết bằng các hoạt động giảm giá trực tiếp từ 50 - 100% cho hơn 10.000 sản phẩm Tết. Những ngày cận Tết, Siêu thị cũng sẽ luân phiên giảm giá mạnh cho hàng nghìn sản phẩm; dành nhiều ưu đãi cho người lao động có thu nhập thấp như ưu tiên mua hàng giảm giá; tổ chức hơn các chuyến bán hàng lưu động đến các khu công nghiệp, vùng sâu, vùng xa…

Tăng cường công tác kiểm tra, quản lý thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.

Siết chặt quản lý thị trường, bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng

Để chủ động kiểm soát tình hình, kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, ngay từ tháng 12/2023, Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389) tỉnh đã triển khai đợt cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.

Với vai trò, trách nhiệm của cơ quan Thường trực giúp việc của BCĐ 389 tỉnh, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh chủ động chỉ đạo các đội QLTT tổ chức kiểm tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật thương mại tập trung trên các lĩnh vực. Phối hợp với các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng. Chủ động phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật của Nhà nước về chống các hành vi vi phạm pháp luật thương mại,…

Riêng từ đầu năm tới nay, lực lượng QLTT tỉnh đã chủ động, phối hợp với các ngành, cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra 114 vụ, xử lý 98 vụ. Tiền xử phạt vi phạm hành chính, thu lợi bất hợp pháp, tiền bán hàng tịch thu và trị giá hàng tiêu hủy là hơn 1,1 tỷ đồng; tập trung vào các vi phạm về sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng và quyền sở hữu trí tuệ đối với các mặt hàng xì gà, thuốc lá điếu, rượu, bánh kẹo, thực phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng,…

Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Chu Thanh Hiến khẳng định dịp Tết Giáp Thìn 2024, công tác kiểm soát chặt chẽ tình hình vận chuyển, buôn bán, kinh doanh hàng ngoại nhập lậu, gian lận thương mại; sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm về nhãn hàng hóa, sở hữu trí tuệ và vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm phải được thực hiện thường xuyên, liên tục.

Từ nay đến Tết Nguyên đán, Cục QLTT tiếp tục chỉ đạo Văn phòng Cục và các đội QLTT trực thuộc duy trì ca trực 24/24h kể cả ngày cuối tuần để tiếp nhận thông tin, theo dõi diễn biến thị trường, phối hợp với các ngành chức năng nhằm kiểm tra, kiểm soát thị trường phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm. Các đội QLTT quản lý tốt địa bàn, thường xuyên theo dõi, nắm bắt thông tin, giám sát, kiểm tra, xử lý tập trung các nhóm hàng hóa bao gồm thực phẩm tươi sống, quần áo, rượu bia, nước giải khát, hàng tiêu dùng,… Qua đó, góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để mọi người, mọi nhà vui Xuân đón Tết an toàn, tiết kiệm./.

Thảo My

Trung bình (0 Bình chọn)