6 nhiệm vụ triển khai ngay của Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước Nguyễn Hoàng Anh đã báo cáo trước Thủ tướng Chính phủ về 6 nhiệm vụ cần triển khai ngay của Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Sáng 12/2, tại Trụ sở của Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Chính phủ đã công bố Nghị quyết thành lập cơ quan này và Thủ tướng Chính phủ đã trao Quyết định bổ nhiệm Chủ tịch Uỷ ban đối với ông Nguyễn Hoàng Anh, Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư tỉnh uỷ Cao Bằng.

Cùng tham dự còn có Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Tổ trưởng Tổ công tác của Chính phủ về thành lập Uỷ ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, các đồng chí Bộ trưởng, Thứ trưởng các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp, Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bí thư Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương, Lãnh đạo tỉnh Cao Bằng.

Phát biểu tại lễ công bố, ông Nguyễn Hoàng Anh bày tỏ sự biết ơn sâu sắc tới Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Chính phủ đã tin tưởng giao trọng trách làm Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Hoàng Anh cho rằng để làm tốt vai trò quản trị và sử dụng hiệu quả, bảo toàn, phát triển và tối đa hóa giá trị vốn nhà nước được giao, Uỷ ban cần phải có đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất đạo đức, năng lực trình độ chuyên môn và bộ máy tổ chức hiệu quả và sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự giám sát chặt chẽ của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp nhịp nhàng của các bộ, ban, ngành liên quan.

Là cơ quan mới thành lập, việc thực hiện Nghị quyết số 01/2018/NQ-CP của Chính phủ là thách thức lớn đối với Ủy ban, đòi hỏi phải có những đổi mới, cải tiến trong cách thức tiếp nhận và triển khai thực hiện nhiệm vụ. Ông Nguyễn Hoàng Anh đặt ra một số nhóm giải pháp chính cần triển khai ngay trong năm 2018 và những năm tiếp theo, thứ nhất là nhóm giải pháp về ổn định cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ của Ủy ban.

Theo đó, tập trung xây dựng Kế hoạch hành động của Ủy ban, trong đó có phân giao trách nhiệm và thời gian cụ thể để hoàn thành từng nội dung công việc theo đúng lộ trình yêu cầu của Chính phủ. Đặc biệt là lộ trình tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Ủy ban sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để đến hết năm 2018 tiếp nhận toàn bộ các doanh nghiệp thuộc đối tượng quản lý của Ủy ban theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Thứ hai là nhóm giải pháp về thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đầu tư. Ủy ban sẽ tập trung rà soát, làm việc với các tập đoàn, tổng công ty, thúc đẩy và động viên các doanh nghiệp tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư ổn định, theo kế hoạch và thực hiện các nhiệm vụ đã được giao theo quy định của pháp luật. Phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch đã giao của năm 2018.

Rà soát, đánh giá và thúc đẩy các doanh nghiệp tiếp tục thực hiện tiết giảm chi phí sản xuất kinh doanh và đầu tư; áp dụng tổ chức lao động khoa học trong sản xuất, sắp xếp lại lao động để tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả công việc; rà soát, xây dựng hoặc bổ sung ban hành các định mức liên quan đến chi phí sản xuất kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp, làm cơ sở để xây dựng tiêu chí quản lý, kiểm tra, giám sát thực hiện.

Uỷ ban sẽ thúc đẩy ứng dụng, đầu tư cho đổi mới công nghệ, sản phẩm, dịch vụ trên cơ sở tận dụng thành quả của cách mạng công nghiệp 4.0, từng bước nâng cao giá trị gia tăng, tăng cường hiệu quả kinh doanh và phát triển bền vững. Đối với một số Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước đang có khó khăn, Ủy ban sẽ phối hợp với các Bộ, ngành tiến hành rà soát, đánh giá thực trạng; xác định nguyên nhân và giải pháp xử lý; khoanh lại những điểm tồn tại, để từ đó tiếp tục động viên doanh nghiệp tập trung vào sản xuất kinh doanh, phấn đấu đạt kết quả tốt trong thời gian tới; đồng thời đề xuất cơ chế xử lý và có lộ trình thực hiện cơ cấu lại tài sản để tập trung nguồn lực cho hoạt động kinh doanh chính, bổ sung vốn để tiếp tục thực hiện các dự án đầu tư cấp bách, hạn chế thất thoát vốn do kéo dài thời gian dự án…

Thứ ba, về nhóm giải pháp về sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước. Trong năm 2018 và những năm tiếp theo, Ủy ban sẽ tiếp tục chỉ đạo và thúc đẩy sắp xếp, cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp theo các quyết định và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; không làm chậm, gián đoạn, trì hoãn lộ trình đã được phê duyệt; rà soát, chỉ đạo và yêu cầu các doanh nghiệp đã cổ phần hóa thực hiện nghiêm quy định về đăng ký lưu ký, đăng ký giao dịch, đăng ký niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Đối với nhóm giải pháp thứ tư về quản trị doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoàng Anh cho biết trong năm 2018 và các năm tiếp theo Ủy ban sẽ chủ trì và phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý doanh nghiệp cho phù hợp, đáp ứng được yêu cầu của tình hình, nhiệm vụ mới. Bên cạnh đó, Ủy ban cũng sẽ tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ việc vay nợ và sử dụng vốn vay của doanh nghiệp nhà nước, nhất là vay nợ nước ngoài; thực hiện công bố, minh bạch báo cáo tài chính, thông tin tài chính, kinh doanh, điều hành của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước…

Thứ năm, lấy phát triển của doanh nghiệp làm mục tiêu, coi đây là trọng tâm của quá trình đổi mới và cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước.

Cuối cùng, Ủy ban sẽ nghiêm túc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính, lề lối, phong cách làm việc theo đúng tinh thần chỉ đạo chung của Thủ tướng Chính phủ nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong hoạt động của Ủy ban.

Trung bình (0 Bình chọn)