Đồng chí Ngô Trọng Vịnh, Uỷ viên Ban thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh trả lời phỏng vấn nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống HĐND tỉnh (5/7/1946 – 5/7/2006).

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Phát huy truyền thống qua các khoá của HĐND tỉnh, trong nhiệm kỳ 2004 – 2009, HĐND tỉnh Bắc Giang khoá XVI đã có nhiều đổi mới trong hoạt động. Nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống HĐND tỉnh (5/7/1946 – 5/7/2006), Trang thông tin điện tử Bắc Giang đã

Đ/c Ngô Trọng Vịnh

* PV: Thưa đồng chí ! HĐND tỉnh đã qua 16 nhiệm kỳ bầu cử. Xin đồng chí cho biết, nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và mong muốn của cử tri trong tỉnh, HĐND tỉnh Bắc Giang khoá XVI đã làm gì để nâng cao chất lượng hoạt động?

* Đồng chí Ngô Trọng Vịnh: Ngay sau khi cuộc bầu cử HĐND tỉnh Khoá XVI, nhiệm kỳ 2004 - 2009 thành công, HĐND tỉnh đã bầu các chức danh trong Thường trực HĐND, các Ban của HĐND đủ số lượng, đảm bảo chất lượng. Tại kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh đã xây dựng Quy chế làm việc của HĐND, nội quy các kỳ họp của HĐND, xây dựng nội dung các kỳ họp toàn khoá của HĐND, nhiệm kỳ 2004 - 2009.

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của HĐND, Thường trực HĐND xây dựng Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Thường trực HĐND, UBND và Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ tỉnh, nhiệm kỳ 2004 - 2009. Ban hành quy định tạm thời về đối tượng, tiêu chuẩn khen thưởng cho các tập thể và đại biểu HĐND; đồng thời hướng dẫn các ban HĐND tỉnh, Thường trực HĐND các huyện, thành phố chấm điểm thi đua đề nghị khen thưởng vào cuối năm.

Hơn 2 năm qua, HĐND tỉnh từng bước đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng chú ý nâng cao chất lượng, hiệu quả: Thường trực HĐND tỉnh tổ chức giao ban với Thường trực HĐND các huyện, thành phố mỗi quý 01 lần; trong hội nghị giao ban, Thường trực HĐND xây dựng chuyên đề để trao đổi như: giải pháp nâng cao chất lượng kỳ họp HĐND; kinh nghiệm giám sát ngân sách của HĐND,...Trong các kỳ họp HĐND, ý kiến trả lời chất vấn, nhất là các lời hứa của thủ trưởng các cơ quan được Văn phòng HĐND tỉnh tổng hợp giúp Thường trực HĐND gửi lại cơ quan, đơn vị được chất vấn và ngành liên quan để tổ chức thực hiện, kết quả thực hiện lời hứa được báo cáo đại biểu HĐND vào kỳ họp tiếp theo... 

* PV:  Mặc dù mới qua hơn nửa nhiệm kỳ hoạt động, song HĐND tỉnh khoá XVI đã tổ chức được khá nhiều các hoạt động giám sát. Đồng chí có thể cho biết công tác chuẩn bị cho các đợt giám sát này ?

* Đồng chí Ngô Trọng Vịnh: Thực hiện chương trình giám sát của HĐND đã thông qua tại kỳ họp thứ 6 tổ chức cuối năm 2005, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND đã cụ thể hoá nội dung giám sát. Trong đó, tập trung vào những vấn đề trọng tâm như công tác quản lý, sử dụng ngân sách ở một số sở, ngành, đoàn thể; hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và đời sống; tình hình thực hiện chính sách xã hội, chính sách dân tộc, miền núi; thực hiện các giải pháp nhằm bảo đảm an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh,...

          Để các đợt giám sát đạt hiệu quả cao, trước hết, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND lựa chọn nội dung giám sát cho phù hợp: nội dung đó nằm trong chương trình giám sát được HĐND thông qua; được nhiều cử tri và đại biểu HĐND quan tâm; theo đó, Thường trực, các Ban HĐND xây dựng kế hoạch giám sát cụ thể, xác định mục đích, yêu cầu, nội dung, thời gian, địa điểm giám sát. Căn cứ nội dung giám sát, Thường trực HĐND, các Ban HĐND thành lập Đoàn giám sát, trong đó mời thêm một số thành viên ở các sở, ngành có nội dung liên quan cùng tham gia. Đoàn giám sát nghiên cứu các văn bản của Trung ương, của tỉnh liên quan đến nội dung giám sát; báo cáo của đơn vị chịu sự giám sát để thảo luận, thống nhất những nội dung cần trao đổi, chất vấn để làm rõ thêm những ưu điểm, khuyết điểm, tồn tại, nguyên nhân khi giám sát. Trong thời gian giám sát, các thành viên của đoàn đến tại địa phương, cơ sở nghe, nắm thông tin, quan sát thực tiễn để bổ sung cho báo cáo và kết quả giám sát. Sau khi đã giám sát ở địa phương, đơn vị, đoàn giám sát tổng hợp báo cáo, thảo luận, xin ý kiến các thành viên của đoàn. Trong báo cáo phải nêu rõ những kiến nghị, yêu cầu cụ thể; gửi báo cáo để đơn vị chịu sự giám sát và các cơ quan liên quan cùng theo dõi, thực hiện. 

* PV: Đồng chí  có ý kiến gì qua các đợt tổ chức hoạt động giám sát ?

* Đồng chí Ngô Trọng Vịnh: Giám sát là một trong những chức năng cơ bản của HĐND, giám sát tốt là tiền đề để HĐND có những quyết định đúng đắn trong việc phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết những vấn đề bức xúc tại địa phương.

         Để hoạt động giám sát của HĐND mạnh lên thì "hậu giám sát" cũng là vấn đề cần được đặt ra một cách nghiêm túc. Sau giám sát phải tổng hợp báo cáo khẳng định những ưu điểm và kết quả làm được, đồng thời chỉ ra những tồn tại, yếu kém và nguyên nhân; trên cơ sở đó nêu  yêu cầu, kiến nghị và thông báo đến cơ sở được giám sát, các tổ chức, cơ quan hữu quan theo quy định. Để thực hiện tốt các ý kiến, kiến nghị sau giám sát, Thường trực HĐND có vị trí, vai trò rất quan trọng trong việc đôn đốc UBND cùng cấp chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và UBND cấp dưới thực hiện những ý kiến kiến nghị của HĐND.

         Tuy nhiên, việc đôn đốc các cơ quan, đơn vị thực hiện những kiến nghi của đoàn giám sát còn chưa thường xuyên hiệu quả giám sát chưa cao. 

* PV: Xin đồng chí cho biết một số biện pháp nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND tỉnh trong thời gian tới ?

* Đồng chí Ngô Trọng Vịnh: Để tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND xứng đáng là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương và niềm tin của cử tri và nhân dân, trước hết: Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, các Tổ và đại biểu HĐND phải tự đổi mới, học tập, nghiên cứu và rèn luyện để nâng cao năng lực công tác, làm đúng, làm tốt nhiệm vụ và quyền hạn của mình. Nếu không làm tốt nội dung này thì vị trí, vai trò của HĐND không được đề cao mà chủ yếu là hợp thức hoá các nội dung trình của UBND.

Thứ hai, Các chủ trương, nghị quyết của Đảng phải được kịp thời thể chế hoá bằng nghị quyết của HĐND; cấp uỷ Đảng lãnh đạo HĐND bằng nghị quyết và chương trình công tác của cấp uỷ hàng năm, trong đó phải xác định nhiệm vụ trọng tâm của từng thời gian cụ thể. Đối với những nội dung bức xúc về kinh tế - xã hội được nhiều đại biểu HĐND, cử tri quan tâm, HĐND tiến hành khảo sát, giám sát chuyên đề để bàn và kết luận cụ thể, khắc phục tình trạng giám sát dàn trải, thiếu chiều sâu, đồng thời cấp uỷ phải lãnh đạo để nâng cao chất lượng các kỳ họp HĐND, trong đó trọng tâm là nâng cao chất lượng các báo cáo, tờ trình, văn bản, thảo luận và nghị quyết của HĐND.

Thứ ba, chú trọng bồi dưỡng, nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của đại biểu HĐND. Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức lớp bồi dưỡng cho một số đại biểu HĐND tỉnh; Thường trực HĐND các huyện, thành phố về một số Luật mới ban hành; về kỹ năng hoạt động và nâng cao kiến thức về giới; lồng ghép giới trong hoạt động của HĐND.

Thứ tư, tăng cường mối quan hệ công tác với UBND, Uỷ ban MTTQ và các đoàn thể nhân dân, TAND, Viện KSND tỉnh; đặc biệt là mối quan hệ với nhân dân thông qua tiếp xúc cử tri, lắng nghe, tiếp thu ý kiến, kiến nghị, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cử tri để thực hiện tốt chức năng là cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân. 

* PV: Trong thời gian qua, các kỳ họp của HĐND tỉnh đã được truyền hình trực tiếp. Qua theo dõi, cử tri rất phấn khởi song vẫn băn khoăn bởi hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp xem ra còn dè dặt, né tránh. Tới đây, làm thế nào để khắc phục được hạn chế này, thưa đồng chí ?

* Đồng chí Ngô Trọng Vịnh: Đúng là trong các kỳ họp vừa qua, hoạt động chất vấn của các đại biểu tại kỳ họp còn ít, nội dung chất vấn còn chung chung nên chưa đáp ứng được yêu cầu của cử tri qua theo dõi truyền hình trực tiếp các kỳ họp.

Để khắc phục hạn chế này, Thường trực HĐND đã rút kinh nghiệm các kỳ họp vừa qua, trong đó, có nội dung chất vấn và trả lời chất vấn. Các kỳ họp tới, Thường trực HĐND đề nghị các Ban của HĐND; các Tổ đại biểu HĐND; đại biểu HĐND thông qua hoạt động giám sát thường xuyên, tiếp xúc cử tri và báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri trước kỳ họp; qua nghiên cứu các báo cáo của UBND và các ngành hữu quan trình kỳ họp để có câu hỏi chất vấn. Phương châm là các Ban của HĐND qua thẩm định báo cáo, quy hoạch, dự thảo nghị quyết; các Tổ đại biểu HĐND đều phải có ít nhất từ 01 đến 02 câu hỏi chất vấn gửi về Thường trực HĐND. Câu hỏi chất vấn phải ngắn gọn, cụ thể để Thường trực HĐND lựa chọn những vấn đề trọng tâm, bức xúc chất vấn tại kỳ họp. 

* PV: Những biện pháp đó sẽ được áp dụng ngay tại kỳ họp thứ 7 - HĐND tỉnh sắp tới? Thưa đồng chí ?

* Đồng chí Ngô Trọng Vịnh: Vâng! Những biện pháp nêu trên sẽ được thực hiện ngay tại kỳ họp thứ 7, tổ chức từ ngày 17 đến 20/7/2006. 

* PV: Xin cảm ơn đồng chí!
Trung bình (0 Bình chọn)