Đoàn công tác Ban Kinh tế Trung ương làm việc tại Bắc Giang

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Sáng 12/4, Đoàn công tác Ban Kinh tế Trung ương do đồng chí Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Tổ trưởng Tổ Biên tập các Đề án làm trưởng đoàn làm việc và khảo sát tại tỉnh Bắc Giang về sơ kết tình hình thực hiện các Nghị quyết về kinh tế của Hội nghị TW5 khóa XII (Nghị quyết số 10, 11, 12-NQ/TW, ngày 03/6/2017). Tham gia đoàn công tác có đại diện một số cục, đơn vị thuộc Ban Kinh tế Trung ương và Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Quang cảnh buổi làm việc.

Tiếp và làm việc với đoàn công tác có các đồng chí: Lê Ánh Dương - Chủ tịch UBND tỉnh; Phạm Văn Thịnh - Trường Ban Dân vận Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh, một số sở, ban, ngành và đơn vị có liên quan.

Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển phát biểu tại buổi làm việc.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển đề nghị các đại biểu tỉnh Bắc Giang và các thành viên đoàn công tác thảo luận thẳng thắn, chia sẻ về quá trình thực hiện các Nghị quyết, tập trung vào một số vấn đề như: Định hướng phát triển doanh nghiệp; chính sách phát triển khoa học công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; những khó khăn, vướng mắc trong thể chế hóa các Nghị quyết,… Đồng thời đề nghị tỉnh làm rõ về các mô hình điển hình, cách làm hay, sáng tạo trong triển khai kinh tế tư nhân (KTTN); cơ chế hỗ trợ khu vực KTTN trong định hướng phát triển, chuyển đổi số, áp dụng khoa học công nghệ,… Đóng góp ý kiến của địa phương về điều chỉnh, bổ sung các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp nêu tại các Nghị quyết; đề xuất, gợi mở các nội dung trọng tâm để tiếp tục thực hiện các Nghị quyết trong thời gian tới.

Sau hơn 6 năm triển khai thực hiện các Nghị quyết số 10, 11, 12 NQ/TW ở tỉnh Bắc Giang, nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên, người quản lý và người lao động trong doanh nghiệp Nhà nước và Nhân dân về phát triển KTTN, về thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước được nâng lên và có bước chuyển biến tích cực.

Khu vực KTTN trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển mới cả về số lượng, chất lượng và đóng góp ngày càng quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Năm 2023, giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp toàn tỉnh đạt 52,4 tỷ USD, gấp 4,4 lần so với năm 2017. Giá trị sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp đạt 541.169 tỷ đồng, gấp 4,2 lần so với năm 2017. Các doanh nghiệp giải quyết việc làm cho trên 306.000 lao động, gấp trên 1,7 lần so với năm 2017. Bắc Giang là một trong các địa phương luôn nằm trong tốp đầu cả nước về lượng vốn FDI cấp mới và bổ sung. Giai đoạn từ 2017 đến nay, đã cấp mới cho 423 dự án FDI, vốn đăng ký đạt 5,1 tỷ USD; điều chỉnh bổ sung cho 362 dự án, với số vốn bổ sung đạt 4,4 tỷ USD.

Tỉnh đã ban hành hệ thống các văn bản, cơ chế, chính sách, quy định toàn diện trên các lĩnh vực như quản lý giá, quản lý đất đai, khoáng sản, quản lý đầu tư, xây dựng, môi trường, tổ chức bộ máy, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển doanh nghiệp, HTX, nông nghiệp, nông thôn…; từ đó nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh được cải thiện rõ rệt, được cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Xếp hạng chỉ số PCI có sự thay đổi vượt bậc. Năm 2021, tỉnh Bắc Giang xếp thứ 31/63 tỉnh, thành phố; năm 2022, tỉnh vươn lên vị trí thứ 02/63 tỉnh, thành phố, nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế tốt trong cả nước. Quyền tự do kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế được bảo đảm hơn. Tinh thần khởi nghiệp và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo đang dần trở thành phong trào rộng khắp.

Công tác quản lý Nhà nước, cải cách thủ tục hành chính đối với khu vực KTTN được tăng cường và chuyển biến tích cực trên tất cả các lĩnh vực. Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công được cải thiện và ngày một nâng lên. Phát huy cao nhất vai trò, trách nhiệm, tích cực, chủ động của cán bộ, công chức với phương châm “3 dám” (dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung), “3 hơn” (quyết liệt hơn, linh hoạt hơn, hiệu quả hơn), “5 rõ” (rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ trách nhiệm và rõ kết quả). Triển khai đồng bộ mô hình “Chính quyền thân thiện” tại 209/209 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Những kết quả trên tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực KTTN phát triển bình đẳng, đúng quy định của pháp luật; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh, công khai minh bạch.

Về thực hiện chuyển đổi và thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, tỉnh đã hoàn thành thoái vốn đối với 2/3 doanh nghiệp đảm tỷ lệ vốn Nhà nước nắm giữ 50 - 65%; thoái toàn bộ vốn hoàn thành được 3/8 đơn vị; sắp xếp chuyển đổi hoàn thành 3/5 đơn vị. Các doanh nghiệp Nhà nước sau khi cơ cấu, đổi mới đã từng bước hoạt động ổn định và phát huy hiệu quả.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương phát biểu tại buổi làm việc.

Phát biểu tại buổi làm việc, làm rõ thêm về định hướng phát triển của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương nhấn mạnh để thúc đẩy phát triển khu vực KTTN, thời gian qua, tỉnh Bắc Giang tập trung chỉ đạo, triển khai xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng cho doanh nghiệp trong nước, hấp dẫn với doanh nghiệp nước ngoài; tạo thị trường thông qua triển khai quy hoạch sớm, có tầm nhìn, tập trung cao cho công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; hỗ trợ cơ chế, chính sách, đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp; qua đó đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Trong những năm gần đây, Bắc Giang chú trọng phát triển kinh tế trên cả 3 lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp. Tỉnh xác định công nghiệp là đầu tàu cho phát triển kinh tế - xã hội với tiêu chí “3 ít” (sử dụng ít đất, ít lao động, ít tác động đến môi trường), “3 cao” (suất đầu tư cao, đóng góp ngân sách cao, công nghệ cao); trong đó, tập trung cao cho lĩnh vực chế biến, chế tạo, công nghệ cao với năng suất sản xuất cao, bền vững, không gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, chuyển dịch, thay đổi định hướng, tư duy, tập trung thu hút các dự án FDI vào các khu công nghiệp, dự án của các doanh nghiệp trong nước vào các cụm công nghiệp, nổi bật là lĩnh vực AI và bán dẫn để hình thành các hệ sinh thái. Triển khai kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là trong lĩnh vực bán dẫn thông qua hình thức đào tạo trong nước và đào tạo ở nước ngoài.

Tại buổi làm việc, các đại biểu thảo luận, đánh giá về kết quả thực hiện các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XII tại tỉnh Bắc Giang. Các thành viên trong đoàn công tác đã trao đổi, làm rõ thêm về các vấn đề quan tâm như những tác động khi áp dụng Luật Đất đai vào thực tiễn của địa phương; thực tiễn triển khai cơ chế, chính sách huy động nguồn vốn hợp tác công tư, phối hợp với các địa phương khác trong đầu tư hạ tầng kết nối giao thông cũng như chuyển đổi số; vấn đề ô nhiễm môi trường, thu gom, xử lý rác thải ở các khu, cụm công nghiệp; kế hoạch cụ thể của địa phương trong triển khai tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải bằng 0 đến năm 2050; cơ chế, chính sách của tỉnh trong hỗ trợ, tạo điều kiện cho khu vực KTTN hội nhập quốc tế, tham gia vào chuỗi liên kết toàn cầu; phát triển kinh tế làng nghề;…

Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển tặng quà lưu niệm cho tỉnh Bắc Giang.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển ghi nhận sự chủ động, sáng tạo, quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, đồng thời đánh giá cao những kết quả triển khai tích cực tại tỉnh Bắc Giang. Đồng chí đề nghị các thành viên trong đoàn công tác tiếp thu các kiến nghị, đề xuất của tỉnh để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Đồng thời đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư bổ sung thêm một số thông tin vào báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện các Nghị quyết kinh tế của Hội nghị TW5 khóa XII./.

Thảo My

Trung bình (0 Bình chọn)