Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào dự án Bộ luật Thi hành án và dự án Luật Công chứng

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Nhằm chuẩn bị cho kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XI, sáng ngày 6.9, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào dự án Bộ luật Thi hành án và dự án Luật Công chứng. Tham dự hội nghị có đại diện các ngành tư pháp, công an

Dự án Bộ luật Thi hành án có 4 Phần với 26 Chương và 345 Điều, qui định cụ thể về nguyên tắc cơ bản; trình tự thủ tục thi hành án dân sự, hành chính, hình sự; tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thi hành án, cơ quan quản lý thi hành án, cảnh sát tư pháp; xã hội hoá thi hành án; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức liên quan và quản lý nhà nước về thi hành án. Dự án Luật Công chứng gồm 8 Chương, 68 Điều qui định về phạm vi công chứng; công chứng viên; hành nghề công chứng; thủ tục công chứng và quản lý nhà nước về công chứng.

Tại hội nghị, đóng góp vào Dự án Bộ luật Thi hành án, các đại biểu đã thảo luận khá sôi nổi. Về cơ bản, các ý kiến đều nhất trí khẳng định sự cần thiết ra đời của dự án luật để đảm bảo tính chặt chẽ, thống nhất trong việc thực hiện thi hành các loại án dân sự, hình sự, hành chính. Dự án luật  đề cập tới công tác xã hội hoá thi hành án dân sự là rất cần thiết, đảm bảo tính khách quan, chính xác của các bản án dân sự phải thi hành. Tuy vậy, dự án nên qui định cụ thể, chi tiết hơn về công tác xã hội hoá thi hành án. Đặc biệt, về mô hình tổ chức cơ quan quản lý thi hành án hình sự, hầu hết các ý kiến thảo luận đều cho rằng thi hành án hình sự là một lĩnh vực phức tạp, liên quan tới công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, để đảm bảo tính hiệu quả, nên giữ nguyên mô hình do Bộ Công an quản lý như hiện nay, chưa nên thành lập mô hình “cảnh sát tư pháp” do Bộ Tư pháp quản lý như  dự án luật đã nêu...

Về dự án Luật Công chứng, các ý kiến thảo luận đều cho rằng về phạm vi điều chỉnh nên mở rộng bao gồm cả công chứng và chứng thực, vì trên thực tế hiện nay, các văn bản hợp đồng, giao dịch phải công chứng rất ít, chủ yếu là chứng thực bản sao. Ngoài ra, các đại biểu còn nêu ý kiến: về thời gian đào tạo nghề công chứng không nên qui định cụ thể là 6 tháng mà nên qui định “thấp nhất là 6 tháng” để phù hợp với yêu cầu đào tạo trong từng giai đoạn cụ thể. Về thủ tục miễn nhiệm công chứng viên không nên qui định “có 5 năm không hành nghề công chứng viên” như dự án đã nêu, mà chỉ nên qui định có thời gian không hành nghề là 02 năm. Về trình tự thủ tục miễn nhiệm công chứng viên nên tiến hành như thủ tục bổ nhiệm, để đảm bảo tính dân chủ..v.v.

Tại Hội nghị, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang đã tiếp thu các ý kiến đóng góp của đại biểu các ngành và hứa sẽ phản ánh tới kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XI vào cuối tháng 10/2006 tới. Cũng trong dịp này, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ tiếp tục lấy ý kiến đóng góp của các ngành, đoàn thể có liên quan đối với các dự án Luật Đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài; dự án Luật Đê điều; dự án Luật cư trú; dự án Luật Hội ./.
Trung bình (0 Bình chọn)