> Điểm báo ngày 24/9/2009.

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết

I/ Qua các báo in:

> Báo Người đại biểu Nhân dân (số 266, ngày 23/9/2009) đưa tin: Nhằm từng bước đưa giống lạc mới năng suất cao, chất lượng tốt thay thế giống lạc cũ, vụ Thu Đông năm nay, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh Bắc Giang triển khai mô hình sản xuất lạc L23 với quy mô 30 ha tại huyện Việt Yên, Hiệp Hòa và Tân Yên. Giống lạc L23 có nhiều ưu điểm như: khả năng sinh trưởng tốt, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, năng suất bình quân đạt 27 tạ/ha. Tham gia sản xuất, nông dân được hỗ trợ 40-60% giá giống và một phần phân bón, tổng kinh phí hỗ trợ gần 200 triệu đồng từ ngân sách Nhà nước.

> Báo Tin tức (số 447, ngày 23/9/2009) cho biết: Ngành giao thông vận tải tỉnh Bắc Giang vừa hoàn thành dự án cải tạo, nâng cấp, đưa vào sử dụng tuyến đường Bố Hạ - Đèo Cà thuộc tỉnh lộ 242 nằm trên địa bàn huyện miền núi Yên Thế. Tuyến đường có chiều dài hơn 6 Km, vốn đầu tư hơn 20,7 tỷ đồng, mặt đường rộng từ 5,5 – 7m.

II/ Qua Internet:

> Theo vietnamnet.vn: Trong phiên thảo luận giữa đoàn ĐBQH Việt Nam - Lào - Campuchia về kinh nghiệm giám sát tổ chức tại Vũng Tàu, các đại biểu đều cho rằng hoạt động giám sát vừa giúp Quốc hội hoàn thiện công tác lập pháp vừa tạo điều kiện cho Quốc hội quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Tuy nhiên, có không ít vụ việc mà các đoàn ĐBQH khi đi giám sát, đã phát hiện và kiến nghị xử lý nhưng cuối cùng vẫn "bỏ ngỏ"...   Điều này vừa làm giảm hiệu lực giám sát, vừa dẫn đến tình trạng giám sát chồng chéo, gây lãng phí bởi khóa trước giám sát rồi mà khóa sau vẫn làm lại. Ngoài chuyện các cơ quan nhà nước chưa triệt để và nghiêm túc tiếp thu, xử lý vấn đề Quốc hội kiến nghị, nhiều đại biểu cũng cho rằng nên xem lại chất lượng giám sát. Hiện giám sát vẫn đang là một khâu yếu. Có đại biểu đưa ra lý do là vì đối tượng chịu sự giám sát hầu như toàn là "cấp trên" của các đại biểu. Thế nên, "dù luật cho phép thì cá nhân từng ĐBQH cũng không thể đơn phương tự đi giám sát"

Còn ông Hoàng Văn Lợi, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang cho rằng, kiến nghị của QH phải rõ ràng, cụ thể: "Nhiều khi phần kiến nghị cứ ghi là đề nghị cơ quan, đơn vị tăng cường năng lực quản lý. Chung chung như vậy khó lắm!". Theo ông, các đoàn ĐBQH, các ủy ban nên đồng loạt tiến hành giám sát về cùng một nội dung thì hiệu quả mới tập trung, như đợt giám sát về gói kích cầu vừa qua. 

> Báo nongnghiep.vn đưa tin: Vừa qua, Bộ TN&MT đã thành lập 8 Đoàn kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản tại 16 tỉnh, TP. Qua kiểm tra cho thấy, hoạt động khai thác khoáng sản trái phép đã và đang diễn ra tại nhiều địa phương, như khai thác vàng tại Quảng Trị, Quảng Nam, TT- Huế, Quảng Bình, Thái Nguyên, Đăk Nông, Lào Cai, Lâm Đồng…; khai thác quặng titan tại Thái Nguyên, Bình Định, Hà Tĩnh; thiếc sa khoáng tại Nghệ An, Lâm Đồng; than tại Bắc Giang, Quảng Ninh, Hoà Bình; caolin, fenspat tại Phú Thọ; khai thác cát trái phép ở hầu hết các tỉnh có sông, suối lớn… Ở nhiều địa phương, tình trạng khai thác khoáng sản khá công khai nhưng chính quyền địa phương, nhất là cấp xã chưa có biện pháp xử lý quyết liệt, hiệu quả.

Trung bình (0 Bình chọn)